Từ việc ứng dụng tế bào gốc trong điều trị vết thương, vết bỏng, điều trị ung thư... đến kỹ thuật can thiệp mạch; triển khai ghép tạng ở người… là những kết quả có thể kể đến từ Chương trình KC.10/11-15.

Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước lĩnh vực y dược (Mã số KC.10/11-15): “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng” được thành lập theo Quyết định số 2850/QĐ-BKHCN ngày 15 tháng 09 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Sau 5 năm triển khai các nhà khoa học thuộc Chương trình đã nghiên cứu ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật công nghệ y học tiên tiến. Nói như Bộ trưởng bộ KH&CN Nguyễn Quân thì: “Chương trình KC10 là chương trình thành công nhất trong tất cả các chương trình trọng điểm cấp nhà nước được bộ KH&CN và cộng đồng nhà khoa học đánh giá cao”.

Làm chủ công nghệ ghép tạng

Chia sẻ về một số kết quả nổi bật, GS.TS. Phạm Gia Khánh - Chủ nhiệm Chương trình cho biết, ghép tạng là 1 trong 10 thành tựu lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ 20, kỹ thuật này chỉ thực hiện được ở một nước có nền y học tiên tiến. Điều đó cắt nghĩa tại sao ghép tạng Việt Nam lại đi sau thế giới gần 50 năm, sau các nước trong khu vực khoảng 20 năm.

Nhờ có chương trình KC10 các giai đoạn trước, nên đến năm 2010 ghép tạng Việt Nam cơ bản đã tiếp cận được với ghép tạng thế giới, nghĩa là chúng ta đã làm chủ được các kỹ thuật ghép tạng thường gặp nhất, đó là ghép thận, gan và tim từ người cho sống và người cho chết não và các vấn đề cơ bản khác của ghép tạng. Nhưng thực sự ở thời điểm đó (năm 2010) chúng ta còn có kỹ thuật lạc hậu so với thế giới khoảng 20 - 50 năm vì chưa ghép được phổi, tụy, chưa lấy được tạng từ người cho chết tim ngừng đập và vấn đề ghép đa tạng.

Để giải quyết các vấn đề này, Chương trình KC10 giai đoạn 2011-2015 đã xây dựng 3 nhiệm vụ khoa học về ghép tạng. Nhờ hoàn thành 3 nhiệm vụ này đến nay ghép tạng Việt Nam đã thực sự theo kịp với ghép tạng thế giới và tạo bước đột phá cho sự phát triển ghép tạng trong thời gian tới. Đến nay các bác sĩ, nhà khoa học Việt Nam đã giải quyết vấn đề lấy tạng từ người cho chết tim ngừng đập.


Chương trình KC10 là chương trình thành công nhất trong tất cả các chương trình trọng điểm cấp nhà nước được bộ KH&CN và cộng đồng nhà khoa học đánh giá cao - Bộ trưởng Nguyễn Quân.


“Giải quyết được vấn đề này góp phần giải quyết vấn đề khó khăn nhất của ghép tạng là thiếu nguồn cho tạng. Như vậy nguồn hiến tạng từ nay không chỉ từ người cho sống, người cho chết não mà cả từ người cho chết tim ngừng đập. Vấn đề hiến tạng từ người cho tim ngừng đập chắc sẽ đễ dàng hơn người cho chết não khi mà tim còn đập” – GS Khánh chia sẻ.

Trên thực tế thời gian qua các bác sĩ, nhà khoa học của Việt Nam đã thực hiện thành công ghép tụy, giải pháp duy nhất cứu sống bệnh nhân bị bệnh tụy giai đoạn cuối, đồng thời chấm dứt sự tụt hậu 48 năm so với thế giới (thế giới ghép tụy từ năm 1966). Đã thực hiện thành công ghép đa tạng (ghép tụy và thận cùng một lúc trên một người bệnh), đã chứng minh sự tiến bộ về kỹ thuật ghép. Đã thành công trong kỹ ghép tim nhân tạo và thành công bước đầu trong ghép khối tim phổi, một trong những kỹ thuật khó khăn phức tạp nhất trong lĩnh vực ghép tạng.

Ghép tạng không chỉ tiến bộ về mặt kỹ thuật mà cả mặt tổ chức (đối với ghép tạng rất quan trọng). Trường hợp lấy đa tạng từ người cho chết não ở bệnh viện Chợ Rẫy vượt gần 2000 km ra ghép ở bệnh viện Việt Đức vừa rồi là một minh chứng.

sau ca ghép thận đầu tiên trong cả nước tại chính Bệnh viện 103, ghép thận đã trở thành kỹ thuật thường quy tại bệnh viện)
Bệnh viện 103, Học viện Quân y, nơi các thầy thuốc tiến hành ca ghép tụy-thận đầu tiên từ người cho chết não. Đây tiếp tục là đơn vị y tế đầu tiên trong cả nước tiến hành ca ghép tụy đầu tiên, một trong những khâu khó nhất của phẫu thuật ghép tạng.

Phẫu thuât nội soi theo kịp thế giới

Phẫu thuật nội soi (PTNS) hiện đại ra đời vào những năm 80 thế kỷ trước, làm thay đổi bộ mặt ngoại khoa, sự thực là cuộc cách mạng trong ngoại khoa. Những ưu điểm của PTNS là: Giảm đau, hồi phục sức khỏe nhanh, thời gian nằm viện ngắn, sớm hồi phục khả năng lao động, tránh nhiễm trùng vết mổ và tính thẩm mỹ cao. Nhờ những ưu điểm này PTNS đã thay thế cho hầu hết các phẫu thuật mổ mở kinh điển trước đây.

Nhờ có chương trình KC10, phẫu thuật nội soi Việt nam đã sớm theo kịp thế giới từ đầu năm 2000. Trong giai đoạn 2011-2015 hướng nghiên cứu PTNS trong chương trình đi vào các kỹ thuật khó, còn ít được thực hiện trên thế giới như PTNS trong chấn thương bụng, PTNS ngoài ổ bụng như PTNS tuyến giáp, PTNS lồng ngực, thần kinh sọ não…. Phẫu thuật nội soi 1 cửa. Đặc biệt phẫu thuật qua lỗ tự nhiên còn rất ít được thực hiện trên thế giới thì đã được thực hiện ở Việt Nam. Bệnh viện Trung ương Huế là 1 trong vài bệnh viện trên thế giới đầu tiên cắt đại tràng qua lỗ hậu môn và là bệnh viện đầu tiên trên thế giới cắt đại tràng qua âm đạo. Kỹ thuật này đã được báo cáo tại hội nghị phẫu thuật nội soi thế giới tổ chức tại Mạc Tư Khoa tháng 9/2015, đã được các đồng nghiệp đánh giá cao, sau đó đã được trình diễn ở Malaysia và Hàn Quốc.


“Bộ Y tế luôn đánh giá chương trình KHCN trọng điểm cấp nhà nước KC10 đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển KH&CN ngành y tế" - Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường.

Kỹ thuật can thiệp mạch phát triển nhanh

Can thiệp mạch (X quang can thiệp) là một chuyên ngành của X quang ra đời vào giữa năm 60 của thế kỷ trước. Can thiệp mạch ngày nay phát triển rất mạnh nó đã thay thế cho nhiều phẫu thuật truyền thống trước đây để điều trị các bênh tim mạch và các bệnh ngoài tim mạch như các bệnh trong cơ quan tiêu hóa, tiết niệu - sinh dục, hô hấp, thần kinh sọ não…Nhờ vậy nhiều bệnh của các cơ quan này không phải mổ.

