Đã có 82 trẻ được mổ nội soi bằng người máy tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Sắp tới, thiết bị này sẽ được sử dụng cho người lớn.

Nội soi robot là bước tiến mới của phẫu thuật nội soi. Thay vì trực tiếp cầm dao mổ, phẫu thuật viên sẽ ngồi điều khiển người máy thực hiện các thao tác. Người máy Việt Nam đang dùng thuộc thế hệ thứ 4 (hiện các robot này đã phát triển đến thế hệ thứ 5) với 4 cánh tay linh hoạt.

Theo tiến sĩ Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), để tận dụng tối ưu robot, Bộ Y tế có chủ trương mở rộng dùng người máy mổ nội soi trên người lớn. Bệnh viện sẽ phối hợp với các bệnh viện khác như Bạch Mai, Việt Đức, 108... triển khai thực hiện để người dân được thụ hưởng kỹ thuật hiện đại. Vấn đề ở đây là cơ chế phối hợp giữa các bệnh viện, vận chuyển bệnh nhân…

viet-nam-dung-nguoi-may-mo-noi-soi-cho-benh-nhan

Phẫu thuật viên điều khiển các cánh ray robot mổ nội soi.Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Sau hơn một năm ứng dụng, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) đã dùng robot mổ nội soi thành công cho 82 trẻ, với kết quả khả quan. Đốivới bệnh u nang ống mật chủ ở trẻ, Tiến sĩ Phạm Duy Hiền, Giám đốc Trung tâm Nội soi Nhi khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết đã mổ cắt nang và nối ống gan chung với hỗng tràng cho 30 trẻ. Thời gian thực hiện ca mổ là khoảng 150 phút, lâu hơn một chút so với mổ nội soi; số ngày nằm viện trung bình 4-10 ngày. Qua theo dõi có 2 bệnh nhi biểu hiện đau bụng đơn thuần, 2 trẻ bị sốt; chưa có trường hợp nào mổ lại.

Ban đầu, bệnh u nang ống mật chủ ở trẻ được tiến hành mổ mở, từ năm 1995 bắt đầu mổ nội soi và trở thành phẫu thuật kinh điển. Phẫu thuật nội soi thông thường an toàn nhưng nối là một thách thức với các bác sĩ. Sử dụng robot mổ nội soi đã góp phần giảm khó khăn này.

“Đặc biệt việc dùng robot giúp loại trừ hiện tượng run tay, kỹ thuật viên thao tác rất thoải mái, hình ảnh 3D, camera phóng đại gấp 12 lần. Phẫu thuật nội soi khó trở nên đơn giản với nội soi robot”, tiến sĩ Hiền phân tích.

Theo tiến sĩ Hiền, phần lớn các mặt bệnh đều có thể sử dụng người máy này. Ví dụ khi nạo vét hạch ung thư, việc sử dụng robot với hiệu quả phóng đại 12 lần, hình ảnh 3D giúp các bác sĩ dễ dàng nạo vét hết hạch mà không cần mổ mở. Ngoài ra, nhiều nước cũng dùng robot cắt tuyến tiền liệt, bàng quang, gan, mật, tụy, u xơ ở nữ…

Kỹ thuật này an toàn, khả thi tuy nhiên giá thành còn đắt. Tiến sĩ Hiền hy vọng thời gian sớm nhất có thể triển khai ứng ứng dụng trên người lớn; ưu tiên các mặt bệnh phức tạp cần sử dụng phẫu tích và khâu nối. Chi phí cho một ca mổ nội soi robot trên người lớn tại nhiều nước là khoảng 15.000-30.000 USD.

Tiến sĩ Trần Hiếu Như Học, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng cho biết, phẫu thuật nội soi robot có nhiều ưu điểm có thể thực hiện động tác mà trong phẫu thuật nội soi thông thường không thực hiện được. Nếu có thể ứng dụng mổ trên người lớn sẽ mang lại nhiều lợi ích; áp dụng cho nhiều mặt bệnh. Các nước chủ yếu thực hiện kỹ thuật này trên người lớn.

Việt Nam là nước đầu tiên tại Đông Nam Á có trung tâm ứng dụng kỹ thuật cao này.