Nếu không có những chính sách đột phá tạo đà cho các nhà khoa học và các nhóm nghiên cứu phát huy sức sáng tạo thì chỉ may mắn mới có thể đem lại cho Việt Nam những nghiên cứu đột phá.
Không phải cho đến bây giờ, khi các cụm từ “đột phá”, “tiên phong”, “thiết lập nền tảng mới”, “mang tính chuyển đổi”, “đổi mới sáng tạo”… được nhắc đi nhắc lại trong nhiều cuộc thảo luận chính sách thì giới khoa học mới quan tâm đến việc làm thế nào để có được những nghiên cứu đột phá.
Cách đây gần 15 năm, trong các cuộc trao đổi trên diễn đàn Tia Sáng và sau là một số cuộc họp của Quỹ NAFOSTED, các nhà khoa học tâm huyết đã đề cập tới việc hình thành các trung tâm xuất sắc, nơi tập trung rất nhiều nguồn lực để thực hiện những nghiên cứu mang tính đột phá. Để vận hành các trung tâm xuất sắc hay nhóm nghiên cứu xuất sắc, cần phải có những chính sách khác biệt với chính sách đã có.
Mới đây, GS. TS Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng trường Đại học Phenikaa, trong cuộc tọa đàm “Xây dựng các nhóm nghiên cứu xuất sắc” do Tia Sáng và NAFOSTED phối hợp tổ chức cũng một lần nữa đề cập đến nguyện vọng của cộng đồng khoa học: “Trong các chính sách của nhà nước đều nói KH&CN là khâu đột phá. Vậy khâu đột phá cần được thể hiện trong chính sách cụ thể và đầu tư cụ thể cho KH&CN”.
Một chính sách thúc đẩy như vậy, cho đến nay, vẫn còn là mơ ước của các nhà khoa học. Đó là lý do sau hội thảo ở Hà Nội, NAFOSTED tiếp tục mở một cuộc hội thảo ở TPHCM, “Thúc đẩy nghiên cứu đột phá, xuất sắc tại các trường đại học, viện nghiên cứu ở TPHCM”.
Vậy câu trả lời sẽ là gì? Phải chăng nơi nào cũng cần đến sự đột phá về chính sách?
Không chính sách thì khó có nhóm mạnh
Xét về tiềm lực KH&CN, ở khu vực phía Nam, không có cơ sở nghiên cứu và đào tạo nào có thể so sánh được với ĐHQG-HCM. Đây cũng là nơi đi đầu về các chính sách cho khoa học.
“Năm 2018, ĐHQG TPHCM đã ban hành hướng dẫn số 1148/HD-ĐHQG về Chương trình nghiên cứu trọng điểm gắn liền với nhóm nghiên cứu mạnh”, PGS. TS Lâm Quang Vinh, trưởng Ban KH&CN (ĐHQG-HCM) cho biết tại hội thảo, đồng thời nhấn mạnh đến các quyền lợi mà các nhóm được hưởng khi được công nhận: được đầu tư trang thiết bị, điều kiện nghiên cứu, ưu tiên sử dụng cơ sở vật chất; được ưu tiên đầu tư kinh phí nghiên cứu theo phương thức đặt hàng; được hỗ trợ về cơ chế và nguồn lực để thu hút nhân lực đến làm việc; được hỗ trợ về kinh phí tham gia/tổ chức hội thảo uy tín trong và ngoài nước; được ưu tiên cấp kinh phí đề tài cho tiến sĩ trẻ, nghiên cứu sinh và các chương trình học bổng khác.
