Trung tâm Hành động và liên kết vì môi trường và phát triển (CHANGE) vừa đã cho ra mắt bộ ảnh chia sẻ góc nhìn về hiện trạng ô nhiễm không khí của những người dân đang sinh sống tại Hà Nội và TPHCM.

Ô nhiễm không khí, cụ thể là bụi mịn, được mệnh danh là một “sát thủ vô hình” vì khả năng tổn hại đến sức khỏe mang tính nguy cấp, thế nhưng lại dễ bị cộng đồng bỏ quên vì nó không gây ra những triệu chứng tức thời như các loại dịch bệnh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chỉ ra, ONKK là nguyên nhân chính gây ra cái chết của 7 triệu người trên thế giới mỗi năm, trong đó hơn 1,7 triệu nạn nhân là trẻ em dưới 5 tuổi.

Ô nhiễm không khí đang ở mức báo động
Ô nhiễm không khí ở Việt Nam đang ở mức báo động Ảnh: CHANGE

Bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc CHANGE, cho biết, trong khuôn khổ của chiến dịch “Không khí sạch, bầu trời xanh" năm qua, CHANGE đã khảo sát và tổng hợp ý kiến của 20.000 người trên toàn quốc về ONKK. Kết quả cho thấy 75% cảm thấy không hài lòng với chất lượng tại khu vực mình sinh sống, 18% ý kiến cho rằng nên áp dụng hình thức thu phí khí thải đối với các phương tiện giao thông. Theo đó, người dân mong muốn có một bộ luật riêng được ban hành nhằm quản lý chất lượng không khí hiệu quả hơn. Cần phải có các biện pháp chính sách như thu phí khí thải đối với các ngành công nghiệp nặng như sắt, thép, xi măng, nhiệt điện, hoá chất… và thắt chặt tiêu chuẩn phát thải để cải thiện tình trạng không khí. “Hiện nay, vấn đề ONKK cần phải nhận được sự chú ý xứng đáng và chúng tôi cần mọi người, mọi tiếng nói, cùng tham gia với chúng tôi” – bà Hồng nói.

Bộ ảnh “Chuyện ngày xám” đã phản ánh bức tranh đa chiều và tiếng nói của cộng đồng về ONKK, cho thấy người dân đang phải chống chọi lại tác động nặng nề của ONKK với sức khỏe của mình. Bên cạnh những giải pháp cục bộ mà các hộ gia đình ứng dụng, có không ít những giải pháp sáng tạo được đề ra bởi các nhóm cộng đồng trẻ, thể hiện tín hiệu lạc quan về ý thức cải thiện chất lượng không khí tại Việt Nam.

T
PGS. TS Nguyễn Đình Tuấn, Phó chủ tịch Hội nước và Môi trường TPHCM. Ảnh: CHANGE

PGS. TS Nguyễn Đình Tuấn, Phó chủ tịch Hội nước và Môi trường TPHCM chia sẻ, ông làm về lĩnh vực không khí đã hơn 40 năm, có thể nhận thấy những vấn đề về không khí, môi trường thường được ít xã hội quan tâm, ít hơn cả vấn đề về nước hay rác thải. Bởi ô nhiễm không khí thiếu tính trực quan, mọi người hay thờ ơ bởi còn hít thở thì còn sống được, thở cũng không tốn tiền, nên người dân không quan tâm lắm. Theo ông, mỗi cá nhân cho đến từng doanh nghiệp, cơ quan, Chính phủ cần sự đồng lòng và cố gắng quyết liệu để thay đổi, thay đổi từ những gì nhỏ nhất, như trong luật lệ, chính sách, quy hoạch của chính quyền cho đến thay đổi nhận thức và thói quen của người dân.

T
TS. BS Trần Ngọc Đăng, Đại học Y Dược TP HCM. Ảnh: CHANGE

Theo TS.BS Trần Ngọc Đăng, Đại học Y Dược TP HCM, trong câu chuyện về ONKK thì trẻ em là nhóm đối tượng cần được bảo vệ đầu tiên, bởi hệ miễn dịch của các em hầu như chưa phát triển hoàn thiện, còn rất “mỏng manh” trước các tác nhân gây bệnh trong không khí. “Để giảm thiểu ô nhiễm, mỗi người chúng ta cần có một lối sống thân thiện với môi trường hơn. Ví dụ, với những khoảng cách gần, ta có thể đi bộ thay vì sử dụng xe máy để giảm phát thải, hoặc dùng phương tiện giao thông công cộng và trồng thêm nhiều cây xanh. Chỉ cần mỗi người thay đổi một ít, dần có ý thức hơn thì cộng đồng sẽ tốt đẹp hơn", theo BS Đăng.

Người khiếm thi tại TPHCM Ảnh
Người khiếm thị tại TPHCM. Ảnh: CHANGE

Một người khiếm thị cho biết, không khí ở TPHCM giờ khác rồi, hầu như toàn ngửi thấy khói bụi, nó cứ nằng nặng, ngồm ngộp, khó thở, nên phải hạn chế ra ngoài. Những người không nhìn thấy rất ghét bụi bởi dù không nhìn được nhưng người khiếm thị cảm nhận được một cách sâu sắc qua xúc giác, khứu giác... Vậy nên nếu ai có dịp đến các trung tâm dành cho người khiếm thị, các bạn sẽ thấy đồ vật luôn thường được lau dọn sạch sẽ. “Tôi cảm giác thành phố giống như một ổ kiến lửa, bàn tay chỉ còn chạm vào cát và bê tông, bàn tay tìm kiếm thân cây dần vắng bóng... nghĩ cũng buồn”, ông chia sẻ.

n
Nhóm Xanh Hà Nội. Ảnh: CHANGE

Tại Hà Nội, vào mỗi cuối tuần, những bạn trẻ thuộc Nhóm Xanh Hà Nội vẫn đang cần mẫn trồng cây xanh tại các khu sinh hoạt cộng đồng với ước mơ phủ xanh thành phố. Trong suốt 2 năm hoạt động, Xanh Hà Nội đã trồng được hơn 1.500 cây xanh và đang ấp ủ dự định mở rộng mô hình “phủ xanh đô thị” ra các tỉnh như Ninh Bình, Quảng Ninh,...

Nhóm Bitpo   Ảnh
Nhóm Bitpo. Ảnh: CHANGE

Nhóm sinh viên trường Đại học Kinh tế - Luật có tên gọi “Bitpo”, đã hình thành ý tưởng về sản phẩm màng chắn bằng tảo và diệp lục để giảm thiểu khí CO2 từ ống pô xe máy. Dự án này nhận được đánh giá cao từ giới chuyên môn nhờ tính khả thi, giá thành rẻ và thân thiện với môi trường và vẫn đang từng bước hiện thực hóa.