Miệng núi lửa trên Mặt trăng, kỳ nhông bị cây ăn thịt, hải mã Đại Tây Dương nghỉ ngơi bên bến cảng vào đêm giao thừa, toàn cảnh thiên hà... là những hình ảnh khoa học đặc sắc nhất tháng qua do trang tin Nature lựa chọn.


Toàn cảnh thiên hà. Một hình ảnh tổng hợp cho thấy hơn 3 tỷ vật thể trong Dải Ngân hà, bao gồm nhiều ngôi sao, tinh vân, và đám mây bụi và khí chưa từng được biết đến trước đây. Hình ảnh được tạo ra từ dữ liệu trong 2 năm quan sát của Máy ảnh Năng lượng Tối tại Đài thiên văn Cerro Tololo Inter-American ở Chile. Hình ảnh bao gồm 10 terabyte dữ liệu từ 21.400 lần chụp riêng lẻ. Các nhà nghiên cứu có kế hoạch kết hợp lượng dữ liệu này với dữ liệu từ các kính viễn vọng khác để tạo ra một cái nhìn toàn cảnh 360 độ về Dải Ngân hà.


Đóng băng. Một cơn bão mùa đông lớn, còn được gọi là bão bom, đã đổ về các vùng phía bắc Mỹ và Canada trong kỳ nghỉ lễ cuối năm, làm gián đoạn kế hoạch du lịch của hàng triệu người và khiến nhiều người mắc kẹt trong nhà của họ. Một trận bão tuyết đã khiến những ngôi nhà này ở Fort Erie, Canada, bị bao phủ bởi lớp băng dày và làm mất nguồn cung cấp điện cho hàng nghìn cư dân. Cơn bão bao trùm một diện tích hơn 3.000 km do gió lạnh Bắc cực gây ra khi di chuyển về phía nam.


Hồ nham thạch.Kīlauea, ngọn núi lửa trẻ nhất và hoạt động mạnh nhất ở Hawaii, bắt đầu phun trào vào ngày 5/1, tạo ra một vũng dung nham trong miệng núi lửa Halemaʻumaʻu. Bức ảnh này được chụp bởi camera giám sát của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ. Ngọn núi lửa có tuổi đời từ 210.000 đến 280.000 năm và nổi lên trên mực nước biển khoảng 100.000 năm trước. Khi hoạt động trở lại vào năm 2018, dòng dung nham phun ra liên tục từ Kīlauea trong nhiều tháng đã phá hủy hàng trăm ngôi nhà.


Ăn thịt. Hai con kỳ nhông không may đã trở thành nạn nhân của loài cây nắp ấm ăn thịt (Sarracenia purpurea) ở Canada. Bức ảnh đã giành chiến thắng chung cuộc trong cuộc thi Nhiếp ảnh cận cảnh của năm do công ty Affinity Photo 2 tổ chức.

Cây nắp ấm mọc trên đất nghèo dinh dưỡng và thường ăn côn trùng cùng các động vật không xương sống nhỏ khác, nhốt chúng trong những cấu trúc hình ấm chứa mật hoa làm nhiệm vụ như chất lỏng tiêu hóa. Điều kỳ lạ là quần thể loài thực vật này ở Công viên tỉnh Algonquin, Canada, thường xuyên ăn con mồi là động vật có xương sống. Nhiếp ảnh gia Samantha Stephens cho biết: “Vào ngày tôi chụp bức ảnh này, tôi đang theo dõi các nhà nghiên cứu khảo sát thực vật. Khi tôi bắt gặp, 2 con kỳ nhông nằm trong vũng chất lỏng của cấu trúc hình ấm đều đang ở giai đoạn thối rữa, tôi biết đó là một khoảnh khắc đặc biệt và thoáng qua".


Hải mã lang thang. Một con hải mã Đại Tây Dương (Odobenus rosmarus) có biệt danh là Thor đã thu hút đám đông ở Scarborough, Vương quốc Anh, khi nó nghỉ ngơi ở bến cảng vào đêm giao thừa. Một hàng rào đã được dựng lên và chính quyền thị trấn đã hủy bỏ màn bắn pháo hoa để không làm gián đoạn giấc ngủ của con vật. Người ta cho rằng đây là lần đầu tiên nhìn thấy một con hải mã ở Yorkshire, và loài này thường sinh sống xa hơn nhiều về phía bắc. Thor đã từng được phát hiện xa hơn về phía nam, ở Hampshire, vào đầu tháng 12. Và một con hải mã đực khác, tên là Wally đã xuất hiện trên một số bãi biển của Anh vào năm 2021.


Miệng núi lửa trên Mặt trăng. Bức ảnh này chụp Miệng núi lửa Tycho và là một trong những hình ảnh chi tiết nhất về bề mặt Mặt trăng chụp từ Trái đất. Ảnh được chụp bởi Kính thiên văn Green Bank ở Tây Virginia bằng cách sử dụng hệ thống radar thế hệ tiếp theo, trong tương lai được sử dụng để nghiên cứu và theo dõi các vật thể trong Hệ Mặt trời, bao gồm cả các tiểu hành tinh gần Trái đất.


Hài cốt cá sấu. Phần còn lại của 10 xác ướp cá sấu, không bị xáo trộn trong nhiều thế kỷ, đã được tìm thấy trong một ngôi mộ Ai Cập cổ đại. "Ngôi mộ" nằm bên dưới một bãi rác của đế chế Byzantine, tồn tại từ năm 330 đến 1453. Băng vải lanh dùng để quấn các xác cá sấu đã bị côn trùng ăn, cho phép các nhà nghiên cứu xác định được hai loài cá sấu trong mộ là Crocodylus niloticus và Crocodylus suchus. Các nhà Ai Cập học nói rằng sự hiện diện của các xác ướp mang lại hiểu biết về cách người Ai Cập cổ đại nhìn nhận vai trò của các loài động vật ở thế giới bên kia.


Hàng quý. Một con cá rồng biển (Phyllopteryx taeniolatus) mang những quả trứng màu hồng sáng dưới đuôi. Những con cá với vẻ ngoài khác thường này có họ hàng với cá ngựa, và con đực có nhiệm vụ mang và chăm sóc trứng trước khi chúng nở, thường trong khoảng một tháng. Bức ảnh được chụp ở ngoài khơi bờ biển phía đông nam nước Úc, đã giành chiến thắng một hạng mục tại cuộc thi chụp ảnh dưới nước, Ocean Art 2022.

Nguồn: