Từ số ca nhiễm đến các bài báo được công bố và lượng khí thải carbon, những dữ liệu này cho thấy một đợt bùng phát virus chưa từng thấy và các tác động của nó trên khắp thế giới.

Virus đang lây lan thế nào trên toàn thế giới?

Chủng mới của virus corona xuất hiện ở Vũ Hán, thành phố 11 triệu dân ở tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, vào cuối năm 2019. Các trường hợp mắc bệnh do virus này gây ra, COVID-19, đã tăng lên vài nghìn mỗi ngày ở Trung Quốc vào cuối tháng 1 và đầu tháng 2, thời điểm đỉnh dịch của nước này.

Số ca nhiễm bệnh xuất hiện mỗi ngày kể từ đó đã giảm mạnh ở Trung Quốc, nhờ các nỗ lực ngăn chặn. Nhưng COVID-19 hiện đang là đại dịch toàn cầu. Các đợt bùng phát dịch lớn ở Hàn Quốc, Iran, Ý và các nơi khác đã làm tăng đột biến các ca nhiễm ở hơn 180 quốc gia.

Đến ngày 23/3, trên thế giới có 335.396 người mắc COVID-19, 14.611 người tử vong, trong đó Ý có 59.138 người mắc và Hoa Kỳ có 32.356 ca.

Tổng số ca nhiễm được xác nhận bên ngoài Trung Quốc từ lâu đã vượt xa số ca trong nước, và vào ngày 13/3 Tổng giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết châu Âu đã trở thành tâm điểm của đại dịch.

COVID-19 so với các bệnh khác?

Trục ngang: mức độ lây nhiễm, R0 từ 0 đến 6; Trục dọc: tỷ lệ tử vong từ 0 đến 50%.
Covid-19 được biểu thị bằng màu cam, so với các dịch bệnh khác màu xanh dương.

Các ước tính hiện tại về tỷ lệ tử vong của COVID-19 cho thấy virus corona này ít gây tử vong hơn các mầm bệnh gây ra các đợt bùng phát quy mô lớn khác, như SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng), MERS (hội chứng hô hấp Trung Đông) và Ebola.

Nhưng virus này dường như cũng dễ lây lan hơn các virus khác, bao gồm cả cúm mùa. Tính toán hệ số sinh sản cơ bản của virus, hoặc R0 - số người trung bình một người bị nhiễm virus sẽ lây truyền, khoảng từ 2 đến 2,5.

Giống như tỷ lệ tử vong, R0 là ước tính có thể thay đổi đáng kể theo vị trí, nhóm tuổi, thời gian. Nó được tính toán bằng cách sử dụng các mô hình có tính đến thời gian một người nhiễm bệnh vẫn còn truyền nhiễm, khả năng lây nhiễm và tần suất họ tiếp xúc với người khác.

Các nghiên cứu coronavirus mới được xuất bản nhanh như thế nào?

Số công bố về virus corona mới (đường màu xanh: bản thảo; đường màu đỏ: bài báo đã xuất bản)

Đại dịch đã thúc đẩy một đợt bùng nổ nghiên cứu về virus corona. Tìm kiếm các nghiên cứu sử dụng các thuật ngữ 'virus corona mới', 'ncov', 'COVID-19' và 'SARS-CoV-2' trên các máy chủ bioRxiv, medRxiv, ChemRxiv và ChinaXiv , cũng như các ấn phẩm được liệt kê bởi WHO và trên Google Scholar, Nature ước tính, đến ngày 12/3, đã có khoảng 900 bài báo, bản in và báo cáo sơ bộ về một loạt chủ đề liên quan đến virus corona, bao gồm cấu trúc của virus; cách nó lây lan trong các cộng đồng khác nhau; đặc điểm lâm sàng của bệnh; mục tiêu thuốc tiềm năng; biện pháp kiểm dịch hiệu quả; và các tác động tâm lý của đại dịch đối với nhân viên y tế.

Ít nhất 20 trong số các bản thảo được chia sẻ sớm trong đợt bùng phát về sau đã được công bố chính thức trên các tạp chí có bình duyệt.

Các nhà nghiên cứu cũng đã chia sẻ dữ liệu gen về virus bằng cách sử dụng các nền tảng trực tuyến như GISAID và GenBank, cũng như chia sẻ một số thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành về vắc-xin hoặc phương pháp điều trị tiềm năng.

Hạn chế đi lại ảnh hưởng thế nào đến khí thải carbon và chất lượng không khí?

Nồng độ NO2 trong không khí ở Trung Quốc từ ngày 1-20/1 (trái), và từ ngày 10-25/2 (phải) khi nước này thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch

Những nỗ lực của Trung Quốc trong việc kiểm soát dịch bệnh dường như đã hạn chế tiêu thụ năng lượng - và ô nhiễm không khí. Dữ liệu vệ tinh do NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu thu thập cho thấy khí nitơ dioxide (NO2) giảm mạnh trong khí quyển, đây là loại khí được tạo ra trong quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch.

Mỗi năm, hoạt động công nghiệp thường giảm xuống khi các doanh nghiệp và nhà máy đóng cửa để chào mừng năm mới âm lịch. Đợt nghỉ lễ này thường làm nồng độ NO2 sụt giảm tạm thời.

"Thông thường, mức độ ô nhiễm tăng trở lại sau 7 đến 10 ngày, nhưng năm nay thì khác," Fei Liu, nhà khoa học khí quyển tại Trung tâm hàng không vũ trụ Goddard của NASA ở Greenbelt, Maryland, cho biết. Một phân tích sơ bộ cho thấy ô nhiễm NO2 sau Tết Nguyên đán năm nay thấp hơn khoảng 10-30% so với cùng kỳ năm trước. Xu hướng giảm ô nhiễm NO2 tương tự cũng đã được ghi nhận ở miền bắc Italy - nơi các thành phố vẫn bị phong tỏa (ghi nhận qua dữ liệu từ vệ tinh Sentinel-5P của Cơ quan Vũ trụ châu Âu).

Theo Trung tâm nghiên cứu về năng lượng và không khí sạch ở Helsinki, các nỗ lực ngăn chặn virus corona đã kiềm chế 15-40% hoạt động công nghiệp của Trung Quốc. Tiêu thụ than đã chạm mức thấp nhất trong bốn năm vào tháng Hai và quá trình lọc dầu giảm hơn 1/3. Nhìn chung, phân tích của trung tâm này cho thấy lượng khí thải carbon của Trung Quốc đã giảm hơn 25% nhờ những nỗ ngăn chặn đại dịch.

COVID-19 so với dịch SARS năm 2003

Cả hai đều có nguồn gốc từ Trung Quốc trước khi lan rộng khắp thế giới. Cả hai đều được xác định là virus corona mới, nguy hiểm hơn một số loại virus liên quan gây cảm lạnh thông thường.

Virus corona gây SARS lây sang người từ cầy hương, sau khi cầy hương bị lây nhiễm từ dơi. Virus COVID-19, được gọi là SARS-CoV-2, cũng được cho là đến từ loài dơi, trực tiếp hoặc gián tiếp lây sang người thông qua một động vật có vú chưa được xác định. Cả hai virus gây ra sự hỗn loạn và thảm họa kinh tế. Nhưng hai vụ dịch đã tiến triển rất khác nhau, đặc biệt là về tốc độ và mức độ lây lan.

SARS đã diễn ra trong ba tháng trước khi được xác định là một loại bệnh mới. Hai tháng tiếp theo đó là quá trình tìm kiếm mầm bệnh: việc xác định và giải trình tự bộ gen của virus phần lớn đến từ các nhà nghiên cứu bên ngoài Trung Quốc.

Ngược lại, ba tuần sau trường hợp COVID-19 đầu tiên được ghi nhận, Trung Quốc đã thông báo cho WHO. Hai tuần sau đó, virus corona mới được phân lập, giải trình tự gen và có xét nghiệm chẩn đoán, cung cấp cho Trung Quốc các công cụ cần thiết để khởi động chiến dịch ngăn chặn đại dịch.

Virus COVID-19, mặc dù không gây chết người như SARS, lây nhiễm phổ biến hơn nhiều. Chỉ mất chưa đầy hai tháng kể từ khi phát hiện ra ca nhiễm đầu tiên đến khi số ca COVID-19 vượt qua tổng số ca bệnh SARS. Và trong ba tháng, COVID-19 gây ra số ca tử vong gấp 5 lần so với SARS.

Nguồn: