Một nghiên cứu mới đây cho thấy nhiều nhà tuyển dụng ở các tỉnh miền núi phía Bắc đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong việc tuyển được các nhân sự có kỹ năng, kiến ​​thức và phẩm chất đáp ứng nhu cầu của mình. Dưới đây là bài viết tóm tắt nghiên cứu của nhóm tác giả.

Đa số sinh viên mới tốt nghiệp thiếu kỹ năng mềm

Dựa trên kết quả của các cuộc phỏng vấn sâu với 40 nhà tuyển dụng và 10 cuộc phỏng vấn nhóm với các nhà lãnh đạo và giảng viên đại học, nhà tuyển dụng và sinh viên mới tốt nghiệp, nghiên cứu chỉ ra, về mặt kiến thức, các nhà tuyển dụng mong đợi sinh viên tốt nghiệp phát triển năm lĩnh vực kiến thức sau: kiến thức chuyên môn; kiến thức thực tế; kiến thức địa phương; kiến thức liên văn hóa; kiến thức về luật, quy định và chính sách.

Bên cạnh đó, các nhà tuyển dụng đặc biệt mong đợi sinh viên phát triển khả năng linh hoạt và thích ứng, kỹ năng tự học, không ngừng học hỏi và thể hiện sự đồng cảm với người dân và môi trường địa phương. Khả năng khởi nghiệp và đối mặt với những thách thức trong công việc như sự đa dạng, phức tạp của công việc hay đảm nhận những vai trò, trách nhiệm công việc khác nhau cũng là những kỹ năng mà các nhà tuyển dụng mong đợi ở sinh viên mới tốt nghiệp.

Mặc dù một số trường đại học xác nhận họ đã đưa việc chuẩn bị kỹ năng chung của sinh viên vào chương trình giảng dạy nhưng các nhà tuyển dụng cho rằng đa số sinh viên mới tốt nghiệp còn thiếu kỹ năng mềm. Điều này cho thấy sự thiếu phù hợp giữa giáo dục đại học và nhu cầu của thị trường lao động và giữa sự chuẩn bị của các trường đại học đối với yêu cầu nghề nghiệp của nhà tuyển dụng.

Một thách thức khác với các nhà tuyển dụng là ứng cử viên chất lượng từ các trường đại học uy tín ở khu vực đô thị có xu hướng ngần ngại quay trở lại hoặc đến làm việc ở khu vực miền núi phía Bắc. Hơn nữa, những ứng viên này thường tìm cách chuyển đến khu vực đô thị sau một thời gian làm việc tại địa phương. Có một mối lo ngại rằng khu vực miền núi phía Bắc đang trải qua quá trình chảy máu chất xám.

Đại học Nông - Lâm, một trong 7 trường thành viên của Đại học Thái Nguyên.
Ảnh: tin.tuyensinh247.com

Những điểm cộng của sinh viên học tại Hà Nội

Hầu hết những người được phỏng vấn đều đồng ý rằng sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học ở miền núi phía Bắc dường như không có kỹ năng tốt bằng sinh viên tốt nghiệp từ Hà Nội, chẳng hạn họ thường thiếu kỹ năng giao tiếp, mà nguyên nhân có thể do chưa được đào tạo. Các nhà tuyển dụng cho rằng, so với sinh viên tốt nghiệp từ các trường ở Hà Nội, sinh viên tốt nghiệp từ các trường miền núi có kỹ năng giao tiếp “yếu hơn nhiều”.

Mặt khác, các nhà tuyển dụng cho rằng nhiều sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học ở vùng miền núi phía Bắc (hiện có bốn trường, bao gồm Đại học Thái Nguyên với 7 trường thành viên, Đại học Tây Bắc, Đại học Tân Trào và Đại học Phú Thọ) không đủ kiến thức thực tế và kiến thức chuyên ngành. Theo dữ liệu phỏng vấn, một số nhà tuyển dụng ưa chuộng sinh viên tốt nghiệp đại học ở Hà Nội hơn so với sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học vùng.

Trong lĩnh vực kinh tế, nông nghiệp và điện tử, họ thích sinh viên tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Ngoại thương, Đại học Tài chính - Ngân hàng, Đại học Thương mại, Đại học Khoa học và Công nghệ, Đại học Lâm nghiệp và Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội. Một số người tham gia nghiên cứu cũng cho rằng nhóm sinh viên tốt nghiệp các trường ở địa phương không có năng lực lập kế hoạch và kỹ năng hợp tác hoặc không đủ năng lực ngôn ngữ để giao tiếp.

Nhìn chung, những người tham gia nghiên cứu đồng ý rằng sinh viên tốt nghiệp ở Hà Nội tự tin, năng động và có kỹ năng giao tiếp tốt hơn. Các nhà tuyển dụng còn quan sát thấy các ứng cử viên Hà Nội có kỹ năng nhận thức tốt hơn, cho phép họ tiếp nhận những ý tưởng và nhiệm vụ mới nhanh hơn trong công việc; đồng thời cũng chuyên nghiệp hơn và có kỹ năng giải quyết vấn đề tốt hơn. Thêm vào đó, họ “có xu hướng tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, tiếp xúc với nhiều tình huống tương tác khác nhau”, giúp họ hình thành kỹ năng giao tiếp và kỹ năng tự lập.

Tuy nhiên, sinh viên tốt nghiệp từ những trường như đại học Tây Bắc và Thái Nguyên có một số ưu điểm như “cam kết”, “đồng cảm”, “cư xử tốt”, “nhiệt tình”, “khả năng vượt khó” và hiểu biết về bối cảnh địa phương, tập quán văn hóa và người dân địa phương.

Chìa khóa nâng cao năng lực tìm việc cho sinh viên

Như nghiên cứu này cho thấy, năng lực tìm việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp không chỉ là tập hợp các kỹ năng mềm (ví dụ: kỹ năng làm việc theo nhóm, giao tiếp, tư duy phản biện, công nghệ thông tin...), mà còn là những hiểu biết về yêu cầu của ngành nghề mà họ đang theo đuổi (như kiến ​​thức nội dung, quy định và chính sách của ngành, quan hệ nghề nghiệp và quan hệ xã hội ...), kiến thức về phát triển kinh tế - xã hội và đặc điểm riêng của khu vực (ví dụ: hiểu biết về thực tiễn địa phương ở miền núi), về văn hóa của khu vực và người dân địa phương (như sự đồng cảm với người dân địa phương).

Để tăng cường năng lực tìm việc làm sau khi tốt nghiệp cho sinh viên, nghiên cứu đưa ra bảy khuyến nghị chính, dựa trên kết quả nghiên cứu và các tài liệu liên quan. Trong mỗi đề xuất, chúng tôi nêu ra các chiến lược và cách tiếp cận cụ thể cho các trường đại học, sinh viên và các bên khác để cùng nhau mang lại các điều kiện tối ưu nhằm phát triển các kỹ năng và khả năng đáp ứng yêu cầu tuyển dụng. Bảy khuyến nghị chính bao gồm:

1. Cải cách chương trình đào tạo, bao gồm cách tiếp cận khoa học và có cấu trúc hơn để lồng ghép việc phát triển kỹ năng mềm và năng lực nghề nghiệp vào thiết kế, phát triển, thực hiện chương trình giảng dạy; và kết quả đầu ra. Chương trình đào tạo không chỉ tập trung vào việc phát triển kỹ năng và kiến thức, nội dung mà quan trọng hơn là khả năng áp dụng kiến thức và lý thuyết vào các tình huống thực tế và công việc.

2. Tăng cường học tập tích hợp và thực tập; tập trung vào nâng cao chất lượng thực tập và đa dạng hóa các phương án học đi đôi với thực hành: từ hình thức truyền thống như thực tập ở các công ty và doanh nghiệp đến các hình thức thực tập thay thế như:

i. bài thực hành dựa trên hình thức dự án;

ii. mô phỏng và thực tế trực quan để giúp sinh viên phát triển các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết;

iii. mô hình hóa mô hình kinh doanh thực tế.

3. Phương pháp tiếp cận phối hợp và toàn diện mạch lạc từ cấp trường để phát triển năng lực tìm việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp.

4. Thành lập các dịch vụ hỗ trợ sinh viên nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu tuyển dụng và phát triển việc làm.

5. Hỗ trợ sinh viên phát triển hồ sơ năng lực nghề nghiệp từ năm đầu tiên và trong suốt quá trình học đại học

6. Bồi dưỡng chuyên môn cho giảng viên, đặc biệt liên quan đến việc nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của sinh viên sau khi tốt nghiệp, bao gồm: các lớp nâng cao chuyên môn nhắm vào các phương pháp tiếp cận để tích hợp các kỹ năng mềm và kỹ năng nghề nghiệp mà sinh viên cần phát triển vào giáo trình; hội thảo với sự hướng dẫn từ các chuyên gia và nhà tuyển dụng; bồi dưỡng chuyên môn liên tục nhằm tận dụng các sáng kiến của giảng viên liên quan đến các cách tiếp cận tăng cường năng lực tìm việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp.

7. Nâng cao sự chia sẻ và quan hệ đối tác giữa các bên liên quan với các chính sách, chiến lược và cơ chế hỗ trợ cụ thể để khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà tuyển dụng và doanh nghiệp tham gia vào việc thiết kế và thực hiện các mảng chương trình giáo dục nghề nghiệp.

Bài báo này được phát triển dựa trên báo cáo nghiên cứu “Nhu cầu về mặt kỹ năng đối với nguồn nhân lực ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam”, được thực hiện với sự tài trợ của Chính phủ Australia thông qua Chương trình Aus4Skills. Mọi quan điểm và nhận định trình bày trong bài báo này là của cá nhân tác giả và không nhất thiết thể hiện quan điểm của Chính phủ Australia.

Vùng núi phía Bắc Việt Nam (gồm 14 tỉnh Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ và Tuyên Quang) là khu vực lớn nhất nhưng cũng là khu vực nghèo nhất trong sáu khu vực ở Việt Nam, với tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo năm 2016 là 17,72% và 9,02%, theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Các số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy trong năm 2016, khu vực này có hơn 7,5 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên, chiếm 62,4% tổng dân số, nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ đạt 17,5%.

Theo các đại diện tuyển dụng như giám đốc sở nội vụ và trưởng ban tổ chức tỉnh ủy, các tỉnh miền núi phía Bắc đang có nhu cầu về nhân lực ở các ngành xây dựng, giao thông, viễn thông, ngoại ngữ, và đặc biệt là ngành kiểm định chất lượng.