Những chính sách chuyển đổi nền kinh tế, trong đó có năng lượng của khu vực liên minh châu Âu, đối tác thương mại lớn của Việt Nam, có thể vừa là một nguồn hỗ trợ, vừa là một khung tham khảo để thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam.

Năm 2020, tại Liên minh châu Âu - khu vực đối tác thương mại lớn của Việt Nam, một bộ chính sách có tên Thỏa thuận Xanh bao gồm các biện pháp và nỗ lực mới như cung cấp năng lượng sạch, giá cả phải chăng và an toàn,... nhằm chuyển đổi nền kinh tế theo hướng bền vững đã được phê duyệt.

Và đầu tháng 11 năm ngoái, tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu COP26 ở Glasgow, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra một tuyên bố lịch sử: Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050.

Ông David Van der Meeren - chuyên gia về năng lượng tái tạo giới thiệu về hệ thống điện mặt trời và điện gió tại KCN Deep C. Ảnh: Mỹ Hạnh

“Có thể thấy, chúng ta phải đi trên một con đường không thể khác được, đó là chuyển dịch năng lượng” - yếu tố mấu chốt quyết định sự thành bại của những mục tiêu đầy tham vọng mà cả hai bên đều hướng đến, bà Nguyễn Phương Mai, Phó Chánh Văn phòng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) nói tại hội thảo “Thỏa thuận Xanh châu Âu có thể tạo đà phát triển cho Tăng trưởng Xanh của Việt Nam?”.

Tồn tại nghịch lý năng lượng

Trong một loạt các biện pháp bao trùm nhiều lĩnh vực của thỏa thuận xanh, hai trong những điểm nổi bật trong chính sách mới của EU là việc sửa đổi Chỉ thị Đánh thuế Năng lượng, theo đó chuyển ưu đãi thuế khỏi nhiên liệu hóa thạch và hướng tới công nghệ sạch; và thứ hai là có Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon mới khi nhập khẩu một số sản phẩm để ngăn chặn “thất thoát carbon”. Việc EU đưa ra mục tiêu cắt giảm ít nhất 55% phát thải carbon vào năm 2030 và đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 năm 2050 đồng nghĩa với việc, tất cả các quốc gia thành viên và các doanh nghiệp của EU, dù hoạt động ở bất kỳ đâu trên thế giới, cũng phải hướng đến việc đảm bảo yêu cầu này. Những chính sách trên sẽ có thể tác động đến toàn bộ nền kinh tế của Việt Nam, trong đó có thể dẫn đến cả những yêu cầu về năng lượng sạch của các doanh nghiệp EU đầu tư vào Việt Nam.

Tuy nhiên trong thực tế ở Việt Nam, theo bà Nguyễn Phương Mai, “trước khi chúng ta bước đến việc có thể sử dụng mọi thứ một cách xanh, sạch như mơ ước vào năm 2050, thì đầu tiên chúng ta phải bắt đầu bằng việc có đủ điện để sử dụng và phát triển kinh tế”.

Về tổng quan các nguồn năng lượng, hiện nay Việt Nam đang có nguồn thủy điện khá dồi dào với công suất lắp đặt là 28,3%; nhiệt điện than chiếm tỷ lệ 32,5% (sản lượng điện từ các nhà máy này chiếm đến 50%); điện từ dầu, khí chiếm 11,6%. “Đối với năng lượng tái tạo, nhờ cơ chế FIT (feed-in tariff - tạm dịch là giá bán điện cố định), chúng ta đã có sự bùng nổ về năng lượng này. Đặc biệt, điện mặt trời đã đạt công suất gần 17,000 MW (chiếm 21% trong tổng nguồn lắp đặt). Bên cạnh đó, các nguồn điện gió ở trên bờ cũng có công suất lắp đặt khoảng 4,000 MW”, bà Phương Mai cho biết. Ngoài ra, Việt Nam cũng nhập khẩu một phần điện (khoảng hơn 1%) từ Lào và Trung Quốc. Tuy vậy, lượng điện này vẫn sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai của Việt Nam. “Chúng ta đang cần một nguồn năng lượng rất dồi dào cho đời sống và phát triển kinh tế. Trong nhiều năm vừa qua, tốc độ tăng trưởng của ngành điện lực đã duy trì ở mức rất cao, khoảng 10-12%/năm”, bà Mai cho biết.

Do đó, con đường mà chúng ta buộc phải đi theo là gia tăng hơn các nguồn năng lượng tái tạo mà không phát thải CO2 và tăng cường việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng. Song, một thách thức lớn mà Việt Nam gặp phải đó chính là: dù có nguồn điện từ than, từ dầu khí cũng như từ nhiều nguồn năng lượng tái tạo, nhưng chúng ta khai thác chúng như thế nào? “Cân bằng năng lượng là một bài toán mà lúc nào cũng làm cho chúng tôi thấy đau đầu, bởi rất khó sử dụng tất cả các nguồn năng lượng sao cho hài hòa, đảm bảo có một lộ trình để chuyển dần từ dùng năng lượng hóa thạch sang dùng năng lượng tái tạo mà không thiếu điện, thiếu vốn đầu tư, không gặp các vấn đề về kỹ thuật cho đảm bảo an toàn ngành điện”, bà Mai nói.

Chẳng hạn, hiện nay các dự án điện gió và điện mặt trời đa phần tập trung vào một khu vực địa lý nhất định, chủ yếu ở miền Trung và miền Nam của nước ta, đặc biệt là các điểm nóng Ninh Thuận, Bình Thuận. Trong khi đó, theo ông Sven Ernedal - Cố vấn trưởng về kỹ thuật kiêm Điều phối viên Quốc tế, Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ, vấn đề là những người sử dụng lại không chỉ ở đây mà còn ở Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM,... nhưng lại không thể truyền năng lượng đi được. “Theo báo cáo gần đây của EVN, chúng ta có rất nhiều điện ở phía Nam, trong khi đó, khu vực miền Bắc sẽ bị thiếu hụt công suất khoảng 1.500-2.400 MW vào các giờ cao điểm, nhất là vào mùa hè”, ông cho biết.

Không chỉ vậy, trong khi chúng ta chứng kiến những bước tiến đáng kể liên quan đến lĩnh vực năng lượng tái tạo thì hiệu quả trong việc sử dụng năng lượng lại tương đối hạn chế, theo nhận xét của ông Sven Ernedal. Đây cũng là điều mà bà Vũ Chi Mai, Trưởng hợp phần Năng lượng tái tạo, dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng thuộc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ từng chia sẻ với Tia Sáng. “Để có được một phần trăm tăng trưởng GDP, chúng ta sử dụng quá nhiều điện. Việt Nam vẫn ưu tiên các công ty trong lĩnh vực công nghiệp vốn tiêu tốn rất nhiều điện năng như sản xuất thép, sản xuất xi măng, sản xuất giấy, dệt may… được mua điện với giá rẻ, tính ra giá rẻ chỉ bằng một nửa so với giá bán cho các hộ gia đình”. Theo phân tích của bà, nếu trước đây, ưu đãi này còn có thể chấp nhận được khi Việt Nam tập trung vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa và giá sản xuất điện còn rẻ nhưng sắp tới, “cần phải đánh giá lại giá trị, đóng góp vào GDP của những ngành công nghiệp này để xem họ có thực sự cần những ưu đãi đó nữa không. Nếu giá điện cho những ngành công nghiệp này cứ rẻ mãi thì họ không có nhu cầu sử dụng công nghệ hiện đại hơn để giảm thiểu việc tiêu thụ điện”. Do vậy, kết quả là “mặc dù Chính phủ đã yêu cầu cụ thể đối với ngành thép phải tăng hiệu quả sử dụng điện lên 16,5% và ngành xi măng là 11% nhưng trên thực tế cũng vẫn chưa có chế tài và chính sách khuyến khích để đảm bảo những mục tiêu này được thực hiện như thế nào”, bà Chi Mai nói.

Cần tạo môi trường thuận lợi hơn

Trước những thực tế về vấn đề năng lượng xanh, ông Sven Ernedal cho rằng, cần phải có những cơ chế, đột phá mới để có các dự án điện gió và mặt trời ở phía Bắc. Bởi, “ngay cả khi nhà máy năng lượng tái tạo tự sản xuất và tiêu thụ, thì việc làm thế nào để có thể sử dụng hết được phần điện sản xuất ra trong những ngày nhiều nắng, ngày nghỉ,... vẫn là một bài toán”, ông nói.

Giải thích thêm về điều này, ông Sven Ernedal cho biết, hiện nay, cơ chế ở Việt Nam là năng lượng tái tạo sản xuất ra sẽ bán cho EVN. “Nếu như bây giờ có thể mở rộng việc bán điện sang cho cả những nhà đầu tư hoặc những chủ thể khác thì ít nhất, những người sản xuất sẽ thấy có một sự thu hút để đầu tư vào cả khu vực miền Bắc”, ông cho biết, “vì vậy tôi nghĩ rằng điều mấu chốt ở đây là làm sao cho việc sản xuất điện và năng lượng sạch trở nên hấp dẫn hơn về mặt lợi nhuận tài chính”. Hiện nay, Bộ Công thương mới có chung một biểu giá FIT bán điện ưu đãi chứ chưa có những biểu giá ưu đãi riêng cho từng khu vực hoặc từng loại năng lượng sạch, bởi vậy ông Sven Ernedal cho rằng Việt Nam có thể xem xét khía cạnh này. “Nếu bây giờ có thể khuyến khích người dân ở miền Bắc sử dụng điện và khuyến khích đầu tư, đặc biệt là điện mặt trời áp mái - vốn có thể xây dựng khá dễ dàng trên nóc cả tòa nhà, công xưởng, nhà máy, thì họ hoàn toàn có thể sử dụng được điện từ mặt trời áp mái đó cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình luôn. Và tất nhiên chúng ta cũng sẽ phải xây dựng các đường dây truyền tải điện lớn để giúp họ có thể kết nối và bán được, trong trường hợp các điện mặt trời áp mái trên nóc các tòa nhà hay công xưởng lớn còn thừa công suất”.

Đây cũng là điều mà ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, Chủ tịch Tiểu ban Tăng trưởng Xanh (EuroCham) suy nghĩ. “Rõ ràng về mặt ngắn hạn, EVN khó có thể đảm bảo năng lượng cho tất cả nhà đầu tư ở Việt Nam. Hiện nay rất nhiều công ty và doanh nghiệp thành viên của chúng tôi đang làm việc với tập đoàn EVN để có thể triển khai cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa các công ty mà không nhất thiết phải có sự tham gia của lưới điện. Bởi, những cơ chế mua bán điện hiện nay cũng có thể là trở ngại đối với sự phát triển của thị trường năng lượng ở Việt Nam”, ông nói.

Là Tổng Giám đốc Khu Công nghiệp DEEP C - một khu công nghiệp tiêu biểu của EU tại Việt Nam, ông Bruno Johan O. Jaspaert, cũng cho biết, ước mơ của đơn vị này là có thể được độc lập với hệ thống điện lưới nhưng “hiện nay vẫn chưa được vì nhiều giấy tờ, thủ tục hạn chế”. “Các chính sách môi trường rất cần thiết và có thể đc sử dụng để khuyến khích nhà đầu tư. Ngược lại, nếu các chính sách môi trường không được áp dụng tốt thì có thể khiến họ ‘nguội lạnh’”, ông Tomaso Andreatta nhấn mạnh.