Sự thiếu hụt về nguồn nhân lực chất lượng cao đang đặt ra những giới hạn cho chính nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ hạt nhân. Vậy có giải pháp nào để tháo gỡ nút thắt này?

Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt là nơi thu hút nhiều sinh viên các ngành kỹ thuật tới thực tập.
Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt là nơi thu hút nhiều sinh viên các ngành kỹ thuật tới thực tập.

Việt Nam đã có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho nghiên cứu và ứng dụng năng lượng nguyên tử từ đầu những năm 1960. Ở miền Bắc, đã gửi nhiều sinh viên và cán bộ trẻ đi học tập, nghiên cứu tại các trường đại học và viện nghiên cứu thuộc Liên Xô và các nước Đông Âu, đội ngũ này đã trở thành nòng cốt cho sự phát triển của ngành những năm qua.

Hiện nay, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM) có khoảng 800 nhân sự, trong đó hầu hết làm việc tại các đơn vị nghiên cứu và triển khai trực thuộc. Trước năm 1990, nhân lực trong ngành được tuyển chọn từ những học sinh giỏi, hầu hết đều được đào tạo từ nước ngoài nên có chất lượng cao. Có nhiều người đã rất thành công trong các lĩnh vực tính toán lý thuyết và vật lý hạt nhân, nhiều công trình đã được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín nhưng hầu hết đều là các tính toán lý thuyết hoặc tham gia cùng các nhóm nghiên cứu thực nghiệm ở nước ngoài, gần đây chỉ mới có một vài công trình vật lý hạt nhân thực nghiệm thực hiện hoàn toàn trong nước được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín.

Về mặt công nghệ, nhân sự vẫn là một mảng trống lớn, đặc biệt là trong các lĩnh vực quan trọng như lò phản ứng hạt nhân, vật liệu và nhiên liệu hạt nhân hay máy gia tốc. Những nhân sự trong lĩnh vực này thường hiếm được đào tạo do liên quan đến chính sách bảo mật KH&CN, nếu có thì do nhiều nguyên nhân cũng thường ở lại nước ngoài làm việc. Khoảng trống về nhân lực công nghệ hạt nhân là một trong những lý do quan trọng làm chậm sự phát triển của ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam. Viện Năng lượng nguyên tử Hàn Quốc (KAERI), vào 1/2024 có 1748 nhân sự (1 giám đốc điều hành, 135 quản lý hành chính, 1319 nhà nghiên cứu và 293 kỹ thuật viên) nhưng có đến 1319 nhà nghiên cứu là liên quan đến kỹ thuật (engineer) và trong đó có 944 người có trình độ tiến sĩ. Như vậy, có thể thấy định hướng và chất lượng nguồn nhân lực quyết định đến sự phát triển.

Nguyên nhân thiếu hụt nguồn nhân lực

Bất cập về mặt quy hoạch:

Quy hoạch thiếu nhất quán và đồng bộ: quy hoạch phát triển ngành năng lượng nguyên tử còn thiếu sự đồng bộ và nhất quán giữa các giai đoạn phát triển. Trong quá trình thực thi, các kế hoạch dài hạn thường không được thực hiện đầy đủ do thiếu các nguồn lực hoặc thay đổi chính sách. Có thể thấy rõ tác động này trong hoạt động đào tạo và tuyển dụng nhân sự sau khi các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân bị dừng lại vào năm 2016. Một số định hướng phát triển xác định còn khá chung, chưa có trọng tâm trọng điểm, chưa xác định được các công nghệ hay vấn đề cốt lõi cần phải tập trung nghiên cứu làm chủ hay phát triển dẫn đến quy hoạch dàn trải, thiếu nguồn lực đầu tư, quy hoạch nhiều nhưng hiệu quả thực hiện thấp.
Các quy hoạch và chính sách phát triển chưa gắn kết chặt chẽ với nhu cầu thực tế của xã hội: nhiều quy hoạch mang tính chủ quan và thiếu dự báo cần thiết dẫn đến sự lãng phí nguồn lực và không đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Ví dụ điển hình là việc dự báo nhu cầu nguồn nhân lực cho lĩnh vực năng lượng nguyên tử chưa chính xác, dẫn đến tình trạng các cơ sở đào tạo cung cấp số lượng nhân lực vượt quá khả năng tiếp nhận của các đơn vị sử dụng lao động. Điều này không chỉ gây lãng phí nguồn lực đào tạo mà còn dẫn đến thiếu hụt nhân sự có kỹ năng chuyên môn cần thiết cho sự phát triển bền vững của ngành do nhiều trường đào tạo cùng một chuyên ngành.

Cơ chế tuyển dụng và sử dụng lao động chưa phù hợp:

Lương và chế độ đãi ngộ thấp: mặc dù đã có nhiều chính sách ưu đãi, mức lương và chế độ đãi ngộ trong ngành năng lượng nguyên tử vẫn chưa đủ hấp dẫn để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao so với các ngành nghề khác như kinh tế, y tế, công nghệ thông tin, … Theo nghiên cứu của ​Navigos Group khảo sát lương năm 2023, ở mảng kỹ thuật cho thấy thu nhập của sinh viên mới tốt nghiệp khi vào làm ở các cơ sở nghiên cứu của ngành chỉ bằng hoặc thấp hơn so với sinh viên mới tốt nghiệp làm trong các khu vực khác (khoảng 300 USD). Vì vậy nhiều nhân sự sau khi được đào tạo đã chuyển sang khu vực tư nhân, nơi có mức thu nhập cao hơn từ hai đến ba lần so với khu vực nhà nước. Không chỉ có mức lương thấp, cơ chế hiện tại còn không cho phép các sinh viên giỏi mới ra trường phát huy hết năng lực của mình trong công việc. Một loạt các quy định về tiêu chuẩn không liên quan đến năng lực đã tạo ra rào cản liên quan đến tăng lương, khen thưởng ,… ngăn cản sự phát huy năng lực và đổi mới sáng tạo của họ.


Cần tập trung các nguồn lực xây dựng một cơ sở đào tạo chuyên sâu, có đầy đủ các điều kiện cần thiết như đội ngũ giảng viên, công nghệ, phòng thí nghiệm và thiết bị đào tạo. Để tiết kiệm chi phí đầu tư và phát huy hết các nguồn lực, có thể sử dụng lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, các phòng thí nghiệm và cơ sở hạ tầng cho đào tạo các sinh viên sau khi đã tốt nghiệp đại cương từ các trường kỹ thuật các chuyên ngành liên quan.


Cơ chế đánh giá và cơ hội thăng tiến không rõ ràng: hiện tại, cơ chế đánh giá hiệu quả công việc và thăng tiến trong khu vực công chưa đủ tích cực và công bằng, không tạo được sự phân loại rõ ràng theo năng lực làm việc của nhân viên. Trong khu vực công, công việc vẫn thường tập trung vào một số ít người, dẫn đến hiệu quả xử lý công việc chung thấp, xảy ra tình trạng người đông nhưng không chạy việc, đùn đẩy trách nhiệm và lúc nào cũng thiếu người làm việc.

Suất đầu tư trên một cá nhân ở khu vực tư cao hơn so với khu vực công nhưng nếu tính bình quân trên sản phẩm thì lại thấp hơn so với khu vực công. Thực tế đó cho thấy phần nào sự tác động chính sách làm dịch chuyển nhân lực có chất lượng cao giữa khu vực công và tư.

Chất lượng đầu vào: là hệ quả tất yếu của chính sách và thực tiễn triển khai, nhiều ngành học mới với cơ hội việc làm và thu nhập cao đã thu hút được các học sinh giỏi. Thực tế những năm gần đây cho thấy hầu như không có học sinh giỏi đăng ký vào các ngành liên quan đến năng lượng nguyên tử, thậm chí là các ngành khoa học tự nhiên nói chung. Các học sinh xuất sắc thường chọn những ngành học có triển vọng nghề nghiệp hấp dẫn hơn, thay vì ngành năng lượng nguyên tử hoặc các ngành khoa học tự nhiên.

Thiếu đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng:

Cơ sở hạ tầng và trang thiết bị lạc hậu: nhiều cơ sở nghiên cứu và ứng dụng năng lượng nguyên tử đã lâu không được đầu tư nâng cấp, dẫn đến tình trạng trang thiết bị lạc hậu và không đáp ứng được yêu cầu công việc. Nhiều thiết bị nghiên cứu đã có tuổi đời trên 20 năm nhưng vẫn chưa được thay thế. Phòng thí nghiệm và trang thiết bị lạc hậu không thể phát huy tối đa năng lực của các nhà nghiên cứu, khiến những người có trình độ và kinh nghiệm có thể sẽ di chuyển đến những cơ sở có điều kiện làm việc tốt hơn.

Thiếu nguồn kinh phí ổn định: nguồn kinh phí không ổn định và đủ mạnh để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và cải tiến công nghệ, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động và nghiên cứu. Không chỉ thiếu, kinh phí đầu tư còn dàn trải, thiếu trọng tâm và chưa đạt được mức độ cần thiết.

Hạn chế trong đào tạo:

Chương trình đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu thực tế: mặc dù các cơ sở đào tạo đại học trong nước đã xây dựng chuẩn đầu ra theo mô hình CDIO (Conceive, Design, Implement, Operate), nhưng vẫn còn nặng về lý thuyết, thiếu thực hành và các môn công nghệ cần thiết. Điều này dẫn đến việc sinh viên ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu công việc thực tế.

Thiếu cơ sở đào tạo chuyên sâu: mặc dù số lượng cơ sở đào tạo đại học liên quan đến ngành năng lượng nguyên tử hiện nay khá nhiều, nhưng các nguồn lực phục vụ cho đào tạo như đội ngũ giảng viên, công nghệ, phòng thí nghiệm và các thiết bị lớn vẫn rất hạn chế. Các thiết bị sử dụng cho đào tạo chủ yếu là các thiết bị ghi đo bức xạ đơn giản, chủ yếu dùng trong ứng dụng kỹ thuật hạt nhân hoặc nghiên cứu môi trường. Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và một số phòng thí nghiệm được sử dụng hỗ trợ sinh viên của các trường đến thực tập, nhưng thời gian và kinh phí khá hạn chế, nên hầu hết các hoạt động chỉ mang tính tham quan kiến tập.
Hạn chế trong chính sách quản lý KH&CN

Quản lý hành chính các đề tài nghiên cứu: việc quản lý hành chính các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ giúp các nhà quản lý theo dõi và quản lý các đề tài tốt hơn theo quy định tài chính. Tuy nhiên, việc “hành chính hóa khoa học một cách cứng nhắc” ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng đổi mới sáng tạo của các nhà khoa học. Nhiều nghiên cứu mang tính đột phá và sáng tạo cao thường có mức độ rủi ro cao và không thể hoàn thành đúng tiến độ, nên nhiều nhà khoa học không dám đề xuất. Ngoài ra, thời gian dành cho các thủ tục hành chính như mua sắm và thanh quyết toán khá nhiều, làm giảm thời gian dành cho nghiên cứu. Bên cạnh đó, việc chậm đổi mới các công nghệ quản lý như chuyển đổi số cũng ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và thói quen làm việc.

Các hạn chế trên đã tồn tại trong thời gian dài nhưng vẫn chưa có giải pháp khắc phục một cách hiệu quả đối với khu vực công. Thực tế cho thấy trong quá trình phát triển của xã hội nói chung và KH&CN nói riêng, con người luôn giữ vai trò chủ thể của hoạt động đổi mới sáng tạo, các công cụ thiết bị được con người tạo ra và sử dụng để làm ra của cải vật chất, cải tiến sản xuất. Trong quá trình đó, các công cụ lại được cải tiến không ngừng và chất lượng nguồn lực giữ vai trò quyết định. Ngày nay, chúng ta có thể so sánh về điều kiện, cơ sở hạ tầng giữa Việt Nam với Hàn Quốc sẽ thấy có sự chênh lệch quá lớn trong lĩnh vực hạt nhân tuy ở điểm xuất phát ban đầu họ đều phải tự nghiên cứu hoặc tiếp thu các công nghệ từ các nước phát triển. Do đó, nếu không đảm bảo được chất lượng nguồn nhân lực thì các hệ thống trang thiết bị, phòng thí nghiệm hiện đại cũng không phát huy được hiệu quả.

Một số giải pháp để phát triển nguồn nhân lực

Quy hoạch đồng bộ và nhất quán:

Tăng cường đồng bộ trong quy hoạch: thiết lập một cơ chế quản lý quy hoạch với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan nhằm đảm bảo sự nhất quán giữa các giai đoạn phát triển. Xây dựng các kế hoạch dài hạn và cam kết thực hiện đầy đủ, kể cả khi có thay đổi chính sách.
Gắn kết với nhu cầu thực tế: thực hiện khảo sát và đánh giá định kỳ về nhu cầu thực tế của ngành và xã hội để điều chỉnh quy hoạch và chính sách phát triển. Điều này giúp tránh lãng phí nguồn lực và đảm bảo rằng các kế hoạch phát triển thực sự đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Hoạt động đào tạo cần được kiểm soát tốt hơn, sát với nhu cầu thực tiễn để không gây lãng phí nguồn lực và tâm lý ảnh hưởng không tốt đến ngành về lâu dài.
Cơ chế tuyển dụng và sử dụng lao động phù hợp:

Lương và đãi ngộ phù hợp: cải thiện mức lương và các chế độ đãi ngộ đủ để cạnh tranh với các ngành khác, không để sự chênh lệch lớn giữa các khu vực công và tư. Điều này bao gồm việc thiết lập các gói lương thưởng hấp dẫn và các phúc lợi bổ sung như nhà ở, bảo hiểm sức khỏe, và cơ hội phát triển nghề nghiệp.

Minh bạch trong đánh giá và thăng tiến: xây dựng và áp dụng các cơ chế đánh giá hiệu quả công việc và thăng tiến minh bạch, công bằng. Điều này giúp tạo động lực cho nhân viên phấn đấu và cải thiện tâm lý làm việc. Chuyển đổi số trong các hoạt động quản lý, xây dựng vị trí việc làm gắn với nhu cầu thực tế và đánh giá hiệu quả công việc qua chỉ số cũng góp phần tăng tính minh bạch.

Thu hút nhân tài: tăng cường các chương trình học bổng và tài trợ nghiên cứu để thu hút học sinh giỏi vào ngành năng lượng nguyên tử. Tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam hoặc chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ về nước làm việc, đóng góp vào sự phát triển của ngành.

Tăng đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng:

Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng: đẩy mạnh đầu tư để nâng cấp cơ sở nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Trang bị các thiết bị hiện đại và đáp ứng được yêu cầu của công việc hiện tại và tương lai. Các phòng thí nghiệm cần được quy hoạch và sắp xếp theo hướng hiện đại, tiên tiến, để tạo điều kiện tối ưu cho nghiên cứu và phát triển công nghệ.
Đảm bảo nguồn kinh phí ổn định: thiết lập các nguồn kinh phí ổn định và đủ mạnh cho ngành năng lượng nguyên tử. Điều này có thể bao gồm các quỹ hỗ trợ từ chính phủ, hợp tác công-tư, và các nguồn tài trợ quốc tế.

Nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng công nghệ:

Cải thiện chương trình đào tạo: cập nhật và cải thiện chương trình đào tạo để cân bằng giữa lý thuyết và thực hành, đồng thời tăng cường các môn học công nghệ cần thiết. Áp dụng mô hình đào tạo theo chuẩn CDIO một cách hiệu quả.

Phát triển cơ sở đào tạo chuyên sâu: với nhu cầu nhân lực như hiện nay (30-50 người/năm), để tránh lãng phí cần tập trung các nguồn lực xây dựng một cơ sở đào tạo chuyên sâu, có đầy đủ các nguồn lực cần thiết như đội ngũ giảng viên, công nghệ, phòng thí nghiệm và thiết bị đào tạo. Để tiết kiệm chi phí đầu tư và phát huy hết các nguồn lực, có thể sử dụng lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, các phòng thí nghiệm và cơ sở hạ tầng cho đào tạo các sinh viên sau khi đã tốt nghiệp đại cương từ các trường kỹ thuật các chuyên ngành liên quan (có thể đặt hàng đào tạo) với số lượng theo dự báo nhu cầu tuyển dụng của các cơ sở nghiên cứu và ứng dụng năng lượng nguyên tử trong ba năm tới (trùng với thời điểm sinh viên tốt nghiệp).

Căn cứ vào nhu cầu tuyển dụng hằng năm, các sinh viên tốt nghiệp có thứ hạng cao (70% từ trên xuống) sẽ được phân bổ công tác và sinh viên xuất sắc sẽ được tạo điều kiện để học lên cao hoặc gửi đi nước ngoài đào tạo.

Đổi mới chính sách quản lý:

Cải cách quản lý đề tài khoa học: đơn giản hóa và linh hoạt hóa việc quản lý hành chính các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ, đặc biệt là trong việc cấp kinh phí và nghiệm thu theo năm tài chính. Nhà nước có thể tiếp tục quản lý toàn bộ quá trình mua sắm vật tư thiết bị cho đề tài, nhưng cần linh hoạt điều chỉnh khi quá trình nghiên cứu không còn phù hợp. Sự phát triển của KH&CN hiện nay diễn ra rất nhanh, vì vậy, việc kéo dài và trì trệ trong thủ tục xét duyệt sẽ làm giảm ý nghĩa, thậm chí có thể làm cho nhiều đề tài trở nên lạc hậu ngay từ khi được ký hợp đồng thực hiện.

Hỗ trợ nghiên cứu đổi mới sáng tạo: bao gồm việc cấp vốn cho các dự án có tiềm năng đột phá và khuyến khích các nhà khoa học đề xuất những ý tưởng mới thông thoáng và dễ thực hiện hơn, không phụ thuộc vào năm tài khóa.

Đăng số 1306 (số 34/2024) KH&PT