Chặng đường đến lớp học của công nghệ giáo dục chỉ có thể rút ngắn nhờ những giáo viên chủ động và sự hợp tác nhịp nhàng giữa các startup thuộc các mảng miếng khác nhau, từ nội dung học liệu đến xây dựng nền tảng.

Cô Nguyễn Thị Diến - giáo viên môn Hóa học Trường THPT Nguyễn An Ninh (Quận 10, TP HCM) - nhớ lại, năm học 2019-2020, khi bước vào lớp, giới thiệu về bài học có sử dụng công nghệ thực tế ảo/thực tế ảo tăng cường (VR/AR) giúp học sinh dễ dàng quan sát các nguyên tử, phân tử hóa học qua phần mềm điện thoại, tất cả các em đều ngỡ ngàng. Phần mềm này do cô Diến tự tìm hiểu và xây dựng với mong muốn “sử dụng công nghệ làm phong phú thêm nội dung bài giảng, giúp học sinh hứng thú hơn với môn học” và có thể “du lịch trong thế giới Hóa học” - như cách nói của cô.

Bất ngờ đó khiến “tụi học sinh nhìn tôi bằng con mắt khác”, và đâu đó, cô Diến nghe thấy có em thốt lên “cô ơi, cô ở đâu rơi xuống thế”, bởi cô Diến không phải giáo viên công nghệ hay tin học.

Học sinh Trường THPT Nguyễn An Ninh (Quận 10, TP HCM) dùng App để khám phá kiến thức mới. Nguồn: NVCC

Để làm ra những sản phẩm gây ngạc nhiên thích thú như vậy, cô Diến mất sáu tháng mày mò tìm hiểu trên internet về cách ứng dụng VR/AR và coding, cũng như về các nền tảng và phần mềm.

Theo quan sát của cô, học sinh vô cùng hứng thú với những công nghệ mới. Không chỉ tiếp cận với tư cách người học, người khám phá kiến thức dựa trên các “nền tảng” công nghệ, học sinh còn tham gia tạo ra các sản phẩm AR, các app “ảo” dưới sự dẫn dắt của cô.

“Các ứng dụng AR/VR và các nền tảng đã có sẵn, giáo viên có thể áp dụng linh hoạt để đạt được mục đích bài giảng,” cô Diến nói. “Trước kia có thể dạy kiểu truyền thống, giáo viên đọc và học sinh ghi bài. Xu hướng bây giờ, giáo viên không đóng vai trò truyền đạt kiến thức nữa mà là người tổ chức hoạt động dạy học với sự hỗ trợ của công nghệ.” Cá nhân cô thường xuyên ứng dụng công nghệ để xây dựng các hoạt động học tập một cách linh hoạt, có sự thay đổi theo từng lớp, từng năm học.

Tại một ngôi trường khác cũng ở TPs. HCM - Trường THCS Lê Quí Đôn - trong tiết học vật lý diễn ra ở phòng học STEM, thầy và trò lại sử dụng kính thực tế ảo để quan sát các hiện tượng như nhật thực; nguyệt thực; cách di chuyển của Mặt trời, Mặt trăng, Trái đất.

Khác với lớp học của cô Diến, đây là kết quả chương trình hợp tác giữa startup WiTek và Trường THCS Lê Quí Đôn với mong muốn đưa công nghệ vào quá trình giảng dạy.

Những lớp học như thế đang xuất hiện ở nơi này, nơi khác, cho thấy công nghệ giáo dục đã ngấp nghé ở cửa lớp học trong bối cảnh chương trình giáo dục phổ thông mới chú trọng hơn phương pháp học tích hợp liên môn STEM.

Những nẻo đường cho công nghệ giáo dục

Dù mang lại sự hào hứng cho cả học sinh và giáo viên nhưng để được đưa vào giờ học ngoại khóa ở trường Lê Quí Đôn, theo anh Vũ Duy Thành – Giám đốc WiTek, đã không phải là chuyện dễ dàng.

WiTek tích lũy được không ít kinh nghiệm trong quá trình phát triển hơn 600 thí nghiệm ảo và hơn 200 bài giảng sử dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường để cung cấp cho một số trường ở Singapore, Indonesia và Việt Nam; nhưng người lãnh đạo startup này cho rằng hành trình dài và gian nan còn ở phía trước.

