Bất bình đẳng trong phân bổ nguồn lực giáo viên chất lượng ảnh hưởng đáng kể tới kết quả của cả hệ thống giáo dục, nhưng trình trạng này lại đang diễn ra khá trầm trọng ở Việt Nam - theo báo cáo mới công bố của OECD.
Bất bình đẳng luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu trong giáo dục. Báo cáo “Mending the Education Divide: Getting Strong Teachers to the Schools That Need Them Most” (tạm dịch: Hàn gắn các khoảng cách trong giáo dục: Đưa những giáo viên giỏi tới những trường học cần họ nhất) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã nỗ lực hình dung bức tranh lớn về một khía cạnh bất bình đẳng giáo dục: bất bình đẳng trong phân bổ nguồn lực giáo viên chất lượng.
Báo cáo sử dụng dữ liệu do chương trình Khảo sát Quốc tế về Dạy và Học (Teaching and Learning International Survey - TALIS) tiến hành vào năm 2018 ở 48 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Các kết quả phân tích của Báo cáo tập trung vào sự mất cân bằng trong phân bổ nguồn lực giáo viên giữa các trường, với chỉ số mất cân bằng càng lớn thể hiện rằng những giáo viên có đặc điểm đó chỉ tập trung tại một số trường nhất định. Để lý giải chỉ số này, Báo cáo xem xét so sánh sự khác biệt giữa nhóm trường công – trường tư, và nhóm trường tập trung nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn – trường tập trung các học sinh ở các gia đình có thu nhập cao hơn.
Giáo viên giàu kinh nghiệm tập trung ở đâu?
Chất lượng giáo viên là yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất tới kết quả học tập của học sinh, trong đó, định nghĩa một giáo viên “giỏi” vô cùng rộng và bao gồm nhiều khía cạnh. Báo cáo của OECD tập trung phân tích các đặc điểm liên quan tới thâm niên, chất lượng đào tạo và một số chiến lược giảng dạy được nghiên cứu đánh giá là có ảnh hưởng tích cực tới kết quả học tập của học sinh.
Trong đó, thâm niên là yếu tố được nghiên cứu nhiều nhất và được công nhận rộng rãi là có tầm ảnh hưởng quan trọng. Trong số các quốc gia được phân tích, Việt Nam có khoảng cách lớn đáng kể về sự phân bổ giáo viên có kinh nghiệm - được định nghĩa là có trên 10 năm làm việc - giữa trường tư và trường công, với sự tập trung giáo viên có thâm niên ở trường công cao hơn khối trường tư 26%. Cách biệt này chỉ đứng sau Colombia với 29%. Tình trạng phân bổ không đồng đều tương tự cũng xuất hiện khi so sánh giữa các trường tập trung nhiều học sinh có xuất thân khó khăn với các trường tập trung học sinh có điều kiện hơn. Phần khảo sát ở Việt Nam được tiến hành với 196 hiệu trưởng và 3.825 giáo viên của 196 trường
Trường THPT Đức Hợp, một ngôi trường làng ở xã Đức Hợp, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, có 15/54 giáo viên giỏi cấp tỉnh, 1 giáo viên giỏi cấp quốc gia, và 1 giáo viên trong danh sách 50 giáo viên xuất sắc nhất thế giới do tổ chức Vakey bình chọn từ 10.000 giáo viên ở 173 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nguồn: tuyensinh.tvu.edu.vn
Liên quan đến chất lượng đào tạo, Việt Nam đứng đầu các quốc gia được khảo sát về tỉ lệ giáo viên được đào tạo chính quy, bài bản với 86%; và giáo viên được đào tạo toàn diện tập trung cao hơn 20% ở khối trường công với so với ở khối trường tư. Đào tạo toàn diện ở đây được hiểu là bao gồm nhiều chủ đề - từ nội dung, phương pháp, thực hành đến các kỹ năng liên môn, quản lý lớp học và giảng dạy trong môi trường có nhiều học sinh ở các cấp độ năng lực khác nhau.
Bên cạnh các đặc điểm giáo viên, TALIS còn tìm hiểu các chiến lược thực hành giảng dạy mà giáo viên sử dụng, tập trung vào phương pháp kích hoạt nhận thức (cognitive activation), mức độ rõ ràng của các hướng dẫn trong giờ học, và thời gian thực tế dành cho dạy học.
Trong đó, phương pháp kích hoạt nhận thức bao gồm các hoạt động yêu cầu học sinh phải đánh giá, tích hợp và ứng dụng kiến thức vào việc giải quyết vấn đề, ví dụ như học tập qua dự án. Việt Nam là quốc gia xếp thứ hai sau Nam Phi ở chỉ số mất cân bằng về việc sử dụng phương pháp kích hoạt nhận thức trong giảng dạy. Tuy vậy, còn cần thêm các lý giải về sự mất cân bằng này bởi dữ liệu không nhận thấy có khác biệt đáng kể giữa các nhóm trường mà báo cáo xem xét.
Tương tự, khảo sát cũng cho thấy tại Việt Nam, những giáo viên chú trọng hơn vào sự rõ ràng trong giảng dạy hay dành nhiều thời gian thực hơn vào việc giảng dạy (so với việc quản lý hay giữ trật tự lớp học) thường chỉ tập trung ở một số trường nhất định với chỉ số mất cân đối nằm trong top 10 các quốc gia được khảo sát.
