Truyền thông là công cụ giúp các doanh nghiệp khai phá thị trường, tìm ra những khoảng trống tiềm năng, bởi vậy, nó cần được doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ, tính đến trong chiến lược phát triển của mình.

Ngày 5/10, trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp ĐMST Quốc gia - TECHFEST Việt Nam 2021, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (NATEC), Văn phòng Đề án 844, Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia (NSSC), đã phối hợp với Làng Công nghệ tiên phong, Làng Công nghệ Giải trí - Truyền thông và Tập đoàn Qualcomm Việt Nam tổ chức tọa đàm Ứng xử của truyền thông với công nghệ tiên phong.

Tọa đàm diễn ra trong bối cảnh, công nghệ làm cuộc sống văn minh hiện đại hơn, vì giúp giải quyết những bài toán khó trong cuộc sống. Tuy nhiên, công nghệ luôn đi trước thời đại và đại đa số người dân chưa có kiến thức về vấn đề này. Vì vậy, để người dân hiểu không dễ dàng.

Nguồn: Techfest
Nguồn: Techfest

Là đơn vị thường xuyên đầu tư cho các công nghệ tiên phong, ông Thiều Phương Nam - Tổng giám đốc của Qualcomm Việt Nam - bày tỏ: “Công tác truyền thông trong lĩnh vực công nghệ tiên phong gặp nhiều khó khăn do sự phức tạp của công nghệ. Không dễ để giải thích với công chúng bản chất của công nghệ mới một cách đơn giản”.

Đơn cử như khi đầu tư cho 5G, Qualcomm gặp không ít khó khăn khi truyền thông vì công nghệ này có độ phức tạp lớn. "Công nghệ 5G được hỗ trợ bởi 1.000 băng tần và thiết kế ăng ten phức tạp, giải thích về công nghệ một cách giản dị rất khó" - ông Nam nói thêm. Cuối cùng, Qualcomm chọn cách tập trung vào những lợi ích mà công nghệ mang lại cho người dùng, nhờ đó tiếp cận và truyền tải thông điệp đến công chúng dễ dàng hơn.

Nguồn: Techfest
Nguồn: Techfest

Đồng tình với cách làm của Qualcomm, ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Le Invest - cho biết, các công ty công nghệ khi giới thiệu công bố sản phẩm thường mong muốn đưa quá nhiều thông tin, trong khi nguyên lý căn bản của truyền thông ngày nay là phải dựa trên trải nghiệm của người dùng.

Bởi vậy, ông Vinh cho rằng Qualcomm đã lựa chọn cách đúng khi giới thiệu về lợi ích của công nghệ.

“Chúng ta chỉ cần một clip cho thấy 5G có thể giúp điều khiển từ xa con robot nhanh và theo thời gian thực, cái mà các công nghệ trước đó không làm được. Nhìn trải nghiệm như vậy người dùng sẽ hiểu ngay. Truyền thông cho IoT, bigdata… cũng như vậy” – ông Vinh chia sẻ.

Cho rằng "vai trò của truyền thông với công nghệ tiên phong là giúp khai phá thị trường lớn, tìm được đại dương xanh cho sản phẩm", bà Lê Mai Anh - Giám đốc quốc gia Global PR Hub, chia sẻ, đội ngũ của bà đã phải chủ động nghiên cứu kỹ thuật và sản phẩm mới liên quan đến công nghệ tiên phong để giúp các startup và doanh nghiệp công nghệ khai thác được điểm mạnh của sản phẩm và xây dựng chiến lược truyền thông hợp lý.

Các diễn ra tại tọa đàm Phá Băng.
Các diễn ra tại tọa đàm Phá Băng. Ảnh chụp màn hình

Trong khi đó, theo ông Phạm Anh Chiến, Phó giám đốc Trung tâm Sản xuất & phát triển Nội dung số (VTV Digital), Đài Truyền hình Việt Nam, sự chủ động của đơn vị truyền thông có tập khán giả lớn như VTV sẽ tạo ra hiệu ứng quan trọng trước khi sản phẩm công nghệ đưa vào ứng dụng. Người dân sẽ dần quen với các khái niệm công nghệ và hào hứng chờ đợi công nghệ được ứng dụng vào cuộc sống.

Trong khi đó, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, nêu ví dụ về cách làm của Nhật Bản, đó là truyền thông cho công nghệ tiên phong như AI, 5G thông qua chương trình Japan Innovation Today. Với những câu chuyện đời thường được trình bày bằng ngôn ngữ giản dị, chương trình đã giới thiệu được bản chất và lợi ích của công nghệ tiên phong, đồng thời truyền kiến thức và cảm hứng cho người sử dụng sản phẩm, bao gồm học sinh, sinh viên.

"Việc truyền cảm hứng cho thế hệ tương lai rất quan trọng", bởi họ không chỉ là người dùng mà còn là lực lượng chính sáng tạo ra công nghệ mới - ông Quất nhấn mạnh.