Người ta thường tin rằng các nhà nghiên cứu trở thành nạn nhân của tạp chí mạo danh là do họ ngây thơ, sơ suất; nhưng một nghiên cứu mới đây chỉ ra sự thật không hoàn toàn như vậy.


Tạp chí cướp danh, mạo danh (hijacked journals) là tạp chí chiếm đoạt tên gọi, tên miền hoặc mã số tiêu chuẩn quốc tế ISSN của tạp chí học thuật hợp pháp.

Anna Abalkina tại Viện Nghiên cứu Đông Âu thuộc Đại học Tự do Berlin, Đức, tác giả của nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Accountability in Research, cho biết, rất khó để ngăn chặn sự ra đời cũng như loại bỏ tạp chí mạo danh vì chúng có thể được lập chỉ mục trong Google Scholar và nội dung của chúng được hợp pháp hóa thông qua việc xâm nhập vào các cơ sở dữ liệu trích dẫn quốc tế.

“Scopus chứa nhiều bài báo từ tạp chí mạo danh và Google Scholar lập chỉ mục các bài báo từ các tạp chí này, khiến chúng khó bị xóa sổ”, Abalkina lưu ý. Đồng thời, cô nhấn mạnh “cần có thêm nhiều nghiên cứu để tìm hiểu các tạp chí mạo danh và hậu quả của chúng đối với cộng đồng khoa học” khi những bài báo không chỉ dởm mà còn gian lận từ tạp chí mạo danh được hợp pháp hóa.

Lâu nay người ta tin rằng các tác giả gửi bài đến tạp chí mạo danh do họ không thể phân biệt giữa nhà xuất bản hợp pháp và nhà xuất bản gian lận. Tuy nhiên, giả thuyết về các tác giả ngây thơ bị lừa bởi tạp chí mạo danh còn chưa được nghiên cứu.

Mặt khác, có giả thuyết cho rằng các tạp chí không sàng lọc đạo văn thì hút các tác giả không biết hoặc không tôn trọng các nguyên tắc đạo đức học thuật mà trong đó đạo văn được coi là một trong những loại hành vi sai trái nghiêm trọng nhất.

Bởi vậy, Abalkina đã tiến hành nghiên cứu để tìm hiểu liệu việc công bố trên các tạp chí mạo danh có phải là một cách để các học giả làm dày hồ sơ công bố của họ không và những học giả như thế nào chọn công bố công trình của mình trên tạp chí mạo danh.

Tỷ lệ đạo văn cao nhất trong các loại tạp chí


Abalkina đã điều tra về đạo văn (bằng phần mềm Urkund, sau đổi tên thành Ouriginal, và xác nhận thủ công) đối với 936 bài báo được công bố trên 58 tạp chí mạo danh cung cấp quyền truy cập miễn phí vào kho lưu trữ của họ tính đến tháng 6/2021.

Kết quả, nghiên cứu phát hiện ra mức độ đạo văn cao, với tổng cộng 618 bài (66%) có chứa các bằng chứng đạo văn, trong đó 259 bài (28%) có sự tương đồng về văn bản từ 25% trở lên.

Nghiên cứu cũng xác định một số loại đạo văn trong những bài báo này. Ngoài sự tương đồng về văn bản, một số bài báo đã diễn giải lại những nội dung bị đạo. Cũng có những trường hợp tự đạo văn, trong đó tác giả sao chép văn bản của chính mình. Abalkina còn phát hiện ra những tương đồng về văn bản với các bài báo của một nhóm đồng tác giả khác gần như giống hệt nhau, chỉ bớt vài người nọ và thêm vài người kia. Cuối cùng, có ít nhất hai bài báo, bên cạnh đạo văn, còn chứa các dữ liệu ngụy tạo.

Văn bản bị đạo đến từ nhiều nguồn khác nhau: luận văn thạc sĩ; luận án tiến sĩ; bài báo từ cả tạp chí hợp pháp, tạp chí săn mồi và tạp chí mạo danh; sách; báo chí; và website.

“Tỷ lệ đạo văn trong các bài báo trên các tạp chí mạo danh là cao nhất so với các nghiên cứu trước đây về sự tương đồng văn bản”, tác giả Abalkina lưu ý. Cô dẫn ra một số nghiên cứu đánh giá có hệ thống trước đó phát hiện ra rằng tỷ lệ đạo văn trong các bài báo công bố trên tạp chí hoặc kỷ yếu hội nghị dao động trong khoảng từ 10,9% đến 31% - thấp hơn nhiều so với 66% trong nghiên cứu này.