Cũng nhờ có chương trình KC10 mà kỹ thuật can thiệp mạch ở Việt Nam phát triển rất nhanh. Đến đầu năm 2000 can thiệp mạch trong lĩnh vực tim mạch ở VN đã theo kịp các nước trên thế giới. Trong giai đoạn 2011-2015 chương trình tập trung đi vào các kỹ thuật phức tạp của kỹ thuật can thiệp mạch điều trị một số bệnh tim mạch như điều trị phình và phình bóc tách động mạch chủ, các bệnh thiếu máu não cấp và mạn tính. Các bệnh lý ngoài tim mạch như bệnh lý tuyến giáp, bệnh lý cơ quan tiêu hóa, xương khớp… Nhờ vậy can thiệp mạch ở Việt Nam đạt được trình độ các nước tiên tiến trên thế giới. Điều này thể hiện trong những năm qua nhiều bác sỹ ở các nước đã đến Việt Nam để học hỏi như Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore …

Người dân không phải ra nước ngoài chữa bệnh

Không dừng lại ở các kỹ thuật thông thường, từ Chương trình KC 10, các kỹ thuật y học hạt nhân hiện đại như PET/CT, dao gamma quay, Cyberknife để chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả một số bệnh tim mạch, ung thư mà trước đây gặp khó khăn trong chẩn đoán và điều trị cũng được ứng dụng. Với kết quả này người bệnh không phải đi nước ngoài chữa bệnh.

Không chỉ có vậy, trong lĩnh vực dược, các nhà khoa học thuộc Chương trình đã nghiên cứu ứng dụng thành công các kỹ thuật công nghệ tiên tiến trong sản xuất thuốc, bào chế các dạng thuốc có tác dụng đặc biệt, đặc biệt trong sản xuất vắc xin và sinh phẩm góp phần quan trọng trong chẩn đoán và phòng bệnh:

Đến thời điểm này Chương trình đã thành công bước đầu sản xuất văc xin sốt xuất huyết. Đặc biệt đã sản xuất thành công vắc xin Rota chống tiêu chảy, giúp Việt Nam là nước thư tư trên thế giới sản xuất được vắc xin này. Thuốc đã được Trung tâm kiểm soát và phòng dịch Hoa Kỳ (CDC) kiểm định tính an toàn và hiệu lực. Nhờ sản xuất ở trong nước nên vắc xin này sẽ được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng và đưa vào sản phẩm quốc gia để xuất khẩu.

Đánh giá cao về những kết quả đã đạt được, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường nói: “Bộ Y tế luôn đánh giá chương trình KHCN trọng điểm cấp nhà nước KC10 đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển KH&CN ngành y tế. Trong những năm gần đây, những thành tựu lớn về KH&CN ngành y tế luôn gắn liền với kết quả của các nhiệm vụ KH&CN chương trình KC10”.


Chương trình KC.10/11-15 là chương trình khoa học trọng điểm cấp Nhà nước về lĩnh vực y học, với mục tiêu chính là đưa những tiến bộ khoa học của thế giới vào chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam. Một số sản phẩm, công trình khoa học đã trở thành thương hiệu và được vinh danh trong nước và quốc tế, góp phần khẳng định vị thế của các nhà khoa học Việt Nam trên trường quốc tế: Sản xuất thành công vắc xin rota phòng bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em (đoạt giải thưởng Kovalevskaia); Phẫu thuật nội soi điều trị các bệnh lý tuyến giáp (đoạt giải thưởng Nhân tài Đất Việt): Ghép thận từ người cho tim ngừng đập…

Vào lúc 13h30 hôm nay - ngày 11/3, tại Học Viện Quân y, 160 Phùng Hưng, Hà Đông, Hà Nội, Ban Chủ nhiệm Chương trình sẽ có buổi gặp mặt báo chí để chia sẻ về toàn bộ kết quả của Chương trình KC 10. Báo Khoa học và Phát triển sẽ tường thuật trực tiếp buổi họp báo này.