Một liên minh nghiên cứu quốc tế vừa ra đời nhằm cung cấp những hiểu biết mới về việc tích hợp AI vào chương trình đào tạo và vai trò của AI trong việc chuẩn bị cho sinh viên sẵn sàng đón nhận những cơ hội cũng như thử thách trong thế giới do AI chi phối.


Liên minh này do Sáng kiến World Innovation Summit for Education (WISE) thuộc Quỹ Giáo dục, Khoa học và Phát triển Cộng đồng Qatar (Qatar Foundation) và Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) của Mỹ thành lập và điều phối.

Các thành viên của liên minh gồm Đại học Ashesi (Ghana), Đại học Camilo Jose Cela (Tây Ban Nha), Đại học Pennsylvania (Mỹ), Viện Công nghệ & Khoa học Birla (Ấn Độ), Đại học Nazarbayev (Kazakhstan), Đại học Universidad de los Andes (Colombia) và Đại học Hamad Bin Khalifa (Qatar).

Theo tuyên bố chung được công bố sau khi dự án nghiên cứu của liên minh ra mắt tại New York vào ngày 17/9, mục tiêu của liên minh là “khám phá vai trò của AI trong giáo dục đại học và phát triển kỹ năng cho kỷ nguyên AI”.

Các thành viên thuộc liên minh đang bắt tay vào một loạt nghiên cứu dựa trên nhiều bối cảnh địa lý khác nhau và sẽ trình bày những phát hiện của mình tại Hội nghị thượng đỉnh WISE diễn ra tại Doha vào 11/2025.

“Đây là lần đầu chúng tôi phát triển một liên minh nghiên cứu đa đối tác như thế này, nó cho phép chúng tôi khám phá AI ở khắp các khu vực trên thế giới và từ các góc nhìn khác nhau,” Stavros Yiannouka, CEO của WISE, nói.

Còn theo Selma Talha-Jebril, giám đốc nghiên cứu và chính sách của WISE, liên minh đang hướng tới “những hiểu biết dựa trên bằng chứng để đảm bảo các chiến lược thích ứng với AI trong giáo dục đại học mang tính bao trùm, hiệu quả và phù hợp với bối cảnh ở nhiều khu vực khác nhau”.

Allan E. Goodman, Tổng giám đốc điều hành IIE, bày tỏ: “Chúng tôi rất hào hứng được hợp tác với WISE trong dự án quan trọng này. Qua đó, chúng tôi sẽ phát huy được các nghiên cứu từ trước đến nay của mình về các vấn đề rốt ráo nhất đặt ra cho giáo dục đại học, đồng thời tận dụng được mạng lưới sâu rộng các nhà nghiên cứu và trường đại học ở mọi khu vực. Đây là thời điểm thích hợp để hiểu AI nhờ những nghiên cứu chất lượng - và khai thác chúng để phục vụ cho tương lai của giáo dục đại học...”

Giám đốc nghiên cứu của IIE, Mirka Martel, cho biết liên minh đã tập hợp được các nhà nghiên cứu chuyên về AI và giáo dục đại học. Không chỉ tiến hành nghiên cứu, họ còn là người phổ biến các kiến thức mới, và tạo nên một mạng lưới các chuyên gia có lợi cho giáo dục quốc tế.

Một trong những đối tác của dự án, Joseph Adjei, phó giáo sư hệ thống thông tin tại Đại học Ashesi, một trường tư thục đa ngành, phi lợi nhuận ở Ghana, bày tỏ: “Trí tuệ nhân tạo mang đến cơ hội hiếm có để thu hẹp khoảng cách bấy lâu nay trong kết quả giáo dục đại học trên khắp châu Phi. Nó sẽ cho phép trải nghiệm học tập được cá nhân hóa, tăng cường năng lực giảng dạy và làm cho công bằng khả năng tiếp cận giáo dục chất lượng.” Tuy nhiên, ông cho rằng “khả năng tận dụng nguồn lực này để thành công phụ thuộc vào việc xây dựng năng lực và cơ sở hạ tầng có chủ đích, cũng như việc sử dụng AI có đạo đức trong giáo dục”.

Nghiên cứu của Đại học Ashesi sẽ khám phá cách AI đang được đưa vào chương trình giảng dạy của trường và hai cơ sở đào tạo khác gồm Đại học Ghana và Đại học Kỹ thuật Accra, và tác động của nó đến việc học tập của sinh viên. Các nhà nghiên cứu cũng sẽ tìm hiểu nhu cầu của nhà tuyển dụng tại Ghana khi AI trở nên phổ biến, và mong muốn của họ đối với các trường đại học trong việc đáp ứng nhu cầu này.

Trong khi đó, Giáo sư Jagat Sesh Challa thuộc Viện Công nghệ và Khoa học Birla (BITS Pilani), một đại học tư thục hàng đầu ở Ấn Độ, cho biết: “AI không chỉ chuyển đổi giáo dục đại học, mà còn cách mạng hóa con đường đến với nghề nghiệp và cơ hội trong tương lai.” Nghiên cứu của BITS sẽ xem xét các tác động trực tiếp và gián tiếp của AI tạo sinh (GenAI) đối với giới đại học, đặc biệt là tác động của nó đến khả năng sẵn sàng tham gia thị trường việc làm của sinh viên. Nói cách khác, nghiên cứu của BITS đặt mục tiêu cung cấp những hiểu biết sâu sắc về mối quan hệ năng động giữa giảng viên, sinh viên, tổ chức giáo dục và các công nghệ do GenAI thúc đẩy.

Đại học Pennsylvania của Mỹ sẽ đánh giá tác động xã hội rộng hơn của việc sử dụng AI trong giáo dục đại học, nhất là từ góc độ công bằng trong kết quả giáo dục. Nghiên cứu thăm dò của Đại học Pennsylvania sẽ khám phá các giảng viên hiểu về mục đích của GenAI như thế nào, họ sử dụng nó ra sao, những giả định nào định hình việc sử dụng đó và tác động đối với tiến bộ và công bằng xã hội.

Tại Kazakhstan, các học giả của Đại học Nazarbayev - một đại học nghiên cứu giảng dạy bằng tiếng Anh tọa lạc ở thủ đô Astana, sẽ triển khai một nghiên cứu trường hợp dựa trên cách trường của họ đang khám phá và tích hợp quản trị và sử dụng AI trong các khóa học từ năm dự bị đến các chương trình sau đại học, ở nhiều ngành đào tạo. Nghiên cứu sẽ đánh giá các chính sách và các biện pháp của trường nhằm bảo đảm công cụ và hệ thống AI an toàn, có đạo đức và tôn trọng quyền con người; đồng thời tìm hiểu cách các trường đại học và các giảng viên hỗ trợ sinh viên và đồng nghiệp của họ sử dụng AI một cách có đạo đức.

Tại đại học lâu năm Universidad de Los Andes (Uniandes) của Colombia, các nhà nghiên cứu sẽ tập hợp các phân tích sâu về vai trò của AI trong giáo dục đại học, khám phá tác động của AI đối với sự phát triển lực lượng lao động cũng như tìm hiểu việc tích hợp AI vào chương trình giảng dạy. Nghiên cứu sẽ bao gồm một cuộc khảo sát với sinh viên, các cuộc phỏng vấn với các giáo sư toàn thời gian và các nhà quản lý, bao gồm chủ nhiệm khoa, hiệu trưởng và hiệu phó. Mục tiêu nhằm tìm hiểu cách các công cụ AI đang được sử dụng tại Uniandes; cách trường chuẩn bị cho những thay đổi trên thị trường lao động liên quan đến kiến thức về AI (khả năng hiểu, sử dụng, giám sát và phản biện các ứng dụng AI); và những nguồn lực nào có sẵn để nâng cao và đào tạo lại kỹ năng cho giảng viên.

Nghiên cứu của Đại học Camilo Jose Cela, Tây Ban Nha, một thành viên của liên minh - sẽ tập trung đánh giá việc tích hợp AI vào chương trình đào tạo ảnh hưởng đến khả năng tư duy phản biện của sinh viên như thế nào và phân tích hành vi đạo đức của sinh viên khi sử dụng AI. Trong ảnh: Sinh viên Đại học Camilo Jose Cela. Nguồn: hostudents.com
Nghiên cứu của Đại học Camilo Jose Cela, Tây Ban Nha, một thành viên của liên minh - sẽ tập trung đánh giá việc tích hợp AI vào chương trình đào tạo ảnh hưởng đến khả năng tư duy phản biện của sinh viên như thế nào và phân tích hành vi đạo đức của sinh viên khi sử dụng AI. Trong ảnh: Sinh viên Đại học Camilo Jose Cela. Nguồn: hostudents.com

Tại Đại học Camilo Jose Cela (UCJC) - một trong những trường đại học tư thục trẻ nhất và phát triển nhanh nhất tại Tây Ban Nha và châu Âu, được thành lập vào năm 2000 - các nhà nghiên cứu sẽ tập trung đánh giá việc tích hợp AI vào chương trình đào tạo ảnh hưởng đến khả năng tư duy phản biện của sinh viên như thế nào. Hành vi đạo đức của sinh viên khi sử dụng AI cũng sẽ được phân tích. “Đây là khía cạnh cơ bản để đảm bảo rằng sinh viên, ngoài việc tiếp thu các kỹ năng công nghệ, còn hành động có trách nhiệm và cân nhắc đến các tác động đạo đức của việc sử dụng AI.

“Giờ là thời điểm quan trọng đối với các hệ thống giáo dục trên toàn cầu và giáo dục đại học phải đóng vai trò then chốt. Chúng ta cần đào sâu hơn vào những thách thức và cơ hội mà AI mang lại và chuẩn bị cho sinh viên - cũng là lực lượng lao động trong tương lai - sự linh hoạt và dẻo dai cần thiết,” Yiannouka, CEO của WISE, nhấn mạnh.

Ông lập luận rằng khi việc ứng dụng AI ngày càng trở nên rộng rãi, giáo dục đại học có thể liên kết kiến thức lý thuyết với các kỹ năng thực tế, phù hợp với từng ngành hay lĩnh vực. Mục tiêu của sáng kiến thành lập liên minh quốc tế nghiên cứu AI trong giáo dục đại học cũng chính là giúp truyền đạt cả chính sách và thực tiễn, để AI “được khai thác phục vụ nền giáo dục chất lượng cho tất cả mọi người”, ông nói.

Nguồn: