TPHCM sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản,… để đạt mục tiêu đến năm 2030, 100% mẫu rau trồng tại thành phố đạt tiêu chuẩn an toàn.

UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch triển khai Quyết định số 4765/QĐ-BNN-TT ngày 9/11/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phê duyệt Đề án phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030 trên địa bàn TPHCM.

Theo đó, TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2025 diện tích canh tác rau là 3 ngàn ha (diện tích gieo trồng 15.280 ha), tập trung tại huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, sản lượng ước đạt 446 ngàn tấn. Hằng năm chuyển giao 3 - 4 giống rau mới phù hợp với điều kiện phát triển nông nghiệp đô thị tại Thành phố, cung cấp cho thị trường 400 - 500 tấn hạt giống rau các loại, đáp ứng cho 560 - 700 ngàn ha gieo trồng.

Tỷ lệ diện tích rau an toàn, tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc đạt 15% - 20% tổng diện tích gieo trồng rau của TPHCM. Diện tích canh tác ứng dụng công nghệ cao đạt 540 - 600 ha (chiếm tỷ lệ 18% - 20% tổng diện tích sản xuất rau); diện tích sản xuất rau hữu cơ đạt khoảng 10 - 15 ha. Giá trị sản xuất bình quân thu được trên 1 ha đất trồng rau đạt bình quân 700 - 750 triệu đồng/năm, giá trị sản lượng rau ứng dụng công nghệ cao chiếm 40% - 50% tổng giá trị rau.

Đến năm 2030, tỷ lệ diện tích rau an toàn, tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc đạt 30% - 40% tổng diện tích gieo trồng rau của Thành phố. Diện tích canh tác ứng dụng công nghệ cao đạt 1.000 - 1.250 ha (chiếm tỷ lệ 40% - 50% tổng diện tích sản xuất rau); diện tích sản xuất rau hữu cơ đạt khoảng 15 - 20 ha. Giá trị sản xuất bình quân thu được trên 1 ha đất trồng rau đạt bình quân 800 - 850 triệu đồng/năm, giá trị sản lượng rau ứng dụng công nghệ cao chiếm 60% - 70% tổng giá trị rau. Phấn đấu 100% số lượng rau sản xuất tại Thành phố được thanh, kiểm tra đạt tiêu chuẩn an toàn.

S
Sản xuất rau theo quy trình VietGap tại Hóc Môn, TPHCM. Ảnh: Internet

Để thực hiện mục tiêu trên, TPHCM triển khai một số giải pháp như phát triển các vùng sản xuất tập trung, ổn định, nghiên cứu sản xuất giống để tạo ra những giống rau trồng mới có năng suất cao, phù hợp với điều kiện môi trường hiện nay, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản,…

Đồng thời, tăng cường hợp tác các viện, trường, trung tâm nghiên cứu trong và ngoài nước về nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học về giống, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, Thành phố cũng tăng cường hợp tác với các nước, tổ chức quốc tế về sưu tập, trao đổi nguồn gen cây rau; khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất giống, sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao, dây chuyền sơ chế, chế biến rau.

Ngân sách nhà nước sẽ đầu tư, hỗ trợ tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tham quan, học tập các mô hình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao hiệu quả trong và ngoài nước; đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông, điện... trong sản xuất.

Được biết, rau là một trong sáu nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TPHCM, giúp ngành nông nghiệp của Thành phố chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị. Các vùng trồng rau lớn nằm tại ba huyện Củ Chi, Bình Chánh và Hóc Môn.

Trong một cuộc kiểm tra vào giữa năm 2022 của Ban quản lý an toàn thực phẩm TPHCM tại các chợ đầu mối của Thành phố, cơ quan chức năng đã phát hiện gần 50% mẫu rau quả ở đây có dư lượng hóa chất. Trong đó, 198 mẫu nằm trong mức giới hạn cho phép, 58 mẫu không nằm trong danh mục cho phép, 20 mẫu vượt mức giới hạn cho phép. Đáng nói, một số mẫu rau quả phát hiện cùng lúc tồn dư nhiều hoạt chất của thuốc bảo vệ thực vật, trong đó có sản phẩm phát hiện đến 7 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật.

Hiện nay, các chợ đầu mối không thể kiểm soát hết được chất lượng rau được trồng tại TPHCM và nhập từ các nơi khác về, do chi phí cao, thời gian xét nghiệm lâu (2 – 3 ngày). Vì vậy, cần kiểm soát quá trình sản xuất, canh tác đúng cách để có sản phẩm tốt cho người tiêu dùng.