Nếu không được giải quyết một cách triệt để thì những tồn tại trong cơ chế quản lý các hoạt động KH&CN sẽ có thể tiếp tục giới hạn tính hiệu quả của các chương trình KH&CN trọng điểm quốc gia.

Khi mở rộng quy mô thời gian của các chương trình KH&CN trọng điểm quốc gia (KC, KX), các nhà quản lý đều kỳ vọng vào việc sản phẩm của những đề tài KC, KX sẽ có ảnh hưởng lớn và tác động lâu dài đến nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội. Đây cũng chính là một trong những thước đo giá trị của một sản phẩm KH&CN. Tuy nhiên, việc mở rộng thời gian thực hiện các đề tài KC, KX mới chỉ là một trong những điều kiện cần để mở ra con đường thành công của một sản phẩm công nghệ.

Không riêng các nhà khoa học có mặt tại hội nghị “Một số giải pháp thúc đẩy triển khai chương trình KH&CN cấp quốc gia”, diễn ra vào tháng 6/2024, mà các đồng nghiệp của họ, qua nhiều diễn đàn khác nhau đều cho rằng, dù nghiên cứu ở lĩnh vực KH&CN nào hay thực hiện các đề tài cấp quốc gia, cấp bộ thì họ vẫn phải thực hiện theo sự hướng dẫn của một số quy định quản lý đề tài chung, trong đó có không ít quy định về cơ chế tài chính. Đó cũng chính là nút thắt làm tăng nguy cơ rủi ro cho các đề tài, nhiệm vụ KC, KX ở khung thời gian mới.

Phòng thí nghiệm của TS. Lê Trọng Lư (Viện Kỹ thuật nhiệt đới, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam). Ảnh: Thanh Nhàn
Phòng thí nghiệm của TS. Lê Trọng Lư (Viện Kỹ thuật nhiệt đới, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam). Ảnh: Thanh Nhàn

Chưa có một cơ chế tài chính phù hợp

Có lẽ, chỉ có các nhà khoa học là thành viên các ban chủ nhiệm chương trình KC, KX mới cảm thấy rõ nhất tác động của cơ chế tài chính và thủ tục tài chính lên công việc nghiên cứu của họ cũng như của các nhà khoa học mạnh dạn gửi hồ sơ đề xuất tới các chương trình. Họ cũng hiểu phần nào nguyên nhân vì sao dẫn đến các hiện tượng như 84% hồ sơ đề xuất đều ở khu vực đồng bằng sông Hồng, gần như không có hồ sơ đề xuất của các nhà khoa học ở đồng bằng sông Cửu Long hay chỉ có 4% hồ sơ thuộc về các nhà khoa học có độ tuổi dưới 40… “Thú thật là các nhà khoa học rất ngại làm các nhiệm vụ cấp bộ, cấp nhà nước vì quy trình thủ tục rất phức tạp và rắc rối. Các thầy cô ở phía Nam cũng xa xôi, nên càng ngại khi làm các đề tài này”, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM từng chia sẻ trong hội nghị sơ kết Chương trình Phát triển khoa học cơ bản trong các lĩnh vực hóa học, KH sự sống, KH trái đất và KH biển giai đoạn 2017-2025.

Khi đề cập đến sự phức tạp và rắc rối của quy trình thủ tục, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai còn bao hàm cả những thủ tục tài chính hiện đang níu chân các nhà khoa học. Việc phải chịu các khung quản lý tài chính lớn nhỏ khi thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia khiến các nhà khoa học cảm thấy rối bời. Các khung quản lý tài chính này sẽ chi phối toàn bộ chu trình đường đi nước bước của một đề tài, nhiệm vụ khoa học mà họ được phê duyệt là chủ trì, bắt đầu từ việc lập dự toán, xây dựng nhiệm vụ đến đấu thầu vật tư, hóa chất, tính chi phí tiền công thực hiện nhiệm vụ, và nội dung gây tranh cãi nhất là nghiệm thu sản phẩm đầu ra và trong nhiều trường hợp là định giá công nghệ và chuyển giao công nghệ. Có lẽ, ngay một lúc thì người ta không thể liệt kê được đầy đủ mọi khung quản lý tài chính chi phối một nhiệm vụ, một đề tài KH&CN nhưng có thể tạm điểm ra một số văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có ba nghị định quan trọng là Nghị định 95/2014/NĐ-CP về đầu tư, cơ chế tài chính cho hoạt động KH&CN, Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, Nghị định 70/2018/NĐ-CP về quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua triển khai nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước; và bốn thông tư gồm Thông tư 03/2023/TT-BTC quy định lập dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ KH&CN, Thông tư 02/2023/TT-BKHCN hướng dẫn một số nội dung chuyên môn phục vụ công tác xây dựng dự toán thực hiện nhiệm vụ KH&CN, Thông tư 06/2023/TT-BKHCN quy định trình tự, thủ tục xác định nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia sử dụng ngân sách Nhà nước, Thông tư 10/2019/TT-BTC hướng dẫn việc xác định giá trị tài sản là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước. “Chúng ta đều biết vấn đề tài chính đang tồn tại khiến cho chưa thúc đẩy chương trình KH&CN cấp quốc gia được nhiều, kể cả các nhiệm vụ độc lập cũng vậy. Dù chúng ta đã cố gắng xử lý mải miết nhiều năm nhưng cho đến nay, về cơ bản là chúng ta chưa xử lý được gì”, ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ KH&CN) nhận xét. “Toàn những con số (các thông tư, nghị định liên quan đến cơ chế tài chính cho các nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước) chạy chặn chúng ta, tất cả đều vướng mắc”.

Rõ ràng, mọi nhiệm vụ KH&CN đều phải đi theo đường ray định sẵn này, không có con đường nào khác, một khi kinh phí thực hiện đề tài, nhiệm vụ được rót từ ngân sách nhà nước hoặc “vốn nhà nước”. Tuy nhiên, có một vấn đề là một vài khung quản lý tài chính này lại không bám sát với thực tiễn khoa học và không phản ánh đúng bản chất của nghiên cứu khoa học. Vì vậy, PGS.TS Lê Văn Thăng, Hiệu phó trường ĐH Quốc tế, ĐHQG TPHCM, nói “Trong thời gian vừa rồi, Bộ KH&CN đã có nhiều đổi mới về cơ chế chính sách, rõ ràng những đổi mới này hữu ích nhưng trong quá trình vận hành có vướng mắc phát sinh”. Khi phân tích đến một số vướng mắc dạng này, với tư cách là một nhà khoa học vật liệu thường hay phải sử dụng nhiều loại vật tư hóa chất trong quá trình nghiên cứu, anh cho rằng, “đó là câu chuyện tài chính đúng và đủ. Đủ ở đây có thể là ở khâu xuất phát nhiệm vụ, chúng ta tính được nhưng theo thời gian khi triển khai nhiệm vụ thì có những vấn đề như thay đổi hướng nghiên cứu, thay đổi vật tư hóa chất…, cần có những điều chỉnh về thời gian thực hiện, kinh phí nghiên cứu để ‘đúng’ với yêu cầu mới bởi rất nhiều khả năng là kinh phí ban đầu sẽ không đủ”.

Câu chuyện “chi đúng và chi đủ” như nguyện ước của các nhà khoa học xuất hiện ở nhiều lĩnh vực. Không như các nghiên cứu lý thuyết, các nghiên cứu về khoa học thực nghiệm ở các lĩnh vực KC hoặc cả KX đều cần cả hai vế này. giáo sư Lê Huy Hàm (Viện Di truyền nông nghiệp), chủ nhiệm chương trình KC12/21-30 “Nghiên cứu ứng dụng và Phát triển công nghệ sinh học”, lý giải “Đề tài của chương trình KC12 có những yêu cầu kinh phí rất khác nhau, ví dụ tạo giống cây biến đổi gene cần 100 triệu USD, chỉnh sửa gene 6 triệu USD nhưng phát triển chế phẩm vi sinh thì chỉ cần khoảng 5, 7 tỉ đồng thôi. Vì vậy chúng tôi cần có sự thấu hiểu của các đơn vị quản lý cho cấp phát kinh phí đủ, đó là con đường tiết kiệm nhất, nếu cấp không đủ mới là không tiết kiệm”.

Tuy nhiên, những thay đổi linh hoạt như mong ước của các nhà khoa học đang vấp phải các khung tài chính quá ổn định và vững chắc. Bởi về cơ bản, các quy định và hướng dẫn thường được xây dựng dựa trên các luật, nghị định, vốn là các văn bản quy phạm pháp luật có tính phổ quát và tồn tại trong quãng thời gian đủ dài. Mặt khác, các quy định, hướng dẫn việc “chi đúng, chi đủ” và “chi kịp thời” của dòng kinh phí từ ngân sách nhà nước lại phải đảm bảo nhiều nguyên tắc tài chính khác nhau nên từ lúc nộp hồ sơ đề xuất đến lúc được hội đồng chuyên môn phê duyệt và ký hợp đồng cần đến rất nhiều thời gian. Đó là lý do mà vào đầu các pha chương trình thường xảy ra hiện tượng trễ cấp kinh phí thực hiện khiến các nhà khoa học khởi đầu nhiệm vụ muộn. “Đây là chương trình đầu tiên ở hạn mức thời gian 10 năm, từ năm 2021 đến 2030 nhưng chúng ta khởi động tương đối muộn cả, muộn mất ba năm. Nếu muộn tiếp thì chương trình 10 năm chỉ còn 5 năm trong khi các đề tài liên quan đến cơ thể sống có chu kỳ dài, chậm chí vượt qua cả thời gian cho phép như trên 10 năm chẳng hạn”, giáo sư Lê Huy Hàm chỉ ra mâu thuẫn. “Điều này cũng quan trọng vì ngoài việc động viên các nhà khoa học, nó còn góp phần thúc đẩy doanh nghiệp tin tưởng tham gia”.

Ý kiến của giáo sư Lê Huy Hàm nhận được sự đồng tình của đồng nghiệp ở các lĩnh vực khác. Giáo sư Huỳnh Trung Hải (ĐH Bách khoa Hà Nội), chủ nhiệm Chương trình KC 06/21-30 “Nghiên cứu, ứng dụng và Phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ ngành công nghiệp môi trường” than thở “Tôi thường xuyên nhận được điện thoại là bao giờ triển khai chương trình? khi nào có kinh phí thực hiện? Chúng tôi thống nhất quan điểm của giáo sư Hàm là các nhà khoa học đang rất quan tâm đến chương trình nên nếu chúng ta mà chậm thì động lực của các nhà khoa học sẽ bị giảm sút, ảnh hưởng đến chương trình nói chung”.

Đó là lý do mà TS. Hoàng Ngọc Nhân (Viện Ứng dụng công nghệ), thành viên Ban chủ nhiệm Chương trình KC 05/21-30 nhận định “Trước đây, các ban chủ nhiệm các chương trình KC cũng mất rất nhiều thời gian là vấn đề tài chính. Vấn đề hiện nay mà chúng ta cần phải gỡ là gỡ về tài chính nhiều hơn”.

Đi tìm giải pháp

Câu chuyện về một khung quản lý linh hoạt, cho phép xây dựng và điều phối một cụm công trình liên ngành, liên chương trình để triển khai nghiên cứu những vấn đề mà thực tiễn đặt ra đối với cả vùng, cả khu vực đang là mơ ước của các ban chủ nhiệm chương trình KC, KX. Tuy nhiên, ngay cả khung quản lý nhiệm vụ như thế vẫn chưa đủ để “cỗ máy” KC, KX có thể thu hút được các nhà khoa học và các doanh nghiệp như chủ trương của Bộ KH&CN. Cần phải đổi mới cơ chế quản lý tài chính nữa mới có thể làm thay đổi được tình hình hiện nay và giải quyết được bài toán hiệu quả của các chương trình KC, KX, một nhà khoa học ở Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, nhận xét bên lề cuộc họp tháng 6/2024.

Rõ ràng, đổi mới cơ chế tài chính đối với các nhiệm vụ, đề tài KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước liên quan đến việc thay thế nhiều thông tư và nghị định mà “nhức nhối” nhất là Nghị định 95, Nghị định 70 và Thông tư 10 vì liên quan trực tiếp đến đầu tư và cơ chế tài chính, xác định giá công nghệ là sản phẩm của đề tài, nhiệm vụ và ứng xử với kết quả nghiên cứu/tài sản hình thành từ các đề tài KH&CN có kinh phí từ ngân sách nhà nước. Việc đổi mới cơ chế tài chính này cũng nằm trong mục tiêu của Nghị quyết 709/QĐ-TTg (về Kế hoạch thực hiện Kết luận số 69-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW), đó là đổi mới tư duy, hoàn thiện chính sách về KHCN và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN...Có lẽ, nút thắt mà các nhà khoa học chờ đợi được giải tỏa nhất là những văn bản hướng dẫn mới sẽ thay thế các văn bản gây “sóng gió” hoạt động KH&CN, đó là nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95, nghị định thay thế Nghị định số 70, đồng thời đi kèm với đó là xây dựng chính sách thí điểm (sand box) để thúc đẩy quá trình thương mại hóa, đưa công nghệ hình thành từ đề tài do ngân sách nhà nước tài trợ ra thị trường. Các chính sách quan trọng này dự kiến sẽ được trình chính phủ vào quý 4 năm 2024.

Phải chăng việc có được văn bản mới sẽ tháo gỡ được những điểm nghẽn do cơ chế quản lý tài chính? Nhà khoa học ở Viện Hàn lâm KH&CN, sau khi chứng kiến nhiều sự ra đời và tác động của nhiều chính sách lớn nhỏ về KH&CN, thận trọng trước những tín hiệu này. Ông cho biết, sau khi đã “bầm dập” về cơ chế quản lý tài chính trong quá trình thực hiện đề tài nhiệm vụ cấp quốc gia, cấp bộ, ngành, mất nhiều thời gian giải trình mỗi khi thay đổi kỹ thuật, vật tư hóa chất, ông và đồng nghiệp cũng có một số kết quả nghiên cứu có tiềm năng chuyển giao hoặc đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ. Tuy nhiên khi chuyển giao thì họ vẫn phải “vò đầu bứt tóc” do không có cách nào định giá được sản phẩm một cách phù hợp cũng như phát hiện ra rằng, hóa ra mình lại không phải là chủ sở hữu công nghệ này vì nó là sản phẩm từ đề tài có trên 70% kinh phí từ ngân sách nhà nước. Vì vậy, ông thận trọng cho rằng cần phải chờ đợi xem nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật mới có thực sự đổi mới không? và nếu có thì đổi mới đó có phản ánh đúng tính chất của hoạt động KH&CN không? liệu đổi mới có đúng với những kết quả hết sức đa dạng của các nhiệm vụ nghiên cứu và phân định được ranh giới giữa trường hợp coi sản phẩm thu được từ đề tài chỉ là một kết quả nghiên cứu và trường hợp coi nó như đối tượng tài sản?

Sự nhập nhằng giữa việc xác định sản phẩm đầu ra của nhiệm vụ, đề tài có kinh phí từ ngân sách nhà nước, theo đánh giá của giáo sư Trần Đình Hòa (Viện trưởng Viện KH Thủy lợi Việt Nam), chủ nhiệm Chương trình KC 08/21-30 “Nghiên cứu KH&CN phục vụ bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai và Ứng phó với biến đổi khí hậu”, bắt nguồn từ quan điểm đầu tư cho KH&CN vẫn chưa thực sự phản ánh đúng bản chất của KH&CN. “Bản chất của vấn đề ở đây là việc bố trí kinh phí cho các đề tài, nhiệm vụ KH&CN vẫn được coi là việc đầu tư, sử dụng vốn của nhà nước”, ông nói. Khi chưa coi việc rót kinh phí cho các đề tài, nhiệm vụ là tài trợ như với nhiều nền khoa học tiên tiến mà coi là vốn nhà nước thì sẽ còn vướng mắc mãi, TS. Trịnh Thành Trung, Viện trưởng Viện Vi sinh vật, ĐHQGHN, trao đổi trong phiên họp tháng 12/2023. Vì vậy, việc đổi mới cơ chế tài chính cần phải đi từ quan điểm này mới mong đổi mới được triệt để.

Việc thay đổi cơ chế tài chính sẽ tác động như thế nào đến các hoạt động nghiên cứu cho đến nay vẫn còn là câu hỏi mở vì vẫn phải chờ đáp án. Tuy nhiên, các nhà khoa học tham gia vào ban chủ nhiệm các chương trình KC, KX thì không khỏi mong mỏi nó sẽ đáp ứng nguyện vọng của mình. “Tôi nghĩ, với các đề tài liên quan đến cơ thể sống, chúng ta nên duyệt đến sản phẩm cuối cùng và nghiệm thu theo từng giai đoạn; cái giai đoạn tiếp theo cần được phê duyệt ngay sau khi giai đoạn một kết thúc chỉ cách đó một vài tháng, thậm chí phê duyệt trước thì càng tốt hơn”, giáo sư Lê Huy Hàm nói đồng thời đưa ra ví dụ sống động “có đề tài chúng tôi làm với Đan Mạch chẳng hạn, họ phê duyệt pha tiếp theo trước khi pha một kết thúc, như thế thật ra có thể giúp tiết kiệm được nguyên vật liệu cũng như mọi tích lũy của đề tài vì tất cả đều được chuyển sang giai đoạn tiếp theo. Chúng ta vẫn thường đề cập đến chuyện chống lãng phí trong đầu tư cho KH&CN nhưng chính việc để quãng thời gian chuyển tiếp quá dài giữa các pha của chương trình như vậy lại không tiết kiệm”.

Thật khó để có một khung quản lý chương trình KH&CN quốc gia, từ quy trình thủ tục giấy tờ đến cơ chế tài chính, ở một quốc gia còn đang hội nhập và chắt chiu nguồn lực như Việt Nam đạt tới mức lý tưởng như ở các nền khoa học tiên tiến, nhưng việc thay đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan có thể góp phần gỡ bỏ các rào cản chính cho người làm khoa học. Đó có thể sẽ là khởi điểm của những thay đổi lớn hơn tiếp theo.