Mặc dù không thể hoàn toàn tránh khỏi những thiệt hại, Gita Gopinath, Kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng các chính sách kinh tế khoanh vùng mục tiêu (targeted economic policies) trên diện rộng có thể giúp đỡ khôi phục kinh tế khi cơn dịch qua đi.
Cuộc khủng hoảng sức khỏe do corona virus đang gây hậu quả kinh tế đáng kể trên quy mô toàn cầu. Đã có hơn một trăm nghìn ca nhiễm, trong đó virus cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người. Trong bối cảnh đó, các chính phủ gần như dồn lực vào các biện pháp bảo vệ sức khỏe công dân. Do chưa có vaccine ngăn chặn virus, nhiều nước kiểm soát lây lan bằng cách hạn chế đi lại, đóng cửa trường học tạm thời và kiểm dịch. Các biện pháp này cũng giúp mua thời gian quý báu để tránh quá tải hệ thống y tế.
Nhưng không chỉ y tế bị ảnh hưởng, việc kinh doanh cũng có tín hiệu ảnh hưởng theo. Một số nơi đã đưa ra những quyết định khó khăn có khả năng tác động lâu dài đến nền kinh tế toàn cầu, chẳng hạn dừng hoạt động các ngành quan trọng như du lịch, thương mại, lắp ráp, sản xuất…
Mặc dù thời điểm hiện tại không thể đong đếm được tổng thiệt hại kinh tế do dịch Covid-19 gây ra, nhiều chuyên gia kinh tế như Gita Gopinath nhận định rằng thế giới đang phải gánh chịu rủi ro không nhỏ do những cú sốc về cung – cầu và tác động tài chính lan tỏa khiến tình hình có thể tệ đi nếu không sớm có những biện pháp can thiệp hợp lý.
Vì hầu hết các quốc gia sẽ phải đối mặt với cú sốc tài chính, nên các nhà hoạch định chính sách cần thực hiện các biện pháp lớn về tài khóa, tiền tệ và thị trường tài chính khoanh vùng mục tiêu để cuộc khủng hoảng tạm thời này không gây ra những tổn hại vĩnh viễn cho người dân và doanh nghiệp như mất việc làm hoặc phá sản.
Gita Gopinath
VÒNG LẶP TÁC ĐỘNG
“Dịch corona virus liên quan đến cả cung và cầu của thế giới. Gián đoạn kinh doanh làm giảm sản lượng, tạo ra những cú sốc cho nguồn cung. Ở đầu kia, người tiêu dùng và doanh nghiệp e dè chi tiêu đã giảm nhu cầu.” Gita Gopinath viết trên blog của IMF.
Cụ thể, về phía cung, mặc dù nguồn lao động bị giảm trực tiếp vì lí do sức khỏe, chăm sóc người bệnh hoặc thậm chí tử vong, nhưng ảnh hưởng lớn hơn đến từ những biện pháp ngăn chặn lây lan của chính phủ. Việc phong tỏa hoặc cách ly khiến mức công suất sử dụng của các ngành nghề bị sụt giảm. Các công ty phụ thuộc vào chuỗi cung ứng không thể có được đầu vào cần thiết dù là trong nước hay quốc tế. Trung Quốc - nhà cung cấp chính nhiều hàng hóa trung gian quan trọng cho các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Indonesia, Mexico, Đức, Pháp, Ý… bị đình trệ kéo theo một loạt ảnh hưởng ở các nước cuối chuỗi. Nhiều gián đoạn hợp lại làm tăng chi phí kinh doanh và tạo thành cú shock giảm hoạt động kinh tế.
Về phía cầu, việc bị mất thu nhập, sợ hãi lây nhiễm và tâm lý không chắc chắn về tương lai khiến mọi người chi tiêu ít hơn. Nhân viên có thể bị sa thải vì công ty không có khả năng trả lương. Ảnh hưởng này đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực hàng không, du lịch và khách sạn như đã thấy ở Ý. Việc giảm niềm tin kinh doanh và giảm tiêu thụ hiện tại có thể khiến công ty hạ mức cầu kì vọng trong tương lai, dẫn đến giảm cả chi tiêu lẫn đầu tư hiện tại. Điều này, quay lại, càng làm tình hình kinh tế trở nên khó khăn hơn.
Bên cạnh tác động đến chuỗi cung, Gopinath cũng cảnh báo về hiệu ứng tài chính lan tỏa. Những ngày gần đây, chi phí vay có xu hướng tăng và điều kiện xét duyệt tài chính bị thắt chặt bởi các ngân hàng nghi ngờ người tiêu dùng và doanh nghiệp khó có khả năng trả nợ đúng hạn. Chi phí vay cao hơn bộc lộ những lỗ hổng tài chính được tích lũy sau một thời gian dài hưởng lãi thấp. Điều này kéo theo nguy cơ cao các khoản nợ không thể đáo hạn. Về tổng thể, sụt giảm tín dụng sẽ khuếch đại tình hình suy thoái vốn đã phát sinh từ những cú sốc cung-cầu nói trên. Các quốc gia phụ thuộc vào nguồn tài chính bên ngoài phải đối mặt với nguy cơ bị ngừng tiền đột ngột hoặc rối loạn thị trường, buộc họ phải thực hiện các biện pháp can thiệp ngoại hối hoặc cấp vốn tạm thời.
GIẢM THIỂU HẬU QUẢ
“Xét thấy hậu quả kinh tế phản ánh những cú sốc đặc biệt nghiêm trọng ở những lĩnh vực cụ thể, các nhà hoạch định chính sách cần thực hiện các biện pháp lớn về tài khóa, tiền tệ và thị trường tài chính khoanh vùng mục tiêu,” Gopinath nhấn mạnh, “Mục đích là để cuộc khủng hoảng tạm thời này không gây ra những tổn hại vĩnh viễn như mất việc làm hoặc phá sản”
Đại diện IMF này cho rằng những hộ gia đình và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn nguồn cung sẽ phải là “đối tượng mục tiêu được nhận tiền mặt, trợ cấp lương và giảm thuế” để giúp họ đáp ứng nhu cầu hàng ngày và duy trì hoạt động kinh doanh.
Đưa ra một ví dụ về cuộc khủng hoảng ở Ý, Gopinath cho biết quốc gia này đã gia hạn thời hạn nộp thuế cho công ty ở khu vực bị ảnh hưởng và mở rộng quỹ lương để hỗ trợ thu nhập cho những người lao động bị sa thải do bùng phát virus. Trong khi đó, Hàn Quốc mới đưa ra chương trình trợ cấp cho tất cả thương nhân nhỏ, đồng thời tăng phụ cấp cho những người phải ở nhà chăm sóc người bệnh và đang tìm việc. Thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã tạm hoãn khoản đóng an sinh xã hội cho doanh nghiệp. Đối với những người bị sa thải, bảo hiểm thất nghiệp có thể được tăng cường tạm thời, bằng cách kéo dài khoảng thời gian thất nghiệp, tăng lợi ích được hưởng hoặc giảm thời hạn chờ hồ sơ.
Gopinath cũng cho biết các ngân hàng trung ương nên sẵn sàng cung cấp “thanh khoản dồi dào” cho các ngân hàng và công ty tài chính, đặc biệt với những bên cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi những doanh nghiệp loại này thường không được chuẩn bị tốt để đối phó với một cuộc khủng hoảng lớn.
Chính phủ có thể cung cấp bảo lãnh tín dụng tạm thời cho các đối tượng sắp tới hạn cần thanh khoản. Ví dụ, Hàn Quốc đã mở rộng cho vay kinh doanh và bảo lãnh vay với các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng. Các nhà quản lý thị trường tài chính cũng có thể khuyến khích gia hạn thời điểm trả nợ, trên cơ sở tạm thời và ràng buộc thời gian.
Gopinath cũng khuyến nghị các biện pháp kích thích tiền tệ rộng hơn như chính sách cắt giảm lãi suất hoặc mua tài sản. Cả hai đều có thể tăng niềm tin và hỗ trợ thị trường tài chính trong trường hợp xuất hiện rủi ro thắt chặt điều kiện tài chính. Tuy nhiên, Gopinath cũng nói rằng “các biện pháp cứu trợ tài chính trên diện rộng này sẽ phát huy hiệu quả khi hoạt động kinh doanh được bình thường hóa”.