Cơ quan quản lý của Mỹ đã cho phép tiêm phòng cho loài chim ưng California (Gymnogyps californianus) cực kỳ nguy cấp để chống lại một loại cúm gia cầm đang lan rộng trên toàn cầu.

Đây là lần đầu Mỹ chấp thuận việc tiêm phòng cúm gia cầm độc lực cao (HPAI) cho chim.

Động thái này được đưa ra khi chủng cúm gia cầm độc lực cao H5N1 giết chết gần 60 triệu gia cầm ở Mỹ tính đến 24/5, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC).

Quyết định tiêm phòng cho chim ưng California, một loài nguy cấp được giám sát chặt chẽ, không có nghĩa là Mỹ đang có kế hoạch tiêm phòng cho đàn gia cầm chăn nuôi.

H5N1 xuất hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc vào năm 1996 và kể từ đó đã gây ra những đợt bùng phát lẻ tẻ, thường bắt đầu vào mùa thu và tắt dần vào mùa xuân năm sau. Nhưng kể từ cuối năm 2021 đến nay, các đợt bùng phát đã kéo dài thêm cả suốt mùa hè.

Chủng cúm gia cầm độc lực cao này từng bùng phát trước đây, nhưng “chưa bao giờ đến mức như hiện nay ở Bắc Mỹ và châu Âu. Kể từ tháng 10/2021 đến nay, hơn 70 quốc gia ở 5 châu lục đã báo cáo các đợt bùng phát. Và vào ngày 22/5 vừa qua, Brazil, quốc gia xuất khẩu gia cầm lớn nhất thế giới, đã trở thành quốc gia Nam Mỹ thứ 8 tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

H5N1 có thể lây nhiễm sang người, nhưng hiếm và thường liên quan đến tiếp xúc gần với gia cầm bị nhiễm bệnh. Cho đến nay, không có trường hợp nào được ghi nhận lây truyền từ người sang người. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lo ngại rằng trong bối cảnh nhiều động vật có vú bị lây nhiễm, virus cuối cùng có thể phát triển khả năng lây lan từ người sang người.

Tiêm phòng cho chim ở Mỹ có thể ảnh hưởng đến các chính sách trong tương lai ở nhiều khu vực, chẳng hạn như chiến dịch dự kiến diễn ra vào tháng 9 ở Pháp, tiêm chủng cho những con vịt được nuôi để lấy gan. Ảnh: Reuters.

Hiện có một số loại vaccine phòng H5N1, nhưng việc tiêm vaccine cho gia cầm từ lâu đã gây tranh cãi giữa các nhà nghiên cứu và nông dân. Các nhà sản xuất gia cầm lo lắng về chi phí và khó khăn trong việc tiêm phòng cho hàng triệu con gia cầm, cũng như các hạn chế thương mại. Nhiều quốc gia cấm nhập khẩu gia cầm đã được tiêm phòng do lo ngại chúng có thể gây khó khăn cho việc theo dõi sự lây lan của virus.

Trước khi dịch bệnh này bùng phát, chính quyền Mỹ đã tuyên bố rằng các quy trình an toàn sinh học nghiêm ngặt - chẳng hạn như quy trình khử trùng tăng cường cho công nhân nông trại hoặc người quản lý động vật hoang dã và tiêu hủy gia cầm bị nhiễm bệnh - là đủ để giảm thiểu các tác động xấu nhất của cúm gia cầm độc lực cao. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ tử vong cao ở loài chim ưng California, loài chim lớn nhất ở Bắc Mỹ, do H5N1 đã buộc ngành y tế phải đánh giá lại cách tiếp cận.

Loài này gần như đã bị tuyệt chủng vào năm 1987, khi chỉ còn 27 cá thể hoang dã. Vì vậy cơ quan chức năng Mỹ đã bắt chúng, nhân giống chúng trong điều kiện nuôi nhốt và thả trở lại tự nhiên. Ngày nay, chim ưng California vẫn là một trong những loài chim quý hiếm nhất thế giới. Tính đến năm ngoái, có 537 cá thể với 63% sống trong tự nhiên. Từ đầu năm đến nay, có 21 con được phát hiện đã chết, 15 trong số đó có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm gia cầm độc lực cao.

Các chuyên gia cho rằng dùng vaccine là cách để bảo vệ loài quý hiếm. Tuy nhiên, chưa rõ vaccine vốn được cấp phép sử dụng cho gà có hiệu quả với chim ưng hay không. Ngay cả giữa gà và gà tây, 2 loài cùng một họ chim, vaccine vẫn có hiệu quả khác nhau.

Đợt tiêm chủng này cũng có ý nghĩa tham chiếu với các khu vực khác có nhu cầu tiêm chủng rộng hơn để hạn chế sự lây lan của virus.

Ví dụ, chính phủ Pháp đã đặt hàng 80 triệu mũi vaccine phục vụ chiến dịch tiêm phòng hàng loạt cho đàn gia cầm của nước này, bắt đầu từ vịt. Chiến dịch này là đầu tiên ở Liên minh châu Âu và sẽ bắt đầu vào tháng 9 tới. Trong khi đó, Trung Quốc đã tiến hành tiêm phòng cho đàn gia cầm của mình trong gần 20 năm qua và đạt được một số thành công trong việc giảm lây nhiễm cúm gia cầm ở gia cầm và người.

Bộ Nông nghiệp Mỹ đang thử nghiệm 4 vaccine H5N1 cho gia cầm, nhưng chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ triển khai một chiến dịch tiêm phòng rộng rãi hơn cho các loài gia cầm được nuôi thương mại.

Mặc dù tiêm chủng có thể là một công cụ quan trọng để kiểm soát các đợt bùng phát, nhưng các chuyên gia cho rằng, việc bảo tồn và khôi phục môi trường sống của các loài chim mới là giải pháp căn bản vì nó đảm bảo rằng động vật có thể chống lại không chỉ bệnh cúm gia cầm mà cả các dịch bệnh xảy ra tiếp theo.

Nguồn: