Dải ngân hà, robot siêu nhỏ và cảnh quan dung nham nằm trong số những hình ảnh khoa học ấn tượng nhất tháng 6 do trang tin Nature lựa chọn.


Bầu trời đầy sao. Cảnh tượng gây choáng ngợp này, được ghi lại bởi nhiếp ảnh gia Stefan Liebermann, cho thấy Dải Ngân hà hình vòm trên những cây bao báp ở Madagascar. Các đám mây màu được tạo ra bởi hiện tượng khí huy hay tương tác giữa các nguyên tử tích điện trong khí quyển. Đây là một trong 25 bức ảnh được chọn cho cuộc thi Nhiếp ảnh Dải ngân hà năm nay. Lieberman nói: “Bức ảnh này có ý nghĩa rất lớn đối với tôi và tôi thậm chí khó có thể kể lại quá trình chụp khó khăn đến mức nào, từ điều kiện đường sá cho đến việc phải có những nhân viên an ninh có vũ trang bảo vệ khi chụp ảnh, toàn bộ quá trình là một cuộc phiêu lưu”.


Trật tự từ sự hỗn loạn. Hình ảnh này cho thấy có một mẫu hình được hình thành khi hàng chục robot siêu nhỏ - hay microbot - được thả xuống nước và chịu tác động của từ trường. Microbot thực ra là các đĩa từ có đường kính bằng một phần nhỏ của milimet. Dưới tác động của từ trường, các microbot tự sắp xếp thành một mẫu hình, những "con" lớn hơn ở trung tâm và những "con" nhỏ hơn ở bên ngoài. Các nhà nghiên cứu cho biết họ có thể lập trình các microbot để phân cụm và di chuyển. Một ngày nào đó, hiện tượng này có thể được sử dụng để lắp ráp các cấu trúc vi mô và để hiểu quá trình tự tổ chức giữa các phân tử trong một hệ thống sinh học.


Cảnh quan dung nham. Một trong những ngọn núi lửa được giám sát chặt chẽ nhất trên thế giới đã hoạt động trở lại. Hình ảnh rực lửa này cho thấy núi lửa Kīlauea ở Hawaii bắt đầu phun trào vào ngày 7/6 và tạo ra cảnh tượng dung nham phát sáng. Ngọn núi lửa này được các nhà khoa học đặt nhiều hệ thống máy ảnh, dụng cụ đo biến dạng mặt đất và hoạt động địa chấn. Năm 2018, một vụ phun trào dữ dội của Kīlauea đã được các nhà khoa học nghiên cứu kỹ lưỡng.


Phát sáng như sao. Hình ảnh này cho thấy bốn tia laser mạnh thuộc Kính viễn vọng Very Large ở Sa mạc Atacama, Chile. Các tia laser làm cho các nguyên tử sodium trong bầu khí quyển phát sáng giống như các ngôi sao nhân tạo, giúp kính thiên văn hiệu chỉnh sự biến dạng ánh sáng trong khí quyển của các ngôi sao thực, và do đó tạo ra hình ảnh sắc nét hơn. Kính viễn vọng Very Large - do Đài thiên văn Nam châu Âu điều hành - đã thu được những hình ảnh đầu tiên cách đây 25 năm, vào tháng 5/1998, và kể từ đó đã tham gia vào nhiều nghiên cứu quan trọng bao gồm nghiên cứu về lỗ đen siêu lớn ở trung tâm Dải Ngân hà.


Vũ khí chết người. Thanh kiếm bằng đồng 3.000 năm tuổi có chuôi hình bát giác này mới đây được khai quật ở miền nam nước Đức. Nó đến từ một ngôi mộ, chứa các đồ tạo tác bằng đồng, trong đó chôn cất một người đàn ông, một phụ nữ và một cậu bé.

Các nhà khảo cổ cho rằng thanh kiếm là một vũ khí thực sự chứ không chỉ là một vật trang trí như những thanh kiếm thời kỳ đồ đồng được bảo quản tốt khác được tìm thấy cho đến nay.


Ô nhiễm không khí. Khói từ các đám cháy rừng ở Canada đã biến bầu trời khắp vùng đông bắc nước Mỹ thành màu cam. Cảnh tượng vừa bất thường vừa đáng lo ngại vì nhiều người dân thành phố đang chìm trong khói độc. Hơn 4 triệu ha rừng đã bị cháy trên khắp Canada trong năm nay - gấp đôi mức trung bình cùng kỳ trong lịch sử. Chưa có lời giải thích chắc chắn cho mùa cháy cực đoan này, nhưng các nhà khoa học cho biết biến đổi khí hậu là một yếu tố thúc đẩy thời tiết cực kỳ nóng, khô và nhiều gió, các yếu tố dễ gây cháy.


Trở về Trái đất. Ba phi hành gia từ sứ mệnh Thần Châu 15 của Trung Quốc đã trở về Trái đất sau chuyến đi kéo dài 6 tháng tới trạm vũ trụ Thiên Cung. Họ đã hạ cánh an toàn tại một bãi đáp ở sa mạc Gobi vào ngày 4/6. Trong thời gian ở trong không gian, các thành viên phi hành đoàn đã thực hiện các chuyến "đi bộ" ngoài không gian và thực hiện các thí nghiệm, gồm chụp ảnh da của một phi hành gia bằng kính hiển vi và thử nghiệm một bộ chuyển đổi biến nhiệt thành năng lượng điện.


Nơi ẩn náu dưới biển sâu. Các nhà khoa học đã chụp được ảnh loài san hô Paramuricea clavata trong một chuyến thám hiểm ngoài khơi bờ biển phía nam nước Pháp. Mùa hè năm ngoái ở phía tây Địa Trung Hải, nhóm lớn của loài san hô này - được gọi là gorgonia - đã chết hàng loạt vì nhiệt độ cao bất thường. Phát hiện mới đem lại hy vọng rằng những con gorgonia ở dưới một độ sâu nhất định vẫn sống sót, vì môi trường xung quanh chúng ít bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi nhiệt độ. Các nhà khoa học đã lấy mẫu và sẽ phân tích DNA của san hô để hiểu rõ hơn về mối quan hệ của chúng với những loài khác trong khu vực.


Phổi nhỏ. Trong hình ảnh hiển vi này, các hạt SARS-CoV-2 (màu đỏ tươi) lây nhiễm các mô phế nang và đường thở (màu xanh lam) trong nụ phổi, các đơn vị nhỏ tạo thành phổi của con người. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng tế bào gốc để xây dựng những nụ phổi này để phân tích cách mô phổi bị virus xâm nhập.

Nguồn: