Muốn nhiều giải pháp và công nghệ mới hình thành từ các đề tài thuộc 18 chương trình KH&CN trọng điểm quốc gia được ứng dụng trong thực tiễn, cần đến rất nhiều sự đồng bộ và cởi mở của chính sách.

Các nhà nghiên cứu Viện Tế bào gốc, một trong những đơn vị đã được Bộ KH&CN tài trợ thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia.
Các nhà nghiên cứu Viện Tế bào gốc, một trong những đơn vị đã được Bộ KH&CN tài trợ thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia.

Khác với những giai đoạn trước, các chương trình KH&CN trọng điểm quốc gia thuộc lĩnh vực KH&CN (chương trình KC) và khoa học xã hội nhân văn (chương trình KX) đều hoạt động trong một khung thời gian dài rộng hơn. Thay vì năm năm như trước đây, giờ các chương trình KC, KX sẽ đều có mốc thời gian được ấn định ở mức 10 năm, một quãng thời gian đủ để các nhà nghiên cứu theo đuổi một nghiên cứu dài hơi và có thể tối ưu một công nghệ ở quy mô pilot. Tất cả không còn bó hẹp trong một khung hạn định vỏn vẹn năm năm, vừa đủ cho một nghiên cứu tìm hiểu công nghệ hoặc đưa ra một giải pháp, nếu có, ở quy mô phòng thí nghiệm với những tiêu chí được thiết kế một cách tối ưu.

Tuy nhiên, việc triển khai một chương trình KH&CN ở quy mô 10 năm không đương nhiên thu được kết quả tốt như mong muốn, nếu vẫn thực hiện trong các khung quy định, thủ tục, cơ chế cũ. Đó là lý do để Bộ KH&CN và các bộ, ngành có liên quan trong thời gian qua đã soạn thảo và xây dựng một số thông tư, văn bản hướng dẫn mới với kỳ vọng sẽ thúc đẩy các đề tài, dự án do chương trình tài trợ đi đúng đường ray hoạch định.

Tại hội nghị “Một số giải pháp thúc đẩy triển khai chương trình KH&CN cấp quốc gia”, diễn ra vào ngày 6/6/2024, ông Đào Ngọc Chiến, Giám đốc Văn phòng Các chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước, cho rằng, các văn bản mới ban hành nên có nhiều điểm mới, đặc biệt là các thông tư áp dụng để xây dựng định mức như Thông tư số 03/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính về quy định lập dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ KH&CN, kèm theo là Thông tư 02/2023/TT-BKHCN hướng dẫn một số nội dung chuyên môn phục vụ công tác xây dựng dự toán thực hiện nhiệm vụ KH&CN, Thông tư 06/2023/TT-BKHCN quy định trình tự, thủ tục xác định nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia sử dụng ngân sách Nhà nước. Đây đều là các văn bản mới giúp nâng cao chất lượng đề xuất, nâng cao chất lượng thuyết minh, ông Đào Ngọc Chiến nói.

Với sự hỗ trợ của những thông tư mới, mọi chuyện đều diễn ra một cách suôn sẻ và tạo điều kiện cho các đề tài được vận hành như mong đợi?


Nếu mục tiêu của các chương trình KH&CN quốc gia là đưa những giải pháp công nghệ, các sản phẩm hình thành từ những đề tài, nhiệm vụ ra đến thị trường, áp dụng rộng rãi trong đời sống kinh tế xã hội thì con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất vẫn là cần thu hút được các doanh nghiệp tham gia các đề tài này. Nhưng các doanh nghiệp Việt Nam, chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, luôn cần các công nghệ mới nhưng lại không đủ kinh phí và năng lực tiếp nhận nó.


Một thực tại trái ngược


Trong cuộc họp, một số thông tin rút trích từ quá trình các ban chủ nhiệm của 18 chương trình KC, KX triển khai áp dụng các thông tư mới mà ông Đào Ngọc Chiến đưa ra khiến người ta ngỡ ngàng. Những tưởng, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn mới sẽ giúp “nâng cao chất lượng đề xuất, nâng cao thuyết minh về ý tưởng KH&CN” nhưng hóa ra, thực tế lại không được như vậy.

“Sự áp dụng các thông tư đó sẽ có phần khác nhau về kết quả. Nếu các đơn vị có được bộ máy tham mưu tốt thì sẽ áp dụng tốt nhưng vẫn có những đơn vị không được như vậy”, ông Đào Ngọc Chiến đánh giá. “Có một số điểm khó khăn mà các ban chủ nhiệm gặp phải là chất lượng các hồ sơ đề xuất chưa tốt và có mâu thuẫn trong cơ chế trả thù lao cho các ban chủ nhiệm”.

Bức tranh toàn cảnh mà ông Đào Ngọc Chiến đưa ra, dù ở mức độ điểm xuyết, cũng cho thấy tác động của các văn bản mới thật nhiều trái ngược. Mới áp dụng trong vòng một năm, các ban chủ nhiệm các chương trình KH&CN trọng điểm quốc gia đã nhận về “một số lượng đề xuất nhiệm vụ ở mức rất lớn. Trong năm 2023, tổng số đề xuất là 1.119 đề xuất, sau khi các ban chủ nhiệm rà soát, đối chiếu với một số tiêu chí sơ bộ thì chọn lựa được 353 đề xuất. Tương tự, đến hết tháng 5/2024, chúng tôi nhận được 1.108 đề xuất, các ban chủ nhiệm chọn được 353 nhiệm vụ để đề xuất với hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ”, ông Đào Ngọc Chiến nói.

Ở đây có thể thấy, dù số lượng đề xuất khá nhiều nhưng số lượng đề xuất “qua cửa” các ban chủ nhiệm và sau đó là các hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ lại rất ít. Có lẽ, nếu chưa nghe lời giải thích của ông Đào Ngọc Chiến thì người ta cứ ngỡ rằng, tỉ lệ lựa chọn suýt soát “một chọi 30” của các đề xuất nhiệm vụ là do cạnh tranh quyết liệt về chất lượng. Thực tế ngược lại, mới xét một số tiêu chí sơ bộ thì ban đầu, “số hồ sơ lớn nhưng đã vấp 9% đến 10% số hồ sơ là không hợp lệ, quá nhiều lỗi nhỏ vi phạm”, ông Đào Ngọc Chiến nói.

Càng xét thì các hồ sơ lại càng phạm phải nhiều lỗi khác nhau, dẫn đến bị loại rất nhiều. Vậy nguyên nhân là do đâu? “Một phần là do lỗi của các đơn vị chủ trì nhưng ngay cả đơn vị quản lý cũng bỡ ngỡ. Nhìn bên ngoài, các văn bản mới rất ‘mượt’, không tì vết nhưng khi bắt đầu áp dụng thì mới thấy có những nội dung yêu cầu mà để xử lý từng bước gọn ghẽ thì các đơn vị quản lý phải ngồi lại với nhau để thống nhất”, ông giải thích.

Ảnh: vinhphuc.gov.vn.
Ảnh: vinhphuc.gov.vn.

Ở góc độ một nhà khoa học và chủ nhiệm chương trình KC06/21-30 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ ngành công nghiệp môi trường”, giáo sư Huỳnh Trung Hải (ĐH Bách khoa) cũng có nhận xét tương tự về chất lượng thuyết minh của hồ sơ đề xuất, “dù đã vào vòng gửi thuyết minh song vẫn có một số các đề xuất không đáp ứng yêu cầu của thông tư. Như vậy do thông tư mới nên các nhà khoa học không nắm bắt được”?

Trong hai năm đầu của chu kỳ mới, sự quan tâm đối với các chương trình KC, KX của các trường viện và các nhà khoa học vẫn còn chưa đồng đều, nếu không muốn nói là còn ở mức rất thiên lệch.

Hiện tượng này xuất hiện ở nhiều chương trình, như chia sẻ của giáo sư Huỳnh Trung Hải “Vừa rồi, qua hai đợt gửi hồ sơ đề xuất thì số lượng đề xuất của khu vực miền Nam và ĐBSCL không nhiều, chỉ chiếm mười mấy phần trăm trong khi chương trình KC06 của chúng tôi đặt mục tiêu có phát triển nhiều giải pháp dành cho khu vực này”.

Tương tự, giáo sư Lê Huy Hàm (Viện Di truyền nông nghiệp), chủ nhiệm chương trình KC12/21-30 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học” cũng than phiền “Khu vực phía Nam là trọng tâm của sản xuất nông lâm ngư nghiệp nhưng đề xuất từ khu vực này tới chúng tôi vẫn còn ít quá”.

Nếu mổ xẻ các con số theo tiêu chí giới và độ tuổi thì “chỉ 31% các hồ sơ có chủ nhiệm đề tài là nhà khoa học nữ, và chỉ có 4% hồ sơ thuộc về các nhà khoa học có độ tuổi dưới 40”, ông nói. Vì vậy, có nhà khoa học tham gia hội thảo thử đưa ra một kiến giải là có thể ‘các đề tài, nhiệm vụ thuộc chương trình KC, KX do phải đưa ra được sản phẩm cụ thể như giải pháp công nghệ hay kiến nghị, đề xuất chính sách nên cần các nhà khoa học trưởng thành, có kinh nghiệm chăng”?

Mặt khác, nếu mục tiêu của các chương trình KH&CN quốc gia là đưa những giải pháp công nghệ, các sản phẩm hình thành từ những đề tài, nhiệm vụ ra đến thị trường, áp dụng rộng rãi trong đời sống kinh tế xã hội thì con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất vẫn là cần thu hút được các doanh nghiệp tham gia các đề tài này. Nhưng các doanh nghiệp Việt Nam, chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, luôn cần các công nghệ mới nhưng lại không đủ kinh phí và năng lực tiếp nhận nó. Tuy vậy, các chương trình KH&CN quốc gia lại chưa đủ sức hút doanh nghiệp. Ông Đào Ngọc Chiến cho biết, do bối cảnh và khách quan mà hiện số hồ sơ doanh nghiệp tham gia chỉ chiếm 6%

Những câu hỏi từ thực tiễn

Những gì diễn ra với các chương trình KH&CN cấp quốc gia cho thấy, mặc dù các ban chủ nhiệm các chương trình đặt mục tiêu tạo ra những giải pháp cho cuộc sống nhưng trên thực tế thì chính họ lại đang đối diện với nhiều rào cản. Không dễ để giải tỏa được những vấn đề như vậy, ngay cả câu chuyện mở các hội nghị, hội thảo giới thiệu về các khung chương trình KH&CN quốc gia, giới thiệu về các thông tư mới ở khu vực phía Nam nhiều hơn để thu hút các cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp, như đề xuất của giáo sư Lê Huy Hàm.


Cần sớm phê duyệt các đề xuất mới và đưa nhiệm vụ đã phê duyệt năm 2023 vào thực hiện để có được những sản phẩm KH&CN đầu tiên báo cáo với Chính phủ vào năm 2030. Việc này đặc biệt quan trọng vì đây là chương trình giai đoạn 2021-2030 mà chúng ta khởi động đều tương đối muộn, giờ đã muộn mất ba năm. Nếu muộn tiếp thì chương trình 10 năm chỉ còn 5 năm thôi. Giáo sư Lê Huy Hàm


Không chỉ với ban chủ nhiệm KC02 mà các ban chủ nhiệm khác đều cảm thấy rối bời khi chưa thu hút được nguồn nhân lực KH&CN tham gia vào chương trình. Giáo sư Trần Đình Hòa (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam), chủ nhiệm chương trình KC08/21-30 “Nghiên cứu KH&CN phục vụ bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu”, lo ngại về tiến độ thực hiện khi các chu trình đánh giá, hoàn thiện hồ sơ thuyết minh và phê duyệt vẫn diễn ra một cách chậm chạp.

“Các đơn vị đều rất mong muốn là nếu các đề tài đã được phê duyệt thì có thể được cấp phép triển khai thực hiện ngay, càng sớm càng tốt và điều này cũng tạo được tâm lý và động lực thúc đẩy công việc”, ông nói. Khi đề cập đến tiến độ hiện nay, ông lo ngại rằng “chương trình KC08 đề ra những nhiệm vụ rất lớn, đi kèm với chỉ tiêu rất cao mà tiến độ như vậy là quá chậm. Do đó, tôi cho rằng cần tiến hành nhanh cho kịp tiến độ đề tài”.

Đó cũng là lo ngại chung của các ban chủ nhiệm khác. Giáo sư Lê Huy Hàm phân tích, “Tôi mong chúng ta sớm phê duyệt các đề xuất mới và đưa nhiệm vụ đã phê duyệt năm 2023 vào thực hiện để có được những sản phẩm KH&CN đầu tiên báo cáo với chính phủ vào năm 2030. Việc này đặc biệt quan trọng vì đây là chương trình giai đoạn 2021-2030 mà chúng ta khởi động đều tương đối muộn, giờ đã muộn mất ba năm. Nếu muộn tiếp thì chương trình 10 năm chỉ còn 5 năm thôi”.

Trong rất nhiều hội thảo lớn nhỏ cấp vùng đến trung ương, các nhà khoa học và các nhà quản lý thường đề cập tới một thực tế là tác động của nhiều đề tài ở các chương trình KH&CN trong thực tế vẫn còn khiêm tốn. Các giải pháp công nghệ mới chỉ dừng lại ở phạm vi giải quyết vấn đề cấp địa phương, nếu có công nghệ chuyển giao cho doanh nghiệp thì quy mô doanh nghiệp lại rất nhỏ. Đó cũng là một phần lý do giải thích vì sao người ta vẫn chưa thấy giá trị của KH&CN đối với đời sống và mặt khác, danh tiếng của các chương trình KH&CN quốc gia vẫn còn chưa được lan rộng trên quy mô toàn quốc.

Câu chuyện “con gà quả trứng” với các chương trình KH&CN quốc gia đang được các nhà quản lý tháo gỡ từ cuộc tái cơ cấu và mở rộng khung thời gian thực hiện từ giai đoạn 2021-2030 này để các cơ sở nghiên cứu đào tạo và các nhà khoa học có điều kiện “các chùm nhiệm vụ mang tính xương sống”, có tính chất liên ngành như nhận xét của phó giáo sư Trần Tuấn Anh (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), Ban chủ nhiệm chương trình KC.09/21-30 “Nghiên cứu KH&CN phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển”.

Với tầm nhìn của các chuyên gia thì rất có thể, các Ban chủ nhiệm chương trình có thể đề xuất được các nhiệm vụ lớn hoặc chùm nhiệm vụ mang tính xương sống của chương trình mình nhưng chúng ta vướng ở cơ chế là thiếu tổng công trình sư để điều phối, phó giáo sư Trần Tuấn Anh nói. Nút thắt nằm ở điểm này.

“Trong pha vừa rồi, chúng tôi có bốn nhiệm vụ có thể tích hợp thành một cụm nhiệm vụ nhưng lại không có tổng công trình sư để điều phối vì không có cơ sở pháp lý để làm, cho nên dù cả bốn nhiệm vụ này đều hết sức thành công nhưng để giải quyết được triệt để các vấn đề đặt ra thì vẫn có khó khăn nhất định”, ông nêu thực tế.

Vậy tại sao không có cơ sở pháp lý cho việc đề xuất một tổng công trình sư? “Vì theo quy định thì ban chủ nhiệm chương trình không thể tham gia thực hiện các nhiệm vụ trong chương trình của mình được. Không có chức năng nào của chương trình cho phép một chuyên gia trong ban chủ nhiệm có thể đứng ra điều phối một nhóm các chương trình hoặc cụm nhiệm vụ để định hướng, điều phối liên hợp các nhiệm vụ”. Đó là lý do mà PGS Trần Tuấn Anh cho rằng “Nên chăng trong thời gian tới, Bộ KH&CN xây dựng cơ chế hay một căn cứ pháp lý nào để có một tổng công trình sư điều phối và có thể giao cho cơ quan chủ trì nhiệm vụ lựa chọn”.

Trong nỗi ưu tư về những công trình lớn và các cụm chương trình hướng đến giải quyết các vấn đề lớn trong thực tế của cấp độ vùng hoặc cấp độ ngành, các nhà khoa học đều gặp nhau ở một điểm, đó là làm thế nào để tạo ra hiệu quả như mong muốn.

“Năm 2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới, trong đó có nêu nhiệm vụ cho ngành công nghệ sinh học đến năm 2050, đóng góp 7% GDP của cả nước, nghĩa là vào khoảng 35 tỉ USD. Phải nói rằng đây là nhiệm vụ rất nặng nề. Để góp phần thực hiện nhiệm vụ đó, nên chăng có cơ chế để ba chương trình liên quan chặt chẽ đến công nghệ sinh học của chúng ta là KC 10, KC 11 và KC 12 trở thành trụ cột thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, và tạo điều kiện để có được những cụm công trình lớn”, giáo sư Lê Huy Hàm nói.

Những thách thức đặt ra cho các chương trình KC, KX khiến người ta cảm thấy lo ngại về con đường phía trước của một giai đoạn mà mốc thời gian đã được nâng lên thành 10 năm. Làm gì để có sản phẩm “ra tấm ra món” trong khi trên thực tế thì cả các ban chủ nhiệm lẫn các nhà khoa học đều bị vướng quá nhiều, ngay một lúc chưa thể tự gỡ rối được?

Khi nhìn nhận vào thực tại ấy, ông Đào Ngọc Chiến thì mong mỏi đề xuất một số kiến nghị, đó là thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng khoa học phía Nam, miền Trung, Tây Nguyên vào các chương trình KC, KX; tổ chức các hội thảo chuyên ngành/liên ngành/xuyên ngành/liên các chương trình của các ban chủ nhiệm; tăng cường phổ biến khung chương trình đến các nhà khoa học, cộng đồng khoa học cần biết một cách cụ thể; có thể dành cơ hội nghiên cứu đề tài tiềm năng cho các nhà khoa học trẻ.

“Trong năm 2024, về phía cơ quan quản lý của Bộ KH&CN, chúng tôi mong muốn các ban chủ nhiệm có các báo cáo tư vấn để có cách tối ưu giải quyết những vấn đề này”, ông Đào Ngọc Chiến hy vọng.

Nhưng thách thức của chương trình KC, KX chỉ nằm gọn trong những vấn đề nảy sinh này? Liệu còn nguyên nhân nào khác nằm ngoài cái bỡ ngỡ về văn bản mới, hay cơ chế xây dựng cụm nhiệm vụ lớn? Những gì diễn ra trong thực tế luôn làm người ta bất ngờ bởi rất có thể có những tồn tại chưa giải quyết triệt để trong các giai đoạn trước hoặc trong các hoạt động KH&CN khác cũng tích hợp ở đây trở thành một bài toán nan giải.

(Còn tiếp)