PGS.TS Nguyễn Việt Anh, Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, người chuyên nghiên cứu về công nghệ giáo dục, cho rằng, thiếu một hệ thống hoàn chỉnh, đặc biệt là thiếu cách tiếp cận phù hợp và các chính sách rõ ràng, việc triển khai học trực tuyến sẽ khá vất vả và lúng túng.

 Việc dạy học trực tuyến đã được nhiều trường đại học triển khai như một hình thức bắt buộc trong thời gian sinh viên nghỉ học tập trung để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Tinh Tế
Việc dạy học trực tuyến đã được nhiều trường đại học triển khai như một hình thức bắt buộc trong thời gian sinh viên nghỉ học tập trung để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Tinh Tế

Nhiều cấp độ học trực tuyến

Ngày nay, bất kỳ người thầy nào cũng có thể tiến hành dạy học trực tuyến ở mức độ nhất định, đơn giản nhất là dưới hình thức video conference trên các nền tảng có sẵn như Skype, Facebook, Youtube…

Tuy nhiên, một hệ thống học trực tuyến đích thực không thể đơn thuần bao gồm các công cụ truyền đạt mà thiếu các công cụ quản lý, đánh giá.

Ba thành phần cơ bản hình thành nên một hệ thống học tập trực tuyến đầy đủ chính là: hệ thống quản lý học tập LMS (Learning Management System), cho phép quản lý giảng viên, quản lý người học, quản lý môn học, kiểm tra, đánh giá tự động…; hệ thống công cụ soạn thảo bài giảng; các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ (trường quay, đội ngũ kỹ thuật viên, kho bài giảng…).

Một số trường đại học ở Việt Nam hiện nay chọn xây dựng hệ thống học trực tuyến trên những nền tảng mã nguồn mở khá đơn giản nhưng đảm bảo cung cấp các chức năng phong phú, mà Moodle là một ví dụ.

Ở mức độ cao nhất, như một số trường đại học hàng đầu thế giới đang tiếp cận, hệ thống học trực tuyến sử dụng AI để phân tích khả năng tập trung của người học, và dựa trên dữ liệu tương tác để dự đoán hiệu quả học tập, gợi ý cho người học các vấn đề cần quan tâm...

Thách thức về tiếp cận và chính sách

Từng tìm hiểu và tư vấn một số trường xây dựng hệ thống học trực tuyến, tôi nhận thấy, công nghệ không phải là thách thức lớn nhất, dù nó hết sức quan trọng. Đường truyền chỉ chậm một chút là đã khó khăn cho người dạy và người học nhưng đó là vấn đề khắc phục được. Các vấn đề công nghệ khác cũng tương tự, vướng ở đâu sẽ có các nhóm nghiên cứu để phát triển, bổ sung. Ở Việt Nam, có một số doanh nghiệp như Topica và FPT đã bước đầu làm chủ công nghệ học trực tuyến.

Thách thức hơn chính là cách tiếp cận và chính sách đối với việc dạy và học trực tuyến.

Học trực tuyến ở Việt Nam hiện nay về cơ bản vẫn đang vận dụng cách tiếp cận của giảng dạy truyền thống dưới hình thức video conference. Trong khi đó, học trực tuyến coi mỗi bài giảng như một kịch bản, với mỗi dạng học khám phá hay brainstorm... lại có một kịch bản bài giảng khác nhau. Điều này đòi hỏi phải có một trung tâm elearning với nhiều vai trò. Ở đó, người thầy là subject master expert (chuyên gia về chủ đề), chỉ chuyên cung cấp nội dung; còn việc lên kịch bản, ghi hình, thu âm… đã có đội ngũ nhà thiết kế, kỹ thuật viên và thậm chí cả nhà giáo dục học - người có thể tư vấn chuyên môn về tâm lý, phương pháp, kiểm tra, đánh giá... chịu trách nhiệm. Chừng nào các thầy cô còn phải lo tất mọi khâu như hiện nay thì họ kêu vất vả, khó khăn là có lý của họ. Xin nói thêm, trung bình để quay một bài giảng 45 phút thì cần khoảng thời gian gấp 3-4 lần. Xây dựng kho bài giảng điện tử cho một khung chương trình hàng trăm môn học vì thế là một thách thức khổng lồ.

Có cách tiếp cận đúng, mọi việc sẽ đỡ lúng túng. Bên cạnh đó, còn cần có các chính sách công nhận và khuyến khích học trực tuyến một cách rõ ràng để làm cơ sở cho các trường ra quyết định, chẳng hạn như, có đầu tư một kênh riêng phục vụ các server học trực tuyến hay không và cần đào tạo bài bản cho các thầy cô đến mức độ nào. Hiện nay, nhiều thầy cô được yêu cầu dạy trực tuyến thường phải sử dụng phần mềm không có bản quyền trong quá trình thiết kế bài giảng, nhưng một khi các trường xác định chính thức triển khai học trực tuyến thì việc đầu tư kinh phí mua các phiên bản phần mềm cho nhiều người dùng là điều cần xét tới.

Hình thành thói quen ứng dụng công nghệ giáo dục

Dù chưa có một hệ thống học trực tuyến hoàn chỉnh, theo tôi, các đơn vị đào tạo vẫn nên bắt đầu triển khai từng bước phương thức học ắt hẳn sẽ chiếm vị thế áp đảo trong một ngày không xa này. Mục đích là để hình thành dần thói quen sử dụng CNTT ở người dạy và người học.

Có nhiều mức độ để triển khai - trực tuyến trên từng môn học, hoạt động học, chương trình, phạm vi trường - cứ thế nâng dần lên.

Ở Trường Đại học Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, lúc bắt đầu hình thành hệ thống elearning vào năm 2003, chỉ có 2-3 giảng viên thử nghiệm trong khuôn khổ một đề tài. Về sau, Ban giám hiệu có nhiều chính sách rất tốt để khuyến khích, đồng thời có kinh phí hỗ trợ các giảng viên soạn thảo bài giảng và quản lý môn học trên website.

Từ đó đến nay, hình thức trực tuyến được ứng dụng suốt năm học ở nhiều mức độ. Mỗi học kỳ, trường có trên 100 môn mà sinh viên bắt buộc phải lên mạng để lấy tài liệu, làm bài tập và tương tác vì các thầy các thầy chỉ post thông báo hoạt động lên đó, chỉ trả lời câu hỏi trên đó, và bài tập chỉ có thể nộp ở đó. Các môn lập trình đều triển khai đánh giá tự động trên hệ thống, các thầy cô giáo không phải chấm bài, các em làm bài xong thì nộp và có điểm ngay. Trực tuyến trở thành một kênh chính thống.

Ban đầu các em không tránh khỏi lạ lẫm, nhưng thói quen học trên mạng được hình thành rất nhanh. Do nội dung học đã được cung cấp sẵn, khi lên lớp, giảng viên có nhiều thời gian hơn để tập trung vào các ý quan trọng hoặc giải đáp và trao đổi về các thắc mắc của sinh viên.

Từ khi xảy ra dịch Covid-19 vào đầu học kỳ II này thì tất cả các môn trong trường đều được triển khai trên hệ thống website theo đúng thời khóa biểu.

Học trực tuyến chỉ hiệu quả khi cả người học cũng thay đổi tiếp cận. Nếu không có khả năng tự học, sinh viên sẽ dễ nản vì cảm giác phải một mình đương đầu với khối học liệu và bài tập. Riêng ở ngành CNTT của tôi, các em tỏ ra khá thích thú và thành thạo. Tuy nhiên, trong đợt nghỉ dài này, các em không khỏi cảm thấy nhớ bạn, nhớ lớp.

Xu hướng không thể đảo ngược

Trong bối cảnh học sinh, sinh viên nghỉ học tập trung để phòng dịch Covid-19, chúng ta có thể nhìn nhận học trực tuyến như một giải pháp tình thế nhưng trong tương lai, đó sẽ là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược, đặc biệt phù hợp cho những khóa học cá nhân hóa hay học theo nhu cầu. Udemy, Coursera sở dĩ phát triển rực rỡ vì đáp ứng tốt nhu cầu đó. Ai cần học gì sẽ được học nấy chính là mục đích cao nhất của học trực tuyến.

Không chỉ cho phép người ta học ở mọi lúc, mọi nơi, học trực tuyến còn có khả năng đem lại những trải nghiệm học tập hết sức sâu sắc khi tích hợp các công cụ như thực tế ảo, thực tế tăng cường. Chẳng hạn, ở môn vật lý, người học không cần đến phòng thí nghiệm mà chỉ cần mở phần mềm và điền thông số là có thể tạo ra các thí nghiệm về cháy nổ. Về mặt công nghệ, trong tương lai sẽ ngày càng có nhiều công cụ hỗ trợ như vậy.