Ca ghép tạng xuyên Việt lịch sử của đội ngũ y, bác sỹ Việt Nam đã xóa nhòa khó khăn về khoảng cách địa lý và ranh giới của một bệnh viện. Sự thành công của những ca phẫu thuật ghép tạng này còn đánh dấu vai trò cầu nối quan trọng của Trung tâm điều phối quốc gia

Các bác sỹ trong ca ghép tạng xuyên Việt lịch sử. Ảnh do BV Việt Đức cung cấp.
Các bác sỹ trong ca ghép tạng xuyên Việt lịch sử. Ảnh do BV Việt Đức cung cấp.
Bước tiến của công nghệ và ca ghép tạng xuyên Việt
Điều dưỡng trưởng, khoa Phẫu thuật tim và lồng ngực Nguyễn Xuân Vinh chia sẻ: “Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện nhiều ca phẫu thuật ghép tim, gan thành công, nhưng lần này đã làm nên điều đặc biệt khi tạng được vận chuyển từ hai đầu cầu đất nước, phải vận chuyển bằng đường hàng không, phải xử lý nhiều vấn đề phức tạp”.
Trước đó - ngày 3/9/2015, Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người thông báo Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) có người chết não hiến tạng. Bệnh viện Việt Đức đã rà soát những bệnh nhân chờ ghép gan, tim có chỉ số ghép tạng phù hợp. Kết quả, lựa chọn được hai bệnh nhân phù hợp với nhóm máu của người hiến. Bệnh nhân được ghép gan là Trần Ngọc Hải (59 tuổi), bệnh nhân được ghép tim là Nguyễn Văn Hải (37 tuổi). Cả hai bệnh nhân đều sống tại Hà Nội.
14h30 ngày 4/9, 6 thành viên kíp phẫu thuật của Bệnh viện Việt Đức đã lên máy bay vào Bệnh viện Chợ Rẫy tiến hành phẫu thuật lấy tạng từ người cho chết não. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, GSTS Trịnh Hồng Sơn (Phó GĐ Bệnh viện Việt Đức) và PGS-TS Nguyễn Hữu Ước (Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực) là những người trực tiếp phẫu thuật lấy tạng của người hiến.
Trong suốt khoảng thời gian này, hai đầu cầu Hà Nội và TPHCM liên tục thông tin cho nhau biết tiến độ để tiến hành các bước chuẩn bị, phẫu thuật cần thiết. 17h30 cùng ngày, ngay sau khi khối tim, gan được bảo quản trong một dung dịch chuyên dụng, kíp bác sỹ lên xe, vượt qua những trở ngại về giao thông tại TPHCM để ra sân bay, tiếp tục lên máy bay và có mặt tại Hà Nội lúc 23h30. Ngay khi về đến Hà Nội, các bác sỹ khẩn trương ghép tim, gan cho 2 bệnh nhân.
Đây là ca ghép gan thứ 25 và ca ghép tim thứ 11 của bệnh viện, nên các bác sĩ đã hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật. Cả 2 ca ghép đều diễn ra tương đối thuận lợi. Ca ghép tim hoàn thành lúc gần 4h sáng ngày 5/9; một tiếng sau, ca ghép gan cũng kết thúc tốt đẹp.
PGS-TS Nguyễn Hữu Ước - Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch – lồng ngực, chia sẻ rằng tất cả các tình huống bất thường đều được các bác sỹ Bệnh viện Việt Đức tính toán thời gian kỹ lưỡng, lên các phương án xử lý.
Kỹ thuật ghép tạng Việt ghi dấu trên thế giới phẳng
Thành công của hai ca ghép tim, gan xuyên Việt vừa qua là thành quả của quá trình học hỏi không ngừng và cập nhật, áp dụng khoa học y khoa tiên tiến trên thế giới của nhiều lớp y, bác sỹ của Bệnh viện Việt Đức nói riêng và tại Việt Nam nói chung.
PGS-TS Nguyễn Hữu Ước chia sẻ rằng, kỹ thuật và con người thực hiện ghép tạng ở Việt Nam hiện tại hội tụ đủ “độ rộng – độ sâu – độ dày”. “Hiện tại, trong Bệnh viện Việt Đức có nhiều bác sỹ có thể thực hiện phẫu thuật ghép tạng là độ rộng; độ sâu là người có khả năng làm chuyên sâu về một lĩnh vực và một kỹ năng nào đó; độ dày là sự kết hợp của độ rộng và độ sâu, nhiều bác sỹ làm tốt, có sự đồng bộ cao về kỹ thuật, thể hiện rõ thế giới phẳng trong y khoa” - điều dưỡng trưởng Nguyễn Xuân Vinh giải thích.
Các bác sỹ, các kíp ghép tạng mà Bệnh viện Việt Đức liên tục cử đi đào tạo ở nhiều nước trên thế giới hoàn toàn vững vàng với tay nghề, hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật ghép tạng phức tạp mà không cần sự hướng dẫn của chuyên gia nước ngoài. Việc đào tạo đội ngũ y, bác sỹ lớp sau được lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức coi là “nhiệm vụ sống còn” trong việc nối tiếp các thành tựu y khoa đã đạt được.
Thành công trong ca phẫu thuật xuyên Việt đã cho thấy bước đột phá trong lĩnh vực ghép tạng ở Việt Nam. Điều này là động lực thúc đẩy đội ngũ y, bác sỹ của Việt Nam tiếp tục nghiên cứu và tiến tới chuẩn bị phẫu thuật ghép phổi và tụy.
Ngày 12/9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến thăm hai bệnh nhân được ghép tim và gan tại Bệnh viện Việt Đức. Bộ trưởng cũng cho biết, trong thời gian sắp tới, khoảng 5-6 bệnh viện đầu ngành về ghép tạng (Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện TƯ Huế, Bệnh viện Quân y 103...) sẽ phối hợp để thực hiện ca ghép phổi và tụy. Hiện Bệnh viện Phổi TƯ đã nhận chủ trì dự án ghép phổi tại VN.
GS-TS Nguyễn Tiến Quyết - nguyên GĐ Bệnh viện Việt Đức - cho biết, việc ghép phổi thành công sẽ mở ra cơ hội điều trị cho các bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đây là chứng bệnh đang ngày càng trở nên phổ biến, nhất là nhóm bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá hoặc bị tác động từ khói bụi môi trường, hoặc một số nhóm ung thư phổi ở giai đoạn sớm.
Cản trở lớn nhất của việc ghép tạng ở Việt Nam hiện nay là thiếu người cho tạng, đặc biệt là từ người cho chết não. Việt Nam đã có luật về hiến tạng từ người cho chết não - được Quốc hội thông qua từ năm 2006, tuy nhiên đến nay số người hiến tạng chết não rất ít. Chỉ riêng tại Bệnh viện Việt Đức, mỗi năm có gần 1.000 người tử vong do chết não, nhưng người nhà thường không đồng ý cho tạng.
Theo thông tin từ Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia, hiện nay trên thế giới, 90% mô tạng ghép được hiến từ người chết não, còn tại Việt Nam đa số tạng hiến lại từ người đang sống, điều này nảy sinh nhiều vấn đề, kể cả việc mua bán tạng trái phép.