Sự tồn tại một cách èo uột của các khu bảo tồn biển ở Việt Nam cho thấy, cần một mô hình hiệu quả để nó thực sự trở thành giải pháp bền vững để phát triển kinh tế biển và bảo vệ môi trường biển.
Quản lý biển qua các khu bảo tồn biển
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, trữ lượng nguồn lợi thủy sản của Việt Nam đang trên đà suy giảm: từ 5,07 triệu tấn (2011-2015) xuống còn 4,36 triệu tấn (2016-2019). Những biện pháp như kiểm soát đầu vào thông qua hạn chế cường lực đánh bắt và kiểm soát số lượng tàu thuyền; kiểm soát đầu ra thông qua sản lượng đánh bắt trên đơn vị cường lực khai thác hoặc tổng sản lượng được phép đánh bắt; kiểm soát kỹ thuật khai thác thông qua hạn chế ngư cụ và các vùng/ngư trường đánh bắt,... “là cách quản lý truyền thống, lâu giờ các địa phương vẫn làm”, ông Huỳnh Quang Huy, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận cho biết tại hội thảo “Bàn giải pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản theo Luật Thủy sản năm 2017” do Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, tổ chức ngày 19/12/2019.
Tuy nhiên, để phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững, chỉ hạn chế đánh bắt là chưa đủ. Nếu không kịp thời bổ sung các biện pháp bảo tồn môi trường và tái tạo nguồn giống bổ sung, nguồn lợi thủy sản Việt Nam sẽ cạn kiệt đến ngưỡng “không thể hồi phục”, như đánh giá của PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ TN&MT).
Những lợi ích đó cũng được các cơ quan quản lý nhận thấy rõ, dẫn đến Quyết định số 742/QĐ TTG năm 2010 nhằm quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển đến năm 2020 và đặt mục tiêu: trong giai đoạn 2010-2015, Việt Nam phải quy hoạch và đưa vào hoạt động 16 khu bảo tồn biển từ những vùng biển ven bờ để thành lập hệ thống khu bảo tồn biển với chức năng bảo vệ và duy trì tính đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản. Là một nhà quản lý cấp địa phương, ông Huỳnh Quang Huy nhận rõ vai trò của các khu bảo tồn biển như vậy: “Khu bảo tồn là mô hình quản lý mới, có hiệu quả bảo tồn rất cao. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc đánh giá rằng phương pháp này giúp tiết kiệm chi phí bảo tồn 100 lần so với truyền thống nhưng hiệu quả lại tăng 100 lần”.
Ở góc độ của một nhà quản lý và từng làm nghiên cứu về biển, PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi: “Hệ thống các khu bảo tồn biển theo quy hoạch phân bố đại diện cho toàn vùng biển và nếu được quản lý tốt sẽ tạo ra sự cân bằng sinh thái trong toàn vùng biển: sau 3 năm quản lý tốt sẽ tạo ra hiệu ứng phục hồi và sau 5 năm sẽ xuất hiện ‘hiệu ứng tràn’ (spillover effect) phát tán nguồn giống và dinh dưỡng ra khu vực biển bên ngoài”. Ông dẫn chứng bài học thành công của những quốc gia biển lân cận, “bài học thực tế của Philippines cho thấy có loài phát tán ra xa khu bảo tồn biển đến 500 km, thậm chí 1000 km”.
Thiếu nguồn lực hoạt động
Tuy nhiên có một điều đáng buồn với các khu bảo tồn biển Việt Nam là mặc dù kế hoạch thành lập khu bảo tồn biển được đặt ra với nhiều kỳ vọng song đến nay, “lẽo đẽo gần 10 năm chỉ có 11/16 khu bảo tồn được quy hoạch, chưa nói đến hiệu quả quản lý”, PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi nhận xét về hiệu quả thực hiện.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến các mô hình này thiếu hiệu quả? Vấn đề lớn nhất của các khu bảo tồn biển hiện nay là thiếu nguồn lực, bao gồm cả nhân lực và tài chính, theo quan điểm của ông Trần Lê Nguyên Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT). Hiện tại, một số nhiệm vụ chính của các ban quản lý khu bảo tồn biển là tổ chức nghiên cứu, bảo tồn và phát triển các loài động vật, thực vật thủy sinh, hệ sinh thái biển trong khu bảo tồn biển; cứu hộ các loài thủy sản; quan trắc, thu thập thông tin, cập nhật cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học; kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật trong khu bảo tồn biển... đều yêu cầu đầu tư kinh phí và nguồn nhân lực có chuyên môn. Quan sát những gì diễn ra trong quá trình vận hành các khu bảo tồn biển này, ông nói: “Các khu bảo tồn biển vô cùng gặp khó khăn về biên chế. Hiện nay chỉ có khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm có 47 người, nhiều nhất về nhân lực trên cả nước, các khu bảo tồn khác chỉ có từ 7 đến 10 người. Nhiệm vụ nhiều nhưng nhân lực không có nên rất khó để ban quản lý thực hiện”.
Bên cạnh đó, ngân sách cũng là rào cản lớn với các khu bảo tồn biển hiện nay, đơn cử “như khu bảo tồn biển Phú Quốc, Cồn Cỏ thì mỗi năm ngân sách rất hạn hẹp, chỉ được cấp có 700-800 triệu đồng, rõ ràng là không đủ để thực hiện các hoạt động liên quan đến bảo tồn”, ông Trần Lê Nguyên Hùng nhận xét và chỉ ra hậu quả của nó, “tình trạng thiếu tàu, thiếu trang thiết bị diễn ra phổ biến, có nhiều ban quản lý không có tàu để thực hiện việc quản lý khu bảo tồn. Chính vì vậy, hiệu quả quản lý rất thấp”.
Do đó, dù đã tồn tại những khu bảo tồn biển nhưng tình trạng đánh bắt cá bằng xung điện, xả rác thải gây ô nhiễm,... vẫn diễn ra thường xuyên mà các khu bảo tồn biển không có giải pháp nào ngăn chặn một cách hữu hiệu.
Giải pháp từ mô hình đồng quản lý
Vậy làm thế nào để tháo gỡ khó khăn cho các khu bảo tồn biển hiện nay? Trước tình hình này, thông qua nghiên cứu các mô hình bảo tồn trong thực tế, PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi cho rằng nên áp dụng đồng quản lý trong các khu bảo tồn biển, tương tự với đồng quản lý trong khu bảo tồn rừng đã được triển khai có hiệu quả ở Việt Nam.
Đặc trưng của mô hình đồng quản lý là nhà nước chia sẻ quyền hạn, trách nhiệm với tổ chức cộng đồng, cùng tham gia quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Cụ thể, nếu có nhu cầu, người dân có thể tự thành lập các tổ chức cộng đồng, sau đó nộp đơn đề nghị chính quyền giao quyền quản lý, đi kèm theo phương án bảo tồn và khai thác, tổ chức các hoạt động du lịch,... PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi cho biết mô hình này rất phổ biến trên thế giới, một trong những khu bảo tồn biển hàng đầu ở Mỹ là Fidalgo cũng áp dụng phương thức này. Họ cho tư nhân tham gia quản lý và khai thác, cả khu bảo tồn là một bảo tàng sinh thái tự nhiên, có chỗ du lịch nghề cá, tham quan giải trí,... nhờ việc ‘lấy mỡ nó rán nó’ nên họ thừa tiền nuôi ban quản lý.
Tuy nhiên, việc học hỏi mô hình đồng quản lý của quốc tế để áp dụng vào Việt Nam cần một quá trình dài, bởi mỗi quốc gia có đặc trưng khác nhau. Chẳng hạn ở Mỹ các CSO (citizen support organizations – tổ chức hỗ trợ công dân) rất phổ biến, đây là một loại hình tổ chức phi lợi nhuận thực hiện các hoạt động tình nguyện và các chương trình gây quỹ phục vụ công tác bảo tồn. Ngoài ra, CSO đóng vai trò “cầu nối” giữa các tổ chức cộng đồng với chính quyền, giúp người dân nhận thấy lợi ích khi thực hiện mô hình đồng quản lý.
Trong khi đó, ở Việt Nam, khái niệm “đồng quản lý” vẫn còn khá xa lạ với người dân, dẫn đến việc triển khai mô hình này thiếu hiệu quả. “Ở Việt Nam hiện nay chỉ có Bình Thuận và Thừa Thiên Huế áp dụng thành công mô hình đồng quản lý”, ông Huỳnh Quang Huy cho biết. “Nguyên nhân là các dự án thực hiện đồng quản lý ở các địa phương trước đây đều dựa vào nguồn tài trợ, người dân lại chưa hiểu rõ bản chất mô hình đồng quản lý nên khi chấm dứt các nguồn tài trợ thì họ không làm nữa”. Bởi vậy, trước tiên phải giúp người dân hiểu rõ lợi ích của đồng quản lý, từ đó chính quyền cùng bắt tay vào hỗ trợ thì mô hình đồng quản lý mới phát huy hiệu quả. Một trường hợp tiêu biểu là thành công của mô hình đồng quản lý ở xã Thuận Quý, xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. Nhận thấy nguồn lợi thủy sản suy giảm, tổ cộng đồng ngư dân xã Thuận Quý đã nộp đơn đề xuất chính quyền giao cho cộng đồng ngư dân thực hiện mô hình đồng quản lý với loài sò lông trên diện tích gần 20 km2. Với sự hỗ trợ của Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận, tổ cộng đồng ngư dân xã Thuận Quý đã thả hơn 100 tấn sò lông, tổ chức giám sát vùng biển, khảo sát định kỳ,... Sau 3 năm thực hiện, nguồn lợi thủy sản đã bắt đầu phục hồi, số lượng sò lông và nhiều loài thủy sản khác tăng cao. “Ngư dân tự hình thành nguồn quỹ để triển khai các giải pháp, ở Bình Thuận, mô hình đồng quản lý thành công nhất là của xã Thuận Quý”, ông Huỳnh Quang Huy nhận xét.