Chính phủ đang ưu tiên phòng chống và dập dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân nhưng cơ bản nền kinh tế vẫn tiếp tục duy trì tăng trưởng, dù ở mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Ngày 27/3, Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu tình hình kinh tế xã hội Quý I năm 2020. Tăng trưởng GDP quý I chỉ dừng ở mức 3,82%. Trong mức tăng chung, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 0,08%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,15% và khu vực dịch vụ tăng 3,2%.
Hầu hết các chỉ số kinh tế đều giảm so với cùng kì năm ngoái, nguyên nhân lớn xuất phát từ dịch Covid-19 đang lây lan mạnh trên khắp thế giới và trong nước.
Các chỉ số thấp hơn cùng kì năm ngoái cho thấy nền kinh tế trong nước đã bị ảnh hưởng khá lớn. Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhận định mặc dù Chính phủ đang ưu tiên phòng chống và dập dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân nhưng "cơ bản nền kinh tế vẫn tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm." Đó là tín hiệu tích cực.
Ông cũng nhấn mạnh tới việc có điều chỉnh kịch bản tăng trưởng theo tác động của dịch bệnh COVID-19. Hiện có hai phương án: Kịch bản 1 dịch kéo dài hết quý II, dập thành công, hoạt động trở lại bình thường, tăng trưởng đạt trên 5%. Kịch bản 2 dịch bệnh kéo dài sang quý III, tăng trưởng 5%.
Ông cho rằng để đạt tăng trưởng cả năm 6,8% như Quốc hội đặt ra là rất khó, bởi độ mở của nền kinh tế rất lớn, trên 200%, phụ thuộc nhiều bên ngoài, trong khi các nước đối tác đều đang đóng cửa hoặc hạn chế giao thương.
Tuy nhiên, trong khó khăn của dịch bệnh vẫn có thể tìm ra cơ hội để thay đổi và phát triển, bằng chứng là một số ngành như bảo hiểm, truyền thông có xu hướng tăng vượt trội. Dịch COVID-19 có khả năng sẽ thay đổi quan điểm phát triển, cơ cấu kinh tế, cách tiếp cận của Việt Nam và nhiều quốc gia khác.
Dưới đây là các chỉ số thống kê của Quý I/2020.
Ngô Hà