Có những giảng viên thích dạy trực tuyến hơn đứng lớp, nhưng cũng có những giảng viên cảm nhận việc dạy học trực tuyến còn gượng gạo, mang tính đối phó – anh NHT, giảng viên một trường đại học lớn ở Hà Nội, nói về việc dạy và học trực tuyến trong thời gian có dịch vừa qua.
Chưa bao giờ sinh viên bị thúc ép làm bài tập như thế này. Chưa bao giờ giảng viên đại học bị thúc ép thay đổi giáo án, biến giáo án thành kịch bản hoạt động thay vì hình thức bài giảng truyền thống như thế này.
Có những yếu tố thúc ép sinh viên học trực tuyến phải nhanh chóng vào guồng và chăm chỉ hơn học trên lớp. Trên lớp chậm làm bài một tuần vẫn có khả năng được châm chước, chứ với hệ thống chấm bài online của trường, ‘submit’ không đúng thời hạn, máy tự động cho điểm 0. Sinh viên vào buổi học thay vì điểm danh sẽ đăng ký ID và email, và ngồi 30 phút trở lên mới được tính điểm chuyên cần. Một số khoa ở trường tôi rất hài lòng về điểm chuyên cần của sinh viên trong đợt học trực tuyến vừa qua. Có những giảng viên thích dạy trực tuyến hơn đứng lớp.
Một ưu điểm nữa của việc học trực tuyến là có những sinh viên rụt rè, ít phát biểu trên lớp, nhưng khi chat qua mạng với giảng viên lại bất ngờ đặt được những câu hỏi hay. Như vậy, học trực tuyến mở ra thêm cơ hội/lựa chọn về cách thức sinh viên tương tác với giảng viên.
Tuy nhiên, việc dạy và học trực tuyến không diễn ra thuận chèo mát mái ở tất cả các chuyên ngành. Trực tuyến chỉ phát huy hiệu quả đối với những bộ môn thiên về thực hành kỹ năng và làm bài tập, đặc biệt là các bài tập được thiết kế thành các hình thức kiểm tra định lượng như bài tập trắc nghiệm.
Với những chuyên ngành nặng về lý thuyết, cần nhiều tương tác giữa người học và giảng viên thì mức độ tương tác trực tuyến dường như không thỏa mãn, nhất là khi đường truyền chập chờn, thầy trò thỉnh thoảng lại bị gián đoạn. Ngoài ra, không làm bài tập cũng khó đánh giá chính xác độ chuyên cần của sinh viên hơn, các em online trong khi hoàn toàn có thể mở một tab khác trên màn hình máy tính.
Việc triển khai một cách duy ý chí trong khi cơ sở hạ tầng chưa đủ mạnh là một nguyên nhân nữa khiến việc dạy và học trực tuyến dễ trở thành gượng gạo, đối phó. Phải gấp gáp chuyển đổi, nhiều thầy cô chưa kịp quen với việc giảng bài thiếu vắng cử tọa trước mặt nên không tránh khỏi cảm giác bị “đơ”. Bên cạnh đó, không phải giảng viên nào cũng thạo công nghệ, vài buổi tập huấn nhanh không giúp họ đỡ lúng túng. Nhà trường có ban hỗ trợ kỹ thuật nhưng ban này thường xuyên bị quá tải, giảng viên chủ yếu vẫn phải tự mày mò. Hệ quả là, thời gian dạy online không nhiều, mỗi tuần chỉ vài tiết, nhưng thời gian chuẩn bị bài giảng bị kéo dài hơn nhiều so với chuẩn bị giáo án lên lớp. Đó là chưa kể, trong quá trình chuẩn bị, có khi giảng viên phải dùng các phần mềm crack - thí dụ như để thiết kế các slide có thuyết minh bằng giọng nói hay ghi hình bài giảng với độ nén tốt - vì họ không có hỗ trợ kỹ thuật nào tốt hơn.
Một điều nữa khiến tôi thấy khá lo ngại là nguy cơ đồng phục hóa môn học của việc dạy trực tuyến khi mỗi môn chỉ còn một giảng viên được “lên sóng” như tình thế đang diễn ra ở trường của tôi, nơi cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn khá yếu. Trong khi đó, nếu học trực tiếp trên lớp, cùng một môn, mỗi giảng viên, đều có thể đóng góp những sắc thái riêng.
Tuy nhiên, tôi vẫn tin rằng học trực tuyến là cần thiết, trong bối cảnh thời gian học lý thuyết trên lớp có nguy cơ bị cắt giảm để nhường chỗ cho việc thực tập, rèn kỹ năng. Để làm được như vậy, theo tôi, việc triển khai cần có lộ trình, tính đến đặc thù của các chuyên ngành khác nhau và đảm bảo các hỗ trợ về kỹ thuật cho giảng viên. Đồng thời, cũng cần xây dựng một kho dữ liệu học thuật, nếu không thì dạy online vất vả lắm vì chả nhẽ cái gì cũng phải scan.