“Phải nói rằng chúng ta còn vướng rất nhiều về cơ chế để đưa được nông nghiệp chính xác (nông nghiệp số) vào Việt Nam. FPT chỉ phối hợp với Fujitsu thành lập một nhà kính thôi đã phải mất thời gian dài để hoàn thiện”.
Đó là chia sẻ của ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT - về việc đầu tư vào nông nghiệp số ở Việt Nam.
Xu hướng trồng rau có tác dụng chữa bệnh
Trung tâm Hợp tác nông nghiệp thông minh FPT - Fujitsu vừa được khai trương tại Viện Nghiên cứu rau quả (Hà Nội) nhằm giới thiệu kỹ thuật nông nghiệp ứng dụng công nghệ điện toán đám mây - Akisai. Với mô hình này, việc chăm sóc cây trồng được điều khiển từ xa và hoàn toàn tự động trong môi trường khép kín, giúp tránh được sâu bệnh, giảm công sức của người lao động và cho ra sản phẩm có chất lượng vượt trội.
Mô hình công nghệ cao trồng cây xàlách và cà chua được Trung tâm Hợp tác nông nghiệp thông minh FPT - Fujitsu đưa từ Nhật Bản về Việt Nam nhằm giới thiệu công nghệ trước hết là cho các doanh nghiệp và sau đó là nông dân. Sản phẩm tạo ra không đơn thuần là rau mà còn có tác dụng chữa bệnh.
Chẳng hạn, cây xàlách được trồng bằng mô hình nông nghiệp thông minh này có hàm lượng kali chỉ bằng 1/5 xàlách thông thường, rất phù hợp với người bị bệnh thận và người ăn kiêng. Đặc biệt, xàlách và cà chua đều có thể ăn ngay, không cần rửa mà vẫn đảm bảo an toàn.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã rất hoan nghênh việc Fujitsu phối hợp với FPT và Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ sinh học để tạo ra mô hình sản xuất nông nghiệp có trình độ công nghệ cao, sản phẩm có năng suất và chất lượng tốt. Ông cho rằng đây là kết quả của khoa học kỹ thuật ở đỉnh cao.
Nhập công nghệ: Thuế cao, thủ tục phức tạp
Để phát triển các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam, có rất nhiều việc phải làm. Theo ông Trương Gia Bình, việc cần thực thi đầu tiên là tập hợp lực lượng, thành lập câu lạc bộ doanh nghiệp số; tiếp đến là câu chuyện làm chủ công nghệ. Hiện nay, các doanh nghiệp muốn nhập công nghệ từ nước ngoài về Việt Nam để làm nông nghiệp số đều gặp phải vấn đề chung, đó là thủ tục nhập khẩu còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Ông Trương Gia Bình đưa ra một ví dụ: Khi FPT phối hợp với Fujitsu xây dựng nhà kính sản xuất rau công nghệ cao, toàn bộ công nghệ đều được phía Nhật Bản tài trợ. Fujitsu tự mang công nghệ đến Hà Nội giới thiệu bằng cách áp dụng nó vào sản xuất thực tế cho người Việt Nam xem trực tiếp; nhưng họ đã tốn khá nhiều thời gian mới đưa được đến nơi.
“Việt Nam nếu muốn trở thành một cường quốc xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp thông minh sẽ phải vượt qua khá nhiều khó khăn, bởi chúng ta phải nhập khẩu các dây chuyền công nghệ bao gồm thiết bị, linh kiện... để lắp ráp qua nhiều khâu chứ không phải bê nguyên cả mô hình như Fujitsu đã làm giới thiệu ở Việt Nam” - ông Trương Gia Bình nói.
TS Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả - bày tỏ: “Doanh nghiệp Việt Nam khi nhập các trang thiết bị, máy móc nông nghiệp về bị áp thuế rất cao, thủ tục hết sức phức tạp trong khi rất nhiều ngành khác - ví dụ như công nghiệp - được ưu ái. Nhà lưới nhập khẩu nguyên chiếc để phục vụ sản xuất nông nghiệp bị đánh thuế từ 15%-20%. Hy vọng tới đây, Nhà nước sẽ có cơ chế mới tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp ở Việt Nam”.
Cần có chính sách ưu tiên
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, rất cần có các dự án nông nghiệp thông minh để mở đường cho quá trình thúc đẩy khoa học kỹ thuật nói chung và công nghệ cao trong nông nghiệp nói riêng.
Việc mở rộng áp dụng nông nghiệp thông minh trước hết cần có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, dựa vào nòng cốt là doanh nghiệp để làm ra những gói kỹ thuật phù hợp với hộ gia đình nông dân nhỏ. Điều đó giúp họ có thể tham gia và hưởng lợi từ các tiến bộ khoa học kỹ thuật; sau đó, doanh nghiệp sẽ giúp người nông dân đưa sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam ra thế giới. Để làm được như vậy, Nhà nước cần phải có những chính sách ưu tiên.
“Chính phủ đang chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP để tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh doanh nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng. Chúng tôi đang rất cố gắng để thực hiện chủ trương đó nhằm khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Mặt khác, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 210/NĐ-CP với những chính sách cụ thể và mạnh mẽ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như với các địa phương để triển khai thực hiện nghị định này. Chúng tôi cũng nghiên cứu để đề xuất với Chính phủ xin ý kiến bổ sung” - ông Cao Đức Phát nói.
Được biết, Nghị quyết 19/NQ-CP có những yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho doanh nghiệp - bao gồm cả thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu, vật tư nông nghiệp, các sản phẩm nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã chỉ đạo các ngành bảo vệ thực vật, thú y phải đạt mục tiêu giảm 50% thời gian và chi phí cho doanh nghiệp liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu.
“Chúng tôi đang thực hiện chỉ đạo của Chính phủ rất tích cực để triển khai các giải pháp tạo ra môi trường thuận lợi hơn, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp” - ông Cao Đức Phát cho hay.
Tuy vậy, để nghị quyết đến gần hơn với đời sống, lãnh đạo các cơ quan cần sát sao hơn nữa trong việc áp dụng vào thực tiễn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức các cuộc gặp với doanh nghiệp và sẽ tiếp tục có những buổi làm việc cụ thể khác để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của từng doanh nghiệp và hỗ trợ giải quyết. Thông qua đó, bộ cũng sẽ phát hiện những vấn đề có liên quan đến cơ chế, chính sách chung để giải quyết theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Việc thay đổi cơ chế, chính sách được kỳ vọng sẽ hấp dẫn nhiều doanh nghiệp đầu tư lớn vào cuộc cách mạng nông nghiệp số ở Việt Nam. Sứ mệnh đầu tiên của các doanh nghiệp này là giúp người dân nghĩ đơn giản hơn về khái niệm nông nghiệp số. Sau khi tiếp nhận và đưa công nghệ mới vào sản xuất, các doanh nghiệp sẽ đầu tư nguồn nhân lực trình độ cao - đó là những kỹ sư công nghệ thông tin am hiểu về giống, đất đai, phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc, dinh dưỡng... Quy mô đầu tư càng lớn thì số lượng các chuyên gia càng nhiều.
Đánh giá tiềm năng phát triển nông nghiệp thông minh ở Việt Nam, TS Đặng Văn Đông cho rằng: “Trong tương lai, các bên tham gia hợp tác phải có những cải tiến phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và điều kiện sinh thái của Việt Nam. Như vậy giai đoạn đầu sẽ gặp khó khăn nhưng trong tương lai, nông nghiệp số ở Việt Nam hoàn toàn có khả năng phát triển và ứng dụng cao hơn nữa”.