Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng đã bày tỏ hy vọng đối với chương trình khai mạc Kết nối đổi mới sáng tạo Việt Nam – Hoa Kỳ tổ chức ngày 7/3.
Chương trình Kết nối Đổi mới sáng tạo Việt Nam – Hoa Kỳ được phối hợp tổ chức bởi Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam với mong muốn chia sẻ về những thực tiễn tốt nhất trong quá trình đổi mới công nghệ của Hoa Kỳ, vai trò của công nghệ và mối liên hệ giữa giáo dục và phát triển kinh doanh.
Đây cũng là một trong những hoạt động đầu tiên thuộc sáng kiến Kết nối Hoa Kỳ - ASEAN của Chính phủ Hoa Kỳ, được Tổng thống Obama thông báo tại Hội nghị Hoa Kỳ - ASEAN tại Sunnylands, California.
Cố vấn cấp cao của Ngoại trưởng Hoa Kỳ David Thorne cho biết một trong những trụ cột của Kết nối Hoa Kỳ - ASEAN là hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại Đông Nam Á. Ngoài ra, sáng kiến Kết nối Hoa Kỳ - ASEAN sẽ thúc đẩy những hợp tác kinh tế giữa 2 khu vực.
Theo thống kê từ Hoa Kỳ, khối lượng thương mại song phương giữa hai khu vực đã gấp 3 lần kể từ những năm 1990s và đạt đến 250 tỷ USD trong năm 2014. Doanh nghiệp Hoa Kỳ có đóng góp cao nhất trong tổng nguồn FDI vào ASEAN và các nước ASEAN cũng đang gia tăng đầu tư vào nước Mỹ.
Cũng theo Đại sứ Thorne, sự kiện Kết nối Đổi mới sáng tạo này cũng chính là một sự kiện quan trọng để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo ở hai nước, đặc biệt nhân dịp Hoa Kỳ đang chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo toàn cầu tại thung lũng Silicon vào mùa hè này. “Hội nghị lần thứ 7 này sẽ có sự tham dự của các các nhân khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, các nhà đầu tư trên khắp thế giới, cùng đến để trao đổi, chia sẻ, nắm bắt cơ hội hợp tác và đầu tư. Và tại sự kiện đó, chúng tôi rất mong có sự hiện diện của các đại diện Việt Nam”.
Đại sứ Thorne cũng cho biết các doanh nghiệp thành lập dưới 5 năm đóng góp gần như toàn bộ cho sự tăng trưởng việc làm mới trong khu vực tư nhân của Hoa Kỳ trong 25 năm qua. “Khởi nghiệp không chỉ là việc trao quyền tự chủ cho cá nhân mà còn là động cơ thúc đẩy tăng trưởng việc làm và sự thịnh vượng quốc gia, chúng ta phải tìm cách để mọi người đưa ý tưởng của mình và bắt đầu kinh doanh. Nhưng điều đó sẽ không thể thực hiện được nếu chúng ta bị hạn chế bởi môi trường chính sách khắc nghiệt và một cơ sở hạ tầng công nghệ chưa phát triển”, Đại sứ Thorne khẳng định.
Điều đó, theo Đại sứ Thorne có nghĩa là chúng ta cần phải có đường truyền internet nhanh hơn, khuyến khích việc đơn giản hóa các thủ tục thành lập doanh nghiệp, cũng như thủ tục giải quyết tranh chấp trong doanh nghiệp. Chúng ta phải đẩy mạnh bảo hộ sở hữu trí tuệ và tăng cường chuyển giao kết quả nghiên cứu từ trường học, viện nghiên cứu đến doanh nghiệp và thị trường.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng: để thúc đẩy tinh thần sáng tạo và phong trào khởi nghiệp, Việt Nam sẵn sàng học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước, với mục đích kết nối các nguồn lực hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và ươm mầm khởi nghiệp, giao lưu để bắt kịp xu hướng công nghệ hiện đại trên thế giới.