Theo nhận định của TS Trần Quang Huy, việc một số nhà khoa học Anh đang cân nhắc áp dụng biện pháp “miễn dịch cộng đồng” – không kiểm soát lây lan để cho đa phần dân số có khả năng miễn dịch với SARS-CoV-2 mới này là “sai lầm” và “không thể áp dụng”.
TS Trần Quang Huy hiện là Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Nano, trường Đại học Phenikaa và nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Y học Dự phòng.
“Covid-19 có nguy hiểm hay không? Chỉ nhìn biểu đồ của Đại học John Hopskin, có thể thấy dịch bệnh lây ra toàn thế giới, hơn 100 nước bị nhiễm với hơn một trăm nghìn ca nhiễm được xét nghiệm và hơn mấy nghìn người chết. Như vậy có thể thấy mức độ nguy hiểm tới mức nào”, TS Trần Quang Huy nhắc lại mức độ nghiêm trọng của bệnh dịch này trong buổi tọa đàm “Giới thiệu về bệnh truyền nhiễm do vi rút: đường lây truyền và phòng bệnh”, do trường Đại học Phenikaa tổ chức vào ngày 13/3 vừa qua.
“Nhìn vào con số ấy để thấy rằng, một số ý kiến nhận định ‘một số nước để miễn dịch cộng đồng - tức là để nó bùng lên đỉnh rồi phải thoái trào’ có đúng hay không?” Theo TS Trần Quang Huy thì có thể thấy đó là điều “hoàn toàn sai lầm”. Bởi vì khi dịch bệnh đã lan ra cộng đồng mà không có biện pháp khống chế thì sẽ lây lan theo cấp số nhân. Anh giải thích thêm về hệ quả khi dịch bệnh lây lan vượt quá khả năng kiểm soát của y tế, đơn cử như một số khu vực đang “vỡ trận” của Italia, tỉ lệ tử vong không chỉ là 2% (hoặc 3-4% như Tổ chức y tế thế giới đã khẳng định), thậm chí có thể lên tới hơn 10% ở các nhóm có bệnh nền và người cao tuổi.
Khi dịch bùng phát mạnh thì các cơ sở y tế không thể đủ phương tiện chữa trị và thậm chí có thể dẫn tới tình trạng sẽ giống như Italia hiện nay, đó là phải đưa ra ưu tiên chữa trị tập trung cho một số nhóm thay vì bao phủ toàn dân. Các báo quốc tế đã đưa tin, trong những ngày gần đây nhất, Italia đang phải cân nhắc ưu tiên chữa trị cho các nhóm dưới 80 tuổi hoặc thậm chí dưới 70 tuổi vì không đủ cơ sở vật chất chăm sóc cho tất cả các bệnh nhân cao tuổi.
“Nếu bố mẹ, người thân chúng ta rơi vào trường hợp ấy chúng ta có chạy được không? Cho nên quan điểm đó [miễn dịch cộng đồng] là hết sức sai lầm”, TS Trần Quang Huy nhấn mạnh.
Nhìn vào những kịch bản quá tải ở châu Âu thì không khó để nhận ra rằng, trong bối cảnh tiềm lực y tế điều trị không đủ mạnh, Việt Nam sẽ không thể ứng phó được nếu để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Do đó, TS Trần Quang Huy đánh giá phương án điều trị người nhiễm virus và cách ly người tiếp xúc hiện nay là rất cần thiết, bởi vì chỉ khi tập trung cách ly “mới giúp khoanh vùng dịch và nhanh chóng dập dịch”.
Anh cũng đánh giá “có thể nói là chưa hệ thống y hoc dự phòng nào tốt như hệ thống y học dự phòng của Việt Nam bởi tính đồng bộ từ cấp trung ương đến địa phương”. Hiện nay các cơ quan y tế dự phòng ở trung ương gồm có bốn đơn vị: Viện vệ sinh dịch tễ trung ương phụ trách các tỉnh phía Bắc, Viện Pasteur Nha Trang phụ trách các tỉnh miền Trung, Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên phụ trách các tỉnh Tây Nguyên, và Viện Pasteur phụ trách các tỉnh phía Nam nhận tin tức hằng ngày từ các cơ sở y tế địa phương. Mỗi khi “có bất kỳ diễn biến mới liền lập tức được báo cáo về các cơ quan trung ương và được xử lý ngay, nên rất nhiều dịch bệnh ở nước ta được khoanh vùng và dập nhanh”, TS Trần Quang Huy nói. Mặt khác, Việt Nam có nhiều kinh nghiệm trong y học dự phòng khi đã khống chế thành công nhiều đợt dịch và đảm bảo công khai minh bạch thông tin dịch bệnh.
Trong hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, Việt Nam không thể áp dụng phương pháp “chủ động cho Covid-19 lan truyền” để nhanh chóng tạo miễn dịch trong cộng đồng vì không thể ứng phó nếu số ca bệnh tăng vọt. “Việt Nam không thể làm như thế vì tiềm lực không đủ để ứng phó khi số người nhiễm bệnh tăng cao vọt. Thực hiện biện pháp này, nhóm người sức khỏe yếu, người cao tuổi cũng không thể đủ sức chống đỡ khi Việt Nam không có mấy viện dưỡng lão, gia đình nào cũng có người già, người trẻ cùng chung sống. Vậy nên, chỉ có kiểm soát để càng làm chậm quá trình lây lan, phát tán của bệnh càng tốt, thì mới chống dịch thành công”, ông Nguyễn Thanh Long nói.
“Lây nhiễm cộng đồng” là sai lầm Trong thông báo của của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuần trước, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã nhấn mạnh, “hãy để tôi nói rõ: khi diễn giải rằng đây là một đại dịch không có nghĩa là các nước nên từ bỏ [việc ngăn chặn]. Ý tưởng các quốc gia nên chuyển từ ngăn chặn sang giảm thiểu là sai lầm và nguy hiểm”.
Tuyên bố này đưa ra trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng khắp Âu, Mỹ, và cũng cuối tuần trước cố vấn khoa học của Thủ tướng Anh, Patrick Vallance đưa ra ý định về một chiến lược “trì hoãn” bằng miễn dịch cộng đồng (herd immunity). Theo ý tưởng này, có thể để phần lớn dân số nhiễm virus, theo đó những người khỏe mạnh đã vượt qua được bệnh tật sẽ có kháng thể và không mắc trở lại; và chỉ tập trung chữa trị cho những người có triệu chứng nặng trong cộng đồng. Theo tính đoán đó, có thể khoảng 60%, thậm chí là 70% dân số Anh sẽ bị nhiễm Covid-19.
Trên thực tế, khái niệm “miễn dịch cộng đồng” được hiểu là khi cả cộng đồng có miễn dịch trước một căn bệnh nào đó, nhưng thường chỉ đạt được khi có một chiến lược phòng ngừa bằng tiêm chủng vaccine. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ước tính, tỉ lệ tử vong khi nhiễm Covid-19 hiện nay vào khoảng 2.3% và có thể lên tới 19% đối với những người đã có bệnh nền nặng, với kịch bản quy mô 47 triệu người Anh có thể mắc Covid-19 thì sẽ có hơn một triệu người tử vong và hơn tám triệu người cần được chăm sóc y tế. Và ngay cả trong kịch bản tốt nhất, tức là công tác để bảo vệ những người dễ bị tổn thương tốt nhất (mặc dù cho đến giờ chưa không có cuộc thảo luận khoa học rõ ràng nào về cách thực hiện [miễn dịch cộng đồng] hoặc nếu thực hiện thì trong bao lâu), thì tỷ lệ tử vong bộ phận dân số khỏe mạnh khác vẫn có thể là 0,5% hoặc cao hơn. Điều này cho thấy ngay cả trong kịch bản trường hợp hoàn hảo, WEF dự đoán vẫn sẽ có tới hơn 236.000 ca tử vong.
Trong khi thế giới đã có bài học từ Trung Quốc - nhanh chóng kiểm soát sự lây lan của COVID-19 mà không thả lỏng để “miễn dịch cộng đồng” (chỉ 0,0056% dân số đã bị nhiễm bệnh) thì không có lý gì tiến hành phương pháp này ở Anh. Đây không phải là một chiến lược y tế công cộng tốt.
B.Như tổng hợp - Nguồn WHO; WEF |