Hoạch định chính sách cần bằng chứng tốt hơn mà các thử nghiệm nhanh có thể giúp ích.

Thử nghiệm chính sách
Cuối năm 2019, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNDP) đã ký Biên bản thỏa thuận với Thành phố Đà Nẵng giúp phát triển mô hình City/Innovation Lab – một không gian sáng tạo để thử nghiệm các phương thức mới nhằm giải quyết các vấn đề phát triển của thành phố hoặc chính quyền. Với phương châm đặt người dân làm trọng tâm, đây là nơi có thể kêu gọi sáng kiến từ cộng đồng, thử nghiệm các sáng kiến đó trước khi đưa vào ứng dụng thực tế, nhằm gia tăng khả năng thích ứng của thành phố trong quá trình phát triển. Rác thải là dự án dịch vụ công đầu tiên được thực hiện – dưới sự dẫn dắt của Phòng Thí nghiệm Tăng tốc UNDP (UNDP Accelerator Lab Vietnam, gọi tắt AccLab) và đối tác là Sở Tài nguyên và Môi Trường (TN&MT) thành phố Đà Nẵng.

Điểm nghẽn của dòng chảy rác thải

Mỗi ngày Đà Nẵng tạo ra hơn 1.000 tấn rác, nhưng phương pháp xử lý chính vẫn chỉ là chôn lấp. Bãi rác duy nhất tại đây liên tục bị quá tải, thậm chí có nguy cơ đóng cửa nếu không sớm can thiệp. Chính quyền thành phố cũng nhận ra cần thay đổi cách làm này.

Trong vòng 15 năm qua, ở Đà Nẵng không thiếu những sáng kiến giải quyết việc phân loại rác. Mặc dù thành công khi phân loại ở cấp độ gia đình, các chương trình đều có hạn chế là chưa thể giải quyết được điều gì sẽ xảy ra sau khi thu gom. Vì thành phố chưa có chuỗi cung ứng đầy đủ để chứa và vận chuyển riêng biệt các loại chất thải khác nhau, hầu hết các loại rác khác nhau đều đi chung một xe về bãi chôn lấp. Người dân Đà Nẵng được nhóm khảo sát phản ánh rằng họ “không cảm thấy có động lực để phân loại”.

Bản đồ dòng chảy rác thải ở Đà Nẵng | Nguồn: UNDP Việt Nam
Bản đồ dòng chảy rác thải ở Đà Nẵng | Ảnh: AccLAB/ UNDP

Câu chuyện tương tự cũng đang xảy ra ở phần lớn đô thị như Hà Nội, Hồ Chí Minh. Dưới góc nhìn hệ thống, đây là hậu quả không lường trước được của chính sách can thiệp cục bộ. Điều này có thể khiến các biện pháp can thiệp khác sau này trở nên khó khăn hơn bởi niềm tin của công dân từng bị lung lay.

Đứng trước bài toán này, nhóm AccLab lập tức bắt tay vào thực hiện với thử thách phải hoàn thành trong thời gian ngắn nhất có thể. Mặc dù tuổi đời chưa đến 1 năm, AccLab được xem là mũi nhọn đổi mới sáng tạo của UNDP, chuyên tò mò khám phá những vấn đề "khó nhằn" đòi hỏi tính phản biện cao. Quan điểm của AccLab là thử nghiệm tinh gọn, ra kết quả nhanh chóng, phương án có thể đúng hoặc sai, nhưng tạo được cơ sở thực tiễn để từ đó lựa chọn giải pháp thích hợp.

Trong dự án với Đà Nẵng, chị Phan Hoàng Lan, anh Nguyễn Tuấn Lương và chị Bùi Hòa Bình, cán bộ đổi mới sáng tạo của AccLab chia sẻ: “Mong muốn của chúng tôi là cùng chính quyền tạo ra giải pháp bền vững, gắn kết được nhiều cộng đồng địa phương nhằm đạt được tác động lan tỏa trên cả hệ thống.”

Thử nghiệm tinh gọn trước khi ra chính sách công

Sau khi thấy phần lớn dữ liệu nghiên cứu khoa học trước đây về chất thải ở thành phố mới là những ước tính sơ bộ và còn nhiều ẩn số, AccLab nhận thấy cần phỏng vấn người dân địa phương và làm các khảo sát của riêng mình để có cái hiểu sát thực nhất. Họ thu thập nhiều thông tin theo ngữ cảnh về niềm tin, thái độ, các yếu tố văn hóa đang củng cố mô hình và vấn đề hiện tại để từ đó xác định điểm nghẽn trong hệ thống rác thải của Đà Nẵng.

Thật thú vị khi quá trình này mở ra nhiều cơ hội để hiểu rõ các nhà quản lý công. Chẳng hạn với phân loại rác, khi đề xuất ý tưởng làm thử nghiệm xem mô hình phân loại rác nào phù hợp với cư dân nơi đây, nhóm AccLab nhận được những câu hỏi như : ‘Tại sao phải tốn công nghiên cứu một vấn đề quá hiển nhiên như vậy? Rõ ràng mọi người không phân loại rác vì họ thiếu thùng rác tái chế, chỉ cần cho người dân thùng rác mới là vấn đề được giải quyết’. Có thể nói đằng sau thái độ này là tư duy cho rằng đây là vấn đề đơn giản và chỉ cần đi thẳng vào giải pháp là xong.


Thử nghiệm phân loại rác tại Đà Nẵng với thùng rác truyền thống (màu xanh) và thùng rác tái chế thông thường (màu vàng) | Ảnh: AccLAB/ UNDP
Thử nghiệm phân loại rác tại Đà Nẵng với thùng rác truyền thống (màu xanh) và thùng rác tái chế thông thường (màu vàng) | Ảnh: AccLAB/ UNDP

Từ khía cạnh khoa học hệ thống mà nói, việc đi ngay đến kết luận và áp dụng giải pháp trước khi cân nhắc kỹ các giả định (điều mình cho là đúng) rất dễ gây đến các hậu quả phụ không mong muốn và nhiều khi phản tác dụng. Nếu muốn xây dựng các giải pháp bền vững, nhà nghiên cứu cần kiểm chứng suy nghĩ ban đầu và đưa ra căn cứ thuyết phục giúp chính quyền xác định được mô hình phân loại rác phù hợp với đặc thù từng địa bàn.

Vì vậy nhóm AccLab đã làm thí nghiệm tinh gọn đầu tiên - đặt một thùng rác tái chế (màu vàng) cạnh thùng rác thông thường (màu xanh) tại 2 khu dân cư để kiểm chứng điều nhiều người cho là hiển nhiên trên. Thử nghiệm này đã kéo dài trong hai đợt, mỗi đợt 10 ngày; có cử người quan sát, cân đong, ghi chép số liệu chất thải thu được và ghi lại những tương tác của người dân với từng thùng rác. Nhóm muốn xác minh 2 giả định:
  • (i) Nếu cho người dân thùng rác tái chế, họ sẽ bắt đầu phân loại, và
  • (ii) Nếu người dân vẫn không phân loại, hãy chỉ cho họ cách làm đúng (vd dùng áp phích, băng rôn,…), họ sẽ phân loại tốt hơn.
Vậy kết quả ra sao? Nhóm quan sát thấy trong 20 ngày, người dân không thực sự sử dụng thùng tái chế! Họ lờ chúng đi hoặc dùng lẫn lộn như thùng rác thông thường. Thậm chí có người còn phàn nàn vì thùng rác tái chế khiến họ thấy phiền phức. Cách giải quyết tưởng chừng như hiển nhiên lại khó đạt được hiệu quả như mong muốn.

Nếu không có tinh thần thử sai, chắc hẳn mọi người sẽ nghĩ đây là kết quả bi quan. Nhưng ngược lại, AccLab nhận thấy thí nghiệm này là bằng chứng tích cực giúp chính quyền tiết kiệm được hàng tỷ đồng ngân sách có thể sẽ bị lãng phí nếu cứ đầu tư cho những cơ sở hạ tầng không được sử dụng đúng mục đích.

Sau khi thí nghiệm điều ‘hiển nhiên’, AccLab bước sang thí nghiệm điều ‘chưa biết’. Từ quá trình quan sát người dân đổ rác, họ nhận ra thùng rác hiện tại có nắp đậy quá dễ mở và không có cơ chế nào ngăn các loại rác không mong muốn. Một khi đã có người vứt sai rác, những người khác cứ tiếp tục theo như vậy. Thùng rác trở nên bẩn thỉu và chẳng ai muốn vứt rác sạch có thể tái chế vào đó. Nói một cách đơn giản, mô hình phân loại hiện tại khiến việc thực hiện những hành vi vứt rác sai quá dễ dàng và khiến người ta ít có động lực để phân loại đúng.

Nhằm giải quyết vấn đề này, trong giai đoạn 3 của thí nghiệm, AccLab thay thùng rác tái chế thông thường (màu vàng) bằng thùng rác lưới dễ nhìn thấy bên trong và có thiết kế bắt mắt . Thiết kế này thực chất là sáng kiến có sẵn do hội phụ nữ Đà Nẵng từng thí điểm. AccLab lặp lại quá trình thử nghiệm để kiểm tra hai giả thuyết khác:
  • (iii) Nếu thùng rác lưới có lỗ nhỏ vừa cho rác tái chế nhưng không để lọt túi rác thông thường thì mọi người sẽ ít đổ rác sai hơn, và
  • (iv) Nếu thiết kế mới khiến mọi người nhìn thấy rõ chất thải được bỏ vào bên trong, mọi người sẽ ít đổ rác sai hơn (vì thấy xấu hổ khi người khác nhìn thấy rác họ vứt sai); và sẽ tăng cường hành vi phân loại đúng (vì có động lực khi nhìn thấy những người khác đã làm như vậy từ trước).
Kết quả lần này vượt ngoài mong đợi. Lượng chất thải đổ sai ở thí nghiệm ban đầu (từ 42 - 57kg) đã giảm xuống gần như bằng 0. Số lượng người sử dụng thùng rác tái chế dạng lưới tăng hơn 5 lần (*). Hơn 90% người dân được khảo sát cho biết họ đồng ý chính quyền áp dụng mô hình này trên quy mô toàn thành phố. Những người ve chai (thu gom giấy, phế liệu, vỏ chai…) không cần lục đồ trong thùng chứa rác hỗn hợp, mà có thể mua lại từ những tập rác đã phân loại. Quan trọng nhất, chính quyền có thêm lựa chọn khả thi để đầu tư cơ sở hạ tầng.

 Thử nghiệm phân loại rác tại Đà Nẵng với thùng rác truyền thống (màu xanh) và thùng rác tái chế dạng lưới | Ảnh: AccLAB/ UNDP
Thử nghiệm phân loại rác tại Đà Nẵng với thùng rác truyền thống (màu xanh) và thùng rác tái chế dạng lưới | Ảnh: AccLAB/ UNDP

Trong quá trình quan sát người dân tương tác với các thùng rác, nhóm AccLab nhận thấy một điều thú vị. Thử nghiệm diễn ra ở 2 khu chung cư, nhưng ở 1 bên khu dân cư thì có kết quả cao hơn hẳn, vì tổ trưởng dân phố luôn tích cực làm gương và quét dọn mỗi sáng. Trong khi bên còn lại, một vài chủ hộ nghiện rượu và đánh bạc hiếm khi đổ rác đúng chỗ khiến những hộ xung quanh có xu hướng bắt chước theo. Như vậy, người đứng đầu cộng đồng và hành vi của hàng xóm đều có thể đóng vai trò ảnh hưởng lớn tới hành vi của người dân, và cần được cân nhắc khi thiết kế chính sách.

Thực sự, những sáng kiến thay đổi hành vi liên quan rất nhiều đến việc hiểu biết rõ văn hóa, tập quán, tâm lý, thói quen hoặc tình trạng kinh tế của người mình muốn tác động đến. Mặc dù chính quyền có thể dùng quyền lực của mình để thúc ép việc thay đổi – ví dụ: ban hành lệnh cấm, tăng chế tài phạt, thậm chí cưỡng chế không thu gom rác trong trường hợp vi phạm… - nhưng các phương pháp tiếp cận mang tính mềm dẻo, tinh tế và tự tạo động cơ cũng tỏ ra hữu hiệu.

Tính đến những người bị ‘bỏ quên’

Một điều đáng lưu ý khác là khi thiết kế chính sách môi trường, chính quyền thường không tính đến một vài nhân tố xã hội thuộc khu vực phi chính thức – chẳng hạn những người ve chai. Nếu mô hình phân loại rác dân cư thành công thì những người thu gom này bị ảnh hưởng ra sao? Làm thế nào để bù đắp cho họ? Trong trường hợp không đưa ra được lựa chọn thay thế hợp lý, những người này sẽ dịch chuyển đi đâu và gây tác động gì? Theo UNDP, một chính sách tốt luôn phải xem xét sự tác động đến tất cả các bên liên quan để có được kết quả bao trùm và bền vững, nếu không vấn đề mới sẽ nảy sinh trên nền giải pháp đã thực hiện.

Thông qua MIT Sense­able Cities Lab, nhóm thử nghiệm tại Việt Nam biết được thành phố São Paulo (Brazil) đã từng làm thử nghiệm tinh gọn sử dụng GPS để theo dõi đường đi phân loại rác của những người ve chai.Họ nhận ra rằng những người ve chai đã phụ trách gần 90% thị phần thu gom rác tái chế. Sau khi bàn bạc, chính quyền quyết định trả tiền cho những người ve chai làm nốt 10% còn lại thông qua các hợp đồng mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR**); đồng thời cung cấp công cụ, đồ bảo hộ lao động và cho phép họ được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, khám sức khỏe định kỳ, tập huấn vệ sinh an toàn lao động... Kết quả, rác được thu gom đến nơi cần đến và những người ve chai tham gia có thu nhập lên đến 500 USD/tháng. Từ năm 2015, các hợp đồng EPR trở thành yêu cầu môi trường bắt buộc tại São Paulo.