Phân tích sâu hơn cho thấy phần lớn các tác giả đóng góp bài cho tạp chí mạo danh đến từ các nước đang phát triển, đặc biệt là Ấn Độ với 717 bài. [Cũng có bằng chứng về việc các tạp chí mạo danh được tạo ra bởi những cá nhân từ Ấn Độ và nhắm vào các học giả Ấn Độ.] Tiếp theo là Indonesia (55 bài), Trung Quốc (29), Iraq (25), Uzbekistan (16), Nga (10), Pakistan (9), Malaysia (9), Thái Lan (8) và Kazakhstan (7).

Các nghiên cứu trước đây đều chỉ ra rằng tác giả từ các nước đang phát triển dễ mắc hành vi sai trái trong khoa học hơn so với tác giả từ các nước phương Tây. Nguyên nhân có thể do ở những nước đang phát triển, chuẩn mực đạo đức trong nghiên cứu chưa được xác định rõ ràng; hành vi sai trái còn được dung túng do đặc điểm văn hóa và đặc điểm của tổ chức; thái độ khác nhau đối với các hành vi đáng ngờ, ví dụ như tự đạo văn. Một nghiên cứu về thái độ của các nhà nghiên cứu nha khoa ở Ấn Độ đối với đạo văn phát hiện 90% người tham gia khảo sát không coi việc sao chép từ công trình trước đây của chính mình là đạo văn.

Trong nghiên cứu vừa được công bố vào trung tuần tháng Tám, Abalkina cho biết khoảng một phần tư số bài báo có một tác giả duy nhất. Các bài báo do một hoặc hai đồng tác giả viết có tỷ lệ đạo văn cao hơn so với các bài báo do ba hoặc nhiều đồng tác giả viết. Hiệu ứng này có thể do khả năng bị phát hiện đạo văn sẽ cao hơn khi có sự cộng tác của nhiều người - nghiên cứu lý giải.

Phần lớn các bài báo trong mẫu (51%) thuộc lĩnh vực khoa học xã hội; 37% thuộc lĩnh vực khoa học vật lý; trong khi khoa học sức khỏe và khoa học sự sống chiếm 8% và 4%. Lĩnh vực nghiên cứu của các bài báo có thể không tương ứng với lĩnh vực chủ đề của tạp chí vì các tạp chí mạo danh thường được biến thành đa ngành để thu hút càng nhiều bản thảo càng tốt.

Khác với niềm tin phổ biến rằng các tác giả gửi bài báo đến các tạp chí mạo danh thường là do họ không có khả năng phân biệt giữa các tạp chí hợp pháp và tạp chí gian lận, nghiên cứu của Abalkina chỉ ra sự tồn tại một bộ phận học giả chủ ý khai thác các tạp chí cung cấp dịch vụ xuất bản nhanh và dễ dãi. Việc không đặt ra các yêu cầu bình duyệt chặt chẽ và kiểm tra đạo văn nghiêm ngặt chính là tạo môi trường cho các bài báo có những hành vi khoa học sai trái nghiêm trọng. Trên thực tế, một số tạp chí mạo danh tuyên bố công khai trên trang web của họ rằng họ chấp nhận những bài báo có sự tương đồng về văn bản tới 25% hoặc 35%, thể hiện họ tiếp cận lỏng lẻo ra sao đối với vấn đề đạo văn. Do đó, có thể nói, tạp chí mạo danh thu hút những tác giả tìm cách bỏ qua quy trình xuất bản chuẩn mực. Theo Abalkina, cần nghiên cứu thêm về động cơ đằng sau những hành vi như vậy, cho dù đó là sự gian dối cố ý hay sự thiếu hiểu biết về các nguyên tắc đạo đức khoa học.

Các bài báo có nguồn gốc từ tạp chí mạo danh là không hợp pháp, nhưng chúng vẫn có thể được sử dụng cho mục đích đánh giá nghiên cứu. Ví dụ, các quốc gia như Ấn Độ hoặc Pakistan duy trì danh sách trắng các tạp chí mà học giả của họ có thể chọn làm nơi công bố nghiên cứu. Quy trình xác minh đối với các tạp chí này thường dựa trên tiêu đề và ISSN của tạp chí, là những yếu tố mà các tạp chí mạo danh đã “nhân bản” thành công.

Các biện pháp dài hạn

Cần có các biện pháp dài hạn để phát hiện và xóa bỏ các tạp chí mạo danh. Ảnh minh họa: science.org
Cần có các biện pháp dài hạn để phát hiện và xóa bỏ các tạp chí mạo danh. Ảnh minh họa: science.org

Chuyên gia giáo dục đại học Magdi Tawfik Abdelhamid, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Cairo, nói rằng nghiên cứu của Abalkina là “lời cảnh tỉnh cho tất cả những ai quan tâm đến liêm chính và đạo đức khoa học”. “Các nhà hoạch định chính sách giáo dục đại học phải có kế hoạch hành động để giải quyết hiện tượng nguy hiểm này bằng cách nâng cao nhận thức của sinh viên và cộng đồng học thuật về các chiến thuật của tạp chí mạo danh và cách xác định chúng”, ông nói.

Ông cũng khuyến nghị áp dụng hình phạt đối với những người bị phát hiện cố ý chọn tạp chí mạo danh để công bố nghiên cứu.

Guillaume Cabanac, giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Toulouse III – Paul Sabatier, Pháp, đồng tác giả của một nghiên cứu năm 2022 về sự hợp pháp hóa các tạp chí mạo danh thông qua trích dẫn, đánh giá cao nghiên cứu của Abalkina và cho rằng các nhà xuất bản nên xem xét những phát hiện từ nghiên cứu này một cách nghiêm túc. Ông cũng đề xuất các nhà xuất bản nên rà soát, kiểm tra danh mục và các thành viên ban biên tập của mình.

Theo ông, những nơi nên vào cuộc trước hết để phát hiện “các loại ô nhiễm” trong thế giới xuất bản học thuật có thể bao gồm câu lạc bộ tạp chí trực tuyến PubPeer, blog về các bài báo bị rút Retraction Watch, và dự án về liêm chính khoa học For Better Science.

Đồng thời, ông đề xuất các nhà khoa học nên sử dụng website Problematic Paper Screener do ông xây dựng với mục đích gắn cờ và báo cáo các bản thảo có vấn đề.

Mô tả bài báo của Abalkina là đúng lúc, PGS. Sune Dueholm Müller từ Khoa Tin học, Đại học Oslo, Na Uy, nói, “nghiên cứu đã chỉ ra nguồn gốc của vấn đề ”.

Müller, tác giả chính của bài báo năm 2023 về ‘vụ đánh cắp’ danh tính Tạp chí Hệ thống thông tin Scandinavia, cho biết thêm: “Trong trường hợp không có giải pháp dễ dàng, chúng ta cần tập trung vào các biện pháp dài hạn như nâng cao nhận thức về vấn đề này và thiết lập các cơ chế quản lý hiệu quả.”

Bên cạnh đó, ông cho rằng, “chúng ta cũng phải dám suy nghĩ táo bạo và cân nhắc các giải pháp mang tính khiêu khích hơn, chẳng hạn như tấn công để vạch trần những kẻ đứng sau các tạp chí bất hợp pháp và phá vỡ hoạt động của chúng”.


Tạp chí mạo danh xuất hiện ra sao và tác hại thế nào

Hiện tượng tạp chí mạo danh lần đầu tiên được ghi nhận vào năm 2012, và kể từ đó, sự gia tăng của chúng đã được quan sát thấy. Trong nghiên cứu của mình, Abalkina xác định được 87 tạp chí mạo danh đang hoạt động tính đến tháng 6/2021, trong đó 28 tạp chí không truy cập được do tường phí hoặc không khả dụng, và một tạp chí tự sao chép nội dung trong kho lưu trữ (archive) của chính nó.

Có hai cách để mạo danh. Cách đầu tiên liên quan đến việc đăng ký tên miền đã hết hạn của một tạp chí hợp pháp ngừng xuất bản hoặc chuyển sang tên miền khác. Cách thứ hai là tạo ra một trang web nhân bản của một tạp chí hợp pháp.


Tạp chí mạo danh thường chấp nhận các bài báo ngay sau khi nhận được phí xử lý mà không cần tiến hành quy trình bình duyệt hoặc kiểm tra đạo văn chuẩn mực. Tạp chí mạo danh cũng thường xuất bản các bài báo không khớp với tiêu đề của tạp chí.


Tạp chí mạo danh xuất hiện đường đường chính chính vì chúng được lập chỉ mục trong Google Scholar. Nội dung của chúng đã có mặt trong các cơ sở dữ liệu trích dẫn quốc tế như Scopus và Web of Science. Trong đó, Scopus là một trong những cơ sở dữ liệu bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tạp chí mạo danh. Một nghiên cứu phát hiện ra rằng 67 tạp chí mạo danh đã xâm nhập Scopus kể từ năm 2013. Trong số đó, 33 tạp chí đã lập chỉ mục các bài báo trái phép trong Scopus, 23 tạp chí đã xâm phạm liên kết trang chủ trong hồ sơ của tạp chí hợp pháp trong Scopus (khiến cho liên kết trang chủ của họ bị chuyển hướng đến tạp chí mạo danh) và 11 tạp chí đã thực hiện cả hai việc nêu trên.


Trong khi đó, chính sách đánh giá nghiên cứu của nhiều quốc gia ưu tiên các ấn phẩm được lập chỉ mục trong các cơ sở dữ liệu trích dẫn quốc tế; do vậy, một số học giả dựa vào các cơ sở dữ liệu này để xác định các tạp chí mà họ có thể gửi bài. Hệ quả là, hàng nghìn học giả, vô tình hay hữu ý, vẫn chọn tạp chí mạo danh để công bố nghiên cứu của mình.




Nguồn tham khảo: