Nature chọn ra những bức ảnh đặc sắc nhất do Kính viễn vọng Không gian James Webb (JWST), bắt đầu quan sát vũ trụ vào đầu năm nay, ghi lại.
Cột Sáng thế. Đây là một khu vực có các ngôi sao đang hình thành,nằm cách Trái đất 2.000 parsecs (mỗi parsec là khoảng 31.000 tỷ km), thuộc chòm sao Serpens. Cột Sáng thế thực ra là các dải bụi vũ trụ trong quá trình hình thành sao. Có thể thấy các đốm sáng màu đỏ, là các ngôi sao vẫn đang trong quá trình hình thành, trên đỉnh của một số “cột”, vẫn được bao phủ bởi bụi. Những ngôi sao còn lại, các đốm sángmàu trắng ngả xanh, tím nằm bên trong các đám mây là những ngôi sao đã "rũ bụi".
Tường mây. Đây là một trong những khung cảnh ấn tượng nhất, một trong những hình ảnh đầu tiên từ JWST được công bố vào tháng 7. Cảnh quan nằm trong Tinh vân Carina, cách Trái đất khoảng 2.300 parsecs. Những đám mây màu cam bao gồm khí và bụi đang được định hình bởi bức xạ ion hóa phát ra từ các ngôi sao phía trên chúng. Nhờ độ phân giải cao, JWST tiết lộ các chi tiết như cột và tia bên trong đám mây bụi, nơi các ngôi sao mới hình thành. Kính viễn vọng cũng nhìn xuyên qua những đám mây để cho thấy các ngôi sao và thiên hà riêng lẻ bên ngoài.
Một ngôi sao chào đời. Ở trung tâm của chiếc đồng hồ cát rực lửa này là một khối khí nóng, đang hình thành một ngôi sao. Được biết đến với cái tên L1527, ngôi sao "sơ sinh" chỉ mới khoảng 100.000 năm tuổi và sẽ mất một thời gian để kích hoạt phản ứng tổng hợp hạt nhân và trở thành một ngôi sao trưởng thành. Ở đây, khí và bụi kết tụ lại với nhau, tạo thành một đĩa bồi tụ xuất hiện dưới dạng một dải màu đen nhỏ ở giữa ảnh. Các đám mây khí và bụi thổi ra hai bên, tạo thành hình đồng hồ cát. Màu xanh là những vùng bụi mỏng nhất và màu cam là những vùng dày nhất.
Hành tinh có vành đai. Khi đến gần mặt trăng Triton, vật thể sáng ở bên trái, Sao Hải Vương có hình dạng bất thường với một số vành đai hẹp, sáng bao quanh. Ảnh bước sóng hồng ngoại của kính viễn vọng cũng đã tiết lộ các chi tiết như độ sáng gần cực bắc của hành tinh và các đám mây bao quanh nam.
Vòng xoáy Phantom. Trái tim đầy sao của Thiên hà Phantom từng được chụp bởi Kính viễn vọng Hubble, cho thấy các đường uốn lượn đi theo hình xoắn ốc vào tâm Thiên hà. Nhưng ảnh mới từ JWST cho thấy cả các chi tiết khí và bụi của cấu trúc xoắn ốc, và cụm sao ở lõi lấp lánh màu xanh lam. Thiên hà nằm trong chòm sao Song Ngư, cách Trái đất 10 triệu parsecs.
Bánh xe vũ trụ. Ánh sáng từ Thiên hà Cartwheel, nằm trong chòm sao Sculptor và cách Trái đất khoảng 153 triệu parsecs, tạo thành hình giống như nan hoa trong bánh xe. Ánh sáng này hình thành khi một thiên hà nhỏ đâm vào một thiên hà xoắn ốc lớn, làm biến dạng cấu trúc của thiên hà lớn. Tầm nhìn hồng ngoại của JWST có thể xuyên qua phần lớn bụi và cho thấy rõ chi tiết các ngôi sao trong thiên hà. Các ngôi sao trẻ xuất hiện dưới dạng các chấm màu xanh lam. Màu đỏ đại diện cho các khu vực giàu hydrocacbon và các hợp chất khác. Màu tím trong ảnh là lớp dữ liệu tia X từ Đài quan sát tia X Chandra của NASA xếp chồng lên ảnh gốc của JWST, cho thấy khí nóng và các hiện tượng năng lượng cao.
Vườn ươm sao. Những ngôi sao mới lấp lánh màu xanh lam giống như pháo hoa. Bụi màu cam và trắng bao xung quanh là Tinh vân Tarantula. Đây là khu vực hình thành sao lớn nhất và sáng nhất trong trong cùng khu vực với Thiên hà Milky Way, và là nơi có những ngôi sao sáng nhất và nặng nhất được biết đến. Hình ảnh này chụp lại một khu vực rộng khoảng khoảng 110 parsecs.
Các thiên hà xa xôi. Hầu hết các thiên hà trong hình ảnh này cách Trái đất khoảng 1 tỷ parsecs. Thậm chí một thiên hà, được đánh dấu trong khung hình vuông viền trắng, cực kỳ mờ nhạt, cách xa Trái đất nhiều tỷ parsecs. Đây có thể là thiên hà xa nhất từng được nhìn thấy, một kỳ tích chỉ có thể thực hiện được nhờ khả năng quan sát bước sóng đỏ của JWST. Thiên hà này có thể đã xuất hiện chỉ 450 triệu năm sau vụ nổ Big Bang.
Những vòng bụi. Ít nhất 17 vòng bụi bao quanh hệ sao khổng lồ được gọi là WR 140, trong chòm sao Cygnus và cách chúng ta khoảng 1.800 parsecs. Trong hệ sao gồm 2 ngôi sao khổng lồ quay quanh nhau. Cứ 8 năm một lần gần khi 2 ngôi sao đến gần nhau nhất, hệ sao thải ra một lượng bụi vào không gian, tạo ra các vòng đồng tâm trôi dần ra ngoài như vòng tuổi của cây. JWST đã tiết lộ nhiều vùng bụi này hơn so với các kính viễn vọng trước đây.
Nguồn: