Nếu muốn thúc đẩy nhiều doanh nghiệp chuyển sang sử dụng xe điện hơn nữa, theo các chuyên gia, những chính sách đang có vẫn còn chưa đủ.

Taxi điện Xanh SM. Ảnh: GSM
Taxi điện Xanh SM. Ảnh: GSM

Nhiều lợi ích trong kinh doanh vận tải

Sau 2 năm kể từ lúc hãng taxi điện đầu tiên ra mắt tại Việt Nam, hiện đã có khoảng 20.000 xe taxi điện, chiếm khoảng 30% tổng số xe taxi đang hoạt động trong nước. “Chạy êm, ít tiếng ồn, giảm phát thải trực tiếp” có lẽ là điều nhiều người thường nghĩ ngay đến khi nói về xe điện. Song, thực tế phương tiện giao thông điện còn có nhiều ưu thế hơn nữa so với xe xăng truyền thống. Theo PGS.TS Đàm Hoàng Phúc - Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô, Đại học Bách khoa Hà Nội, ô tô điện có ưu điểm là không có hộp số; mô tơ điện cũng bền hơn động cơ đốt trong nên những bộ phận về cơ khí của ô tô điện bền hơn xe động cơ đốt trong. Bên cạnh đó, xe điện cần ít chi tiết cấu thành hơn nên rủi ro của xe cũng ít hơn, chi phí chăm sóc bảo dưỡng giảm nhiều, không cần phải thay dầu mỡ, thay lọc gió, thay lọc dầu, từ đó, “tổng chi phí để nuôi một xe taxi cũng giảm hơn so với xe xăng truyền thống”, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc cho biết tại tọa đàm “Xu hướng sử dụng xe điện kinh doanh taxi tại Việt Nam” do báo Giao thông tổ chức vào cuối tháng năm vừa qua.

Theo ông Nguyễn Văn Định - Chủ tịch HĐQT Công ty Én Vàng, đơn vị này tính toán, 1km vận tải xe xăng thấp nhất cần chi 1.200 - 1.600 đồng với giá xăng. Trong khi đó, xe điện chỉ tốn chỉ 400 - 600 đồng. Thêm vào đó, chi phí bảo trì, bảo dưỡng thấp nên tổng chi phí vận hành ước tính giảm từ 20 - 30% so với xe xăng. Ngoài ra, “chính sách thuê pin mang lại hiệu quả cho chúng tôi. Bình quân một tháng xe chạy 4.000 - 6.000 km thì lái xe lợi 3 - 4 triệu so với xe xăng”, ông cho biết.

Không chỉ vậy, pin xe - một trong những vấn đề được người dùng xe điện quan tâm nhất - hiện cũng đã có nhiều cải tiến. “Hiện nay, công nghệ pin cũng phát triển rất tốt. Tại Việt Nam, VinFast cam kết bảo hành pin bảy năm. Đây là mức thời gian tôi tin rằng những người kinh doanh sẽ hài lòng và cân đối được bài toán tài chính để phát huy lợi thế của taxi điện thời kỳ này”, PGS. TS Đàm Hoàng Phúc cho biết. Bên cạnh đó, VinFast - một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực xe điện ở Việt Nam - còn có chính sách cho thuê pin, do đó, theo PGS.TS Phúc, toàn bộ rủi ro về pin nhà sản xuất đã chịu trách nhiệm, lái xe taxi có thể yên tâm khi sử dụng.


Vào tháng sáu vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Văn bản số 4093/VPCP-TH truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về việc giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp vận tải sớm chuyển đổi phương tiện kinh doanh đường bộ sang sử dụng năng lượng sạch.


Chưa kể đến, “1 lít xăng phát thải ra khoảng 2,1kg CO2. Còn 1kWh phát thải 0,68kg CO2. Trung bình một chiếc ô tô chạy xăng tiêu thụ 7 lít xăng/100km thì sẽ phát thải khoảng 14,7kg CO2. Còn một chiếc ô tô điện sử dụng 9kWh điện/100km. Như vậy, một chiếc xe xăng cần phải sử dụng ở mức 4 lít xăng/100km thì mới đảm bảo lượng phát thải ngang với xe điện VF8”, PGS. TS Đàm Hoàng Phúc cho biết về khả năng giảm phát thải khi chuyển sang sử dụng xe điện.

Với những lợi thế như vậy, việc chuyển đổi sang sử dụng xe điện không chỉ giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải mà còn đem lại những lợi ích rất lớn cho môi trường nếu nhìn vào con số thống kê các đơn vị kinh doanh vận tải tại Việt Nam. Theo ông Nguyễn Hoàng Anh - Phó phòng Quản lý Vận tải, phương tiện và Người lái, Cục Đường bộ Việt Nam, tính đến hết năm 2023, cả nước hiện có 921.322 ô tô kinh doanh vận tải. Trong đó, có 331.914 xe khách (gồm 17.537 xe tuyến cố định, 225.264 xe hợp đồng, 4.717 xe du lịch, 74.222 xe taxi, 8.757 xe buýt và 1.417 xe trung chuyển) và 589.408 xe tải các loại (77.639 xe container, 223 xe taxi tải, 20.835 xe đầu kéo và 490.711 xe tải).

Cần thêm những chính sách gì?


Việc chuyển đổi sang sử dụng taxi điện cũng phù hợp với những định hướng phát triển gần đây của Việt Nam. Theo Quyết định 876/QĐ-TTg năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải, từ sau năm 2030, 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới tại các đô thị sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh.

Tuy nhiên, chặng đường này sẽ còn gian nan nếu như thiếu đi các chính sách hỗ trợ phù hợp, đặc biệt là khi giá xe điện đang cao hơn xe xăng. Theo ông Hồ Quang Hiếu - đại diện taxi Mai Love, giá điện là yếu tố các doanh nghiệp vận tải quan tâm. Các doanh nghiệp cần sự đảm bảo giá điện ổn định ở hiện tại và trong tương lai, cũng như có chính sách ưu đãi về giá điện cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe điện. Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi lãi suất khi doanh nghiệp vay vốn để chuyển đổi sang xe điện cũng rất cần thiết.

Khi doanh nghiệp là những người tiên phong chuyển đổi sang taxi điện, điều mà họ quan tâm là họ có lợi về mặt tài chính hay không. Do đó, Từ góc nhìn của PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, “làm thế nào để huy động được vốn ‘xanh’, sao cho các doanh nghiệp, nhỏ muốn chuyển đổi phương tiện xanh vẫn có thể tiếp cận được nguồn vốn này cùng với đó là những hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp thực hiện dễ dàng”. Ông Nguyễn Văn Định - đại diện taxi Én Vàng cũng đề nghị, cần có những chính sách trợ giá từ chính phủ giống như chính sách miễn phí trước bạ cho xe điện hiện tại. Chẳng hạn, châu Âu và Trung Quốc đã có những khoản hỗ trợ cụ thể bằng tiền cho các doanh nghiệp taxi điện. “Mình đang dựa trên sự sẵn sàng, sẵn lòng của doanh nghiệp và người dân chứ chưa có nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể. Chúng ta đang thiếu một khung chính sách tổng thể về xe điện”, chị Trịnh Thị Bích Thủy - Quản lý dự án Giao thông điện, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) - từng chia sẻ với Báo KH&PT.

Bên cạnh đó, theo PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, cần có chính sách phát triển trạm sạc, bởi một mình VinFast “cô độc” làm sẽ rất khó để phủ rộng mạng lưới trạm sạc đáp ứng nhu cầu của người dùng (tính đến năm 2023, trạm sạc VinFast đạt mật độ 3,5 km/trạm tại 80/85 thành phố trên cả nước). “Chính phủ cần có chính sách thúc đẩy để có thêm nhiều đối tác tham gia xây dựng trạm sạc, hướng đến cùng chia sẻ sử dụng cho tất cả các loại xe điện”, PGS.TS Đỗ Hoàng Phúc cho biết.

Do đó, từ góc nhìn của nhà quản lý, ông Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, cần định hướng, xây dựng chính sách khuyến khích cụ thể như: xây dựng, hoàn thiện chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải phục vụ chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh; sửa đổi, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, hướng dẫn kỹ thuật cho hạ tầng và phương tiện phục vụ chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh; quy định, tiêu chí cho kết cấu hạ tầng giao thông xanh cho bến xe khách, bến xe hàng, trạm dừng nghỉ, hệ thống dịch vụ hỗ trợ xanh. Cùng với đó, thực hiện chuyển đổi các công trình hạ tầng giao thông hiện hữu và xây mới đạt tiêu chí “xanh” như thí điểm lắp đặt trạm sạc xe điện tại các bến xe, trạm dừng nghỉ, hệ thống dịch vụ hỗ trợ trên các quốc lộ,...

Bên cạnh đó, Cục Đường bộ Việt Nam đã sửa quy chuẩn trạm dừng nghỉ đường bộ, theo đó, yêu cầu toàn bộ các trạm dừng nghỉ trên tuyến quốc lộ, cao tốc phải có vị trí đỗ xe tối thiểu để bố trí xe ô tô vào sạc điện, chiếm 10% tổng vị trí đỗ xe tại trạm. Trong thời gian tới sẽ nghiên cứu, tiếp tục sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật yêu cầu bố trí vị trí trụ sạc xe điện tại các bến xe khách, bến xe hàng hoặc các hệ thống dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

Thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp quan tâm đến việc chuyển sang phương tiện giao thông điện. Theo ông Phan Thanh Uy - Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, nhiều doanh nghiệp taxi đã chủ động đến văn phòng hiệp hội để tham vấn, tiếp cận các công nghệ mới về xe điện. Nhiều doanh nghiệp cũng đã đến tận nhà máy, sang nước ngoài để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, thậm chí có đơn vị đã lên kế hoạch đưa về cả xe container chạy điện. “Khi có đầy đủ cơ sở hạ tầng, khung pháp lý và nguồn tài chính thì chắc chắn các doanh nghiệp sẽ đồng loạt thực hiện chuyển đổi sang xe điện”, ông Phan Thanh Uy nhận định.