Các cơ sở nghiên cứu của Trung Quốc cần mở rộng và cải thiện việc giáo dục đạo đức nghiên cứu - đây là một trong số các chỉ đạo của Quốc vụ viện Trung Quốc trong một tuyên bố mới về đạo đức nghiên cứu.

Hầu hết các nhà nghiên cứu đều hoan nghênh động thái này của Trung Quốc, cho rằng tuyên bố của Quốc vụ viện sẽ có tác dụng cảnh báo các nhà khoa học không thực hiện các nghiên cứu vi phạm các chuẩn mực đạo đức, chẳng hạn như chỉnh sửa bộ gen của phôi người như sự việc He Jiankui năm 2018. Nhưng một số người cũng hoài nghi hiệu quả thực tế của tuyên bố này.

Cuối năm 2018, He Jiankui thông báo đã sử dụng công nghệ CRISPR-Cas9 để chỉnh sửa bộ gen của phôi thai, làm cho chúng kháng HIV, và cấy chúng vào một phụ nữ - người này sau đó sinh ra một cặp song sinh và một em bé thứ ba vào năm sau. He bị cộng đồng quốc tế lên án về việc sử dụng quá CRISPR-Cas9 trên phôi thai một cách quá vội vàng, đầy rủi ro và chưa chắc có hiệu quả. Cuối năm 2019, He lĩnh án ba năm tù.

Nhà đạo đức sinh học Haidan Chen tại Đại học Bắc Kinh ở Bắc Kinh cho biết “trường hợp He Jiankui là một bước ngoặt” đối với đạo đức nghiên cứu ở Trung Quốc. Sau sự việc này chính phủ đã tổ chức các cuộc hội thảo về những yếu tố đã giúp He thực hiện được các thí nghiệm này, và làm thế nào để ngăn chặn những sự việc tương tự, Chen nói.

Vụ bê bối chỉnh sửa bộ gen của He Jiankui là một bước ngoặt đối với đạo đức nghiên cứu ở Trung Quốc.

Đến cuối năm 2019, chính phủ Trung Quốc thành lập Ủy ban Đạo đức Khoa học và Công nghệ Quốc gia. Xiaomei Zhai, nhà đạo đức sinh học tại Học viện Khoa học Y tế Trung Quốc ở Bắc Kinh, thành viên ủy ban, cho biết, tuyên bố mới đây “là kết quả công khai đầu tiên” của các nỗ lực từ phía chính phủ.

Một vấn đề mà Ủy ban phát hiện là đã tồn tại nhiều hướng dẫn đạo đức cho các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau, đôi khi gây mâu thuẫn. Ví dụ: nghiên cứu của He sử dụng công nghệ chỉnh sửa bộ gen, do Bộ Khoa học và Công nghệ giám sát, nhưng việc cấy các phôi đã chỉnh sửa vào phụ nữ lại là thủ tục do Bộ Y tế giám sát. Các quy định chắp vá này đã giúp He hoàn thành thí nghiệm của mình mà không bị cơ quan nào giám sát.

Thay vào đó, tuyên bố mới của Quốc vụ viện bao gồm tất cả các lĩnh vực nghiên cứu. Tuyên bố cũng kêu gọi giáo dục đạo đức rộng rãi hơn, đặc biệt là cho các nhà khoa học trẻ, và khuyến khích sự tham gia và thảo luận của công chúng.

Tuyên bố mới đặt trách nhiệm chính về quản lý đạo đức cho các tổ chức nghiên cứu, nhưng cũng kêu gọi thành lập hiệp hội đạo đức khoa học và công nghệ. "Các hiệp hội học thuật ở Trung Quốc thường ít có vai trò thảo luận về quy định, nhưng họ có thể giúp thực thi các chuẩn mực đạo đức," theo Joy Zhang, nhà xã hội học tại Đại học Kent, Vương quốc Anh.

Tuyên bố nêu rõ các cơ quan cấp vốn, các tổ chức và ngành công nghiệp nên đánh giá các vi phạm và đưa ra các hình phạt phù hợp với các luật và quy định hiện hành, bao gồm thu hồi kinh phí, thu hồi các giải thưởng và bằng cấp chuyên môn, đồng thời cấm tiếp cận công quỹ trong một thời gian nhất định. Trước đây, các nhà nghiên cứu có thể cố tình vi phạm đạo đức vì nghĩ rằng sẽ ít khi bị trừng phạt, Chen nói, "đây là lời cảnh báo mạnh hơn trước, họ sẽ biết rằng họ sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc."

Nhưng một số nhà nghiên cứu lo lắng rằng tuyên bố có thể ngăn cản những người muốn tham gia các chủ đề nghiên cứu đang đặt ra các câu hỏi về đạo đức, mặc dù các nghiên cứu này có thể được tiến hành một cách có trách nhiệm. “Họ sẽ nghĩ rằng tôi không tham gia lĩnh vực này nữa vì tôi không muốn gặp rắc rối,” theo Jing-Bao Nie, nhà nghiên cứu đạo đức sinh học tại Đại học Otago, Dunedin, New Zealand.

Nie cho rằng cần có nhiều hướng dẫn chi tiết hơn nữa đi kèm với tuyên bố, để các nhà khoa học có thể cảm thấy an toàn khi báo cáo các hành vi vi phạm đạo đức. "Chúng tôi biết trên toàn thế giới, những người thổi còi thường bị trả thù theo nhiều cách khác nhau," Nie nói.

Zhai đồng ý rằng còn nhiều việc phải làm. Ủy ban Đạo đức Khoa học và Công nghệ hiện được giao nhiệm vụ lập một danh sách các hoạt động nghiên cứu có nguy cơ cao, bao gồm các chủ đề từ tế bào gốc đến chimera (thuật ngữ di truyền học dùng để chỉ một cơ thể sinh vật, một cơ quan hay một mô mang nhiều bộ nhiễm sắc thể khác nhau) và y học nano. Các chủ đề sẽ được quản lý thông qua các đánh giá đạo đức nghiêm ngặt hơn và việc áp dụng các công nghệ này sẽ được xử lý thận trọng, Zhai nói.

Nguồn: