Ngày 5/9/2018, Bộ KH&CN đã tổ chức khánh thành Trung tâm Quốc gia nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh.

Đây là hạng mục đầu tiên thuộc dự án đầu tư “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ nhân giống, canh tác, mở rộng sản xuất, xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia cho sâm Ngọc Linh” được Bộ KH&CN đầu tư trên cơ sở thỏa thuận hợp tác giữa Bộ KH&CN và UBND tỉnh Kon Tum.

Báo Khoa học & Phát triển đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Trần Văn Tùng, người trực tiếp chỉ đạo việc tổ chức thực hiện dự án này về việc hình thành và tầm nhìn phát triển trung tâm này.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng.

Thưa Thứ trưởng, xin ông cho biết cơ duyên nào khiến ông quan tâm đến sâm Ngọc Linh?


Tôi đã nghe đồn nhiều về sự quý hiếm của sâm Ngọc Linh. Nhưng tôi chỉ thực sự quan tâm tới nó khi năm 2012, qua báo cáo của Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, tôi lần đầu tiên được tiếp xúc với sâm Ngọc Linh. Thời kỳ đó, một cán bộ của tỉnh Kon Tum đã cẩn thận bảo quản một cây sâm tươi đi máy bay ra Hà Nội để giới thiệu. Theo giới thiệu, đây là cây thuốc “giấu” của đồng bào Xê-đăng, mỗi khi có người ốm nặng, người dân sẽ lên núi lấy xuống để chữa bệnh. Trong chiến tranh, cây thuốc quý này cũng thường xuyên được sử dụng để chữa bệnh cho bộ đội. Người đi tìm và phát hiện ra cây thuốc này vào năm 1973 là dược sỹ Đào Kim Long. Thời kỳ đó, ai cũng biết cây sâm Ngọc Linh quý, nhưng không ai biết nó có những chất gì mà nó có thể chữa được “bách bệnh”. Người dân chủ yếu sử dụng bằng cách ngâm rượu.


Phải đến đầu những năm 2000, sâm Ngọc Linh mới được nhiều nhà khoa học mang sang Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước khác để phân tích, đánh giá thành phần và công bố về những đặc tính quý của loài sâm này. Theo công bố mới nhất, là nó có 52 hợp chất saponin. Đặc biệt, trong sâm Ngọc Linh có một số hợp chất saponin mà các loài sâm khác không có như Majornoside R2 (MR2) và các vinagisenoside R1 đến R25. Đây đều là những chất quý có tác dụng bồi bổ sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch và chống lại căn bệnh ung thư.


Cũng theo báo cáo của cán bộ tỉnh, ở độ cao 1.800m trên núi Ngọc Linh, sâm Ngọc Linh mọc thành quần thể rộng lớn. Sau đó, do sự khai thác quá mức, loài sâm quý này rơi vào tình trạng cạn kiệt trong tự nhiên và đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Sau đó Ủy ban nhân tỉnh Kon Tum giao nhiệm vụ cho Công ty lâm nghiệp Đăk Tô (Kon Tum) giữ gìn và phát triển vườn giống gốc. Theo tài liệu báo cáo vào những năm 2012, chỉ có khoảng 6-7ha sâm Ngọc Linh tự nhiên được lưu giữ nguồn giống. Do tính cấp bách, thậm chí có quy định, bất cứ ai muốn đem một cây sâm ra khỏi khu vực này đều có phải lệnh của lãnh đạo tỉnh.


Có phải từ những thông tin của người cán bộ đó mà Bộ KH&CN hình thành dự án đầu tư “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ nhân giống, canh tác, mở rộng sản xuất, xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia cho sâm Ngọc Linh”?


Đúng vậy. Trước nguy cơ có thể mất một giống cây cực kỳ quý hiếm, tôi và các cán bộ của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN cùng 2 cán bộ của Viện Ứng dụng công nghệ đã thực hiện chuyến khảo sát trên núi Ngọc Linh. Lắng nghe và đánh giá cao sự nghiêm túc của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum trong việc lưu giữ nguồn giống gốc, tôi và các cán bộ khác quyết tâm xây dựng kế hoạch giúp tỉnh phát triển thành vùng nguyên liệu để cung cấp dược liệu quý cho nhân dân.


Qua khảo sát, chúng tôi thấy để phát triển thành vùng nguyên liệu, bài toán đầu tiên cần giải quyết là nguồn giống. Thực ra việc này tỉnh và một số cơ quan đã có nguyện vọng thực hiện từ lâu nhưng không triển khai được vì nguồn lực hạn chế, nên chủ yếu nguồn giống phụ thuộc vào người dân ươm cây con từ hạt. Trung bình, mỗi cây sâm Ngọc Linh cho hoa và trái sau 4 năm tuổi. Mỗi cây cho khoảng 10 hạt với tỷ lệ hạt nảy mầm là 70-80%.Thêm vào đó, việc trồng ở khu vực núi cao, đường đi lại khó khăn, việc trồng và chăm sóc còn hạn chế. Tỷ lệ cây chết nhiều dẫn đến năng suất thấp, nhỏ lẻ, không tập trung. Vì vậy, sự tham gia của Bộ KH&CN để giải quyết bài toán này gần như có vai trò quyết định. Nếu làm được điều này, sâm Ngọc Linh sẽ trở thành cây thoát nghèo cho bà con nhờ hiệu quả kinh tế lớn. Thời kỳ đó, tôi ước tính 1 kg sâm có giá 20-30 triệu đồng. Nếu như ở Mỹ, sâm trồng công nghiệp cho năng suất 2,5 tấn/ha, sâm Hàn Quốc khoảng 1,5-2 tấn/ha, thì ở Việt Nam, với điều kiện trồng dưới tán lá rừng, độ cao lớn, tôi ước tính khoảng 1 tấn/ha. Với năng suất và giá thành như vậy, 1 ha có thể cho bà con thu nhập 20-30 tỷ/năm. Với một tỉnh miền núi, đây là con số mơ ước. Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong việc nhân giống, xây dựng quy trình trồng, chăm sóc, bảo quản và chế biến là một trong những công việc mà Bộ KH&CN cần tham gia để giúp bà con vùng này.


Từ đây, dự án đầu tư “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ nhân giống, canh tác, mở rộng sản xuất, xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia cho Sâm Ngọc Linh” đã được xây dựng. Trung tâm Quốc gia nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh là một trong những hạng mục đầu tiên được hoàn thành của dự án này.


Vườn sâm Ngọc Linh của Công ty Lâm nghiệp Đắk Tô.

Vườn sâm Ngọc Linh của Công ty Lâm nghiệp Đắk Tô. Ảnh: Cty CP Lâm nghiệp Đăk Tô


Kể từ khi được thành lập đến nay, Trung tâm Quốc gia nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh đã đạt được kết quả như thế nào?


Khi lãnh đạo Bộ KH&CN quyết tâm hỗ trợ tỉnh Kon Tum, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN đã đưa ra đề xuất phát triển chuỗi sản phẩm từ giống, quy trình canh tác sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu và đưa ra thị trường. Với phương án phát triển toàn diện như vậy, cây sâm Ngọc Linh mới có được tên tuổi ở thị trường Việt Nam và thế giới.


Trung tâm quốc gia nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh là hạng mục nằm trong đề án tổng thể về sâm Ngọc Linh. Những nhiệm vụ đầu tiên trung tâm được giao là lưu giữ giống gốc, bảo tồn nguồn gene, sản xuất giống bằng công nghệ sinh học và xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật đủ năng lực phân tích, đánh giá kiểm nghiệm xác định sâm thật, sâm giả và xác định các phần hoạt chất của sâm.


Bên cạnh hệ thống máy móc hiện đại được nhập khẩu từ Mỹ, Đức, trung tâm cũng chủ động xây dựng, đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực, chuyên gia về sâm Ngọc Linh. Nhiều cán bộ được cử đi học, làm nghiên cứu sinh về sâm tại Hàn Quốc. Một số nghiêm cứu trọng điểm đã được triển khai.


Đến nay, Trung tâm đã đăng ký được 3 giải pháp hữu ích là giá thể trồng sâm, phương pháp kiểm định thật - giả sâm Ngọc Linh và đăng ký bản đồ bộ gene lục lạp trên ngân hàng gene thế giới để khẳng định nguồn gốc và định danh sâm Ngọc Linh của Việt Nam. Đây là những công việc mà nếu không có sự vào cuộc của khoa học, khó lòng giải quyết.


Ở góc độ cá nhân, ông đánh giá thế nào về hiệu quả những việc mà Trung tâm đã làm được?


Khi báo cáo với Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về hiệu quả của trung tâm, tôi có đưa ra một sự so sánh thế này. Hiện nay, giá sâm Ngọc Linh là 100 triệu đồng/kg. Giá Tam thất Hoang có bề ngoài giống 99-100% loại sâm này có giá 5 triệu đồng/kg. Nhờ có phân tích của trung tâm mà người tiêu dùng không bị móc túi 95 triệu đồng/kg. Nếu thị trường giao dịch khoảng 1000 kg, trung tâm giúp người dân tiết kiệm 95 tỷ đồng. Con số này gấp đôi số tiền nhà nước đã đầu tư cho trung tâm. Hiệu quả này mới chỉ tính ở một khía cạnh, chưa tính đến việc sản xuất giống, xây dựng quy trình tiêu chuẩn…


Trung tâm Quốc gia nghiên cứu và phát triển Sâm Ngọc Linh là mô hình rất mới, tồn tại dưới hình thức do Bộ KH&CN đầu tư trên địa bàn một tỉnh. Trung tâm sẽ trở thành nơi đặt hàng các nghiên cứu về sâm Ngọc Linh để Bộ KH&CN triển khai. Đây là cách dùng KH&CN để phát triển một sản phẩm đặc thù là thế mạnh. Điều này đúng với chỉ đạo trong Nghị quyết 20 về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.


Từ năm 2012 đến nay, việc trồng và sản xuất sâm Ngọc Linh tại Kon Tum, Quảng Nam được chỉ đạo thống nhất từ bộ ngành đến chính phủ. Khi cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý, Bộ KH&CN đã cấp cho 2 tỉnh là Kon Tum và Quảng Nam, trong đó, mỗi tỉnh có 3 xã thuộc phạm vi bảo hộ. Đến năm 2018, vùng trồng được bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã được mở rộng thành 13 xã, trong đó Kon Tum có 9 xã và Quảng Nam có 7 xã.


Cách làm và đầu tư như vậy đã giúp sâm Ngọc Linh trở thành giữ gìn nguồn giống gốc (nguồn gene) và tạo đà phát triển thành nguồn dược liệu quý có giá trị kinh tế cho bà con tại Kon Tum và Quảng Nam.


Thưa thứ trưởng, xin ông chia sẻ về tầm nhìn của Trung tâm trong tương lai?


Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục nghiên cứu và giải quyết nhiều nhiệm vụ KH&CN khác như xây dựng quy trình trồng trọt và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, quy trình phát hiện và chữa bệnh thường gặp cho cây như rỉ sét, thán thư, thối rễ, xây dựng bộ tiêu chuẩn cho sâm Ngọc Linh, xây dựng thương hiệu và nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm liên quan đến sâm Ngọc Linh. Những bài toán này, Bộ KH&CN sẽ phối hợp cùng trung tâm nghiên cứu và đặt hàng các nhà khoa học cùng giải quyết.


Năm 2017, Thủ tướng chính phủ đã ký quyết định bổ sung sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm chủ lực quốc gia. Điều này giúp cây sâm Ngọc Linh được quan tâm chú trọng và đầu tư nhiều hơn về KH&CN cũng như có sức mạnh huy động hiệu triệu các nhà khoa học, các địa phương tích cực tham gia vào dự án.


Với dự án sản phẩm quốc gia, Bộ KH&CN đang xem xét các đề xuất của nhà khoa học, doanh nghiệp, viện nghiên cứu để giải quyết các nhiệm vụ KH&CN, phát triển sâm Ngọc Linh thành vùng nguyên liệu đưa sản phẩm ra thị trường với quy mô sản xuất hàng hóa. Còn nếu làm như cũ, mỗi người dân lấy giống 1 nơi, canh tác mỗi nhà một kiểu khi sản phẩm thu hoạch sẽ không giống nhau về chất lượng. Các quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sau khi xây dựng sẽ được hướng dẫn cụ thể tới từng hộ gia đình, người trồng. Khi đó, sản phẩm mới đồng bộ về chất lượng, mang tính chất hàng hóa và có thể trở thành nguyên liệu đầu vào chuẩn cho ngành công nghiệp chế biến.


Với các sản phẩm sau thu hoạch, ngoài phương thức thông thường là sử dụng củ tươi hay chế biến, các nhà khoa học còn có hướng chiết xuất thành tinh chất, để chế biến thành viên nang, thuốc chữa bệnh, sản phẩm uống nước, mỹ phẩm...


Định hướng lâu dài của Trung tâm là hướng tới trở thành nơi giải quyết mọi vấn đề của không chỉ cây sâm Ngọc Linh mà phải trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển dược liệu của khu vực Tây Nguyên.


Xin cảm ơn Thứ trưởng!



Sâm Ngọc Linh còn gọi là sâm K5, củ ngãi rọm con... là cây thuốc giấu của đồng bào dân tộc Xê-đăng, được sử dụng như một cây thuốc trị bách bệnh, tăng lực, chống mệt mỏi khi đi rừng dài ngày. Đâu là loài đặc hữu hẹp phân bố ở khu vực miền Trung Việt Nam, địa điểm phân bố là trên núi Ngọc Linh ở độ cao 1500-2.000m, thuộc 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Đây là loài thuộc cây thảo, sống nhiều năm nhờ thân rễ, cao khoảng 40-60cm, đôi khi trên 1m. Thân rễ nạc, đường kính 1-3.5cm, chiều dài tùy theo số năm sinh trưởng, có màu vàng nhạt hay màu vàng đất, có nhiều đốt, mang những vết sẹo do thân khí sinh rụng hằng năm để lại, mỗi vết tương đương 1 năm tuổi.

Kết quả nghiên cứu hóa học cho thấy, từ phần dưới mặt đất bao gồm rễ, thân rễ sâm Ngọc Linh thiên nhiên, hơn 50 hợp chất saponin được chiết suất và xác định, trong đó có 24 chất đã được xác định là các saponin có cấu trúc mới lần đầu tiên được công bố.