Chính sách xử lý rác thải cần bao trùm cả những người ở khu vực không chính thức | Ảnh: CFB
Chính sách xử lý rác thải cần bao trùm cả những người ở khu vực không chính thức | Ảnh: CFB

Ở Việt Nam, những người thu gom không chính thức cũng đóng vai trò quan trọng tương tự. Đây sẽ không chỉ là vấn đề môi trường mà còn liên quan đến lao động, dân sinh và xã hội. Do vậy, khi làm chính sách, chính quyền cần dự báo trước đến các hậu quả và những điều phát sinh trước khi nhân rộng các giải pháp có ảnh hướng đến nhiều người. Để làm được điều này, Đà Nẵng cần sớm bắt tay vào nghiên cứu và thử nghiệm để có số liệu thực chứng trước khi đi vào thảo luận hoạch định chính sách.

Giá trị của các yếu tố vô hình

Nhìn chung, những người làm chính sách ở bất kỳ nơi nào trên thế giới thường phải hoạt động dưới áp lực lớn, phản ứng tự nhiên của họ là tìm kiếm các giải pháp nhanh chóng cho phần nổi của vấn đề. Nhiều chính sách cho một loạt vấn đề phức tạp - từ ô nhiễm nhựa đến bất bình đẳng - đều chỉ tập chung vào những vấn đề hữu hình như đầu tư vào cơ sở hạ tầng hoặc máy móc công nghệ, trong khi mấu chốt vấn đề lại thường nằm ở các điều vô hình như tư duy, thói quen, chuẩn mực xã hội hoặc mô hình tăng trưởng không bền vững.

Những thử nghiệm tại Đà Nẵng hướng đến các giá trị rất khác biệt so với quy trình hiện hành trong thiết kế và quản lý chính sách công. Việc nghiên cứu, thực hiện các thử nghiệm nhanh sẽ giúp hiểu được hành vi của người dân, loại bỏ các giải pháp “bề nổi” tưởng chừng như hiển nhiên, xác định những giải pháp có tiềm năng và điều chỉnh dần trước khi ứng dụng trên quy mô rộng lớn. AccLab cho biết chi phí thử nghiệm tinh gọn "không quá lớn" so với quy mô chương trình phân loại rác của Đà Nẵng (224 tỷ đồng) và có tiềm năng giúp khoản đầu tư của thành phố hiệu quả hơn. Đây là mô hình đáng học hỏi cho nhiều quá trình ra quyết định ở các cấp.

Mặc dù dự án chỉ thực hiện ở quy mô nhỏ, nhưng qua đây nhóm cũng đã chứng minh được giá trị của mô hình thử nghiệm tinh gọn. Với sự hợp tác cởi mở của Sở TN&MT Đà Nẵng, nhóm AccLab đã giúp xây dựng một mô hình phân loại rác hiệu quả và thân thiện với người dân. Việc thử nghiệm nhỏ trước rồi nhân rộng sau sẽ giúp việc thiết kế chính sách bám sát thực tế và linh động hơn. Thử nghiệm tinh gọn cũng khác biệt so với cách thức thí điểm truyền thống khá tốn kém và có khi lên đến hàng năm trời. Cách tiếp cận này cũng cho thấy quá trình triển khai thực hiện chính sách công cần linh động, mềm dẻo để đưa ra các điều chỉnh, thay đổi phù hợp khi cần thiết.

Không chỉ dừng lại ở vấn đề rác thải, trong năm 2020, AccLab sẽ còn hợp tác với Đà Nẵng để thử nghiệm nhiều chủ đề thú vị khác. “Chúng tôi sự thay đổi bền vững cần đến từ việc hiểu sâu vấn đề và đi kèm với các hành động được kiểm chứng trên thực tế, lấy người dân là trung tâm, và tiếp cận một cách có hệ thống. Qua việc tích tiểu thành đại, từng câu chuyện thành công nhỏ là từng bước gần hơn tới xây dựng một quy trình chính sách hiệu quả, bám sát thực tế hơn” – các đại diện AccLab chia sẻ. Họ mong một ngày nào đó, các địa phương và cơ quan quản lý nhà nước sẽ thấy được giá trị của cách tiếp cận này, đồng thời xây dựng được các phòng thử nghiệm chính sách của riêng mình tương tự như cách mà AccLab của UNDP đang làm./.

__________________________
Ghi chú:
(*) https://www.vn.undp.org/content/vietnam/en/home/blog/Experimentation-part2.html

(EPR**) - Extended Producer Responsibility - Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, tức yêu cầu các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm thu gom, xử lý sản phẩm sau khi thải bỏ.

Tìm hiểu thêm cách thức sử dụng thử nghiệm trong xây dựng chính sách của AccLab liên hệ: phan.hoang.lan@undp.org, bui.hoa.binh@undp.org và nguyen.tuan.luong@undp.org