Trong cuốn sách mới “Banks on the Brink” (“Các ngân hàng trên bờ vực”), nhà khoa học chính trị David Singer tìm thấy hai yếu tố bất ngờ đằng sau sự sụp đổ của ngành tài chính trên toàn cầu.

Tác giả David Singer và cuốn sách do NXB Đại học Cambridge ấn hành tháng 2/2020.
Tác giả David Singer và cuốn sách do NXB Đại học Cambridge ấn hành tháng 2/2020.

Nhiều người cho rằng khủng hoảng ngân hàng, chẳng hạn như ở Hoa Kỳ 2007 – 2008, xuất phát từ những quyết định sai và quản lý rủi ro kém tại một vài ngân hàng như Lehmann Brothers. Là người đứng đầu Khoa Khoa học Chính trị của MIT, Singer đã dành nhiều năm để kiểm tra dữ liệu toàn cầu về chủ đề này với đồng nghiệp Mark Copelovitch, nhà khoa học chính trị tại Đại học Wisconsin, Madison. Cùng nhau, hai tác giả chỉ ra, dòng vốn nước ngoài tăng mạnh và thị trường chứng khoán phát triển mới là các lí do đằng sau cuộc khủng hoảng trên diện rộng. Trong đó, họ nhấn mạnh, sự phát triển của thị trường chứng khoán tạo ra điều kiện chín muồi cho khủng hoảng - chứ vấn đề không chỉ nằm ở một số ngân hàng liều lĩnh tham gia vào hoạt động săn lùng lợi nhuận quá mức.

“Banks on the Brink: Global Capital, Securities Market, and the Political Roots of Financial Crises” (Các ngân hàng trên bờ vực: Tư bản toàn cầu, thị trường chứng khoán và nguồn gốc chính trị của khủng hoảng tài chính) xem xét dữ liệu kinh tế và ngành ngân hàng từ năm 1976-2011 của 32 quốc gia trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Khoảng thời gian đó bắt đầu ngay sau khi hệ thống tỷ giá hối đoái cân bằng giữa các đồng tiền của các nước có nền kinh tế phát triển Bretton Woods biến mất. Tỷ giá hối đoái được thả nổi, dẫn đến sự gia tăng đáng kể trong phong trào gọi vốn nước ngoài. Chỉ riêng từ năm 1990 đến 2005, dòng vốn quốc tế đã tăng từ 1 nghìn tỷ USD lên 12 nghìn tỷ USD mỗi năm. (giảm xuống còn 5 nghìn tỷ USD, sau cuộc Đại suy thoái.)

Mặc dù vậy, một dòng vốn đổ vào một quốc gia không đủ làm cho ngành ngân hàng chìm xuồng, Singer nói: “Tại sao một số dòng vốn có thể được đưa vào và điều phối hiệu quả trong toàn bộ nền kinh tế, nhưng một số dòng vốn có thể làm hỏng hệ thống ngân hàng?”

Câu trả lời, theo Singer và Copelovitch, còn nằm ở thị trường chứng khoán hoạt động mạnh như một đối thủ cạnh tranh khiến các ngân hàng phản ứng bằng cách chấp nhận rủi ro lớn hơn.


Cuốn sách này thực sự thú vị, và có thể rất quan trọng đối với hiểu biết của chúng ta về khủng hoảng và chính sách công. Copelovitch và Singer đưa ra một luận điểm hoàn toàn khác, và tinh tế hơn đáng kể so với các lý do thông thường giải thích tại sao các nhà lập pháp dung túng cho các hệ thống tài chính mỏng manh.

Paul Tucker, Đại học Harvard


Hãy tưởng tượng một doanh nghiệp đầy hứa hẹn đang cần vốn. Họ có thể vay tiền từ ngân hàng. Hoặc họ cũng có thể phát hành một đợt chào bán cổ phiếu và huy động tiền từ các nhà đầu tư, như các công ty liều lĩnh hơn thường làm. Nếu có nhiều vốn đầu tư nước ngoài đổ vào một quốc gia, chống lưng cho các công ty phát hành cổ phiếu, thì các ngân hàng cũng sẽ muốn nhảy vào để tranh phần cho vay.

“Các ngân hàng và thị trường chứng khoán tranh nhau các công ty cần huy động tiền,” Singer nói.” Và tất nhiên, “ngân hàng không muốn bị thị trường chứng khoán lấy mất một lượng lớn khách hàng của họ. Khi bị cạnh tranh, các ngân hàng bắt đầu làm ăn với các công ty rủi ro hơn một chút.”