Xem xét mối quan hệ giữa các đặc điểm của giáo viên và thực hành giảng dạy của họ, dữ liệu cho thấy, phần lớn giáo viên của các quốc gia được khảo sát có xu hướng sử dụng các chiến lược kích hoạt nhận thức cao hơn khi có niềm tin cao hơn vào năng lực bản thân. Việt Nam cũng thể hiện xu hướng tương tự, và xu hướng này không khác nhau giữa giáo viên có nhiều hay ít năm kinh nghiệm hay đến từ các trường có các đặc điểm khác nhau. Nhưng khác với hầu hết các nước còn lại, không có mối quan hệ nào giữa thời gian thực tế dành cho hoạt động giảng dạy với niềm tin vào năng lực bản thân được ghi nhận trong nhóm giáo viên Việt Nam.
Thiếu thốn thiết bị công nghệ thông tin trầm trọng
Đối với nội dung ứng dụng kỹ thuật số trong trường học phổ thông, khảo sát TALIS xem xét sự phân bổ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, đặc điểm sử dụng công nghệ thông tin của giáo viên, và các thực hành giảng dạy sử dụng công nghệ thông tin của giáo viên giữa các trường học.
Trong số 48 nước được thu thập dữ liệu, Việt Nam báo cáo mức độ thiếu thốn thiết bị công nghệ thông tin cao nhất, với hơn 80% số hiệu trưởng được phỏng vấn cho rằng việc giảng dạy đang bị cản trở bởi chưa được trang bị đầy đủ thiết bị cần thiết. Việt Nam cũng đứng đầu trong khoảng cách về cơ sở vật chất giữa khối trường công và trường tư.
Ngoài ra, Việt Nam đứng thứ 3 trong các quốc gia có tỉ lệ trường học chưa được lắp đặt mạng Internet, và tình trạng này tương tự giữa các trường ở vùng nông thôn lẫn thành thị.
Thế nhưng, giáo viên Việt Nam lại đứng đầu về tỉ lệ báo cáo được đào tạo sử dụng kỹ thuật số trong giảng dạy: gần 100% giáo viên được khảo sát nói rằng họ được hướng dẫn đầy đủ về nội dung này trong trường đại học và tiếp tục được tham gia các khóa đào tạo nâng cao chuyên môn trong quá trình hành nghề. Bất ngờ là, các trường tập trung nhiều học sinh đến từ các gia đình khó khăn, và các trường có số học sinh sử dụng ngôn ngữ thứ nhất khác với ngôn ngữ được giảng dạy chính thức (ví dụ như học sinh dân tộc thiểu số) tập trung nhiều giáo viên được đào tạo đầy đủ về công nghệ hơn các trường có ít học sinh khó khăn và ít học sinh sử dụng ngôn ngữ khác. Điều này có thể nói lên rằng Việt Nam đã chú trọng đầu tư cho chất lượng giáo viên ở các khu vực có nhiều rào cản học tập, hoặc những giáo viên làm việc với những nhóm học sinh khó khăn cũng cảm thấy có nhu cầu và động lực lớn hơn trong việc nâng cao chuyên môn cá nhân.
Mặc dù được đào tạo đầy đủ, giáo viên Việt Nam lại ít tự tin về việc sử dụng các kỹ năng liên quan tới công nghệ để giúp đỡ học sinh hơn so với các quốc gia khác, với tỉ lệ giáo viên cho rằng năng lực đó của họ có ích cho học sinh chiếm khoảng 60%, dưới mức trung bình của các nước được khảo sát. Việt Nam cũng nằm trong nhóm thấp khi xem xét mức độ thường xuyên sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học hay kiểm tra.
Từ những kết quả này, có thể thấy Việt Nam đã phần nào thực hiện tốt bước đầu về đào tạo ứng dụng công nghệ trong giảng dạy, tuy vậy, việc triển khai trên thực tế còn gặp nhiều trở ngại, liên quan tới cơ sở vật chất và các chiến lược ứng dụng.
Khi kết hợp với các kết quả của khảo sát PISA 2018, dữ liệu của TALIS chỉ ra, những quốc gia có sự mất cân đối trong phân bổ giáo viên có kinh nghiệm, giáo viên được đào tạo bài bản và giáo viên dành nhiều thời gian thực cho việc giảng dạy có điểm PISA thấp hơn. Điều này cho thấy bất bình đẳng trong phân bổ nguồn lực giáo dục ảnh hưởng đáng kể tới kết quả của cả hệ thống giáo dục. Do vậy, các chính sách và kế hoạch của giáo dục Việt Nam trong thời gian tới cần chú trọng việc cân đối và cung cấp lực lượng giáo viên một cách có chiến lược, để vừa tạo điều kiện cho các khu vực khó khăn tiếp cận các chương trình giảng dạy chất lượng, vừa thôi thúc giáo viên nâng cao năng lực cũng như sẵn sàng tới làm việc tại những trường còn gặp nhiều trở ngại trong việc nâng cao chất lượng.
Tài liệu tham khảo:
OECD (2022), Mending the Education Divide : Getting Strong Teachers to the Schools That Need Them Most, OECD Publishing, Paris, https://doi.org/10.1787/92b75874-en