Nhìn lại thực trạng bức tranh nghiên cứu về sinh thái học và đa dạng sinh học Việt Nam, chúng ta không chỉ còn ít những công trình tầm cỡ mà ngay cả những nghiên cứu về phát hiện loài mới hay điều tra khu hệ vẫn còn hời hợt.
Tôi bắt đầu vào phòng thí nghiệm tập làm nghiên cứu từ năm 2001 - năm thứ 3 đại học. Như rất nhiều các thế hệ sinh viên khác, công việc của tôi là tập định loại các loài động vật không xương sống trong các thủy vực nước ngọt ở Việt Nam dựa trên cuốn sách định loại kinh điển do GS Đặng Ngọc Thanh làm chủ biên, ”Định loại các loài động vật không xương sống nước ngọt Bắc Việt Nam”, do Nhà xuất bản KH&KT ấn hành. Ông và cộng sự đã nghiên cứu và xuất bản cuốn sách này trong những năm 1960-1970. Tôi cho rằng đây là một trong những công trình tỉ mỉ, cẩn thận và đồ sộ của thế hệ các nhà khoa học Việt Nam đầu tiên. Mặc dù sau này, có rất nhiều những cập nhật chỉnh sửa trong hệ thống phân loại sinh vật của thế giới và Việt Nam, tôi thấy rằng công trình này có ảnh hưởng đến nhiều thế hệ những nhà nghiên cứu động vật không xương sống ở Việt Nam cho đến giờ.
Sau này, khi đi chuyên sâu về nghiên cứu sinh thái, tôi có nhiều dịp hơn làm việc với cố GS.TS Vũ Trung Tạng. Thầy thường kể về những năm 1970-1980 khi mới thống nhất, các thầy vào miền Nam làm nghiên cứu với tất cả gì đơn giản nhất có thể. Các thầy khi đó chẳng có đề tài hay dự án gì, chỉ một chút kinh phí đi lại, ”cơm nắm muối vừng” rồi vào Nam và nghiên cứu về hệ sinh thái cửa sông. Sức làm việc của thế hệ các thầy thật đáng nể với những công trình để đời. Những cuốn sách của thầy đã ảnh hưởng tới tôi ít nhất 15 năm đầu của sự nghiệp nghiên cứu về sinh thái học.
Những năm gần đây, thế hệ các nhà khoa học trẻ được đào tạo bài bản hơn và bắt đầu từng bước hội nhập với nền khoa học của thế giới, với những đánh giá về khoa học dựa trên những hệ qui chiếu chung của thế giới nhưng mới mẻ với Việt Nam. Có gì mới và khác trong nghiên cứu của thế hệ sau so với thế hệ trước? Trước hết, các nhà nghiên cứu trẻ có số lượng công trình trên các tạp chí quốc tế đang tăng mạnh, trong đó một số nhà khoa học đã có thể ”xuất hiện” trên những tập san hàng đầu của chuyên ngành. Nhưng các nghiên cứu chủ đạo cho đến nay vẫn là các nghiên cứu công bố việc phát hiện ra các loài động thực vật mới (loài mới) ở Việt Nam.
Không phủ nhận tầm quan trọng của các nghiên cứu phân loai học để tìm kiếm, định danh những sinh vật trong các khu hệ động thực vật vô cùng phong phú ở Việt Nam. Đây là những thông tin đầu tiên và cần thiết cho việc đánh giá đầy đủ mức độ đa dạng và tìm ra các phương án bảo tồn sinh học ở Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta cần có nhiều hơn những nghiên cứu vượt xa khuôn khổ phân loại và tìm kiếm các loài mới cho Việt Nam. Rất nhiều vấn đề cấp bách cần nghiên cứu như ảnh hưởng của việc mất các khu rừng nguyên sinh, các rạn san hô ven bờ, phát triển nông nghiệp, lầm nghiệp, thủy sản, du lịch và đô thị hóa, công nghiệp hóa tác động tới các hệ sinh thái tự nhiên... Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đang từng ngày từng giờ trở nên nghiêm trọng hơn. Tất cả đều cần những đo đạc, đánh giá bằng những con số cụ thể, từ những nghiên cứu cụ thể ở nhiều cấp độ: từ genes đến hệ sinh thái.
Để thực hiện được mục tiêu trên, sinh thái học và bảo tồn đa dạng sinh học hiện đại đòi hỏi nhiều hơn từ các nhà nghiên cứu. Việc ứng dụng các công cụ mạnh trong nghiên cứu hiện nay như sinh học phân tử, chẳng hạn eDNA (environmental DNA) hay thậm chí sử dụng big data và trí tuệ nhân tạo (AI) đang đem lại những nghiên cứu sinh thái quan trọng, có tầm phổ quát rộng vượt không gian và thời gian như những nghiên cứu tính diện tích rừng cần phải trồng để thế giới chống lại biến đổi khí hậu của Bastin và các cộng sự (Bastin et al. 2019) hay dự đoán phân bố của giun đất trên toàn cầu của Phillips và các cộng sự (Phillips et al. 2019). Chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện những nghiên cứu tương tự với độ chính xác cao để đánh giá đa dạng sinh học từng nhóm loài và những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, đô thị hóa lên những loài sinh vật của Việt Nam. Đó sẽ là những nghiên cứu có giá trị lớn để xây dựng chiến lược bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam, cả ngắn hạn và dài hạn.
Sinh thái học và đa dạng sinh học là một trong những ngành khoa học có nhiều liên quan đến đời sống xã hội, không chỉ trong bảo tồn sinh học và đánh giá đa dạng sinh học mà còn có thể mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác. Có thể nói, cơ hội để sinh thái học và đa dạng sinh học có thể tham gia vào những nghiên cứu lớn đang không ngừng được mở ra với những vấn đề về vượt qua giới hạn một quốc gia, một vùng lãnh thổ như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí... – những vấn đề đòi hỏi phải được thực hiện với qui mô lớn hơn, có sự hợp tác của nhiều ngành khoa học hơn.
Nhìn lại thực trạng bức tranh nghiên cứu về sinh thái học và đa dạng sinh học Việt Nam, chúng ta đang có rất ít những nghiên cứu ở quy mô như vậy. Đây là một hướng nghiên cứu cần thiết để Việt Nam có được những đánh giá chính xác và đầy đủ cũng như đem lại những cơ sở cho bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam, một trong những nước có đa dạng sinh học cao. Việc thực hiện những nghiên cứu này cần phải hướng tới tạo ra cơ sở dữ liệu về các nghiên cứu sinh lý, sinh thái học các loài động thực vật ở Việt Nam, đặc biệt là các loài đặc hữu. Hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt với một số vấn đề lớn: tình trạng du nhập ồ ạt các sinh vật ngoại lai vào lãnh thổ đang là một nguy cơ phá hủy sự cân bằng khu hệ động thực vật bản địa; sự khai thác quá mức tài nguyên sinh vật, tài nguyên đất, nước và không khí đang mang lại những rủi ro lớn về môi trường và môi sinh cho thế hệ hiện tại và tương lai gần. Những nhà nghiên cứu Việt Nam cần đưa ra được những giải pháp, những tư vấn cho các nhà quản lý thông qua các nghiên cứu của mình để xây dựng nên chính sách bảo tồn đa dạng sinh học có cơ sở khoa học vững chắc. Nhà nước cũng cần có những đầu tư thích hợp về nguồn lực để tạo điều kiện cho các nhà khoa học có thể thực hiện tốt nhất các nghiên cứu của mình.
Tài liệu tham khảo
Bastin, J.F., Y. Finegold, C. Garcia, D. Mollicone, M. Rezende, D. Routh, C.M. Zohner, and T.W. Crowther. 2019. The global tree restoration potential. Science 365 (6448):76-+.
Phillips, H.R.P., C.A. Guerra, M.L.C. Bartz, M.J.I. Briones, G. Brown, T.W. Crowther, O. Ferlian, K.B. Gongalsky, J. van den Hoogen, J. Krebs, A. Orgiazzi, D. Routh, B. Schwarz, E.M. Bach, J. Bennett, U. Brose, T. Decaëns, B. König-Ries, M. Loreau, J. Mathieu, C. Mulder, W.H. van der Putten, K.S. Ramirez, M.C. Rillig, D. Russell, M. Rutgers, M.P. Thakur, F.T. de Vries, D.H. Wall, D.A. Wardle, M. Arai, F.O. Ayuke, G.H. Baker, R. Beauséjour, J.C. Bedano, K. Birkhofer, E. Blanchart, B. Blossey, T. Bolger, R.L. Bradley, M.A. Callaham, Y. Capowiez, M.E. Caulfield, A. Choi, F.V. Crotty, A. Dávalos, D.J.D. Cosin, A. Dominguez, A.E. Duhour, N. van Eekeren, C. Emmerling, L.B. Falco, R. Fernández, S.J. Fonte, C. Fragoso, A.L.C. Franco, M. Fugère, A.T. Fusilero, S. Gholami, M.J. Gundale, M.G. López, D.K. Hackenberger, L.M. Hernández, T. Hishi, A.R. Holdsworth, M. Holmstrup, K.N. Hopfensperger, E.H. Lwanga, V. Huhta, T.T. Hurisso, B.V. Iannone, M. Iordache, M. Joschko, N. Kaneko, R. Kanianska, A.M. Keith, C.A. Kelly, M.L. Kernecker, J. Klaminder, A.W. Koné, Y. Kooch, S.T. Kukkonen, H. Lalthanzara, D.R. Lammel, I.M. Lebedev, Y. Li, J.B.J. Lidon, N.K. Lincoln, S.R. Loss, R. Marichal, R. Matula, J.H. Moos, G. Moreno, A. Morón-Ríos, B. Muys, J. Neirynck, L. Norgrove, M. Novo, V. Nuutinen, V. Nuzzo, M. Rahman P, J. Pansu, S. Paudel, G. Pérès, L. Pérez-Camacho, R. Piñeiro, J.-F. Ponge, M.I. Rashid, S. Rebollo, J. Rodeiro-Iglesias, M.Á. Rodríguez, A.M. Roth, G.X. Rousseau, A. Rozen, E. Sayad, L. van Schaik, B.C. Scharenbroch, M. Schirrmann, O. Schmidt, B. Schröder, J. Seeber, M.P. Shashkov, J. Singh, S.M. Smith, M. Steinwandter, J.A. Talavera, D. Trigo, J. Tsukamoto, A.W. de Valença, S.J. Vanek, I. Virto, A.A. Wackett, M.W. Warren, N.H. Wehr, J.K. Whalen, M.B. Wironen, V. Wolters, I.V. Zenkova, W. Zhang, E.K. Cameron and N. Eisenhauer. 2019. Global distribution of earthworm diversity. Science 366 (6464):480-485.