Đi sâu hơn vào ý này, cuốn sách đưa ra các nghiên cứu trường hợp tương phản của Canada và Đức. Canada là một trong số ít các quốc gia may mắn vẫn không bị khủng hoảng ngân hàng - thành tích mà các nhà bình luận thường gán cho hệ thống điều tiết hợp lý.

Tuy nhiên, Singer và Copelovitch quan sát thấy, Canada luôn có các thị trường chứng khoán nhỏ theo khu vực và là quốc gia OECD duy nhất không có cơ quan quản lý thị trường chứng khoán quốc gia.

“Nhiều người nghĩ rằng Canada có hệ thống ngân hàng ổn định chỉ vì họ điều phối tốt,” Singer nói. “Đó là lẽ phải thông thường mà chúng tôi đang cố gắng lật lại. Và tôi nghĩ rằng mọi người không hiểu rõ tình trạng kém phát triển của thị trường chứng khoán Canada.”

Ông cho biết thêm: “Đó là một trong những yếu tố quan trọng khi chúng tôi phân tích tại sao các ngân hàng của Canada lại rất ổn định. Họ (ngân hàng Canada) không phải đối mặt với một mối đe dọa cạnh tranh từ thị trường chứng khoán như các ngân hàng ở Hoa Kỳ. Họ có thể cạnh tranh một cách cẩn trọng mà vẫn có lãi.”


Cuốn sách này không chỉ là một cuộc điều tra thực nghiệm xuất sắc, mà còn kể lại lịch sử hấp dẫn về sự phát triển tài chính của Canada và Đức. Bất cứ ai quan tâm đến sự ổn định của thị trường tài chính, từ các nhà quản lý đến các học giả và nhà báo, nên đọc tác phẩm này.

Mark Manger, Đại học Toronto.


Ngược lại, các ngân hàng Đức nhiều lần trồi sụt trong hai thập kỷ qua. Các ngân hàng quy mô quốc gia của Đức, chịu áp lực từ một nhóm ngân hàng khu vực đang lên, đã cố gắng tăng lợi nhuận thông qua đầu tư chứng khoán, dẫn đến một số vấn đề đáng chú ý.

“Ở giai đoạn đầu trong thời kỳ chúng tôi nghiên cứu, Đức trông giống như một nền kinh tế rất tập trung vào ngân hàng,” Singer nói. “Đức thường được biết đến với mối liên kết chặt chẽ giữa các ngân hàng và ngành công nghiệp.” Tuy nhiên, ông lưu ý, “các ngân hàng quốc gia bắt đầu nhận thấy mối đe dọa cạnh tranh và tìm đến các thị trường chứng khoán để củng cố lợi thế cạnh tranh của họ.”

“Banks on the Brink” đã nhận nhiều lời khen ngợi từ các học giả khác trong lĩnh vực này. Jeffry Frieden, giáo sư về chính quyền tại Đại học Harvard, cho biết “logic chặt chẽ, phân tích thống kê và nghiên cứu trường hợp chi tiết tạo nên cuốn sách thuyết phục cho bất cứ ai quan tâm đến kinh tế và chính trị tài chính.”

Về phần mình, Singer và Copelovitch hy vọng cuốn sách sẽ kích thích các thảo luận về lịch sử khủng hoảng ngân hàng gần đây và cả cách tránh khủng hoảng trong tương lai.

Singer tin rằng việc tách riêng các ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư - điều mà Đạo luật Glass-Steagall từng làm ở Hoa Kỳ - sẽ không ngăn chặn được khủng hoảng. Bất kỳ ngân hàng nào, không chỉ các ngân hàng đầu tư, đều “trên bờ vực” nếu săn lùng lợi nhuận một cách rủi ro.

Thay vào đó, Singer nói, “chúng tôi nghĩ rằng cần có các quy định vĩ mô cho các ngân hàng. Vấn đề nằm ở các quy định về vốn, bảo đảm rằng các ngân hàng nắm giữ đủ vốn để hấp thụ bất kỳ khoản lỗ nào họ có thể phải chịu. Đó dường như là cách tiếp cận tốt nhất để duy trì một hệ thống ngân hàng ổn định, đặc biệt khi đối mặt với dòng vốn lớn.”