Đó là hãy hành động theo lời khuyên của Tổ chức Y tế Thế giới, chấm dứt việc ra quyết định bí mật, và đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
“Một số lựa chọn quan trọng về sức khỏe quốc gia được một số ít người quyết định trong vòng bí mật.” Sáu mươi năm trước, tác giả Charles Percy Snow đã tiết lộ điều gây sốc trong cuốn sách Science and Government (Khoa học và Chính phủ) về việc các cố vấn chính phủ trong Thế chiến II đã đưa ra những lời khuyên khoa học thiếu bằng chứng và cơ sở như thế nào. Đến nay, khi thế giới phải đối mặt với một trong những đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm tồi tệ nhất thế kỷ, chúng ta càng thấy rõ những quan sát của ông thích đáng đến nhường nào.
Trên toàn cầu, các quốc gia đang phải ứng phó với đại dịch corona virus bằng những biện pháp chỉ dùng trong thời chiến trước đây, chẳng hạn đóng cửa biên giới, cách ly cộng đồng, cấm tụ tập; đóng cửa nhà hàng; trưng dụng các nhà máy và khách sạn…
Song ở nhiều quốc gia như Mỹ hay Vương quốc Anh, chính phủ đã bí mật đưa ra nhiều quyết định quan trọng và tuyên bố ra ngoài trước khi công bố những cơ sở dẫn đến quyết định đó. Đây không phải cách các chính phủ nên làm. Giờ đây, khi châu Âu trở thành trung tâm mới của dịch bệnh với số lượng ca nhiễm không ngừng tăng, các chính phủ cần cấp thiết thực hiện 3 điều sau:
Thực hiện theo lời khuyên của Tổ chức Y tế Thế giới
Cả Mỹ và Vương quốc Anh đều không cho biết lý do tại sao họ không nghe theo lời khuyên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là đẩy mạnh kiểm tra, theo dõi và cách ly càng nhiều trường hợp COVID-19 càng tốt.
Đại diện các chính phủ này phát biểu rằng họ đã được những nhà virus học và dịch tễ học bệnh truyền nhiễn tốt nhất thế giới tư vấn. Điều này đúng, nhưng đồng thời, họ cũng cần hiểu rằng không chính phủ nào có thể sánh được WHO về kinh nghiệm thực tiễn và bài học rút ra trong việc đối phó dịch bệnh từ SARS đến Ebola. WHO khẳng định các biện pháp ‘ngăn chặn’ là rất cần thiết, bên cạnh việc hạn chế tiếp xúc xã hội và chăm sóc lâm sàng nhanh chóng tại những nơi truyền nhiễm đang diễn ra.
Mỹ vẫn chưa tuyên bố ưu tiên việc kiểm tra chặt chẽ các trường hợp nghi nhiễm và cách ly những người liên quan. Tại đây, những nỗ lực phòng bệnh đang bị cản trở do thiếu các xét nghiệm chẩn đoán COVID-19 và không có hệ thống y tế công cộng thống nhất. Vương quốc Anh, nơi y tế công cộng được điều hành tập trung hơn, thực hiện các xét nghiệm một cách hạn chế dù cũng đang thúc đẩy việc này như các quốc gia khác.
Trái ngược với 2 quốc gia trên, Trung Quốc và Hàn Quốc đã sử dụng các biện pháp ngăn chặn mạnh mẽ hơn nhiều ngay từ đầu và tiếp tục làm như vậy. Cả hai quốc gia hiện đều có số trường hợp nhiễm mới mỗi ngày một ít hơn so với khi virus đang ở đỉnh điểm.
WHO rất hiếm khi chỉ trích các quốc gia thành viên, đặc biệt khi họ là một trong số những nhà tài trợ lớn nhất của mình. Nhưng trong buổi họp ngày 12/3, tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu: “Ý nghĩ về việc các nước nên chuyển từ ngăn chặn virus sang giảm thiểu sự lây lan là sai lầm và vô cùng nguy hiểm”. Ông nói thêm: “Ta không thể chiến đấu với virus nếu không biết nó ở đâu. Điều đó nghĩa là phải có sự giám sát mạnh mẽ để tìm kiếm, cô lập, xét nghiệm và xử lý mọi trường hợp để phá vỡ chuỗi lây truyền.”
Một tuần sau đó, ông nhắc lại quan điểm: “Cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa dịch bệnh này và cứu sống tính mạng của con người là phải phá vỡ chuỗi lây truyền. Để làm được điều đó, chúng ta phải xét nghiệm và cô lập. Chúng ta không thể chiến đấu với ngọn lửa khi bịt mắt, và chúng ta không thể ngăn chặn đại dịch này nếu không biết ai bị nhiễm.”
