Trong mùa khô năm 2023-2024, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long được dự báo có khả năng xuất hiện sớm và ăn sâu hơn trung bình nhiều năm.

Theo bản tin dự báo nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, mùa khô năm 2023 – 2024 (kéo dài từ tháng 12 năm trước đến tháng Tư năm sau), nguồn nước về ĐBSCL thuộc nhóm năm ít nước, ảnh hưởng của El Nino, nắng nóng, gây xâm nhập mặn ở mức cao.

Cùng với đó, mùa khô năm 2023 - 2024 ít có khả năng xuất hiện mưa trái mùa, nhiệt độ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1,5oC, nguy cơ làm gia tăng bốc hơi và tăng nhu cầu sử dụng nước của cây trồng, vật nuôi.

Trong khi đó, nguồn nước đổ về ĐBSCL có 95% tổng lượng từ thượng lưu sông Mê Kông (bên ngoài lãnh thổ) và chỉ 5% từ nội sinh trong nước. Do vậy, vào mùa khô hằng năm, nguồn nước ở ĐBSCL phụ thuộc gần như hoàn toàn vào dòng chảy từ thượng lưu sông Mê Kông và nguồn nước con sông này đóng vai trò cốt yếu đối với việc giải quyết các nguy cơ xâm nhập mặn ở ĐBSCL.

Dự báo nguồn nước về ĐBSCL trong mùa khô năm 2023 - 2024 có khả năng thiếu hụt từ 10 - 15% so với trung bình nhiều năm, nguồn nước ngọt khó khăn ngay từ đầu mùa khô, nhất là các khu vực ven biển và những nơi xa dòng chính của sông Cửu Long.

v
Hạn hán, xâm nhập mặn tại Tiền Giang. Ảnh: Internet

Đặc biệt, xâm nhập mặn có khả năng xuất hiện từ giữa tháng 1/2024, sớm hơn so với trung bình nhiều năm, khoảng 15 ngày, mặn cao nhất trong tháng Hai và tháng Ba.

Mức độ xâm nhập theo thời gian, cụ thể từ giữa đến cuối tháng 12/2023, ranh mặn 4g/l xâm nhập sâu từ 25 - 30km. Từ các tháng Một, Hai và nửa đầu tháng Ba năm nay, ranh mặn 4g/l vào sâu đến 50 - 70km. Giữa tháng Ba đến cuối mùa khô, theo quy luật hằng năm dòng chảy về ĐBSCL gia tăng nên xâm nhập mặn có xu thế giảm, ranh mặn 4g/l ở mức từ 45 - 60km.

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam khuyến cao, vùng ven biển ĐBSCL, xâm nhập mặn bất thường, làm ảnh hưởng đến nguồn nước và sản xuất ở các hệ thống thủy lợi ven biển như Gò Công (Tiền Giang), Bắc Bến Tre, vùng ven biển Trà Vinh và hệ thống Long Phú – Tiếp Nhật (Sóc Trăng). Các địa phương này cần chuẩn bị các phương án ứng phó và tích nước hợp lý, khi nguồn nước chưa bị ảnh hưởng mặn, đặc biệt là các vùng cây ăn trái thuộc các huyện Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc thuộc tỉnh Bến Tre, và huyện Kế Sách thuộc tỉnh Sóc Trăng.