Cuộc thi nhiếp ảnh thường niên mang tên Thế giới nhỏ của Nikon tiết lộ những kỳ quan của thế giới vi mô vốn không thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Đây là năm thứ 48 của cuộc thi, với gần 1.300 bài dự thi.
Giải Nhất thuộc về bức ảnh bàn tay của một phôi thai tắc kè khổng lồ Madagascar do các nhà nghiên cứu tại Đại học Geneva, Grigorii Timin và Michel Milinkovitch, tạo ra bằng cách sử dụng kính hiển vi chụp từng phần bàn tay phôi thai, sau đó kỳ công ghép các hình ảnh lại với nhau. Kết quả là một bức ảnh huỳnh quang cho thấy sự phức tạp của bàn tay tắc kè, thậm chí cho thấy cả các dây thần kinh, gân, dây chằng, xương và tế bào máu hoạt động hiệp đồng để giúp những sinh vật này phát triển khả năng leo trèo về sau.
Bức ảnh giành giải Nhì, trông như những chiếc kén màu sắc, thực ra là cấu trúc sản xuất sữa trong mô vú của con người. Tác giả bức ảnh là Caleb Dawson, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Y khoa Walter và Eliza Hall, Úc.
Một mảng tinh thể lỏng có cấu trúc, được phóng đại 40 lần. Tác giả Marek Sutkowski tại Đại học Công nghệ Warsaw đã lấy cảm hứng từ các bức ảnh chân dung của nhiếp ảnh gia người Ba Lan Benedykt Jerzy Dorys. “Phong cách của ông ấy rất sáng tạo và độc đáo trong thời kỳ trước và sau chiến tranh ở Ba Lan”, Sutkowski cho biết. Sutkowski gọi bức ảnh này là Chân dung một người đàn ông mặc đồng phục, đặt theo tên một tác phẩm nổi tiếng của Benedykt Jerzy Dorys.
Bức ảnh chụp loài nhện hầm thân dài (Pholcus phalangioides) một cách chi tiết chưa từng có. Andrew Posselt từ Đại học California, San Francisco, tạo ra bức ảnh bằng cách chọn ra phần sắc nét nhất từ hơn 200 bức ảnh và ghép chúng lại với nhau.
Bức ảnh chụp bọ hổ - một trong những loài côn trùng nhanh nhất trên thế giới - kẹp chặt một con ruồi. “Khá khó khăn để quan sát hoạt động săn mồi trong thế giới côn trùng”, của nhiếp ảnh gia Murat Öztürk,tác giả bức ảnh,cho biết. “Bọ hổ có bộ hàm khỏe và sắc bén. Cơ hội sống sót của những sinh vật bị loài côn trùng này bắt là rất thấp”.
Một rừng tế bào não đầy màu sắc, chụp bởi nhà nghiên cứu Andrea Tedeschi tại Đại học Bang Ohio, người nghiên cứu chấn thương sọ não và tủy sống. Những tế bào thần kinh này là một phần vỏ não vận động cảm giác của chuột, được nhuộm màu huỳnh quang và phóng đại lên 10 lần.
Được phóng đại 10 lần, tòa tháp nhỏ bé này là một chồng trứng bướm đêm mà nhiếp ảnh gia Ye Fei Zhang chớp được. Zhang cho biết: “Tôi tìm thấy ba quả trứng bướm đêm này trên một chiếc lá rất nhỏ, chúng xếp chồng lên nhau một cách kỳ lạ. Ban đầu không có vết đỏ nào trên bề mặt của những quả trứng. Trong hai ngày tiếp theo, phôi bướm đêm bên trong tiếp tục phát triển và xuất hiện những mảng màu đỏ đẹp mắt như vậy trên bề mặt trứng”.
Bức ảnh trông như những bông hoa này thực ra là mặt cắt ngang của ruột kết khỏe mạnh của con người, được phóng đại 20 lần. Ảnh được chụp bởi Ziad El-Zaatari, nhà giải phẫu bệnh học tại Bệnh viện Giám lý Houston. “Một phần quan trọng trong công việc của tôi là biết các mô khỏe mạnh trông như thế nào so với các mô bất thường, để nhận biết bệnh tật và đưa ra chẩn đoán chính xác”, El-Zaatari cho biết.
Hình ảnh nấm nhầy (Lamproderma), sinh vật đơn bào thường được cho là một trong những loài kỳ lạ nhất trên Trái đất. “Mặc dù có cái tên không hề hoa mỹ, nhưng nấm nhầy đẹp một cách đến kinh ngạc. Đây là loài yêu thích của tôi, vì hầu hết chúng đều có màu xanh tím óng ánh. Nấm trong ảnh nằm trên một chiếc lá mà tôi tìm thấy sau một trận mưa lớn", nhiếp ảnh gia Alison Pollack cho biết.
Nhân vật chính trong bức ảnh này là một loài thực vật thường thấy: măng tây. Tác giả bức ảnh, nhà nghiên cứu Olivier Leroux tại Đại học Ghent, mô tả cấu trúc của măng tây là “phức tạp nhưng mong manh”. Được bảo vệ bằng vảy, các tế bào ở ngọn măng tây trắng chứa tất cả các chỉ dẫn cần thiết để tạo ra các cơ quan của thực vật.
Trông giống như miệng của những con giun cát khổng lồ trong phim Dune (Xứ cát) và tiểu thuyết cùng tên của Frank Herbert, đây thực ra là mặt cắt ruột của chuột được nhuộm huỳnh quang. Bức ảnh là tác phẩm của các nhà nghiên cứu Satu Paavonsalo và Sinem Karaman tại Đại học Helsinki.
Màu sắc và kết cấu của hóa thạch xương khủng long bị khoáng hóa, chụp bởi nhiếp ảnh gia Randy Fullbright.
Nguồn: