Tình trạng ngập lụt, xâm nhập mặn là hậu quả của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang ngày càng tác động tiêu cực đến đời sống, kinh tế của người dân khu vực Nhà Bè, Cần Giờ , buộc TPHCM cần có những giải pháp quy hoạch và kiến trúc nhằm ứng phó với tình trạng này.

Nhà Bè và Cần Giờ là hai huyện của TPHCM đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng nước biển dâng gây xâm nhập mặn, sạt lở đất, dẫn đến ngập lụt xảy ra thường xuyên. Làm thế nào để bảo vệ và phát triển bền vững các khu dân cư tại hai huyện này, là vấn đề quan trọng trong chương trình quản lý và phát triển đô thị của TPHCM, bởi đây là hai địa phương có tiềm năng to lớn về kinh tế.

Trước thực tế đó, nhóm nghiên cứu Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã thực hiện đề tài “Đánh giá tác động của ngập lụt do biến đổi khí hậu đến nhà ở tại khu vực Nhà Bè, Cần Giờ (TPHCM), đề xuất giải pháp quy hoạch và kiến trúc nhằm ứng phó”.

Khu dân cư tại huyện Cần Giờ
Khu dân cư tại huyện Cần Giờ Ảnh: NNC

Để giải quyết tình trạng ngập úng ở huyện Nhà Bè, nhóm nghiên cứu đề xuất áp dụng giải pháp sử dụng vỉa hè thẩm thấu nước kết hợp mảng xanh và hồ điều hòa tăng khả năng thoát nước cho khu dân cư, do khả năng thẩm thấu vào đất của nước mưa, lũ đối với đất đô thị chỉ bằng 1/5 so với đất cây xanh tự nhiên.

Các công trình, khu đất nằm trong vùng có nguy cơ ngập lụt phải hạn chế phát triển và bắt buộc có những biện pháp phòng lụt khi cải tạo công trình. Gia tăng không gian cho mặt nước và cây xanh tự nhiên giúp giảm nguy cơ ngập lụt, tạo cảnh quan cho đô thị.

Ngoài ra, cần tôn nền các cụm, tuyến dân cư, xây dựng bờ kè tại các khu vực ven sông bị ngập nặng. Trong đó, thiết kế, xây dựng bờ kè phải đáp ứng đỉnh triều 1,7m.

g
Cấu tạo mương sinh học và tuyến thẩm thấu Ảnh: NNC

Một giải pháp khác được nhóm nghiên cứu đề xuất là tạo mương sinh học và tuyến thẩm thấu để hình thành hệ thống thu nước ngầm trong lòng đất, bên dưới những tuyến đường giao thông và không gian xanh tự nhiên. Khi bị ngập, nước tràn trên mặt đường sẽ được dẫn hướng chảy qua vỉa hè, đến một hệ thống lọc tự nhiên, hay còn gọi là mương sinh học. Mương sinh học có độ dốc nhỏ từ 1-5%, có thể bao phủ bởi các lớp cỏ cây, thảm thực vật, phân hữu cơ (xử lý chất thải gây ô nhiễm môi trường). Đáy của mỗi mương sinh học được thiết kế chứa nhiều đá và cát để tăng cường khả năng thấm hút. Khi có mưa, nước thấm qua lớp cát đá, rồi chảy xuống cống để thoát ra kênh rạch, giúp nước tiêu thoát nhanh.

Đối với huyện Cần Giờ, theo TS Ngô Lê Minh, Chủ nhiệm đề tài, cần mở rộng dòng chảy của sông rạch, nạo vét tăng cường độ sâu để có thể chứa nhiều nước hơn. Các con sông, kênh rạch được mở rộng sẽ thuận theo địa hình và dòng chảy tự nhiên, giúp lượng nước lưu thông dễ dàng, thoát nước nhanh và phù hợp với cảnh quan tự nhiên chung của khu vực. Ngoài ra, một khối lượng lớn đất sau quá trình nạo vét, có thể được tận dụng để bồi đắp những khu vực đất trũng lên cao. Giải pháp này mang lại hiệu quả kép cho Cần Giờ trong việc tổ chức mô hình cư trú thích ứng nước biển dâng.

Mô hình nhà sàn nổi
Mô hình nhà sàn nổi cho cụm cư dân. Ảnh: NNC

Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất mô hình phát triển quy hoạch kiến trúc nhà ở ngay bên trên mặt nước, tạo thành một mạng lưới cư trú nổi, nhường đất lại cho việc chứa nước. Mô hình bao gồm một dãy nhà kéo dài, nửa trên đất liền, nửa trên mặt nước, hoặc nằm tách bạch hoàn toàn trên mặt nước, liên kết với nhau và với đất liền thông qua hệ thống cầu phao nổi. Riêng những khu đất ở xa bờ sông, có thể xây nhà kiên cố với nền nhà được nâng cao so với mặt đường như nhà sàn, nhà chòi, nhà lõi…

Đề tài nghiên cứu của nhóm tác giả đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu trong năm qua. Các giải pháp ngoài việc có thể ứng dụng và triển khai tại TPHCM, mà còn có thể áp dụng cho các tỉnh thành lân cận như Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu,…