Mặc dù không thể xóa sổ virus ngay lập tức nhưng các biện pháp ngăn chặn có thể làm chậm quá trình lây nhiễm trong cộng đồng, tránh làm quá tải hệ thống y tế.

Đường kẻ đứt chạy ngang biểu đồ biểu thị khả năng hữu hạn của hệ thống y tế. Nếu số người nhiễm bệnh vượt lên trên dòng đó, hệ thống y tế và các bệnh viện khó có thể điều trị cho cả bệnh nhân Covid-19 và những người bị bệnh khác.

Điều này dẫn đến việc phải "làm phẳng đường cong" hay nói cách khác, làm chậm tốc độ lây nhiễm, để giữ cho số người nhiễm bệnh ở một thời điểm nằm trong khả năng đáp ứng của hệ thống y tế. Theo đó người bệnh sẽ được chăm sóc tốt hơn và khả năng khỏi bệnh cao hơn.

Điều phối viên chăm sóc đặc biệt trong đơn vị phản ứng khủng hoảng cho khu vực phía bắc Lombardy, Ý, Antonio Pesenti, nói với CNN rằng hệ thống chăm sóc sức khỏe của Lombardy đang "trên bờ vực sụp đổ", mặc dù đã nỗ lực giải phóng giường bệnh. "Chúng tôi buộc phải thiết lập điều trị chăm sóc đặc biệt ở các hành lang", Pesenti nói.

"Ngay cả những bệnh viện tốt nhất ở New York hoặc Singapore đến một thời điểm sẽ bị quá tải và sau đó người bệnh sẽ thở máy ở hành lang", theo Dale Fisher, Chủ tịch Mạng lưới Phản ứng và Cảnh báo Bùng phát Toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới, bác sĩ về bệnh truyền nhiễm, giáo sư y khoa tại Đại học Quốc gia Singapore.

TPHCM có 900 giường bệnh để cách ly, điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19. Nếu mỗi phường xã có 3 người nhiễm bệnh thì đã có khoảng 1.000 người phải cách ly điều trị. "Con số này thật sự quá tải đối với thành phố. Chưa kể mỗi ca lây nhiễm cần khoảng 20 ngày điều trị, mỗi ngày cần 12 bác sĩ và điều dưỡng cho một người bệnh. Vậy với 1.000 ca bệnh thì không tìm đâu ra 12.000 bác sĩ, y tá để điều trị. Đây là giới hạn đỏ, vượt qua là vỡ trận ngay", Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nói trong một cuộc họp.

“Thành tích chữa thành công cho một, hai người không thể áp dụng nếu có 1.000 người được đâu", Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đồng tình.

Tránh những đợt tăng đột biến có thể làm giảm tổng số ca tử vong do virus corona, Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ, cho biết.

Biểu đồ cũng chỉ ra những gì các chuyên gia y tế công cộng đã cảnh báo từ lâu: hệ thống y tế vốn đã bị áp lực, chưa tính đến trường hợp dịch bệnh nghiêm trọng.

"Rất nhiều bệnh viện đã hoạt động hết công suất và chúng tôi vẫn đang chẩn đoán rất nhiều trường hợp cúm, vì vậy việc làm phẳng đường cong giúp các bệnh viện và các chuyên gia y tế công cộng có thời gian lên kế hoạch và chuẩn bị," Dionne-Odom, giáo sư y khoa thuộc bộ phận truyền nhiễm tại Đại học Alabama ở Birmingham, cho biết.

Nguồn:

https://www.nytimes.com/2020/03/11/science/coronavirus-curve-mitigation-infection.html
https://www.nbcnews.com/science/science-news/what-flatten-curve-chart-shows-how-critical-it-everyone-fight-n1155636
https://edition.cnn.com/2020/03/09/europe/coronavirus-italy-lockdown-intl/index.html