Năm đó, ĐHQG-HCM cũng mạnh dạn triển khai một đề án thử nghiệm xây dựng một trung tâm nghiên cứu mạnh từ một nơi có nhiều tiềm năng như Trung tâm nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và linh kiện điện tử (INOMAR). Một trong những kỳ vọng của trường đối với INOMAR là tạo dựng được một môi trường học thuật mở, quy tụ được các chuyên gia quốc tế, có cơ chế tự chủ cao và quy trình quản lý tiên tiến, qua đó có điều kiện hình thành các nghiên cứu khoa học tiên tiến. Sau năm năm, dưới sự dẫn dắt của GS. Phan Bách Thắng và TS. Đoàn Lê Hoàng Tân, INOMAR đã bắt đầu trở thành một tập thể nghiên cứu mạnh và xuất bản được nhiều sản phẩm nghiên cứu tốt trên các tạp chí hàng đầu, theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu về khoa học vật liệu.
Có thể nhìn nhận nghiên cứu đột phá là nghiên cứu tạo sản phẩm cũ với chi phí rẻ hơn hoặc tạo ra sản phẩm mới (sản phẩm của tương lai) đóng góp cho xã hội và thế giới. Vì vậy, các nhà quản lý cần phải đổi mới, phải có cái nhìn cởi mở khi nghiệm thu, đánh giá kết quả nghiên cứu và sản phẩm từ các đề tài đột phá.
TS. Nguyễn Trần Nhẫn Tánh
|
Cú hích khuyến khích của ĐHQG-HCM cũng tạo ra một làn sóng thay đổi trong đội ngũ các nhà nghiên cứu, không chỉ ở các trường thành viên như ĐH Bách khoa, ĐH Quốc tế, ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Khoa học Tự nhiên…, mà còn với cả các trường trên địa bàn TPHCM như ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Việt Đức, ĐH Y dược TPHCM…
TS. Lê Hoàng Dũng, Hiệu phó trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM) chia sẻ chuyển động ở lĩnh vực KHXH và nhân văn, nơi vẫn được coi là có mức độ hòa nhập quốc tế chậm hơn nhiều so với lĩnh vực khoa học tự nhiên. “Chủ chương xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh tại trường bắt đầu từ năm 2022 với thông báo số 291/TB-KHNV-DN&QLKH về việc đăng ký nhóm nghiên cứu mạnh cấp cơ sở”, ông nói.
Bước đầu, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn có được hai nhóm mạnh cấp trường là nhóm nghiên cứu Nghiên cứu lịch sử chính trị, kinh tế, xã hội của Nam Bộ trong tiến trình hội nhập quốc tế do GS. TS Võ Văn Sen làm trưởng nhóm và nhóm nghiên cứu Khoa học xã hội và nhân văn ở Nam Bộ và Tây Nguyên: Nghiên cứu, đánh giá và xây dựng hệ giá trị phát triển bền vững do PGS. TS Ngô Thị Phương Lan làm trưởng nhóm. Đi kèm với việc công nhận các nhóm mạnh cấp trường là việc nhà trường có chính sách hỗ trợ về kinh phí, thủ tục hành chính, xem xét giao các nhiệm vụ KH&CN, ưu tiên xét duyệt các nhiệm vụ KH&CN, hỗ trợ công bố khoa học quốc tế, đề xuất đăng ký nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQG-HCM.
Sự hỗ trợ của trường, cả hai nhóm nghiên cứu này đã có điều kiện nâng cao năng lực nghiên cứu để sau đó, được công nhận là nhóm mạnh cấp ĐHQG-HCM.
Câu chuyện xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh ở ĐHQG-HCM cho thấy, dẫu có được những người trưởng nhóm uy tín và một đội ngũ các nhà nghiên cứu tâm huyết thì một chính sách mới, đủ sức thúc đẩy và tạo điều kiện cho họ phát triển là điều kiện quan trọng. Tuy nhiên, những chính sách mà ĐHQG-HCM áp dụng đã đủ để các nhóm này trở thành nhóm xuất sắc?
Chính sách: Cần và Đủ
Các câu hỏi về việc tài trợ cho các trung tâm xuất sắc vẫn luôn đặt ra với nhiều nhà quản lý khoa học: cần tài trợ như thế nào cho các trung tâm xuất sắc? những điều kiện tài trợ gì để thúc đẩy nghiên cứu mà vẫn có thể loại trừ rủi ro?
Trong bài báo “Beyond breakthrough research: Epistemic properties of research and their consequences for research funding” trên Research Policy, Grit Laudel và Jochen Gläser cho rằng “những khám phá lớn có xu hướng xuất hiện ở những nơi có quy mô tổ chức tương đối nhỏ và có khả năng tự chủ cao, linh hoạt và năng lực đáp ứng nhanh chóng với chuyển biến nhanh của môi trường khoa học toàn cầu”.
Khám phá cái mới vốn dĩ đã nhiều rủi ro nhưng việc tìm ra những cái mới ở tầm đột phá còn bất định nhiều hơn, điều đó khiến các dự án đột phá phải có môi trường có mức độ chấp nhận rủi ro và thậm chí, chấp nhận sự đa dạng.
Hơn nữa, các điều kiện phù hợp cho nghiên cứu đột phá đều liên quan đến điều kiện cơ sở vật chất và tài trợ cho nghiên cứu. “Điều này dẫn đến sự đơn giản hóa, việc trang bị các điều kiện không bị giới hạn về nguồn lực, thời gian và các quyết định phân bổ quyền lực”, theo Grit Laudel và Jochen Gläser.
Từng học tập, nghiên cứu ở nước ngoài và hợp tác với nhiều trung tâm lớn ở quốc tế, các nhà khoa học TPHCM đều nhận thấy những giới hạn để đưa các nhóm nghiên cứu mạnh hiện tại trở thành những nhóm nghiên cứu xuất sắc, cả về cơ sở vật chất, nguồn kinh phí và cơ chế quản lý. PGS.TS Nguyễn Phương Thảo, trưởng nhóm nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn giống cây trồng (trường Đại học Quốc tế) sau khi đề nghị “cần phân biệt giữa nghiên cứu đột phá và nghiên cứu mạnh vì nghiên cứu mạnh có thể chưa đủ để thành nghiên cứu đột phá”, đã cho rằng “Nghiên cứu đột phá đòi hỏi phải được vận hành một cách linh hoạt, được tiến hành lâu dài nhưng lại tiềm ẩn tính rủi ro cao, đặc biệt về tài chính. Do đó, cần có chính sách linh hoạt cho nhà khoa học và có độ linh hoạt riêng tùy hoàn cảnh”.
Đây là nhận xét mà chị rút ra từ chính khó khăn từ nhóm nghiên cứu mạnh của mình. Mặc dù từng lọt vào vòng cuối chuyển giao công nghệ cho đối tác nước ngoài ở Trung Đông và có tiềm năng chấp được chấp nhận nhưng rồi chu trình này đã bị ách lại: không có cơ chế để vận hành phòng thí nghiệm cho đối tác trong khi đó là điểm quan trọng để chuyển giao, giải thích của chị trong buổi làm việc của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà với ĐHQG-HN và ĐH ĐHQG-HCM vào tháng 9/2023 được báo GD&TĐ dẫn lại.
Khi tính đến chuyện tài trợ cho các trung tâm xuất sắc, nhóm nghiên cứu xuất sắc để họ làm ra được những sản phẩm chính là bài báo, công nghệ mang tính đột phá thì các nhà quản lý cần chấp nhận sự rủi ro. Bởi nếu không có quan điểm cởi mở này, chúng ta chỉ có thể có được thứ khoa học “ăn chắc”, tầm tầm khiêm tốn.
TS. Nguyễn Trần Nhẫn Tánh (Trường Đại học An Giang) sau khi đề xuất có thể nhìn nhận nghiên cứu đột phá là nghiên cứu tạo sản phẩm cũ với chi phí rẻ hơn hoặc tạo ra sản phẩm mới (sản phẩm của tương lai) đóng góp cho xã hội và thế giới như nghiên cứu canh tác trục dọc (vertical farming), ông đã đề nghị các nhà quản lý cần phải đổi mới, phải có cái nhìn cởi mở khi nghiệm thu, đánh giá đánh giá kết quả nghiên cứu và sản phẩm từ các đề tài dạng này. Nếu không có được điều đó, hẳn không có nhóm nghiên cứu nào dám mạnh dạn đăng ký những đề tài hứa hẹn đột phá.
Câu chuyện tạo ra được sản phẩm manh tính đột phá và có khả năng đem lại sự thay đổi lớn lao ở một lĩnh vực, một ngành, thậm chí ở mức vùng, liên vùng là thách thức với khoa học Việt Nam, khi các tài trợ cho khoa học vẫn còn hạn chế.
“Bài toán của người Việt Nam chúng ta chính là làm sao chúng ta tập hợp được những tập thể khoa học đủ lớn để giải quyết được những bài toán liên ngành và tạo ra sản phẩm KH&CN cụ thể”, như chia sẻ của GS. Phạm Thành Huy, cần phải dựa trên một lực đẩy quan trọng, đó là tài chính.
Với các cơ chế tài trợ cho khoa học hiện tại, kể cả cấp Trung ương lẫn cấp thành phố, TPHCM không có nhiều điều kiện để hình thành các trung tâm xuất sắc, nhóm nghiên cứu xuất sắc.
Tại hội nghị Giám đốc sở KH&CN toàn quốc năm 2024, TS. Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM đã thừa nhận “TPHCM có 1.500 tỉ đồng dành cho KH&CN nhưng chưa bao giờ xài được, không tiêu được vì không có cơ chế… Cơ chế tài chính để ngân sách nhà nước chi cho R&D còn vướng rất nhiều thứ, chưa tháo gỡ được”.
Trong cuộc họp với NAFOSTED và các trường ĐH ở TP.HCM, ông đã đưa ra phương án mới. Để giải quyết bài toán cho nghiên cứu đột phá hay trung tâm xuất sắc, trước hết TPHCM cần giải quyết hai vấn đề lớn của chính sách.
Thứ nhất về cơ chế tài chính, TPHCM có thể trả thêm ưu đãi tiền lương cho lãnh đạo các đơn vị nghiên cứu của TP.HCM từ 30 - 110 triệu đồng còn người làm nghiên cứu được hưởng hệ số 1,5 lần so với quy định hiện hành. Tuy nhiên vướng mắc lại ở chỗ TP.HCM không thể trả lương cho nhà khoa học của ĐHQG-HCM mà chỉ có thể hỗ trợ kinh phí nghiên cứu (1,5 lần so với quy định hiện hành).
Thứ hai về đầu tư cơ sở vật chất, theo quy định, TP.HCM không thể dùng ngân sách của mình đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm cho ĐHQG-HCM. Do đó, để giải quyết vấn đề này, Sở KH&CN TP.HCM đang tham mưu cho UBND TPHCM thiết lập Viện Công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo TP.HCM, một tổ chức trung gian để hỗ trợ kết nối nghiên cứu cơ bản của các trường đại học với nhu cầu của thị trường nhằm thương mại hóa kết quả nghiên cứu, đồng thời hình thành các phân nhánh (trung tâm/phòng thí nghiệm) của Viện tại các trường của ĐHQG-HCM có tham gia hợp tác cùng nghiên cứu. Khi đó, TPHCM sẽ có thể đầu tư trang thiết bị các phòng thí nghiệm này dưới danh nghĩa đầu tư cho Viện. Hệ thống máy móc, trang thiết bị vẫn của TP.HCM nhưng đặt tại các trường đại học.
Cơ chế tài chính luôn là vấn đề đau đầu của các nhà nghiên cứu, trong bối cảnh nguồn lực cho các đề tài nghiên cứu còn hạn hẹp. Thậm chí một đề tài cấp trường, theo chia sẻ của TS. Nguyễn Thị Hoa (Trường Đại học Luật TP.HCM), hiện nay chỉ khoảng 60 triệu đồng với thời gian thực hiện trong vòng một năm còn với cấp ĐHQG-HCM, PGS.TS. Lâm Quang Vinh thừa nhận “kinh phí đầu tư của nhà nước có thể không đủ để đạt sản phẩm cuối cùng”. Trong khi đó, việc tài trợ cho các đề tài nghiên cứu đột phá hay các trung tâm xuất sắc buộc phải ở một cấp độ khác biệt so với tài trợ thông thường. Đó là một trong những giới hạn mà các nhóm nghiên cứu mạnh hiện nay không thể tự khắp phục.
Có một giải pháp khả thi lúc này là có thể đa dạng hóa nguồn tài trợ như đề xuất của PGS.TS Nguyễn Phương Thảo “sử dụng nguồn nhân lực các nhà như nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp”. Tuy nhiên không dễ thu hút được doanh nghiệp tham gia khi nhiều cơ chế thủ tục “trói buộc”.
Tại phiên họp “Một số giải pháp thúc đẩy triển khai các chương trình KH&CN cấp quốc gia” vào tháng 6/2024, PGS.TS Lê Văn Thăng, hiệu phó trường ĐH Quốc tế, ĐHQG-HCM, phân tích, “doanh nghiệp lớn cũng có chiến lược KH&CN của riêng họ và chưa chắc sẵn sàng tham gia vào cuộc chơi KH&CN như cách của chúng ta.
Doanh nghiệp cấp trung cũng có nhu cầu phát triển công nghệ, phát triển sản phẩm nhưng này có một nhược điểm là khi họ muốn thay đổi sản phẩm, cải tiến hay cập nhật công nghệ thì họ muốn làm trong thời gian ngắn. Khi đặt hàng xong, trong vòng sáu tháng đến một năm, họ sẵn sàng bỏ tiền để tiếp thu được những cái chúng ta đã có hoặc cần hoàn thiện thêm nhưng lại liên quan đến Nghị định 70 về xử lý tài sản hình thành sau nhiệm vụ KH&CN”.
Có vô vàn điểm nghẽn chính sách cần tháo gỡ để khoa học Việt Nam có thể tập hợp được “những tập thể khoa học đủ lớn để giải quyết được những bài toán liên ngành và tạo ra sản phẩm KH&CN cụ thể”, và hơn thế, đem lại những giải pháp và công nghệ đột phá. Đó là một thách thức mà khoa học không thể tự hóa giải.
Ba yếu tố quan trọng trong nghiên cứu đột phá
1. Đầu tư tập trung hệ thống trang thiết bị: Đầu tư vào các thiết bị nghiên cứu tiên tiến và công nghệ hiện đại; Xây dựng các phòng thí nghiệm và cơ sở nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế; Cung cấp các phần mềm và công cụ hỗ trợ nghiên cứu chuyên sâu. 2. Quản lý tổ chức thực hiện: Xây dựng quy trình quản lý rõ ràng, minh bạch và hiệu quả cho các dự án nghiên cứu; Thiết lập các nhóm nghiên cứu chuyên môn với sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà khoa học; Hệ thống đánh giá, Thực hiện tiêu chí đánh giá định kỳ để đảm bảo tiến độ và chất lượng nghiên cứu theo tiêu chí trung tâm xuất sắc; Tạo điều kiện thuận lợi cho việc công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học uy tín. 3. Thu hút và phát triển nguồn nhân lực: Tạo ra các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu cho các nhà nghiên cứu trẻ; Thu hút các chuyên gia và nhà khoa học hàng đầu từ trong và ngoài nước; Xây dựng môi trường làm việc thân thiện, khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới; Cung cấp các chính sách đãi ngộ hấp dẫn để giữ chân nhân tài; Hợp tác quốc tế. PGS.TS Lâm Quang Vinh, ĐHQG-HCM |