Tại phiên chợ sâm Ngọc Linh diễn ra từ ngày 1-3/10 ở trung tâm huyện Nam Trà My (Quảng Nam), lần đầu tiên người tiêu dùng được tận mắt xem, tìm hiểu và phân biệt sâm Ngọc Linh thật và giả, bao gồm cả lá sâm, củ sâm và thân sâm.
Sẽ có phiên chợ định kỳ hằng tháng
Theo ban tổ chức, phiên chợ Sâm Ngọc Linh lần thứ nhất có hơn 20 gian hàng giới thiệu cây sâm Ngọc Linh do 57 hộ trồng sâm thuộc xã Trà Linh sản xuất, 12 gian hàng có sản phẩm sâm củ trưng bày và bán. Phiên chợ cũng có sự tham gia của 10 xã trên địa bàn huyện Nam Trà My, 2 huyện Thăng Bình, Tây Giang, 10 doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm sâm Ngọc Linh, quế và dược liệu.
Ngoài cây và củ sâm, các gian hàng còn giới thiệu và bán các sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh như rượu sâm, viên nang sâm, kẹo sâm, trà sâm…
Ngoài ra, phiên chợ còn có 30 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản vật khác thuộc lĩnh vực nông - lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của Quảng Nam như: Quế Trà My, sâm ba kích, rượu táo Mèo, hàng hóa thổ cẩm, cây dược liệu...
Thống kê của ban tổ chức cho thấy, trong những ngày diễn ra phiên chợ, có trên 7.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm, doanh thu đạt trên 4,5 tỷ đồng, trong đó mặt hàng sâm củ Ngọc Linh bán được 45 đến 50kg. Chương trình văn nghệ và sinh hoạt cộng đồng cũng đã thu hút nhiều người dân đến xem và trực tiếp đăng ký tham gia các hoạt động như đốt lửa trại, múa tập thể, uống rượu cần.
Để gia tăng hiệu quả cho phiên chợ sâm Ngọc Linh, trước đó, sáng 29/9, tại thành phố Tam Kỳ, UBND huyện Nam Trà My đã tổ chức họp báo. Ngày 2/10, UBND huyện tổ chức họp với Hội Nhà báo tỉnh Quảng Nam về công tác tổ chức phiên chợ, gặp gỡ, trao đổi với các hộ trồng sâm, các doanh nghiệp trồng, sản xuất, chế biến sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, giao lưu văn hóa, ẩm thực đồng bào các dân tộc vùng cao…
Theo chủ trương thống nhất của UBND tỉnh Quảng Nam, chợ phiên sâm Ngọc Linh sẽ diễn ra định kỳ vào ngày 1-3 hằng tháng tại trung tâm huyện miền núi Nam Trà My.
Bảo vệ thương hiệu, chất lượng sâm Ngọc Linh
Cây sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) đã có từ bao đời nay tại vùng núi Ngọc Linh thuộc địa phận huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam và huyện TuMơRông tỉnh Kon Tum. Với 52 hợp chất saponin, đây là một trong 5 loại sâm quý hiếm nhất thế giới.
Do sản vật này có giá trị kinh tế cao, trên thị trường đã xuất hiện sâm Ngọc Linh giả. Gần đây tỉnh Kon Tum đã xử phạt một cửa hàng kinh doanh rượu sâm Ngọc Linh không rõ nguồn gốc với tổng giá trị các sản phẩm hơn 289 triệu đồng. Thông tin này khiến cộng đồng lo ngại bởi số tiền bỏ ra khi mua sâm Ngọc Linh khá lớn.
Để cung cấp thông tin cho người tiêu dùng, ban tổ chức phiên chợ đã tổ chức hướng dẫn cho người tiêu dùng cách phân biệt sâm Ngọc Linh thật, giả.
Theo đó, sâm Ngọc Linh tự nhiên thật sẽ có nhiều mắt, các mắt sâm lõm vào thân và xếp so le nhau. Dùng dao cắt thân thành từng lát mỏng và quan sát bên trong sẽ thấy phần củ có màu vàng nhạt, còn phần thân hơi tím hoặc xám nhạt. Các vân trên lát cắt đều, xơ nhỏ. Khi đưa sâm lên miệng nếm sẽ thấy vị đắng, dư vị ngọt.
Sâm thật có mùi thơm nồng đặc trưng, chỉ cần đưa lên mũi ngửi là có thể nhận biết. Vỏ sâm Ngọc Linh rất mỏng và nhẵn, nếu rửa sạch sẽ thấy có màu nâu vàng hoặc xanh xám. Còn các loại sâm giả có vỏ dày, sần sùi, bì bì, màu giống da tê giác.
Sâm Ngọc Linh trồng tự nhiên tại các vùng chuyên canh có hình dạng hơi khác với sâm tự nhiên; kích thước và hình dáng khá đồng đều. Xung quanh thân củ sâm trồng có các nốt sẹo, rễ con phồng lên chứa chất dinh dưỡng nuôi cây, tạo thành các cục. Sâm trồng có nhiều rễ, ít mắt hơn sâm tự nhiên và phần thân nhỏ hơn phần củ.
Để phục vụ công tác quản lý chất lượng sâm Ngọc Linh, mới đây UBND huyện Nam Trà My đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam thành lập Trung tâm Kiểm định chất lượng sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) tại huyện Nam Trà My.