Ếch thụ phấn, mộ cổ và bản đồ sao nằm trong số những hình ảnh khoa học đáng chú ý trong tháng 5 do Nature lựa chọn.
Đối tác thụ phấn. Loài ếch cây Izecksohn, tên khoa học là Xenohyla truncata, có thể là
loài lưỡng cư thụ phấn đầu tiên được biết đến trên thế giới. Trong một chuyến thám hiểm gần thị trấn Armação dos Búzios (Brazil), các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy loài này ăn mật hoa từ cây vú sữa. Trong quá trình này, phấn hoa dính vào lớp da ẩm trên lưng ếch và chuyển từ bông hoa này sang bông hoa khác. Tuy nhiên cần nhiều nghiên cứu hơn để chứng minh rằng đây là một loài thụ phấn.
Tàn tích và hài cốt. Các nhà khảo cổ học ở Peru phát hiện một ngôi mộ được xây dựng cách đây hơn 1.000 năm, trước thời Đế chế Inca, tại nghĩa trang Matacón, gần thị trấn Huaral. Họ tìm thấy hài cốt người và đồ tạo tác bằng gốm thuộc nền văn hóa Chancay, một nền văn minh cổ đại từng hiện diện ở các thung lũng ven biển miền trung Peru. Ngôi mộ có thể thuộc về một nhân vật cấp cao, vì được chôn cùng với những người hầu tuẫn táng hoặc người thân, và 4 con lạc đà không bướu. Các nhà nghiên cứu cho biết có thể do ngôi mộ ở gần khu vực dân cư sinh sống nên không bị cướp phá.
Tìm thấy trong "bãi rác". Loài ốc sên biển tím, tên khoa học là Janthina sp., này tạo ra một chiếc "thuyền" từ bong bóng chất nhầy giúp chúng nổi trên biển. Các nhà khoa học phát hiện chúng trôi nổi ở khu vực "bãi rác" của Bắc Thái Bình Dương, một vùng biển tích tụ nhiều rác thải nhựa. Dòng chảy mang theo các sinh vật khác có thể giúp ốc sên biển tím kiếm thức ăn và sinh sản.
Men bông tuyết. Trong một thí nghiệm, nấm men hình thành các cụm tế bào lớn, phân nhánh. Kết quả này giúp làm sáng tỏ sự tiến hóa của các sinh vật đa bào cách đây hàng triệu năm.
Để thực hiện thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã chọn ra các nhóm tế bào nấm men lớn nhất trong hơn 3.000 thế hệ nấm men và cho chúng phát triển. Các nhóm này dần chuyển từ dạng đặc và mềm như thạch sang khối cứng như gỗ, và phát triển lớn đến mức có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Các tế bào nấm men thậm chí còn phát triển một cách để di chuyển chất lỏng qua "cơ thể" của chúng, mang chất dinh dưỡng đến các tế bào nằm sâu bên trong khối.
Kiểm tra mắt. Tròng mắt của chim ó biển Phương Bắc (Morus bassanus)
chuyển từ xanh sang đen sau khi khỏi bệnh cúm gia cầm. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện hiện tượng này khi nghiên cứu các đàn chim ngoài khơi Scotland. Vẫn chưa rõ tại sao bệnh cúm gia cầm lại làm thay đổi màu mống mắt, nhưng đây có thể là một công cụ chẩn đoán không xâm lấn để theo dõi sự bùng phát cúm ở chim ó biển. Chủng
cúm gia cầm độc lực cao H5N1 đang lưu hành đã giết chết hàng trăm triệu con gia cầm trên toàn thế giới.
Bản đồ tới các vì sao. Các nhà thiên văn học tại Đài quan sát Paranal, thuộc Đài thiên văn Nam châu Âu ở Chile, đã tạo ra bản đồ gồm 5 khu vực hình thành sao bằng cách ghép nối hơn một triệu hình ảnh. Bản đồ cho thấy các khu vực hình thành sao trong các chòm sao Orion, Ophiuchus, Chamaeleon, Corona Australis và Lupus, và đã tiết lộ những vật thể mà chưa ai từng thấy trước đây. Hình ảnh giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về các quá trình khí và bụi vũ trụ hình thành sao.
Thú mỏ vịt tự do. Thú mỏ vịt đã được đưa trở lại công viên quốc gia lâu đời nhất của Úc, Công viên Quốc gia Hoàng gia Sydney. Cách đây nửa thế kỷ, loài này biến mất khỏi Công viên Sydney. Ngày 12/5, các nhà bảo tồn đã thả 4 con cái vào rừng. Mỗi cá thể sẽ được theo dõi trong 2 năm tới để hiểu rõ hơn về cách chúng tái định cư. Thú mỏ vịt là động vật có vú đẻ trứng sống ẩn dật và hiếm khi được phát hiện trong tự nhiên. Số lượng loài này đang ngày càng bị đe dọa do môi trường sống bị phá hủy, suy thoái sông ngòi, động vật ăn thịt và thời tiết khắc nghiệt.
Cuộc sống dưới nước. Nhà nghiên cứu y sinh Joseph Dituri đã phá kỷ lục về thời gian sống dưới nước lâu nhất. Dituri sống từ 1/3 trong một cabin dưới nước dành cho thợ lặn ở Florida Keys (Mỹ), và dự định ở đó đến ngày 9/6, hoàn thành nhiệm vụ 100 ngày có tên Dự án Neptune 100. Trong thời gian này, Dituri thực hiện các thí nghiệm sinh lý học để tìm hiểu cách cơ thể phản ứng khi tiếp xúc lâu dài với áp suất cực lớn dưới nước.
Tắc kè dù lượn. Sinh vật tuyệt đẹp này là một loài tắc kè nhảy dù mới được phát hiện ở Ấn Độ, có tên Gekko mizoramensis. Tắc kè nhảy dù sử dụng các vạt da dọc thân, tứ chi và đuôi như một chiếc dù để "bay lượn" từ cây này sang cây khác. Các nhà sinh vật học tìm thấy chúng trong khi khảo sát quần thể tắc kè ở đông bắc Ấn Độ. Họ nói rằng phát hiện mới cho thấy đời sống động vật và thực vật trong khu vực chưa được ghi chép đầy đủ.
Lạnh và ẩm mốc. Ảnh nhiệt (hiển thị dưới dạng bảng màu tương ứng với mức nhiệt độ) của nấm Pleurotus eryngii cho thấy nó lạnh hơn hẳn so với môi trường xung quanh. Khả năng duy trì thân nhiệt thấp này vẫn chưa được hiểu rõ, nhưng các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy khả năng này
ở nhiều loại nấm, bao gồm nấm mốc, nấm men và vi nấm men.
Nguồn: