Sáng 08/03, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ và Quỹ Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Phần Lan (TEKES) đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác song phương.


Biên bản ghi nhớ sẽ thúc đẩy hợp tác song phương trong hỗ trợ và tài trợ dự án nghiên cứu và đổi mới sáng tạo giữa các doanh nghiệp, viện nghiên cứu Việt Nam và Phần Lan trong các lĩnh vực: Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm...

Đại diện lãnh đạo Bộ KH&CN và Quỹ Công nghệ & Đổi mới sáng tạo Phần Lan cùng đại điện các đơn vị tại lế ký kết. Ảnh Loan Lê.
Lãnh đạo Bộ KH&CN và Quỹ Công nghệ & Đổi mới sáng tạo Phần Lan cùng đại điện các đơn vị tại lế ký kết. Ảnh Loan Lê.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh cho biết “hợp tác về công nghệ và đổi mới sáng tạo là chìa khóa quan trọng để biến cơ hội và tiềm năng hợp tác đó thành hiện thực, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân hai nước".

Trong những năm qua, EU nói chung trong đó có Phần Lan là nhà tài trợ không hoàn lại lớn nhất của Việt Nam. Đặc biệt, Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP) với sự hỗ trợ của Chính phủ Phần Lan đã từng bước giúp Việt Nam nâng cao năng lực của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện vị trí xếp hạng của Việt Nam trong chỉ số đổi mới sáng tạo và cạnh tranh toàn cầu.

Theo bà Lenita Toivakka, Bộ trưởng ngoại thương và Phát triển Phần Lan, mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Phần Lan đã được thiết lập và phát triển trong 40 năm qua. Hiện tại Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình. Do vậy các hợp tác phát triển cũng như những hỗ trợ phát triển chính thức sẽ giảm dần. Ngay lúc này, việc cần thiết trong quan hệ hợp tác giữa hai nước là cần tìm ra những hình thức viện trợ và hình thức hợp tác mới, trong đó chủ yếu cần tập trung vào đổi mới và sáng tạo.

Bản ghi nhớ hợp tác giữa Việt Nam-Phần Lan có thể được xem như một cầu nối kết nối các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp KH&CN. Thông qua bản ghi nhớ hợp tác này, các doanh nghiệp Việt Nam có thể xác định được những khó khăn và thách thức đang gặp phải.

"Dựa vào đó giúp họ có thể tìm kiếm chính xác, thích hợp có công nghệ và bí quyết giúp họ tháo gỡ được khó khăn và thách thức. Mặt khác các doanh nghiệp Phần Lan cũng có thể chủ động hơn trong hỗ trợ các đối tác Việt Nam. Điều này tất yếu sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường năng lực sản xuất và năng lực kinh doanh của mình, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh khi hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới" - ông Pekka Soini- Tổng Giám đốc Quỹ TEKKES khẳng định.

Ghi nhận sự hợp tác và hỗ trợ từ phía Phần Lan trong Khoa học và Công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực đổi mới-sáng tạo, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh tin tưởng rằng với nỗ lực của hai bên và sự hưởng ứng nhiệt tình của các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học của cả hai nước, Việt Nam - Phần Lan sẽ có các dự án hợp tác chung thực sự hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực và giá trị gia tăng cao cho cộng đồng.

Hiện tại Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (NATEC) là đơn vị đầu mối, phối hợp chặt chẽ với Quỹ TEKES của Phần Lan cùng trao đổi, đề xuất nội dung, phương thức tài trợ, hỗ trợ cho các dự án hợp tác giữa các doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu trên các lĩnh vực cụ thể.