Cố vấn (Mentor) thường được ví như người bạn đồng hành, giúp doanh nghiệp khởi nghiệp có thể “sống sót” lâu hơn. Như nhiều ngành nghề khác, phải được thực hành, nhiều cố vấn mới lên tay.
Phú Thọ là tỉnh đầu mối về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tác động đến khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Năm 2019, Sở KN&CN tỉnh đã kết hợp cùng Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn đào tạo cho gần 20 người trở thành mentor (
người cố vấn khởi nghiệp) giúp đỡ các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như liên kết các hệ sinh thái địa phương trong vùng.
Kế hoạch ban đầu chỉ gồm 15 người, nhưng một số tổ chức đã đề nghị được tham gia vì thấy "hứng thú" với chương trình mới mẻ này. Những người tham gia được tuyển chọn từ nhiều tỉnh, bao gồm các doanh nhân, giảng viên đại học, cán bộ cơ quan nhà nước, đại diện hội doanh nghiệp, hội phụ nữ,…
Kể lại quá trình thay đổi, ông Lý Đình Quân, Tổng giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn, người trực tiếp đào tạo đội ngũ mentor, cho biết rào cản ban đầu nằm ở chỗ mọi người luôn suy nghĩ theo hướng “truyền thống”. Với họ, khởi nghiệp sẽ phải bắt đầu từ vốn hoặc quan hệ, chứ chưa hẳn là sử dụng hết những tài sản vô hình như con người, văn hóa, lịch sử hay lợi thế địa phương. Khởi nghiệp, theo cách nghĩ lâu nay, vẫn là một sinh kế, một cách kinh doanh để có lợi nhuận, thay vì là một cách giải quyết những vấn đề xã hội mà người ta đau đáu. Rất nhiều người hiện chưa phân biệt được sự khác nhau giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) với doanh nghiệp Startup – chính là thứ mà cả hệ sinh thái sinh ra để hỗ trợ.
Bằng nhiều nỗ lực đào tạo hệ thống tư duy đổi mới sáng tạo, kỹ năng và đi thực tế ở 3 tỉnh có hệ sinh thái phát triển hơn là Đà Nẵng, Huế và Quảng Nam, sau 9 tháng, các thành viên đã có sự thay đổi rõ rệt. Theo đánh giá, khoảng 30% đạt chất lượng tốt. Phần lớn những người được đào tạo là doanh nhân nên việc họ truyền tải, giúp đỡ tư vấn các doanh nghiệp khác khá thuận lợi.
Tuy nhiên, vấn đề đáng lo là hoạt động khởi nghiệp ở các địa phương trong vùng còn tương đối yếu, thiếu liên tục, thiếu hệ thống, dễ đứt kết nối, khiến “các mentor không có nhiều cơ hội thực hành”, ông Lý Đình Quân chia sẻ.
Cốt lõi của hệ sinh thái khởi nghiệp vẫn là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Mọi thành phần của hệ sinh thái – từ mentor, vườn ươm, tổ chức tăng tốc, quỹ đầu tư, ngành công nghiệp, trường đại học hay chính quyền – đều góp sức nuôi dưỡng startup phát triển thông qua việc tổ chức hoạt động của mình. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp 'khởi nghiệp' nói chung và startup nói riêng ở địa phương đều rất thiếu.
Theo kinh nghiệm của mình, ông Lý Đình Quân cho rằng để kích hoạt hệ sinh thái địa phương ở Việt Nam thường có 3 cách tiếp cận: từ lãnh đạo tỉnh ủng hộ và tạo điều kiện; từ cơ sở với những người tâm huyết xây nên; hoặc từ chủ trương trung ương, tài trợ quốc tế qui mô lớn. Sự kết hợp đồng thời cả 3 hướng sẽ khiến hệ sinh thái nhanh chóng có sức sống.
Năm 2016, Chính phủ đã có sáng kiến nhằm hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (
Đề án 844). Từ đó đến nay, không ít địa phương ban hành kế hoạch tương tự của riêng mình với hiệu quả khác nhau. Một phần động lực không nhỏ đến từ tốc độ thay đổi nhận thức và trách nhiệm của chính quyền.
Huế, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bến Tre, Quảng Nam… được cộng đồng khởi nghiệp ngợi ca bởi tại đây, người lãnh đạo đã chủ động “xắn tay vào cuộc”, dẫn đến hình thành một loạt hoạt động kết nối, tư vấn, cuộc thi hiệu quả hơn. Họ cũng truyền cảm hứng kéo đẩy những thành phần khác trong hệ sinh thái cùng dịch chuyển. Trong một bối cảnh đầy năng động như vậy, một hạt giống khởi nghiệp gieo xuống mới càng có nhiều khả năng phát triển.
“Khởi nghiệp có rất nhiều rào cản, do vậy cần tất cả mọi người phải sáng tạo, kiên nhẫn, hợp sức và liên kết lại với nhau”, ông Lý Đình Quân nói.