Công bố bằng chứng và nắm lấy cơ hội nghiên cứu mở
Từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đã đi đầu trong việc chia sẻ các kết quả nghiên cứu và dữ liệu, cam kết làm cho tất cả các nghiên cứu và dữ liệu liên quan đến virus corona có thể được tiếp cận dễ dàng. Việc trao đổi dữ liệu - từ trình tự gen của virus đến các nghiên cứu dịch tễ học - là điều vô cùng cần thiết để theo dõi mức độ lan truyền của virus và đề ra cách thức ngăn chặn.
Các nhà nghiên cứu đầu ngành đang làm việc hoặc tư vấn cho chính phủ cũng nên làm như vậy. Mở và chia sẻ dữ liệu sẽ giúp nghiên cứu tốt hơn vì nó cho phép lượng lớn nhóm chuyên gia kiểm tra các giả định, xác minh tính toán, chất vấn các kết luận và phát hiện… Thật không may, các bằng chứng làm cơ sở cố vấn cho chính phủ lại thường không được công bố đủ.
Hậu quả việc không công bố bằng chứng thể hiện rất rõ trong quyết định gây tranh cãi của Vương quốc Anh về việc trì hoãn đóng cửa các cấp học và nơi làm việc như nhiều quốc gia xung quanh đang làm. Một phần lý do ban đầu, như trưởng cố vấn khoa học Patrick Vallance giải thích gồm tiền đề cho rằng đối với những người khỏe mạnh, mắc một căn bệnh nhẹ sẽ giúp tăng cường khả năng miễn dịch của họ và nếu nhiều người trở nên miễn dịch, nó sẽ làm giảm sự lây truyền virus, giúp trì hoãn và giảm đỉnh điểm truyền bệnh. Nhưng cơ sở đằng sau phương pháp này không được tiết lộ. Không bất ngờ gì, các nhà khoa học gồm cả những nhà dịch tễ học và các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm khác đã đặt nghi vấn với cách tiếp cận này. Giờ đây, phương pháp để lây truyền cộng đồng đã không còn nằm trong chính sách của Vương quốc Anh.
Các nhà nghiên cứu hiểu rằng những thay đổi đột ngột trong chính sách là điều cần thiết trong bối cảnh không ngừng biến đổi và nhiều điều chưa biết hiện nay, nhưng có những chính phủ đã bất chấp đánh mất lòng tin của họ và công bố các chính sách trước khi đưa ra các dữ liệu cơ bản, mô hình và giả định. Nhiều bộ trưởng và cố vấn khoa học của họ dường như đã trở lại với mô hình của Thế chiến II, khi các quyết định được thảo luận và đưa ra trong những nhóm tương đối nhỏ, sau đó tuyên bố ra ngoài, trả lời phỏng vẫn và viết bài giới thiệu về chúng.
Thực sự, chính trị gia cùng các cố vấn khoa học của họ cần nắm bắt các nghiên cứu mở, khai thác các nhà chuyên môn - từ nhà virus học, dịch tễ học, nghiên cứu hành vi đến những lĩnh vực khác - để có những thẩm định mô hình tốt hơn và dẫn đến việc cải thiện các quyết định cuối cùng. Đấy là điều nên bắt buộc phải thực hiện ngay từ bây giờ, trong lúc họ phải đưa ra những quyết định có thể ảnh hưởng vô cùng lớn đến sinh mạng con người và tương lai nền kinh tế.
Hợp tác quốc tế sẽ cứu mạng nhiều người
Các cố vấn khoa học và cố vấn y tế của chính phủ khó mà vận động cho một cách tiếp cận tập thể, minh bạch hơn khi mà một số nhà lãnh đạo của họ, đặc biệt là Tổng thống Mỹ Donald Trump và nội các của ông, nghi ngờ giá trị của hợp tác quốc tế và thay vào đó đưa ra những quyết định đơn phương.
Quyết định của Mỹ cấm các chuyến bay từ Trung Quốc và Iran, sau đó là từ các nước châu Âu, được đưa ra mà không hỏi ý kiến của đa số các quốc gia này. Mỹ cũng không công bố cơ sở, bằng chứng về việc liệu ra lệnh cấm bay có thể làm chậm sự lây lan của virus khi mà nó vốn đã lan truyền trong quốc gia này.
Nhưng các cố vấn phải kiên trì. Họ phải thuyết phục các nhà lãnh đạo của mình rằng phối hợp, hành động tập thể là vì lợi ích của mọi người. Ví dụ, nếu họ không đồng ý với phân tích của WHO, thì họ nên giải thích tại sao. Để đánh bại đại dịch, các quốc gia cần cung cấp những bằng chứng đầy đủ và rõ ràng, hậu thuẫn cho quyết định của họ, và sẵn sàng chia sẻ bằng chứng đó để mọi người có thể cùng nhau đánh bại virus.
Nguồn: