Thời gian gần đây, Hà Nội đã có những “cam kết” nhất định trong việc quản lý rác thải nhựa, tuy nhiên các chuyên gia, những chính sách của thành phố “chưa hữu hiệu” và chưa đủ “nghiêm khắc”.


Rác nhựa vứt ở trung tâm Hà Nội vào đêm giao thừa 1/1/2019. Ảnh: Vnexpress.

“Mỗi ngày trên địa bàn thành phố Hà Nội thải ra khoảng 7.500 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó lượng rác thải nhựa xấp xỉ 18%”, ông Phạm Văn Đức, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO), nói tại hội thảo "Cùng Hà Nội giảm rác nhựa - Hành động của chính quyền, doanh nghiệp và người dân" do Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) tổ chức ngày 8/11 tại Hà Nội. “Tại thời điểm năm 2000, tỉ lệ này chỉ khoảng 12% thôi; có nghĩa là tỉ lệ nhựa trong thành phần rác thải sinh hoạt, và tôi tin chắc - trong cả công nghiệp, xây dựng, y tế - càng ngày càng tăng”.

Trong khi đó, lĩnh vực tái chế chất thải nhựa vẫn chưa phát triển và thành phố gần như không phân loại rác tại nguồn. Từ năm 2006, Hà Nội đã thực hiện thí điểm dự án phân loại rác tại nguồn thành rác hữu cơ, vô cơ và rác tái chế, mà Urenco là một đơn vị phối hợp thực hiện. Dự án được triển khai tại 4 phường Phan Chu Trinh, Nguyễn Du, Thành Công, Láng Hạ, được đánh giá đã giảm 30% lượng rác đưa đi chôn lấp (ở các địa bàn triển khai). Nhưng dần dần, do thiếu kinh phí cũng như không có hệ thống xử lý triệt để, rác người dân phân loại ra cuối cùng… được đổ chung một chỗ.

“Chúng ta kêu gọi người dân phân loại nhưng nếu thành phố không đầu tư thì rác thải sinh hoạt được phân loại ra cũng không có hệ thống xử lý cuối cùng, ra bãi rác lại thành loại rác khác”, ông Đức nói. Đại diện Urenco cũng cho biết hiện nay trong hơn 7.000 tấn rác của thành phố Hà Nội, xử lý bằng công nghệ đốt và làm phân hữu cơ vẫn chỉ dưới 500 tấn/ngày, còn lại là chôn lấp.

“Việc phân loại tại nguồn chỉ ở mức phong trào thôi, còn lại hiện nay chúng tôi chỉ có mong muốn là thu sạch, thu nhanh, người dân bỏ rác đúng giờ đúng nơi quy định đã là tốt rồi. Việc phân loại rồi tái chế nhựa chỉ là tự phát”.

Với rác nhựa, tại bãi rác Nam Sơn, bãi rác lớn nhất Hà Nội ở huyện Sóc Sơn, có khoảng 600 người nhặt rác, bới lại sau đó tập trung, rửa và bán cho một số làng nghề. Các hoạt động này hoàn toàn tự phát và gây ô nhiễm thứ cấp.

“Công nghệ tái chế nhựa được sử dụng ở các thành phố lớn của Việt Nam áp dụng các công nghệ lỗi thời, hiệu quả thấp, thường tập trung ở các hộ gia đình, cơ sở tái chế nhỏ lẻ hoặc làng nghề”, bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó giám đốc Chi cục bảo vệ môi trường Hà Nội, nói.

Một năm trở lại đây, Hà Nội đã ban hành ba văn bản về giảm thiểu chất thải nhựa, trong đó có các nội dung hạn chế rác nhựa ở các cơ quan hành chính nhà nước và nâng cao nhận thức cộng đồng. “Điều này chứng tỏ một cam kết và mối quan tâm rất mạnh mẽ của chính quyền thành phố”, bà Lê Thanh Thủy, Trưởng phòng Quản lý dự án và truyền thông, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, nói. Tuy nhiên cam kết và quan tâm là một chuyện, bà Thủy lưu ý rằng đến thời điểm này “Hà Nội hoàn toàn chưa có được những chính sách hữu hiệu, cụ thể về vấn đề rác thải nhựa”.

Gần đây, thành phố Hà Nội phối hợp với công ty bao bì Tetra Pak tổ chức chiến dịch thu gom vỏ hộp sữa ở 637 trường học để tiến hành phân loại, tái chế. Dự kiến từ nay đến hết năm 2019, đầu năm 2020 sẽ có 1.000 trường học trên địa bàn thành phố tham gia chiến dịch này. Tuy nhiên, phản hồi từ một trường tiểu cho biết kết quả của chiến dịch không mấy lạc quan.

“Trường tôi mỗi ngày sử dụng 4.000 vỏ hộp sữa và đã đưa yêu cầu lên Sở Giáo dục Hà Nội về việc thu gom. Vấn đề nảy sinh là hiện tại 10 ngày mới thu một lần, với chúng tôi 10 ngày là 40.000 vỏ hộp và những vấn đề vệ sinh môi trường phát sinh, chúng tôi không thể để đó 10 ngày mới thu gom được”, bà Nguyễn Thị Phương, Phó hiệu trưởng trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, nói tại hội thảo. “Đến bây giờ gần hết tháng 11 chúng tôi vẫn ngày ngày vứt vỏ hộp sữa ra thùng rác bình thường.”

Chứng kiến tỉ lệ rác nhựa ngày càng tăng sau nhiều năm với các nỗ lực tuyên truyền, khuyến khích, Urenco cho rằng thành phố Hà Nội cần tỏ ra nhất quán hơn trong việc chống rác thải nhựa. “Chúng ta cứ đề nghị, khuyến khích nhưng chế tài nghiêm khắc thì rất là thiếu”, Phó Giám đốc Urenco nói, “ý tôi là phải có những chế tài nghiêm khắc hơn, nếu không [các hoạt động nhằm giảm thiểu rác thải nhựa] chỉ dừng ở phong trào thôi”.