“Chúng tôi phải qua rất nhiều buổi dùng thử, trình bày và hội thảo giới thiệu sản phẩm với lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, ban giám hiệu, giáo viên, phụ huynh, và học sinh để nhận được sự tin tưởng và chấp nhận” – anh cho biết.

Rõ ràng, công nghệ giáo dục có thể bước vào lớp học theo những cách khác nhau - thông qua những giáo viên chủ động như cô Diến hay thông qua sự hợp tác giữa nhà trường với các công ty công nghệ như trường hợp của WiTek. Tất cả đều hướng tới mục tiêu đa dạng hình thức và phong phú nội dung dạy học. Cô Diến thậm chí tự tin rằng, giáo viên còn có lợi thế nhất định so với các công ty công nghệ. “Nếu giáo viên được hướng dẫn, trang bị kiến thức công nghệ, họ có thể chủ động và linh hoạt thiết kế bài giảng theo mong muốn của mình, thậm chí có thể trở thành người hướng dẫn học sinh tham gia xây dựng nội dung bài giảng cùng mình” – cô Diến nói. Trong khi đó, sản phẩm cuối cùng của doanh nghiệp, theo cô, không phải lúc nào cũng đáp ứng hoàn toàn nhu cầu của giáo viên và không phải lúc nào cũng có thể tùy biến để phù hợp với những hoạt động dạy học cụ thể.

Để tránh sự “trật khớp” này, cách làm của WiTek là cùng các trường xây dựng nội dung, chẳng hạn như cho chương trình STEM đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê chuẩn vào năm 2018 và đang triển khai ở lớp 1 và lớp 6. Kể về trải nghiệm làm việc với Bộ Giáo dục Singapore, anh Thành cho biết, cơ quan này hiểu rất rõ họ cần gì ở đơn vị công nghệ. Họ sẽ cung cấp đầy đủ nội dung để WiTek chỉ việc chuyển đổi thành bài giảng trên nền tảng công nghệ. Tất nhiên, nội dung đó do các đơn vị nghiên cứu, học thuật của họ chuẩn bị. Ở Việt Nam, theo anh Thành, hiện chưa có đơn vị nào đảm nhận việc xây dựng những học liệu như vậy. Để thích nghi với thực tế này, WiTek không có cách nào khác ngoài tự mày mò tìm kiếm đối tác, kết nối với các trung tâm nghiên cứu, trường đại học, trường học… để chuẩn hóa nội dung cho các bài giảng, thí nghiệm ảo của mình.

“Việt Nam cần thêm 3-5 năm nữa để các nhà phát triển hoàn thiện nền tảng, nội dung học liệu bài bản,” anh Thành nhận định. “Chỉ khi ấy, công nghệ giáo dục mới tạo ra sản phẩm mà người học thật sự muốn dùng.”

Việt Nam được xác định là một trong ba thị trường đầu tư trọng điểm ở châu Á về công nghệ giáo dục. Theo Báo cáo Công nghệ giáo dục Việt Nam 2020 do EdTech Agency thực hiện, Việt Nam nằm trong top 10 thị trường EdTech có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới - khoảng 44,3%/năm và ước tính sẽ đạt 3 tỷ USD vào năm 2023. (Để so sánh, theo chuyên gia ADB, quy mô thị trường tài chính số Việt Nam ước đạt 3,8 tỷ USD vào năm 2025).

Nhìn chung trên thế giới, theo dự báo của HolonIQ, công ty nghiên cứu thị trường giáo dục có trụ sở ở New York (Mỹ), đầu tư cho công nghệ giáo dục sẽ tăng gấp đôi trong năm năm tới, từ 227 tỷ USD lên 404 tỷ USD.

Tại một hội thảo mới đây về công nghệ giáo dục do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, ông Đỗ Nguyên Hưng - Trưởng làng Công nghệ Giáo dục tại TECHFEST 2020, chỉ ra, thị trường Việt Nam có nhiều startup giáo dục nhưng hầu hết chỉ tập trung vào các nền tảng dạy học, đặc biệt là tiếng Anh, hay thi online. Ông cho rằng cần có thêm những startup ở những mảng miếng khác phong phú hơn (như nội dung học liệu, nền tảng, dịch vụ cung cấp B2B, B2C) để làm thành một hệ sinh thái công nghệ giáo dục hoàn chỉnh.