Sự ra đời của một ngôi sao và ảnh nhiệt cho thấy nhiệt độ đô thị cực cao nằm trong số những hình ảnh khoa học ấn tượng nhất trong tháng Tám do trang tin Nature lựa chọn.


Nhẫn cầu vồng. Camera cận hồng ngoại của Kính viễn vọng Không gian James Webb JWST đã chụp được Tinh vân Chiếc Nhẫn với độ chi tiết chưa từng có. Thiên thể này có hình bánh vòng, được hình thành khi một ngôi sao đang chết giải phóng vật chất ở lớp vỏ bên ngoài. Tinh vân Chiếc Nhẫn cách Trái đất khoảng 2.500 năm ánh sáng, trong chòm sao Lyra. Hình ảnh cho thấy những chi tiết phức tạp về cấu trúc của các vòng tinh vân, có màu hồng và cam, được tạo thành từ các khí nóng.


Ngôi nhà duy nhất sống sót. Cháy rừng đã tàn phá đảo Maui của Hawaii từ đầu tháng 8 đến ngày 18/8, cướp đi hơn 100 sinh mạng và gây thiệt hại hàng tỷ USD. Thế nhưng ngôi nhà kỳ lạ này lại sống sót giữa đám cháy. Các chuyên gia cho rằng việc ngôi nhà được chủ cải tạo vào năm ngoái đã giúp nó sống sót trong khi những ngôi nhà khác xung quanh bị thiêu rụi. Vào năm ngoái, chủ sở hữu của ngôi nhà 100 năm tuổi đã lợp mái kim loại và loại bỏ một số tán lá xung quanh nhà, cả hai việc này có thể giúp tránh bắt lửa.


Bóng san hô. Bức ảnh một rạn san hô gần đảo Mayotte ở Ấn Độ Dương, do nhiếp ảnh gia dưới nước Gabriel Barathieu chụp, đã được chọn vào chung kết cuộc thi nhiếp ảnh đại dương thường niên của Oceanographic. Để chụp được hình ảnh rạn san hô phản chiếu dưới mặt nước, giống như một căn phòng có trần bằng gương, Barathieu đã phải canh một khoảnh khắc mặt nước tĩnh lặng hoàn toàn khi thủy triều xuống. “Tôi phải thở hết không khí ra khỏi phổi để lặn xuống mà không khuấy động bất kỳ trầm tích nào xung quanh. Tôi đã đợi trong trạng thái ngưng thở trong ít nhất một phút trước khi chụp được bức ảnh nhờ một góc máy ảnh hoàn hảo", Barathieu nói.


Nhện lông vàng. Đây là Chaetopelma persianum, một loài nhện tarantula mới được mô tả. Nó được tìm thấy bởi những người đam mê thiên nhiên ở Dãy núi Zagros của Iran. Những sợi lông màu vàng, bông như len của nó khác thường đến mức từ một mẫu vật duy nhất có thể thấy rõ nó thuộc về một loài mới. Phát hiện này đã mở rộng phạm vi phân bố đã biết của chi nhện Chaetopelma thêm gần 350 km và cũng là lần đầu ghi nhận sự xuất hiện của chi này ở Iran.


Chiếc hồ biến mất. Các hồ và đầm phá ven biển Tunisia đang phải chịu tác động của nhiệt độ cao và hạn hán kéo dài. Những hình ảnh do vệ tinh Copernicus Sentinel-2 chụp vào tháng 8 năm 2021 (trái) và năm 2023 (phải) cho thấy một phá nước, nơi làm tổ quan trọng của các loài chim di cư, đã gần như cạn kiệt hoàn toàn.


Ngôi sao sơ sinh. Đây là một trong những hình ảnh chi tiết nhất từng được chụp về một ngôi sao đang chào đời. Bức ảnh được chụp bởi Kính viễn vọng Không gian James Webb JWST, cho thấy những tia vật chất nóng chảy từ Herbig-Haro 211-mm, một trong những ngôi sao trẻ nhất được biết đến. Tom Ray, nhà thiên văn học tại Viện Nghiên cứu Cao cấp Dublin, cho biết: “Khi một ngôi sao hình thành, nó phát ra những chùm vật chất siêu âm có thể kéo dài vài năm ánh sáng”. Các chùm này chứa vật chất ở dạng nguyên tử. Bản thân ngôi sao nằm trong khoảng tối gần tâm ảnh, bị bụi che khuất.


Bão Hilary. Hình ảnh vệ tinh do Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ chụp vào giữa tháng 8 cho thấy một hệ thống bão lớn ngoài khơi bờ biển Thái Bình Dương của Mexico. Đây là lần đầu chính quyền Mỹ phải đưa ra cảnh báo bão nhiệt đới cho miền nam California. Cơn bão – có tên là Hilary – đổ bộ vào miền bắc Mexico vào ngày 20/8 và sau đó di chuyển qua California và Nevada, mang theo gió mạnh và lượng mưa kỷ lục dẫn đến lũ quét ở một số khu vực.


Khám nghiệm xác cá voi. Các nhà nghiên cứu đã điều tra cái chết của một con cá voi lưng gù (Megaptera novaeangliae) bị mắc cạn trên một bãi biển ở phía đông bắc Scotland và kết luận rằng con vật có thể đã chết đuối. Cá voi là động vật có vú, lặn bằng cách lấy hơi và nín thở chứ không thở dưới nước bằng mang như các loài cá khác. “Sự phục hồi của quần thể cá voi lưng gù Bắc Đại Tây Dương cũng làm tăng nguy cơ vướng vào ngư cụ ở các vùng nước ven biển”, Paul Thompson, nhà động vật học tại Đại học Aberdeen (Anh), cho biết. Hình ảnh này, được chụp bằng máy bay không người lái, đã giành giải nhì trong cuộc thi hình ảnh Tiến hóa và Sinh thái BMC năm nay.


Những ngày hè kéo dài kỷ lục. Thành phố Phoenix (bang Arizona, Mỹ) đã có nhiệt độ trên 43°C trong 31 ngày liên tiếp, phá kỷ lục được thiết lập vào năm 1974. Hình ảnh được chụp bằng máy ảnh nhiệt cho thấy bê tông trên đường nóng tới 66°C và cơ thể người lao động ngoài trời lên tới 41°C.


Hươu cao cổ không đốm. Một con hươu cao cổ (Giraffa camelopardalis) sinh ra tại vườn thú ở bang Tennessee (Mỹ) có thể là cá thể hươu cao cổ duy nhất trên thế giới không đốm. Sở thú cho biết màu sắc hiếm gặp của con hươu cái này - toàn bộ cơ thể màu nâu - là do đột biến gen và nó “khỏe mạnh và bình thường”. Lần cuối một con hươu cao cổ không có đốm ra đời là vào năm 1972 tại một vườn thú ở Tokyo.

Nguồn: