Những ngày tới, do tác động của triều cường cao kết hợp với gió mùa đông bắc mạnh, ranh mặn 4‰ có thể vào sâu thêm khoảng 5km nữa, tức là khoảng 75-80km trên sông Sài Gòn.

Theo Bản tin cảnh báo, dự báo thủy văn khu vực TPHCM của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ ngày 11/3 cho biết, từ 11 - 20/3, mực nước tại hầu hết các trạm lên nhanh theo đợt triều cường đầu tháng 2 âm lịch. Đỉnh triều cao nhất có thể xuất hiện từ ngày 11 – 13/3, cao hơn cùng kỳ năm 2023 khoảng 25cm. Mức nước ở hầu hết các trạm cũng lớn hơn so với cùng kỳ năm ngoái từ 4 – 5cm.

Mực nước đỉnh triều ở mức cao, có khả năng gây ngập úng tại các vùng trũng, thấp và ven sông, ảnh hưởng đến các hoạt động, đời sống kinh tế - xã hội khu vực TPHCM.

Về tình hình xâm nhập mặn, hiện tại ở khu vực TPHCM, ranh mặn 4‰ vào sâu trên sông Sài Gòn khoảng 70-75 km. Những ngày tới, do tác động của triều cường cao kết hợp với gió mùa đông bắc mạnh, độ mặn 4‰ có thể vào sâu thêm khoảng 5km nữa, tức là khoảng 75-80km. Mức độ rủi ro thiên tai ở cấp 3 (trên 5 cấp độ).

Trước đó, UBND TPHCM cũng đã ban hành Phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2024 trên địa bàn Thành phố.

Cụ thể, về giải pháp thủy lợi, tổ chức quan trắc, giám sát tình hình xâm nhập mặn tại các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng để kịp thời hướng dẫn người dân trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình thủy lợi, các công trình cấp nước; tăng cường công tác nạo vét, gia cố, duy tu sửa chữa hệ thống kênh tưới. Đặc biệt, hoàn thiện hệ thống kênh mương nội đồng ở các vùng có nguy cơ xảy ra hạn hán, để đảm bảo đủ cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, phòng chống cháy rừng.

TPHCM
Thử nghiệm trồng một số rau chịu mặn ở Cần Giờ, TPHCM. Ảnh: Internet

Đối với giải pháp về trồng trọt, TPHCM đề nghị thực hiện bố trí cơ cấu mùa, vụ gieo trồng phù hợp, ưu tiên sử dụng giống cây trồng có khả năng chịu mặn, chịu hạn, hiệu quả kinh tế cao. Tập trung xuống giống đồng loạt, đúng thời vụ, tăng cường áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm. Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc đối với các loại cây trồng tại vùng có nguy cơ nhiễm mặn cao.

Đối với giải pháp về chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, khuyến cáo người dân nuôi trồng thủy sản áp dụng mô hình nuôi phù hợp, chủ động chuyển đổi cơ cấu con giống phù hợp, thả giống mật độ hợp lý và có biện pháp chăm sóc chu đáo để hạn chế những thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn gây ra. Hướng dẫn các đơn vị, tổ chức và người dân các giải pháp cải tạo tốt ao nuôi, xây dựng chuồng trại phù hợp với tình hình thực tế. Từng bước áp dụng kỹ thuật, quy trình nuôi an toàn sinh học.

Đối với giải pháp về lâm nghiệp, rà soát lại các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng và cây phân tán cao với quy mô đám cháy lớn, để xây dựng các phương án phòng cháy chữa cháy theo diễn biến tình hình thời tiết và thực tiễn khu vực rừng có nguy cơ xảy ra cháy lớn. Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra, tuần tra các khu rừng trong phạm vi quản lý, chủ động chuẩn bị các loại phương tiện, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ máy bơm cấp nước phòng, chống hạn khi cần thiết. Đặc biệt, phục vụ phòng chống cháy rừng phòng hộ, rừng sản xuất, rừng đặc dụng và các vùng có cây lâm nghiệp phân tán ở huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi.