Cuộc xung đột với Nga đã làm tan tác cộng đồng khoa học Ukraine khi nhiều người phải di cư ra nước ngoài hoặc bỏ nghề.

Theo phân tích mới của UNESCO, đến tháng 1/2024, 6,3% số nhà nghiên cứu và giảng viên Ukraine đã di cư ra nước ngoài do ảnh hưởng từ cuộc xung đột với Nga.

Trong đó, đông nhất là các trường đại học Ukraine, với 3.426 người (tương đương 6,2%) trong tổng số gần 54.630 giảng viên và nghiên cứu viên đã phải di cư ra nước ngoài .

Tiếp đến là Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia, với 1.475 người (tương đương 11%) trong số gần 14 nghìn nhà nghiên cứu đã rời Ukraine, chủ yếu đến Đức, Ba Lan, Anh, và Pháp.

329 (tương đương 2,6%) trong số hơn 13 nghìn nhà khoa học tại các cơ quan nghiên cứu của bảy bộ cũng đang sống ở nước ngoài.

Cuối cùng là các viện nghiên cứu thuộc các ngành mất đi 276 người (tương đương 4,1%) trong số gần 7.000 nhà nghiên cứu.

Đồng thời, trong hai năm qua, 5,5% các nhà khoa học Ukraine phải di dời nơi cư trú trong nước.

Phân tích của UNESCO - dựa trên các thống kê do Viện Hàn lâm Khoa học Trẻ và Bộ Giáo dục & Khoa học Ukraine cung cấp - còn cho biết, khoảng 30% lực lượng khoa học Ukraine buộc phải làm việc từ xa và 1.518 nhà khoa học khác đã tình nguyện tham gia chiến đấu.

Trong khi đó, một nghiên cứu trên Nature chỉ ra, kể từ khi xung đột bùng nổ vào tháng 2/2022, thời gian trung bình mà một nhà khoa học Ukraine dành cho nghiên cứu đã bị giảm từ 13 giờ xuống 10 giờ mỗi tuần (tương đương giảm 23%).

Nghiên cứu này ước tính rằng 17,6% các nhà khoa học Ukraine (cả di cư hoặc không) được khảo sát không còn làm các công việc liên quan đến học thuật hoặc nghiên cứu nữa. Các nhà khoa học di cư ra nước ngoài có khả năng bỏ nghề cao hơn 17% so với những người ở lại. Các nhà khoa học ở các khu vực gần biên giới với Nga cũng có khả năng bỏ nghề cao hơn hẳn so với các khu vực khác. Tuy nhiên, họ không có nhiều khả năng đi khỏi Ukraine.

Đây cũng là nghiên cứu đầu tiên định lượng những gì đã xảy ra với các nhà khoa học Ukraine kể từ khi xảy ra xung đột với Nga.

Người ra đi

Sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine diễn ra trên quy mô toàn diện, các trường đại học khắp châu Âu và Bắc Mỹ đã nhanh chóng sắp xếp công việc giảng dạy và nghiên cứu cho các nhà khoa học Ukraine phải di cư.

6,3% số nhà nghiên cứu và giảng viên Ukraine đã di cư ra nước ngoài do ảnh hưởng từ cuộc xung đột với Nga. Trong ảnh: Iryna Ilienko, nhà sinh học tế bào, đi khỏi Ukraine ngay đầu năm 2022. Sau khi đến Canada, cô được nhận vào công ty công nghệ sinh học Future Fields ở Edmonton. Nguồn: cbc.ca
6,3% số nhà nghiên cứu và giảng viên Ukraine đã di cư ra nước ngoài do ảnh hưởng từ cuộc xung đột với Nga. Trong ảnh: Iryna Ilienko, nhà sinh học tế bào, đi khỏi Ukraine ngay đầu năm 2022. Sau khi đến Canada, cô được nhận vào công ty công nghệ sinh học Future Fields ở Edmonton. Nguồn: cbc.ca

Trong nghiên cứu trên Nature, Gaétan de Rassenfosse - phó giáo sư về chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ ở Lausanne (EPFL), và hai đồng tác giả đã khảo sát trực tuyến với 2.559 nhà khoa học và cựu nhà khoa học cả trong và ngoài Ukraine từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 12/2022.

Kết quả cho thấy, những nhà khoa học có trình độ cao rời bỏ đất nước với tỷ lệ cao hơn. Cụ thể, các nhà khoa học dành hơn 20 giờ mỗi tuần để làm nghiên cứu, các nhà khoa học nằm trong top 10% năng suất nhất, và các nhà khoa học có bằng cấp cao nhất (Tiến sĩ hoặc Tiến sĩ Khoa học) có khả năng di cư ra nước ngoài cao hơn đáng kể so với các nhà khoa học khác (cao hơn lần lượt 8%, 12% và 11%).

Xác suất đi khỏi Ukraine của các nhà khoa học nữ cũng cao hơn - họ chiếm khoảng 74% những người ra đi. Về nguyên tắc, nam giới trong độ tuổi 18–60 bị hạn chế xuất cảnh. Tuy nhiên, có những miễn trừ cụ thể, ví dụ, các nhà khoa học nam được phép thực hiện các chuyến đi ngắn để tham dự hội nghị và hợp tác nghiên cứu. Ngoại lệ còn được áp dụng cho sinh viên nước ngoài, người khuyết tật, ông bố đơn thân và những người có từ ba con trở lên. Song nhóm nghiên cứu cho biết họ vẫn khá bất ngờ khi biết có nhiều nhà khoa học nam như vậy ra khỏi biên giới.

Hơn 75% trong số các nhà khoa học ra đi cho biết họ tích cực trao đổi với các đồng nghiệp tại cơ sở tiếp nhận họ. Vào thời điểm khảo sát, gần 30% đã nộp bài cho một tạp chí có bình duyệt hoặc nộp bài kỷ yếu hội nghị.

Hầu hết các nhà khoa học di cư đều cho biết đã trải qua sự bỡ ngỡ nhất định khi tiếp xúc với các ý tưởng, công cụ, phương pháp, và dữ liệu mới.

Đa số các nhà khoa học di cư (87%) tin rằng việc ở lại cơ sở mới sẽ cải thiện năng lực khoa học của họ. Phát hiện này phù hợp với các nghiên cứu trước đây vốn chỉ ra rằng năng suất của các nhà khoa học tăng lên khi họ di cư. Nếu trở về Ukraine sau chiến tranh, họ có thể góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu của quê hương.

Tuy nhiên, khảo sát cho thấy, không phải tất cả các nhà khoa học di cư đều có kế hoạch quay trở lại Ukraine sau này. Ước tính khoảng 2,5% lực lượng nhà khoa học của Ukraine sẽ ở lại nước ngoài.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học di cư cho biết họ cũng ít tương tác hơn với các đồng nghiệp cùng quốc tịch so với trước khi xảy ra cuộc xung đột, đặc biệt là với các đồng nghiệp ở lại trong nước. Sự mất kết nối này có thể sẽ trở nên trầm trọng hơn khi xung đột kéo dài, khiến cho việc ‘kết nối lại’ khi hoà bình được vãn hồi trở nên khó khăn.

Đáng chú ý, hầu hết các nhà khoa học Ukraine nhập cư đều có những hợp đồng bấp bênh. Khoảng 58% trong số họ đã (hoặc sắp) được nhận vào các viện nghiên cứu/trường đại học. Trong số đó, 89% đã có hợp đồng lao động chính thức (29%), vị trí nhà khoa học khách mời được trả lương (15%), hoặc học bổng (45%). Tuy nhiên, chỉ một phần nhỏ trong số các hợp đồng này (26%) kéo dài hơn một năm. Tại thời điểm khảo sát, mới có 14% số nhà khoa học di cư đã được ký hợp đồng dài hạn với cơ sở tiếp nhận. Nguyên nhân có thể do sự bị động của nước sở tại và sự không chắc chắn về việc xung đột Nga-Ukraine sẽ còn kéo dài bao lâu.

Người ở lại

Nghiên cứu trên Nature cho biết, một số nhà khoa học ở lại Ukraine là để “hỗ trợ lực lượng vũ trang”. Một nhà khoa học kể đã gia nhập quân đội “với tư cách là một chuyên gia về vân tay DNA”. Một người khác chia sẻ rằng anh có thể sử dụng “kiến thức và kỹ năng chuyên môn của mình [… để đóng góp cho đất nước…] hiệu quả hơn […] giảng dạy và nghiên cứu”.

Khoảng 40% số người ở lại cho biết ít làm nghiên cứu hơn so với trước chiến tranh. Nhóm tác giả lưu ý rằng khảo sát chỉ đưa ra các khoảng thời gian dành cho nghiên cứu mỗi tuần để người tham gia khảo sát lựa chọn như sau: tối đa 3 giờ, 3–5 giờ, 5–10 giờ, 10–20 giờ, nhiều hơn 20 giờ; do đó có thể khảo sát chưa đánh giá được thật sát mức độ của vấn đề.

Khảo sát gợi ý rằng những nhà khoa học năng suất nhất và những người làm việc tại Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia có khả năng duy trì thời gian nghiên cứu tốt hơn. Ngược lại, những nhà khoa học dành hơn 20 giờ mỗi tuần để nghiên cứu trước xung đột, có nhiều khả năng báo cáo sự sụt giảm đáng kể về thời gian nghiên cứu của họ

Một tỷ lệ lớn các nhà khoa học trong khảo sát cho biết đã ngừng nghiên cứu hoàn toàn (10,1%) hoặc giảm thời gian nghiên cứu xuống dưới ba giờ mỗi tuần (18,6%), ngưỡng mà nhóm tác giả đưa ra để xác định nhà khoa học không hoạt động nghiên cứu. Một số nhà khoa học cũng báo cáo sự thay đổi rõ rệt hơn về nghề nghiệp. Tổng cộng có 15,3% số nhà khoa học ở lại Ukraine cho biết thực tế đã rời bỏ học thuật.

Một số người ở lại nói với De Rassenfosse rằng việc tiếp tục làm nghiên cứu trong điều kiện thời chiến là bất khả: họ không thể tiếp cận những thông tin đầu vào quan trọng cho nghiên cứu của mình (23,5%) hoặc không thể đến viện/trường của mình (20,8%) vì họ chỉ có thể làm việc online hoặc do viện/trường của họ đã dời đi nơi khác.

Theo Bộ Giáo dục và Khoa học Ukraine, tính đến tháng 7/2023, 74 trong số 300 trường đại học ở nước này đã bị hư hại hoặc phá hủy, với khoảng 51% ở phía Đông và 27% nữa ở phía Nam, là những khu vực gần biên giới với Nga.

Số liệu cập nhật hơn từ nghiên cứu của UNESCO cho thấy đến tháng 1/2024, khoảng 1.443 tòa nhà thuộc 177 viện/trường công lập đã bị hư hại hoặc phá hủy. (Ukraine có khoảng 450 viện nghiên cứu và trường đại học công lập). Phân tích của UNESCO ước tính Ukraine cần gần 1,3 tỷ USD để khôi phục các cơ sở hạ tầng khoa học công này.

Việc các viện/trường bị phá hủy, cùng với các sự cố mất điện, mất mạng internet ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ nghiên cứu của các nhà khoa học. Một số nhà khoa học được khảo sát cho biết họ bị căng thẳng về tâm lý. “Mọi người đều gặp khó khăn về mặt tâm lý khi làm việc,” một người ở lại cho biết. Ngược lại, một số nhà khoa học khác lại kể, bằng cách trốn vào việc viết các bài báo nghiên cứu, họ có thể tạm thời thoát ly khỏi thực tại khủng khiếp.

Mất một thế hệ


Điều De Rassenfosse quan tâm nhất ở những phát hiện của nhóm mình là chúng nói lên điều gì về tình trạng “chảy máu chất xám” của Ukraine hiện nay và trong tương lai.

Với khả năng nhiều nhà khoa học di cư không quay trở lại Ukraine và nhiều nhà khoa học khác bỏ nghề, nhóm tác giả e rằng Ukraine sẽ “mất đi một thế hệ nhà khoa học”.

“Nó là như vậy,” De Rassenfossenói. "Bởi vì đơn giản là các nhà khoa học trẻ không có người hướng dẫn nghiên cứu. Chúng ta sẽ thấy tác động này trong năm hoặc mười năm nữa, khi Ukraine không có đủ giáo sư khoa học mà nước này cần."



Kế hoạch ngân sách của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Ukraine đã bị giảm gần một nửa trong hai năm: từ 238,6 triệu USD vào năm 2021 xuống còn 184,8 triệu USD vào năm 2022 và 124,8 triệu USD vào năm 2023.

Hệ quả là, mức lương trung bình hằng tháng của người lao động giảm từ 454,2 USD (2021) xuống còn 371,5 USD (2022) rồi 274,9 USD (2023).

Trước khi xảy ra xung đột, mức lương trung bình tại Viện Hàn lâm đã thấp hơn so với nhiều ngành khác ở nước này. (Theo UNESCO)


Nguồn tham khảo: