Tôi không phủ nhận các hiệu ứng tích cực của bài giảng PowerPoint, bài giảng đa phương tiện, bài giảng trực tuyến…, nhưng theo tôi, giáo dục đại học Việt Nam đang cần đến chất lượng chuyên môn và sư phạm của giảng viên hơn rất nhiều so với sự cần kíp của thay đổi cách thức dạy học mà chúng ta luôn kì vọng và ảo tưởng về nó.
Lấp ló màu sắc showbiz
Không phải đến thời điểm này, khi tất cả các cấp học phải tạm ngừng hoạt động để phòng, tránh dịch Covid-19, người ta mới “rộ” lên việc cần thiết phải tổ chức dạy học online. Trước đây, ở nhiều trường và nhiều ngành nghề, nhất là ngoại ngữ và kinh doanh, việc dạy học online đã khá phổ biến.
Dạy học online là hình thức giáo dục gắn với nền tảng khoa học công nghệ, truyền thông số. Tính chất thuận tiện, “mọi nơi mọi lúc”, cho phép người học chủ động tham gia, được tự do “kích hoạt” một khối tri thức nào đó mà bản thân có nhu cầu khiến dạy học online chiếm được thị phần lẫn thiện cảm không nhỏ. Tuy nhiên, trong đợt khủng hoảng vì dịch Covid-19 vừa qua, ở cấp đại học, kể cả những trường lớn, diễn biến chung vẫn là trao đổi, tương tác giữa các nhóm nhỏ giảng viên, sinh viên theo định hướng nội dung bài học và chờ đợi quay lại dạy học trên lớp. Không phải giảng viên ngần ngại dạy học online mà bản thân nhiều người, trong đó có tôi, nhận thấy giáo dục đại học cũng không nên quá hấp tấp khuếch trương các thế mạnh của dạy học online.
Chia sẻ tài nguyên học tập được coi là tiện ích mà người học, người dạy trong môi trường internet cảm thấy giá trị. Một bài giảng của giáo viên có thể được một cộng đồng lớn tiếp nhận thay vì chỉ vài chục học sinh như lớp học truyền thống. Một phản hồi từ người học cũng dễ nhận được sự chú ý, trao đổi hơn so với không khí “im lặng như tờ” rất phổ biến trong các giờ học trên bục giảng lâu nay. Nhưng, dù có tạo ra được mức độ tương tác cao thì quá trình chia sẻ tài nguyên học tập vẫn dễ bị rơi vào trạng thái được chăng hay chớ, người lên sóng chỉ sản xuất những bài giảng theo tinh thần cung cấp sản phẩm tối đa hóa lượng người sử dụng hơn là cân nhắc điều chỉnh nội dung phù hợp với từng người học cụ thể.
Đối với các cấp học phổ thông, khi người học về cơ bản vẫn phụ thuộc khá lớn vào tài liệu và cách truyền dạy của giáo viên thì dạy học trực tuyến diễn ra có vẻ êm thấm, năng suất hơn. Thậm chí, nhiều giáo viên phổ thông sản xuất cả ngàn bài giảng tài nguyên số dưới dạng các video, trở thành những địa chỉ truy cập “triệu view”. Nhưng ở bậc đại học, khi người học chỉ sử dụng bài giảng, tài nguyên học tập như một kênh tham khảo, một dữ liệu bổ trợ cho quá trình tự học, tự khai thác và tìm hiểu kiến thức thì không thể coi sự êm thấm, chăm chú theo dõi lắng nghe là điều lí tưởng. Nói cách khác, điều mà giảng viên đại học chờ đợi không phải là bài giảng của mình được bao nhiêu chia sẻ, tiếp nhận mà sẽ có những đối thoại, phản biện, thắc mắc chuyên môn nào từ phía người học.
Khi cung cấp tài nguyên học tập, giảng viên đại học cũng chờ đợi những kiểm định từ phía đồng nghiệp, nhà trường hay cộng đồng học thuật của mình. Điều này có nghĩa là bài giảng cấp đại học cần nhắm đến mục đích khoa học hơn là mục tiêu phổ cập hóa, dẫn đến thương mại hóa sản phẩm giảng dạy. Khái niệm bài giảng “triệu view” như các khóa học kinh doanh được thực hiện bởi những chuyên gia, có lẽ đã khiến khá nhiều người hiểu rằng giảng viên đại học không biết “kiếm ăn” từ dạy học trực tuyến là lạc hậu, thiếu thực tế. Tôi đã từng theo dõi hàng chục bài giảng của một chuyên gia tài chính ngân hàng rất “hot” và nhận thấy chúng lôi kéo được số đông một phần vì khả năng “tấu hài” ở người dạy. Dạy học trực tuyến đúng là không có chỗ cho giải trí nhưng khi người học cũng là một dạng khách hàng thì người dạy thường pha thêm mầu sắc showbiz để dễ bề thu hút.
Chưa đắc sách với nhiều ngành học
Dạy học online dĩ nhiên vẫn cho phép người dạy, người học tương tác trực tiếp. Ngoài chia sẻ tài nguyên học cố định, nhiều giáo viên hiện nay thường xuyên áp dụng hình thức live streaming (giảng dạy thực trực tuyến), tạo bối cảnh trao đổi, hỏi đáp nhanh chóng, cung cấp cho người học những cảm hứng, trải nghiệm học tập sinh động hơn.
Đối với việc học ngoại ngữ, kĩ năng thì mức độ tương tác này khá phù hợp vì nội dung kiến thức sẽ lần lượt đi theo trình tự, từng bước. Nhưng đối với nhiều môn học, ngành học phức tạp thì live streaming chưa thể đắc sách để đáp ứng yêu cầu của dạy học và rộng ra là của giáo dục hiện đại. Bởi hỏi đáp, thắc mắc và trả lời chủ yếu dừng lại ở cách thức, phương pháp dạy học. Trong khi quá trình giáo dục đòi hỏi những tố chất, kĩ năng sư phạm được bộc lộ, thể hiện một cách đa dạng, sâu rộng hơn. Người giáo viên đứng lớp sẽ được và tự trở thành nhà sư phạm khi có đầy đủ các dữ liệu về người học, một đối tượng luôn khác biệt hơn khi họ không ngồi trước màn hình mà ngồi trong lớp học. Trao đổi, giải đáp kiến thức chỉ là một trong nhiều mục tiêu của nhà giáo và suy cho cùng, chưa phải là mục tiêu tối hậu. Đối với giảng đường đại học, mục tiêu còn được cộng dài ở những điều mà giảng viên thường bận tâm như khả năng tư duy độc lập, trách nhiệm công dân, ý chí sáng tạo, tiềm năng vượt qua chính giảng viên của người học…
Ở khía cạnh khác, những hạn chế của giảng viên cũng nhanh bộc lộ trên lớp hơn so với trên không gian số vốn được che đậy bởi kĩ thuật. Theo cảm nhận của tôi, giáo dục đại học Việt Nam đang cần đến chất lượng chuyên môn và sư phạm của giảng viên hơn rất nhiều so với sự cần kíp của thay đổi phương pháp dạy học mà chúng ta luôn kì vọng và ảo tưởng về nó.
Mươi năm trước, chúng ta từng hô hào, khuyến khích việc soạn giảng bài dưới hình thức trình chiếu slides PowerPoint. Nhưng khi tâm huyết giáo viên dồn hết vào mấy hình ảnh “bay nhảy” thì chúng ta mới “ngớ người” vì mức độ lạm dụng của thứ cẩm nang tin học văn phòng ấy đã khiến học sinh phân tâm hơn là tập trung theo dõi. Một bài giảng PowerPoint dễ biến thành chiếc nồi Thạch Sanh dùng mãi không hết và giáo viên cảm thấy nhàn hạ hơn rất nhiều so với cầm phấn viết bảng. Sau khi cơn sốt soạn bài PowerPoint hạ xuống, chúng ta lại đầu tư vào bài giảng đa phương tiện (hình ảnh, âm thanh, đồ họa, video,…). Tôi không phủ nhận các hiệu ứng tích cực của chúng nhưng tôi cũng đủ cơ sở để tin rằng các bài giảng kiểu “nguyên thủy” trò vấn thầy thuyết, ở đại học Việt Nam và trên thế giới, vẫn đủ sức hấp dẫn kinh người. Vấn đề mấu chốt luôn nằm trong chủ thể tham gia dạy và học chứ không nằm ở phương tiện, cách thức.
Nói chung, trong điều kiện truyền thông công nghệ số hiện nay, ngay cả khi không tham gia dạy học online, giáo viên và học sinh, sinh viên có thể tương tác hàng ngày hàng giờ qua nhiều phương tiện truyền thông, giao tiếp thông minh. Ở đó, giáo viên vẫn có cơ hội dạy, tư vấn, giải đáp cho học sinh, sinh viên khi cần thiết. Sự kết nối truyền thông số một cách rộng rãi cho phép giáo viên chia sẻ vai trò trí thức của mình ở nhiều góc độ chứ không nhất thiết chỉ ở góc độ người dạy online.