Việt Nam Tái Chế phát động cuộc thi thu gom rác thải điện tử tại Hà Nội trong vòng 30 ngày từ 16/2 - 15/3/2020.
Với nhu cầu tiêu dùng sản phẩm điện - điện tử ngày càng tăng và vòng đời sản phẩm ngày càng ngắn lại, giờ đây rác thải điện tử (RTĐT) đã trở thành một trong những dòng chất thải rắn phát triển nhanh nhất thế giới. RTĐT có thể trở thành mối đe dọa không chỉ với môi trường mà còn cả sức khỏe con người, đặc biệt nếu không được quản lý và thu hồi hiệu quả.
Phối hợp với sở TN&MT Hà Nội, chương trình Việt Nam tái chế (VNTC) tổ chức cuộc thi “Săn rác thải điện tử - Thử thách 30 ngày” diễn ra tại Hà Nội từ ngày 16/2 - 15/3/2020. Thời gian đăng ký tham gia từ nay đến hết ngày 12/2/2020.
Trong thời gian diễn ra cuộc thi, các thí sinh đã đăng kí sẽ tham gia thu gom rác thải điện tử từ bạn bè, gia đình, hàng xóm, trường học… Sau khi thu gom, thí sinh vận chuyển rác thải điện tử đến 5 điểm thu hồi (xem danh sách) trong thời gian từ 8h đến 11h30 vào thứ 5 hoặc Chủ nhật của mỗi tuần để nhận giấy chứng nhận. Đối với thiết bị điện tử lớn như tivi, thí sinh có thể kêu gọi hỗ trợ từ Việt Nam Tái Chế đến tận nơi thu gom tối đa 3 lần.
Sau khi kết thúc cuộc thi, BTC sẽ tổng hợp lại số lượng cân của từng thí sinh dựa theo biên bản xác nhận tại điểm thu hồi để chọn người thắng cuộc và cấp giấy chứng nhận cho tất cả người tham dự.
Cơ cấu giải thưởng gồm:
- 1 Giải nhất: 1 chuyến du lịch dành cho 2 người trị giá 6.000.000 VNĐ
- 1 Giải nhì: Máy lọc không khí và diệt muỗi trị giá 4.300.000 VNĐ
- 1 Giải ba: Máy lọc nước sạch trị giá 3.000.000 VNĐ
- 10 Giải khuyến khích: Cặp vé buffet chay dành cho 2 người trị giá 250.000 VNĐ
Link đăng kí tham gia cuộc thi tại
đây
Vai trò của các tổ chức trung gian
Hiện nay, việc thu hồi sản phẩm điện tử thải bỏ sau khi sử dụng ở Việt Nam đang được thống trị bởi khu vực phi chính thức – bao gồm hệ thống những người thu mua đồng nát, sửa chữa thiết bị, đại lý rác thu gom, sau đó vận chuyển về các làng nghề để tái chế. Hệ thống này hoạt động một cách tự phát, thủ công nhưng vẫn được duy trì nhiều năm vì nó vẫn đang có lãi do không phải tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường và đơn thuần chuyển ô nhiễm từ mọi nơi về các làng nghề.
Các bên trung gian - những người tháo dỡ vật liệu - đang nhận nhiều lợi ích kinh tế nhất, nhưng không có khả năng xử lý giảm độc hại, trong khi đó các công ty tái chế chính thức có khả năng xử lý rủi ro lại không có nguồn cung RTĐT ổn định và khi đến tay họ thường chỉ còn sót lại những vật liệu đòi hỏi công nghệ cao mới thu hồi được. Trong một thị trường không tập trung, chi phí cao và đầy tính rủi ro như vậy, ít công ty nào dám đầu tư để phát triển công nghiệp tái chế.
Việt Nam Tái Chế là một trong số ít mô hình đầu tiên ở Việt Nam về thực hànhTrách nhiệm Mở rộng của Nhà sản xuất (Extended Producer Responsibility – EPR) theo nguyên tắc: Nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm tài chính và thực thi quá trình quản trị dòng RTĐT mà họ tạo ra.
Các tổ chức trung gian như Việt Nam Tái Chế có thể góp phần cải thiện nhận thức xã hội và cách thức chuyển giao rác thải của người tiêu dùng đến các công ty tái chế chính thức.